19/01/2025 | 06:17 GMT+7, Hà Nội

Hạn chế giải ngân trực tiếp, các công ty tài chính sẽ phát triển “thiếu toàn diện”

Cập nhật lúc: 12/04/2019, 16:26

Theo các chuyên gia tài chính - ngân hàng, nếu chiếu theo quy định tại dự thảo sửa đổi Thông tư 43/2016, rõ ràng các công ty tài chính sẽ phát triển “thiếu toàn diện”.

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang lấy ý kiến dự thảo sửa đổi Thông tư 43/2016 quy định cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính. Theo dự thảo Thông tư nêu rõ, công ty tài chính giải ngân cho vay tiêu dùng theo 2 hình thức: Một là, giải ngân thông qua bên thụ hưởng (ở đây là bên cung ứng hàng hóa, dịch vụ); hai là, giải ngân trực tiếp cho khách hàng vay.

Đáng chú ý, liên quan đến giải ngân trực tiếp cho khách hàng vay, điểm mới của Thông tư đưa ra đó là chỉ được giải ngân trực tiếp cho khách hàng vay được đánh giá có lịch sử trả nợ tốt theo quy định nội bộ của công ty tài chính và không có nợ xấu theo kết quả phân loại nhóm nợ của Trung tâm Thông tin tín dụng Quốc gia Việt Nam đến thời điểm gần nhất tính từ thời điểm ký kết hợp đồng cho vay tiêu dùng. Và tổng dư nợ cho vay tiêu dùng giải ngân trực tiếp cho khách hàng không vượt quá 30% tổng dư nợ tín dụng tiêu dùng.

Bên cạnh việc ủng hộ động thái quan tâm của NHNN đối với hoạt động của các công ty tài chính thời gian qua, giới chuyên gia tài chính – ngân hàng cho rằng, thị trường tín dụng tiêu dùng sẽ phát triển thiếu toàn diện khi chỉ giải ngân cho “khách hàng đã và đang” thì đồng nghĩa, công ty tài chính không thể mở rộng được khách hàng mới. Các công ty tài chính chỉ được phát triển lượng khách hàng mới thông qua kênh mua bán trả góp, tức là phải thông qua một bên thụ hưởng có vai trò làm cung ứng hàng hóa, dịch vụ. Từ đó, số lượng khách hàng của công ty tài chính có nguy cơ sẽ giảm vì điều kiện cho vay còn liên quan tới cả phần nợ xấu.

TS. Vũ Đình Ánh

TS. Vũ Đình Ánh

Chuyên gia tài chính – ngân hàng, TS. Vũ Đình Ánh nhận định, quy định tại dự thảo đang gắn nhu cầu tiêu dùng đối với một loại hàng hóa cụ thể mà không tính tới câu chuyện nhu cầu tiêu dùng của con người rất đa dạng. Khách hàng phải mua hàng mới được công ty tài chính hỗ trợ là điều không hợp lý.

Cũng theo TS. Ánh, quy định hạn chế giải ngân trực tiếp sẽ bó buộc các công ty tài chính đặc biệt là các công ty tài chính nhỏ, mới thành lập. Hoạt động mở rộng hình thức cho vay tiêu dùng sẽ bị hạn chế.

Do đó, thị trường tài chính tiêu dùng chắc chắn sẽ bị chững lại khi Thông tư có hiệu lực và khi đó, những hệ lụy xảy ra là điều tất yếu.

“Vì bị bó hẹp về tài chính, các công ty tài chính sẽ có thể lách luật, tìm hướng đi khác. Họ có thể thu hep hoạt động và chuyển sang hình thức khác”, TS. Vũ Đình Ánh chia sẻ.

Theo chuyên gia tài chính – ngân hàng này, nếu chiếu theo quy định tại dự thảo, rõ ràng các công ty tài chính sẽ phát triển “thiếu toàn diện”.

“Có thể ví công ty tài chính như một cơ thể đang phát triển nhưng một cánh tay thuận bị teo lại. Hay như những công ty mới chào đời, chưa có tập “khách hàng đã và đang” thì rõ ràng khó có thể phát triển. Có khác nào, việc hạn chế giải ngân trực tiếp đang chặn đứng con đường phát triển của doanh nghiệp, từ một cánh cửa rộng phải dồn vào ngách đi hẹp. Khi thị trường chỉ xuất hiện ít các công ty tài chính thì sự lựa chọn của khách hàng sẽ thấp. Họ buộc phải vay tại các công ty tài chính mà có thể lãi suất cho vay cao”, TS. Ánh phân tích.

TS. Lê Xuân Nghĩa

TS. Lê Xuân Nghĩa

Đồng quan điểm, TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách tài chính – tiền tệ Quốc gia cho hay, việc phân biệt hình thức giải ngân cho vay tiêu dùng sẽ gây ra trở ngại đối với những khoản vay nhỏ, nhưng số lượng mục đích sử dụng của khách hàng không hề nhỏ.

“Khi đó, thủ tục hành chính, chi phí hồ sơ, việc chứng minh mục đích sử dụng vốn sẽ trở nên vô cùng phức tạp. Thậm chí sẽ đẩy chi phí vay lên cao hơn hoặc thậm chí, khách hàng sẽ không thể tiếp cận được với công ty tài chính. Phải nhìn nhận rằng, người tiêu dùng có quyền sử dụng tiền vay theo mục đích vay”, TS. Lê Xuân Nghĩa chỉ rõ.

Bàn về cách để hạn chế rủi ro của tín dụng tiêu dùng, ông Nghĩa cho biết, tín dụng tiêu dùng đòi hỏi một số điều kiện để có thể quản lý và kiểm soát được. Thứ nhất, cần có một cơ sở dữ liệu khách hàng thật tốt. Tổ chức nào có cơ sở dữ liệu tốt sẽ thắng. Thứ hai, nghiên cứu về nhu cầu của khách hàng, phân loại, xếp loại rất cơ bản và cập nhật liên tục. Thứ ba, có hệ thống quản lý nợ khoa học, đánh giá nợ sớm, giám sát từ xa, thu hồi nợ chặt chẽ, dứt khoát. Thứ tư, dự phòng rủi ro thỏa đáng.

Ngoài ra, TS. Nghĩa cũng có những lưu ý trong cho vay tiêu dùng là: Quản lý phòng ngừa rủi ro về kho quỹ, chống những gian lận thỏa hiệp giữa cán bộ tín dụng với người vay; giám sát các hợp đồng tín dụng thật chặt chẽ tránh tình trạng gian lận ngay khi làm hợp đồng; tồn tại những rủi ro trong thanh toán, đặc biệt là thanh toán bằng thẻ trả trước hoặc ví điện tử nên cần có một cơ quan đặc biệt để kiểm soát; đẩy mạnh cho vay tiêu dùng trên cơ sở nguồn vốn ổn định.