23/04/2024 | 17:03 GMT+7, Hà Nội

Hàng loạt doanh nghiệp lớn kiến nghị gỡ các nút thắt xây dựng nhà ở xã hội

Cập nhật lúc: 03/08/2022, 13:30

Hội nghị phát triển nhà ở xã hội ghi nhận sự tham gia của nhiều doanh nghiệp lớn uy tín trong ngành xây dựng như Tập đoàn Vingroup, Tập đoàn Sungroup, Tập đoàn Him Lam, Tập đoàn Bitexco, Becamex Bình Dương.

Tại Hội nghị “Thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp” diễn ra sáng 1/8/2022, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cho biết: “Từ chiều qua đến hết sáng nay, các doanh nghiệp và tập đoàn lớn đã đăng ký 1.281.000 căn hộ nhà ở xã hội. Thành công này sẽ giải quyết được nhu cầu nhà ở cho gần 10 triệu công nhân”.

Trong bối cảnh lĩnh vực này đang gặp khó khăn đối với việc thu hút nguồn vốn đầu tư, việc có nhiều “ông lớn” ngành xây dựng cùng tham gia đã hy vọng lớn cho những người thu nhập thấp.

Song, các doanh nghiệp vẫn đang loay hoay với câu hỏi: “Chúng tôi mong muốn đóng góp, nhưng làm thế nào để chúng tôi đóng góp tốt, làm thế nào để chúng tôi tham gia đầu tư được?”. Những trăn trở này đặt ra việc cần thiết có các giải pháp cho những bất cập, rào cản nhằm mở ra con đường “hồi sinh” cho thị trường nhà ở giá rẻ hiện nay.

Doanh nghiệp mong muốn đồng hành nhưng vấp phải hàng loạt khó khăn

Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Văn Hồi - Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, nhà ở xã hội là nhu cầu chính đáng của người dân, người lao động và là yêu cầu của bảo đảm an sinh xã hội. Hội nghị về vấn đề này được Thủ tướng Chính phủ và Phó Thủ tướng Chính phủ chủ trì hôm nay là cần thiết và kiến nghị với Thủ tướng cần duy trì việc này hằng năm.

Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Văn Hồi (Ảnh: VGP)
Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Văn Hồi (Ảnh: VGP)

“So với nhu cầu thực tiễn thì số lượng nhà ở xã hội chưa đạt yêu cầu, và còn nhiều tồn tại bất cập, đặc biệt là qua ứng phó với đại dịch COVID-19 và so với nhu cầu của phát triển kinh tế, xã hội bền vững”, Thứ trưởng Nguyễn Văn Hồi nói.

Đây là vấn đề cấp bách, đặc biệt là nổi lên vấn đề công nhân lao động đang làm thuê, ở trọ nhiều nhưng diện tích, điều kiện sống chưa đạt tiêu chuẩn xây dựng. Nhà ở của hộ nghèo cũng chưa đạt tiêu chuẩn sống và nhà thuê, nhà trọ ở xa khu công nghiệp, khu chế xuất đang có giá cao so với thu nhập của người lao động.

“Riêng TP.HCM, như đồng chí Thủ tướng, Phó Thủ tướng vào kiểm tra trong phòng chống đại dịch là đã có 780.000 căn hộ cho thuê chưa đạt tiêu chuẩn. Mục tiêu phát triển nhà ở xã hội đang thiếu chi tiết, thiếu mục tiêu ưu tiên cụ thể về nhà xã hội cho các nhóm công nhân tại khu công nghiệp, khu chế xuất và các hộ có thu nhập thấp, hộ nghèo, hộ chính sách, hộ có công với cách mạng”, ông Nguyễn Văn Hồi nhấn mạnh.

Nêu ý kiến tại Hội nghị, đại diện Tập đoàn Vingroup, Chủ tịch HĐQT Vinhomes - ông Phạm Thiếu Hoa cho biết: “Tập đoàn mong muốn ngày càng có nhiều những căn nhà đẹp, có những tiện ích cơ bản cho người thu nhập thấp. Việc triển khai nhà ở thu nhập thấp, nhà ở xã hội có thể không mang lại lợi nhuận nhiều nhưng có ý nghĩa xã hội to lớn”.

Chủ tịch HĐQT Vinhomes - ông Phạm Thiếu Hoa: Tập đoàn phấn đấu 5 năm tới sẽ đầu tư 500.000 căn nhà ở xã hội (Ảnh: VGP)
Chủ tịch HĐQT Vinhomes - ông Phạm Thiếu Hoa: Tập đoàn phấn đấu 5 năm tới sẽ đầu tư 500.000 căn nhà ở xã hội (Ảnh: VGP)

Về phía doanh nghiệp, Tập đoàn Vingroup phấn đấu 5 năm tới sẽ đầu tư 500.000 căn nhà ở xã hội. Tuy nhiên, để đầu tư xây dựng dự án nhà ở xã hội, nhà cho người thu nhập thấp, ngoài nỗ lực của doanh nghiệp rất cần Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đồng hành, hỗ trợ để vượt qua các rào cản về cơ chế chính sách, nguồn vốn và thủ tục pháp lý.

Theo ông Phạm Thiếu Hoa, một số khó khăn hiện hữu như, hiện nay thủ tục phê duyệt dự án nhà ở xã hội rất lâu, tối thiểu 600 ngày hoặc dài hơn. Hoặc như Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nói liên quan đến vấn đề quy hoạch, hiện nay tất cả đề án có nhà ở xã hội liên quan đến các chỉ tiêu mới về diện tích nhà ở xã hội từ 25-70m2. Do vậy tất cả các đề án quy hoạch, quy hoạch chi tiết 1/500 phải điều chỉnh lại vì sẽ tăng chỉ tiêu dân số, tăng cả tiện ích xã hội, tiện ích hạ tầng xã hội. Điều này dẫn đến phải điều chỉnh quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết, nhưng nếu làm sẽ rất lâu.

Ông Đặng Minh Trường - Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Sun Group cũng cho biết, việc phát triển nhà ở xã hội là một trong những chính sách nhân văn của Nhà nước nhằm giải quyết nhu cầu nhà ở cho đối tượng là hộ nghèo, người lao động, công nhân và người có thu nhập thấp. Tập đoàn Sun Group rất vinh dự được tham gia đồng hành cùng với Chính phủ. Tuy nhiên, dù chính sách hiện hành đã phần nào tạo điều kiện để phát triển nhà ở xã hội nhưng nhiều khó khăn vẫn chưa được tháo gỡ.

Cụ thể, đại diện Tập đoàn Sun Group nêu vướng mắc về đối tượng được mua nhà ở xã hội. Theo quy định tại Điều 49 của Luật Nhà ở thì đối tượng mua nhà ở xã hội gồm 10 đối tượng là cá nhân mua nhà ở xã hội. Tuy vậy, quy định này trong thời gian qua đã hạn chế nguồn cầu về nhà ở xã hội. Hay quy định quỹ đất 20% dành cho nhà ở xã hội đối với các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị cũng đang làm khó doanh nghiệp.

Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sun Group - ông Đặng Minh Trường kiến nghị mở rộng đối tượng được mua nhà ở xã hội (Ảnh: VGP)
Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sun Group - ông Đặng Minh Trường kiến nghị mở rộng đối tượng được mua nhà ở xã hội (Ảnh: VGP)

Đồng quan điểm, ông Dương Công Minh, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn Thương Tín cho biết sẵn sàng tham gia chương trình phát triển nhà ở xã hội, nhưng còn nhiều vướng mắc cần tháo gỡ. Những dự án nhà ở thương mại nhưng có 20% nhà ở xã hội, như vậy rất nhỏ lẻ và manh mún, bất cập và khó thực hiện.

“Doanh nghiệp chúng tôi sẵn sàng đăng ký tham gia 75.000 căn hộ từ nay đến 2030. Đây là quỹ đất mà doanh nghiệp của chúng tôi đã có nhưng quan trọng nhất là tháo gỡ khó khăn về thủ tục. Chúng tôi có 2 dự án nhà ở thương mại, theo đề nghị của Bộ Xây dựng chuyển thành nhà ở xã hội để lo cho người nghèo nhưng có một dự án tới 5 năm, một dự án 3 năm đến nay chưa hoàn thiện xong thủ tục. Từ nhà ở thương mại chuyển sang nhà ở xã hội còn khó hơn thủ tục làm nhà ở thương mại. Rõ ràng, các doanh nghiệp đều có nghề, có nguồn lực dồi dào nhưng để làm được rất khó. Thủ tục vô cùng phức tạp, từ thành phố, tỉnh, các ngành đến các bộ, ngành”, ông Dương Công Minh nêu ý kiến.

Nói đến tâm huyết với nhà ở thu nhập thấp, đại diện lãnh đạo Becamex Bình Dương cho biết: “Becamex luôn coi trọng xây dựng các khu nhà ở xã hội chất lượng, giá rẻ phục vụ người lao động nói chung và người lao động nhập cư nói riêng, đặc biệt là nhóm người có thu nhập thấp, trong đó có những người lao động ngoại tỉnh”.

Hiện Becamex đã xây dựng 64.000 căn nhà ở xã hội hoàn thiện với mỗi căn hộ tối thiểu khoảng 30m2; tiến tới Becamex có thể xây dựng 120.000 căn hộ. Theo đề án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân đã được UBND tỉnh Bình Dương phê duyệt, Becamex sẽ dành 105ha để tiếp tục xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.

“Hơn 20 năm qua, Becamex luôn kiên định với triết lý, góp tiền thuê nhà trọ thành tiền mua nhà để hỗ trợ cho người lao động sớm an cư lạc nghiệp tại những nơi mà chúng tôi đầu tư”, lãnh đạo Becamex nhấn mạnh.

Tâm huyết đã có, tham vọng đã đặt ra, những mục tiêu cũng đang dần đạt được, nhưng còn đó nhiều rào cản cần tháo gỡ để mở đường cho doanh nghiệp.

Phải để doanh nghiệp thực thi một cách dễ dàng

Tại Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Văn Hồi nêu kiến nghị, về mục tiêu đến năm 2025 sẽ tung ra thị trường khoảng 450.000 căn hộ, đến năm 2030 dự kiến là 1.000 căn nhà ở xã hội, kể cả đã và sẽ khởi công mới là chưa phù hợp nhu cầu. Ông Hồi lý giải, riêng số công nhân lao động ở thuê, ở trọ được hỗ trợ theo Nghị quyết số 11/NQ-CP là 3,4 triệu lao động. Nếu tính cả các gia đình của người lao động thì đã cần diện tích nhà ở, nhà xã hội là 34 triệu m2, chưa tính đến nhu cầu ở nhà ở xã hội cho hàng triệu hộ nghèo và người có thu nhập thấp khác. Vậy nên, ông Hồi kiến nghị Bộ Xây dựng rà soát và tính toán lại.

Về giải pháp, Thứ trưởng Nguyễn Văn Hồi đề nghị nên bổ sung giải pháp phát triển nhà ở xã hội trước mắt cho nhân lao động ở hơn 300 khu công nghiệp, khu chế xuất để bảo đảm nhà ở cho 3 triệu lao động khu vực này theo cơ chế cho thuê, cho mua.

Địa phương bố trí đất và các nhà máy, khu công nghiệp, khu chế xuất có trách nhiệm đầu tư để giải quyết vấn đề. Cần thiết Nhà nước nên hỗ trợ vốn, tăng cường cho vay vốn xây dựng, phát triển nhà ở xã hội thông qua Ngân hàng Chính sách. Hiện nay, Ngân hàng Chính sách cho vay được một triệu hộ nhưng nhu cầu thị trường còn nhiều hơn.

Trên bình diện rộng, Chính phủ cần tiếp tục có các chính sách phù hợp về thuế, đất đai, tín dụng nhằm tăng đầu tư phát triển nhà ở xã hội; tăng thu nhập; tiếp tục cải cách hành chính; giảm chi phí sản xuất nhà ở, giảm giá nhà ở xã hội trong các thành phố, đô thị và giá nhà nói chung. Tiếp tục hỗ trợ cho cả sinh viên mới ra trường, cho vay để tiếp cận nhà ở với lãi suất, mức vốn, thời gian vay phù hợp hơn.

Đại diện Tập đoàn Vingroup, ông Phạm Thiếu Hoa cũng đưa ra một số kiến nghị:

Thứ nhất, chủ doanh nghiệp có đất hoặc thu mua đất làm nhà ở xã hội xin được cơ chế chỉ định thầu, chứ không đấu thầu, còn các chỉ tiêu do cơ quan Nhà nước phê duyệt.

Thứ hai, đề nghị Chính phủ vào cuộc, song song với việc các địa phương điều chỉnh quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết thì cho phép doanh nghiệp tài trợ hoặc tham gia vào điều chỉnh quy hoạch chi tiết 1/500 các dự án nhà ở xã hội để đẩy nhanh tiến độ. Còn các chỉ tiêu, quy hoạch về dân số, hạ tầng do các cơ quan Nhà nước phê duyệt chứ doanh nghiệp không gia vào việc này.

Thứ ba, đề nghị những bước nào làm song song được thì cho làm song song như hồ sơ đấu thầu công khai, lựa chọn nhà đầu tư… Chúng ta có thể rút ngắn xuống từ 90 đến 120 ngày để các địa phương công bố các đề án, dự án nhà ở xã hội, các doanh nghiệp tham gia nộp hồ sơ.

Đồng thời, chính quyền thực hiện quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết 1/500, với tinh thần rút ngắn thủ tục hành chính, có cơ chế, chính sách hỗ trợ, ưu đãi cho các nhà đầu tư làm nhà ở xã hội bình đẳng, trung thực với các đơn vị, doanh nghiệp tham gia đầu tư.

Ông Dương Công Minh, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Ảnh: VGP)
Ông Dương Công Minh, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Ảnh: VGP)

Không chỉ Vingroup, ông Dương Công Minh, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn Thương Tín cho biết sẵn sàng tham gia chương trình phát triển nhà ở xã hội. Tuy nhiên, đề nghị Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước có cơ chế, chính sách cụ thể, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp. Với vai trò là chủ của Tập đoàn Him Lam, chúng tôi xin có một số đề xuất:

Một là, Chính phủ đang tập trung huy động doanh nghiệp tham gia vào vấn đề nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhưng nguồn lực lớn nhất để xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở công nhân chính là ở người dân, như ở TP.HCM có 700.000 phòng trọ cho công nhân do người dân xây dựng. Trong khi nguồn lực từ doanh nghiệp không đủ, đề nghị Chính phủ nghiên cứu kỹ vấn đề này vì đây là vấn đề rất lớn nhưng quy chuẩn, tiêu chuẩn không có. Quan trọng nhất là chúng ta phải xây dựng được tiêu chuẩn, quy chuẩn nhà trọ để huy động được nguồn lực lớn từ người dân.

Đề nghị Chính phủ giao Bộ Xây dựng xây dựng bộ quy chuẩn, tiêu chuẩn về nhà trọ cho công nhân. Hiện nay công nhân đa số từ nông thôn lên thành phố làm việc, sau một thời gian họ cũng không ở lại mà trở về quê. Do vậy, chúng ta phải quan tâm đến đối tượng này. Chúng ta có bộ quy chuẩn, tiêu chuẩn, như vậy mới cấp phép kinh doanh được.

Hai là, xây dựng chính sách hỗ trợ về nguồn vốn để giúp người dân phát triển nhà ở công nhân cho thuê. Vấn đề quan trọng nhất là làm sao để người dân tham gia tích cực, sau đó mới đến phần doanh nghiệp tham gia.

Tóm lại, theo ông Minh, quan trọng nhất phải có tiêu chuẩn, quy chuẩn và có chính sách để hỗ trợ người dân phát triển thì mới nhanh được, đáp ứng được nhu cầu đại đa số, lại giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước. Nên quy hoạch khu vực nhà ở xã hội tập trung. Các địa phương cần có quy hoạch riêng nhà ở xã hội, nhà ở công nhân. Trong khu công nghiệp, cũng không thuần túy là nhà ở công nhân mà còn các đối tượng làm việc trong khu công nghiệp, cũng đều phải được tính toán, quy hoạch trong đấy.

Nêu ý kiến tại Hội nghị, ông Đặng Minh Trường, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Sun Group cũng đề xuất một số cơ chế, chính sách sau:

Thứ nhất, kiến nghị mở rộng đối tượng được mua nhà ở xã hội đối với tổ chức (có thể là doanh nghiệp) mua nhà ở xã hội để cho cá nhân, người lao động có thu nhập thấp thuê mua hoặc thuê dài hạn hoặc bán cho người lao động của chính doanh nghiệp đó mà có nhu cầu với giá ưu đãi. Thực tiễn, trong thời gian qua, Tập đoàn Sun Group đã triển khai xây dựng các khu nhà ở xã hội Sunhome cho cán bộ, nhân viên tập đoàn thuê hoặc thuê dài hạn, nhằm ổn định đời sống và yên tâm làm việc của người lao động.

Thứ hai, trường hợp địa phương đã bố trí quỹ đất dành cho nhà ở xã hội đảm bảo nhu cầu của địa phương, thì cũng mong các bộ, ngành xem xét không cần bố trí thêm quỹ đất nhà ở xã hội đối với các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị. Đối với trường hợp này, doanh nghiệp được phép đóng tiền sử dụng đất phải nộp đối với quỹ đất 20% nhà ở xã hội, đồng thời, phân quyền cho địa phương là cơ quan có thẩm quyền chấp thuận.

Chủ tịch Tập đoàn Bitexco Vũ Quang Hội: Cần nâng chính sách cũ thành chính sách mới để hỗ trợ cho các đối tượng, toàn bộ người dân đều vào cuộc (Ảnh: VGP)
Chủ tịch Tập đoàn Bitexco Vũ Quang Hội: Cần nâng chính sách cũ thành chính sách mới để hỗ trợ cho các đối tượng, toàn bộ người dân đều vào cuộc (Ảnh: VGP)

Tiếp tục thảo luận đưa ra ý kiến đóng góp, Chủ tịch Tập đoàn Bitexco - ông Vũ Quang Hội đề xuất: Chúng ta vẫn dùng nhà trọ nhưng nâng lên thành một chính sách để chính những người dân có điều kiện sẽ chuyển đổi thành nhà hiện đại hơn, quy mô tốt hơn, đời sống tốt hơn. Việc chuyển chính sách cũ thành chính sách mới, thu hút toàn bộ người dân vào cuộc để hỗ trợ cho các đối tượng thì sẽ tốt hơn.

“Nếu chúng ta nghiên cứu thật nhanh trong vòng 1 tuần để ra được chính sách này, những người dân ở các khu công nghiệp được hưởng chính sách đầu tư, thì trong vòng chỉ 2 năm là giải quyết được cơ bản về nhà ở”, ông Vũ Quang Hội khẳng định.

Mặt khác, theo ông Hội, các đối tượng được đưa ra ở hội nghị chỉ ghi là nhà ở xã hội và nhà ở cho công nhân. Thế nhưng, sau 25 năm phát triển, ở thời điểm này, nền kinh tế tri thức gắn với các khu công nghệ cao rất nhiều, vậy nên đối tượng cần mở ra là trí thức, kỹ sư, chuyên gia kỹ thuật, chuyên gia cao cấp.

“Chúng ta mở rộng đối tượng để xây các khu nhà cao cấp hơn, để các chuyên gia có thể thuê dài hạn hoặc thuê - mua. Có thể chính sách này sẽ thu hút các doanh nghiệp lớn vào cuộc và cùng với chính quyền để thực hiện. Nhưng quan trọng là Chính phủ phải có một nhóm xuống làm việc cùng với các doanh nghiệp để nghiên cứu những gì còn đang vướng, đang khó để tháo gỡ. Đồng thời, Chính phủ nên nghiên cứu để đưa vào một đầu mối, chỉ một cơ quan đưa ra quyết định. Đã nằm ở trong khuôn đó rồi thì bất kỳ ai tham gia thực hiện cũng đều được hưởng chính sách đó”, ông Hội đề xuất.

Ông Hội nói: “Chúng tôi đến đây cũng muốn cam kết với Chính phủ và các địa phương là mong muốn làm thế nào để chúng tôi đóng góp tốt, làm thế nào để chúng tôi tham gia đầu tư được, kể cả việc thu hồi vốn, kể cả việc ưu đãi… Chúng ta khuyến khích nhưng cũng phải để doanh nghiệp thực thi một cách dễ dàng, không để doanh nghiệp phải có quá nhiều đầu mối, đi gặp quá nhiều các cơ quan”.

Đây cũng chính là trăn trở của hầu hết các doanh nghiệp tham gia lĩnh vực nhà ở giá rẻ. Hội nghị lần này chính là nơi để doanh nghiệp, Chính phủ, các bộ ban ngành cùng nhìn nhận vấn đề và chung tay tháo gỡ khó khăn, mở ra hy vọng cho hàng triệu người dân đang trông chờ từng ngày các dự án nhà ở xã hội đi vào hoạt động./.

Nguồn: https://reatimes.vn/doanh-nghiep-kien-nghi-go-nut-that-xay-dung-nha-o-xa-hoi-20201224000013481.html