18/01/2025 | 20:19 GMT+7, Hà Nội

Hàng giả, hàng nhái "hoành hành" trên các sàn thương mại điện tử

Cập nhật lúc: 08/04/2020, 10:30

Không thể xem hàng trực tiếp, tâm lý mua hàng rẻ, tin vào những lời quảng cáo là những nguyên nhân khiến các tín đồ mua sắm online dễ "dính quả lừa" vì hàng trên mạng quảng cáo một đằng, sản phẩm thực tế một nẻo.

Trong thời điểm "cách ly xã hội" như bây giờ để hạn chế tối đa khả năng lây nhiễm, mua sắm trực tuyến trở thành cứu cánh cho nhiều người. Thương mại điện tử (TMĐT) vốn đã sôi động thì dường như lại càng "bùng nổ" hơn trong thời điểm người người nhà nhà được khuyến cáo "ở yên" trong nhà. 

Hầu như mọi việc mua sắm của người dân thời điểm này đều diễn ra trên các sàn thương mại điện tử. (Ảnh: Internet)

Theo khảo sát của PV, hầu như mọi việc mua sắm của người dân bây giờ đều diễn ra trên mạng xã hội và các sàn thương mại điện tử như Shopee, Lazada, Tiki, Sendo... bởi sự tiện lợi của các ứng dụng mua sắm trực tuyến này mang lại. Tuy nhiên, từ đây cũng phát sinh nhiều vấn đề, đặc biệt là nạn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. 

Nhiều người cho biết, vì không được xem hàng trực tiếp nên họ đã "dính quả lừa", mua phải hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng... do nhiều gian thương đã lợi dụng tình hình để trục lợi.

Với những lợi thế về mặt thời gian, không gian, giao dịch nhanh chóng, không phải mất thời gian đi lại, hạn chế được sự tiếp xúc trong thời điểm này, chị N.H.L (Ba Đình, hà Nội) cho biết: "Tôi đã chi khá nhiều cho việc mua sắm online trong thời gian nghỉ dịch bởi sự thuận tiện, tuy nhiên, vì không xem được hàng nên cũng không ít lần mua phải hàng "treo đầu dê, bán thịt chó". Vì vậy, những sản phẩm liên quan trực tiếp đến sức khỏe là tôi không dám mua qua mạng".

Người tiêu dùng cần thận trọng trước các sản phẩm online liên quan trực tiếp đến sức khỏe.

Nếu bán hàng lậu, hàng nhái, hàng giả ở các cửa hàng, lực lượng quản lý thị trường đến kiểm tra có thể xử lý vi phạm ngay, nhưng TMĐT đang trở thành kênh tiêu thụ rất nhiều hàng giả, hàng gian lận. Tình hình này diễn ra rất công khai qua các website, các "tiểu thương" bán hàng trên mạng hay qua các trang TMĐT. 

Chỉ cần lên các TMĐT, tìm kiếm những hãng thời trang phụ kiện cao cấp như Chanel, Gucci, LV, Hublot... sẽ ra hàng loạt sản phẩm với giá vô cùng bình dân.

So sánh giá 1 sản phẩm chính hãng và 1 sản phẩm "nhái" y hệt rao bán trên các trang TMĐT

Hay như trong thời điểm hiện tại, khi dịch bệnh Covid-19 vẫn đang ở cao điểm, các sản phẩm được người tiêu dùng "săn lùng" nhiều nhất là các thiết bị y tế bảo hộ như khẩu trang, gel rửa tay khô, nhưng chất lượng của các sản phẩm này vẫn là nghi vấn lớn. 

Cụ thể, việc gel rửa tay khô On1 thời gian gần đây  liên tục dính nhiều "lùm xùm" về mặt giấy tờ kiểm nghiệm, không rõ là mỹ phẩm, dược phẩm hay hóa mỹ phẩm theo công văn hướng dẫn của Cục Quản lý dược – Bộ Y tế, chưa được cơ quan chức năng công nhận "khả năng diệt khuẩn" nhưng lại vẫn giới thiệu, "tâng bốc" về những công dụng của sản phẩm và bán tràn lan trên các sàn TMĐT với mức giá bất ngờ với những quảng cáo thần thánh.

Một sản phẩm giúp sạch khuẩn 99,% chỉ có mức giá từ 18.000đ ?

Theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), các sàn giao dịch TMĐT cũng đã có động thái chủ động triển khai các biện pháp kỹ thuật/bộ lọc, nhân sự kiểm duyệt... nhằm ngăn chặn, loại bỏ các sản phẩm hàng hóa phục vụ phòng, chống dịch (khẩu tranh, nước rửa tay) vi phạm, không để lợi dụng dịch bệnh tăng giá gây mất ổn định thị trường, rà soát hơn 750.000 gian hàng, hơn 2.759.000 sản phẩm; đã xử lý, gỡ bỏ gần 8.900 gian hàng với gần 23.000 sản phẩm vi phạm nhưng vẫn chưa triệt để để có thể ngăn chặn hoàn toàn những hành vi đáng lên án này.

Theo ông Nguyễn Hữu Tuấn – Đại diện Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công thương, vì những quy định pháp luật còn chưa hoàn thiện, thêm vào đó việc sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng nhái ngày càng tinh vi như phân tán lô hàng hóa ở nhiều kho gây khó khăn cho việc điều tra, thu hồi và quản lý trong khi các doanh nghiệp vẫn còn nghĩ rằng việc quản lý hàng giả, hàng nhái là trách nhiệm của cơ quan Nhà nước, vì thế buông lỏng khâu tự hậu kiểm khiến công tác ngăn chặn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng còn nhiều khó khăn.

Trước đó, tính đến đầu năm 2019, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương) cho biết đã gỡ bỏ trên các sàn thương mại điện tử gần 36.000 sản phẩm vi phạm về hàng giả, hàng nhái và hơn 3.000 tài khoản bị khóa. Tuy nhiên, các biện pháp ngăn chặn, xử lý vẫn chưa đủ sức răn đe.

Trước những diễn biến phức tạp về vấn nạn hàng giả, hàng nhái trên sàn TMĐT, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh đã  nhấn mạnh: "Nhiệm vụ trọng tâm là Cục TMĐT và Kinh tế số, Tổng cục Quản lý thị trường, Vụ Pháp chế chủ động rà soát Nghị định 52 và báo cáo Chính phủ sớm đưa vào nhiệm vụ hoàn thiện trong năm 2020 để bổ sung và điều chỉnh các nội dung không còn phù hợp. Đặc biệt lưu ý đưa các cơ chế mới để kiểm soát, truy xuất các hoạt động TMĐT, gắn trách nhiệm cho các chủ sàn TMĐT" để đẩy lùi vấn nạn này.

Trong thời điểm tình hình Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp và nhu cầu mua sắm trực tuyến đang "bùng nổ", người tiêu dùng luôn cần thận trọng, lựa chọn các sàn thương mại điện tử uy tín để mua sắm cũng như kiểm tra kỹ các sản phẩm trước khi thanh toán để đảm bảo sản phẩm đúng như mô tả tại vận đơn giao hàng, đảm bảo quyền lợi của chính mình, góp sức ngăn chặn vấn nạn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng.