29/03/2024 | 03:55 GMT+7, Hà Nội

Hải Phòng lọt top dẫn đầu thị trường bất động sản công nghiệp phía Bắc

Cập nhật lúc: 05/04/2019, 07:01

Hải Phòng sẽ sớm trở thành trung tâm công nghiệp mới của miền Bắc Việt Nam nhờ cơ sở hạ tầng và hậu cần cải thiện, quỹ đất dồi dào và hưởng chính sách tốt từ cơ quan chức năng.

Số liệu nghiên cứu từ Savills cho thấy, tính đến quý I/2019 Hải Phòng có 11 khu công nghiệp (KCN), cung cấp xấp xỉ 2.700 ha diện tích đất cho thuê, chiếm khoảng 57% tổng diện tích. Quận Hải An là khu vực năng động nhất, chiếm 64% tổng diện tích đất công nghiệp ở Hải Phòng, tiếp đến là các quận/huyện An Dương, Thủy Nguyên và Đồ Sơn. Trong 11 KCN hiện hữu thì có đến 5 KCN đã lấp đầy 100%, 5 khu công nghiệp đã lấp đầy hoàn toàn với giá thuê dao động từ 73 - 135 USD/m2. Sở dĩ Hải Phòng có thể duy trì tình hình hoạt động tốt như vậy là nhờ vào 3 yếu tố chính gồm:

Chính sách ưu đãi của Chính phủ

TP. Hải Phòng đang trở thành trung tâm công nghiệp nhờ sự xuất hiện ngày càng nhiều các ông lớn trong ngành cùng sự cải thiện liên tục của cơ sở hạ tầng và dịch vụ hậu cần. Hiện nay hầu hết các KCN tại Hải Phòng đều nằm trong khu vực kinh tế Đình Vũ – Cát Hải, đây là 1 trong 15 khu kinh tế lớn tại Việt Nam.

Theo Điều 16 Nghị định 218/2013/ND-CP, dự án đầu tư mới trong khu kinh tế sẽ được miễn thuế hoàn toàn trong 4 năm và giảm 50% thuế trong 9 năm tiếp theo. Ngoài ra, cơ quan chức năng tạo điều kiện tốt hơn cho nhà đầu tư trong việc hạn chế trì hoãn giải phóng mặt bằng và giấy phép đầu tư. Theo Cục Đầu tư nước ngoài, năm 2018Hải Phòng thu hút 3 tỉ USD vốn đăng ký FDI -xếp thứ ba toàn quốc.

Tăng trưởng sản xuất công nghiệp của Hải Phóng tính đến tháng 2/2019

Tăng trưởng sản xuất công nghiệp của Hải Phóng tính đến tháng 2/2019

Phát triển cơ sở hạ tầng

Hải Phòng đã ưu tiên phát triển các dự án hạ tầng theo hình thức PPP tại các khu công nghiệp, khu kinh tế, cảng biển, dịch vụ hậu cần cảng biển và các cơ sở hạ tầng thương mại. Tính đến quý I/2019, Hải Phòng đã có 32 cảng biển trong đó có 4 cảng biển quốc tế bao gồm một cảng nước sâu (Tân Vũ – Lạch Huyện). Ngoài ra, chính phủ cũng đã chấp thuận hơn 268 triệu USD để tài trợ cho 11 dự án cơ sở hạ tầng đường bộ quan trọng sẽ được thực hiện trong năm 2019 và 2020.

Theo phê duyệt của chính phủ thời gian tới Hải Phòng sẽ xây dựng thêm từ 5 - 6 KCN. Sau khi xây dựng thêm, dự kiến Hải Phòng sẽ có gần 20 KCN. Hải Phòng sẽ hỗ trợ chi phí đền bù, giải phóng mặt bằng; hỗ trợ xây dựng hệ thống xử lý nước thải, các giải pháp bảo vệ môi trường nhằm giảm suất đầu tư, kéo giảm giá thuê đất cho các nhà đầu tư thứ cấp, tạo điều kiện thu hút nhà đầu tư, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa đầu tư, sản xuất tại KCN.

Tiềm năng tương lai

Hai khu công nghiệp mới tham gia vào thị trường từ đầu năm 2018 có nguồn cung được chú ý của Hải Phòng bao gồm Deep C Giai đoạn 2 và 3 và khu công nghiệp Nam Đình Vũ. Đây là 2 KCN nằm ở khu vực cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện - nơi có năng lực tiếp nhận tàu 8.000 TEU, tương đương 100.000 tấn và hàng hóa.

Từ đây, hàng hóa có thể đi thẳng sang các thị trường châu Âu, châu Mỹ, không phải trung chuyển qua các cảng khu vực. Bên cạnh đó còn có nguồn cung tương lai bao gồm khu công nghiệp Tràng Cát (cơ sở hạ tầng dự kiến hoàn thành vào cuối năm nay), và khu công nghiệp Nam Cầu Kiền - Giai đoạn 2 trong tháng 7/2019.

Theo quy hoạch phát triển cụm công nghiệp đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2025, Hải Phòng sẽ có 12 cụm công nghiệp mới vào năm 2020, cung cấp thêm 1.080 ha và công suất dự kiến đạt 70%. Đến 2025, quy mô đất công nghiệp sẽ tăng thêm 1.377 ha và công suất ước tính đạt 80 - 90%. Trong tương lai, nếu toàn bộ khu kinh tế, khu, cụm công nghiệp được “lấp đầy” sẽ thu hút khoảng 250.000 lao động, trong đó một phần không nhỏ là công nhân lao động ngoại thành, ngoại tỉnh.

Theo bàĐỗ Thu Hằng, Phó giám đốc Bộ phận Nghiên cứu Savills Hà Nội nhận định: "Nhiều năm trước người dân Hải Phòng chỉ quen đầu tư đất nền thì 3 năm trở lại đây, nhiều chủ đầu tư đã thay đổi phương hướng đầu tư hướng về các sản phẩm xây thô hoàn thiện mặt ngoài, đồng bộ diện tích, để ở hoặc cho thuê để gia tăng giá trị. Bên cạnh đó là sản phẩm về khách sạn, một loạt các thương hiệu chuẩn bị đi vào hoạt động. Đối tượng khách hàng cũng hướng về Hải Phòng nhiều hơn. Ngoài ra, Hải Phòng là nơi đặt các văn phòng đại diện song lại thiếu những văn phòng nhỏ, linh hoạt, những không gian làm việc chung".

Một nghiên cứu trước đó của Savills cũng cho hayphân khúc khách sạn & căn hộ dịch vụ tại Hải Phòng mới chỉ đáp ứng một phần nguồn cầu của khách du lịch công tác. Với các khách có ngân sách hạn chế, khoảng dưới 1000 USD/ tháng thì Hải Phòng chưa có sản phẩm dịch vụ lưu trú phù hợp.

Thực trạng này cho thấy tiềm năng và dư địa phát triển của các sản phẩm mới cho thị trường này như căn hộ bán để cho thuê, sản phẩm nhà ở tích hợp công nghệ như Airbnb... Đã đến lúc thị trường Hải Phòng làm mới mình để đón những xu hướng mới của thị trường, tiếp bước các thị trường phát triển trong nước như Hà Nội & TP. HCM.

Theo bà Đỗ Thu Hằng phân tích, căn hộ dịch vụ là phân khúc có tình hình hoạt động luôn ổn định ở mức tốt với công suất cao. Nguồn cầu lớn nhất đến từ khách thuê người châu Á, cụ thể là Nhật Bản & Hàn Quốc, hai quốc gia có luồng vốn FDI lớn vào Hải Phòng. Đây cũng là những đối tượng khách thuê thích sống theo cộng đồng nên sản phẩm căn hộ dịch vụ với thiết kế và tiện ích theo phong cách đặc trưng của một quốc gia sẽ thu hút khách thuê đến từ nước đó. Nhu cầu lớn, công suất cao đã thu hút các doanh nghiệp nước ngoài tham gia vào thị trường này, trong đó có thể kể đến hai nhà điều hành quốc tế quản lý các dự án hạng A và một chủ đầu tư Nhật Bản sẽ phát triển một dự án căn hộ dịch vụ trong tương lai.

An Vũ