23/11/2024 | 03:28 GMT+7, Hà Nội

Hàng không Việt Nam: Hơn 36.800 chuyến bay "chậm trễ" trong năm 2016

Cập nhật lúc: 08/12/2016, 19:32

Tại Hội nghị chất lượng dịch vụ hàng không 2016, diễn ra ngày 2/12 vừa qua, nhiều thông tin về dịch vụ hàng không Việt Nam trong năm qua đã được công bố.

Theo đó, năm 2016, thị trường hành khách hàng không đã có sự tăng trưởng mạnh ước đạt 52,2 triệu khách, tăng trên 29% so năm 2015.

Thị trường nội địa tăng trưởng mạnh

Đánh giá khách quan cho thấy, các hãng hàng không Việt Nam đã đẩy mạnh khai thác thị trường nội địa, đặc biệt là VietJet Air và Jetstar Pacific với việc mở rộng mạng đường bay và tăng tần suất trên các đường bay nội địa.

Cụ thể, hai hãng hàng không giá rẻ này đã khai thác 50 đường bay nội địa nối Hà Nội, Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh với 17 sân bay địa phương.

Điều này khiến thị trường hành khách nội địa có sự tăng trưởng mạnh, đạt 28 triệu khách, tăng 30% so năm 2015.

Đối với thị trường quốc tế, năm 2016 có 52 hãng hàng không nước ngoài thuộc 28 quốc gia và vùng lãnh thổ khai thác đi/đến Việt Nam với 78 đường bay từ 34 điểm đến Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Phú Quốc, Hải Phòng và Nha Trang.

 Thị trường hàng không Việt Nam trong năm 2016 đã phát triển mạnh mẽ

Jetstar Pacific đứng đầu bảng về tỷ lệ chậm chuyến

Trong 11 tháng đầu năm 2016, các hãng hàng không Việt Nam đã thực hiện hơn 228 nghìn chuyến bay với 36.844 chuyến bay bị chậm chiếm 16,1%, tăng 0,6 điểm và 1.605 chuyến bay bị hủy chiếm 0,7%, tăng 0,2 điểm so với cùng kỳ năm 2015.

So với cùng kỳ năm 2015, số chuyến bay thực hiện của các hãng hàng không Việt Nam tăng xấp xỉ 37 nghìn chuyến, tương ứng với 19% chuyến bay thực hiện, tuy nhiên tỷ lệ chuyến bay chậm, hủy chỉ tăng thêm 0,8%. 

Báo cáo tại Hội nghị cho thấy, Vietnam Airlines có tỷ lệ chậm 16,1%, tăng 2 điểm so với cùng kỳ. Tỷ lệ chậm chuyến của VietJet Air là 16,4% giảm 1,1 điểm và Jetstar Pacific có tỷ lệ chậm chuyến ở mức cao, lên đến 19,5%.

Điều đáng nói là con số này đã giảm 1,1 điểm so với tỷ lệ chậm chuyến của Jetstar Pacific so với cùng kỳ 2015.

VASCO là hãng có tỷ lệ chậm chuyến thấp nhất, đạt 4,7%, giảm 0,6 điểm.

Tuy vậy, đơn vị này lại có tỷ lệ hủy chuyến cao nhất với tỷ lệ 1,4%. Tiếp sau đó là Jetstar Pacific với 1,3%, tăng 0,6 điểm so với cùng kỳ năm 2015.

Vietnam Airlines và Vietjet có tỷ lệ huỷ lần lượt là 0,7% và 0,3%.

Tỷ lệ chậm chuyến, hủy chuyến của các hãng hàng không trong năm 2016

Hàng không giá rẻ chiếm ưu thế

Cũng theo báo cáo, lượng khách hàng sử dụng dịch vụ của hãng hàng không giá rẻ đã tăng mạnh trong năm 2016.

Dự kiến riêng thị trường nội địa đã có xấp xỉ 15 triệu hành khách sử dụng dịch vụ hàng không giá rẻ, chiếm gần 55% tổng lượng vận chuyển trên các đường bay nội địa.

Mặc dù tỷ lệ chậm chuyến và hủy chuyến của 2 hãng hàng không giá rẻ VietJet Air và Jetstar Pacific đều ở mức cao nhưng với ưu thế giá rẻ thì đây vẫn là sự lựa chọn hàng đầu của nhóm khách hàng tầm trung.

Ngoài ra, số lượng tàu bay của các hãng hàng không Việt cũng tăng mạnh trong năm 2016.

Đến thời điểm hiện tại, đội tàu bay của các hãng Việt Nam là 147 chiếc, tăng 14 chiếc so năm 2015. Từ nay đến hết năm 2016, các hãng hàng không Việt nam dự kiến sẽ nhận thêm 5 tàu bay.