19/01/2025 | 02:30 GMT+7, Hà Nội

Hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng đua nhau \'bung hàng\' dịp cuối năm

Cập nhật lúc: 20/01/2021, 13:33

Liên tiếp các vụ sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng nhái... bị lực lượng quản lý thị trường phát hiện, bắt giữ trong thời gian gần Tết cho thấy thủ đoạn của các đối tượng ngày càng tinh vi và đang diễn biến phức tạp.

Càng gần Tết Nguyên đán, nhu cầu tiêu thụ hàng hóa của người dân tăng cao, lợi dụng điều này để kiếm lời, các dối tượng liên tục 'tuồn' hàng giả, hàng lậu, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ ra thị trường.

Theo đó, ngày 23/12/2020, Đội Quản lý thị trường số 26 và Đội 5, Phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường (Công an thành phố Hà Nội) đã triệt phá cơ sở dùng rượu nhập lậu sang chiết, giả mạo xuất xứ thương hiệu nổi tiếng tại phường Phúc La (quận Hà Đông) để bán trong dịp Tết.

Tiếp đó, ngày 26/12/2020, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường cùng Đội Quản lý thị trường số 17 tạm giữ xe tải biển kiểm soát 24C-08690 đang bốc dỡ hơn 10 tấn bánh kẹo trên đường Bạch Đằng (quận Hai Bà Trưng) vì toàn bộ số hàng không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ, nhưng bao bì in chữ nước ngoài...

Đặc biệt, vào ngày cuối cùng của năm 2020, lực lượng Quản lý thị trường Hà Nội đã đồng loạt ra quân kiểm tra 10 điểm kinh doanh tại Trung tâm thương mại Sơn Long, khu chợ Ninh Hiệp (Gia Lâm), thu giữ gần 3.000 sản phẩm có dấu hiệu nhái các thương hiệu thời trang nổi tiếng như Nike, Adidas, LV...

Nói về thực trạng trên, ông Chu Xuân Kiên, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội nhận định, hàng giả không chỉ được sản xuất từ nước ngoài rồi đưa vào thị trường nội địa tiêu thụ mà một số cơ sở trong nước còn mua các loại nguyên, phụ liệu giá rẻ, không rõ nguồn gốc, sau đó tổ chức sản xuất, đóng gói, nhái nhãn mác các thương hiệu có uy tín, rồi cung cấp ra thị trường.

Nhiều đối tượng lợi dụng niềm tin của người tiêu dùng vào cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đưa hàng kém chất lượng giả xuất xứ của Việt Nam vào thị trường.

Ngoài việc thường xuyên thay đổi phương thức, thủ đoạn và có sự cấu kết từ khâu sản xuất đến phân phối, các đối tượng còn sử dụng hình thức giao dịch trực tuyến để quảng cáo, bán hàng trên mạng xã hội khiến lực lượng chức năng khó xử lý.

Mặt khác, vẫn còn một số người tiêu dùng có tâm lý ham rẻ và không phân biệt được hàng thật, hàng giả nên dễ bị các đối tượng này trục lợi.

Theo số liệu của Cục Quản lý thị trường Hà Nội, trong năm 2020, đơn vị này đã kiểm tra, xử lý 1.458 vụ việc liên quan đến hàng giả nhãn hiệu, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng giả..., trong đó đã chuyển cơ quan điều tra xử lý 21 vụ.

Ngoài ra, nhờ công tác phối hợp với các lực lượng chuyên ngành hải quan, công an..., hàng trăm vụ việc khác cũng đã bị phát hiện.

Theo Phó Trưởng phòng Bảo vệ người tiêu dùng (Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng - Bộ Công Thương) Hồ Tùng Bách, để hạn chế thấp nhất những hành vi vi phạm nêu trên, cần tăng cường cơ chế phối hợp giữa các đơn vị chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý vi phạm.

Mặt khác, cơ quan chức năng cần công khai mọi vi phạm để người dân biết, khuyến khích trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc đấu tranh với vi phạm.

Khi có sự phối hợp của các cơ quan chức năng cũng như sự đồng thuận của người dân, việc ngăn chặn hàng giả, hàng nhái chắc chắn sẽ có hiệu quả cao hơn.

Nguồn: https://congluan.vn/hang-gia-hang-nhai-hang-kem-chat-luong-dua-nhau-bung-hang-dip-cuoi-nam-post114590.html