18/01/2025 | 17:07 GMT+7, Hà Nội

Hạ tầng giao thông “đua sức” cùng ngành du lịch

Cập nhật lúc: 11/07/2017, 09:01

Là một trong những quốc gia đầu tư khá nhiều cho phát triển hạ tầng giao thông, Việt Nam đang dần được hưởng lợi từ sự đầu tư sáng suốt này.

Tốc độ tăng trưởng hạ tầng giao thông vẫn là điểm nhấn

Dưới góc nhìn của giới chuyên gia nước ngoài, nền kinh tế Việt Nam đang phát triển nhanh chóng nhờ vào việc đầu tư cơ sở hạ tầng và chi tiêu giao thông vận tải. Đất nước vốn nổi tiếng với lượng sử dụng xe máy, nhưng lượng tiêu thụ ô tô đã tăng lên trong những năm gần đây do số người giàu đã tăng lên và mức thuế đối với ô tô đã giảm. Doanh số bán ô tô đạt 304.427 chiếc vào năm 2016, tăng 24% so với năm trước.

Chiến lược Phát triển Giao thông vận tải đến năm 2020 đang nhắm mục tiêu xây dựng 2.000 km đường cao tốc, bao gồm cả đường cao tốc Bắc - Nam nối từ TP.HCM và Hà Nội dự kiến sẽ hoàn thành trong khoảng ba năm. Hơn nữa, việc xây dựng nhiều cầu vượt ở cả Hà Nội và TP.HCM sẽ tiếp tục thúc đẩy lượng xe lưu thông trên đường.

Hãng hàng không quốc gia Việt Nam Airlines là hãng hàng không thứ hai trên thế giới vận hành bằng cả hai loại máy bay Boeing 787 Dreamliner và Airbus A350-900. Trong khi đó, VietJet Air là đơn vị có công trong việc chuyển đổi bối cảnh thị trường máy bay giá rẻ tại Việt Nam. Doanh nghiệp này hoạt động cả trong và ngoài nước với mục tiêu vận hành 200 máy bay vào năm 2023.

Nhu cầu về du lịch hàng không không có dấu hiệu chậm lại. Để đáp ứng với sự tăng trưởng này chính phủ đang đầu tư rất nhiều vào cơ sở hạ tầng sân bay ở cả hai trung tâm tài chính Hà Nội và TP.HCM, cũng như trong các khu vực nghỉ mát ven biển và thành phố trên cả nước.

Đường bộ, đường sắt và hàng không đang đồng hành cùng ngành du lịch

Việc mở đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai vào năm 2014 đã cải thiện đáng kể việc kết nối và thời gian di chuyển giữa Hà Nội và Lào Cai. Trao đổi với Reatimes, đại diện của Công ty tư vấn BĐS nước ngoài tại Việt Nam – JLL cho biết, con đường này là một phần của hành lang vận tải Côn Minh - Hải Phòng nối liền Việt Nam với Trung Quốc.

Không chỉ vậy, đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng được hoàn thành vài năm gần đây cũng góp phần giảm bớt thời gian di chuyển giữa thủ đô và thành phố cảng từ 2,5 giờ xuống còn 1,5 giờ. Các đường cao tốc khác đã và đang được xây dựng sẽ kết nối trực tiếp các khu công nghiệp lớn của khu vực miền Bắc như Bắc Ninh và Thái Nguyên.

Những khoản đầu tư này sẽ tiếp tục giúp làm phát triển cảnh quan công nghiệp và tiềm năng của miền Bắc Việt Nam, cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho du lịch đường bộ đối với khách du lịch Trung Quốc vào Việt Nam.

Tại TP.HCM, việc nâng cấp và mở rộng quốc lộ 22 đã được đề xuất. Một đường cao tốc mới chạy song song với Quốc lộ cũng sẽ được hình thành. Một khi đã hoàn thành, đường cao tốc, cùng với Quốc lộ 22 và các tuyến đường số 3 và 4 sẽ kết nối Việt Nam với Thái Lan và Campuchia tốt hơn. Cũng ở vùng ngoại ô TP.HCM, đường cao tốc mới TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây hoàn thành trong vòng chưa đầy 4 năm cũng là một bước ngoặt quan trọng.

Trong khi đó, tuyến đường sắt cao tốc nối TP.HCM và Hà Nội cũng là một phương án giúp rút ngắn thời gian di chuyển giữa 2 trung tâm tài chính lớn nhất nước này, cũng là một phương án có thể thay thế cho đường hàng không. Ngoài ra chính phủ còn có kế hoạch tăng tốc độ hệ thống đường sắt lên 80 - 90 km/h so với tốc độ hiện tại là 60 - 70 km/h.

Về đường hàng không, theo nhận định của JLL, với kế hoạch mở rộng đang được tiến hành, sân bay "Nội Bài 2" tại Hà Nội có thể đón nhận khoảng 35 triệu hành khách mỗi năm đến năm 2030 và có thể lên đến 50 triệu người.

Sân bay quốc tế Cát Bi, có vị trí cách sân bay quốc tế Nội Bàikhoảng105 km cũng đã được mở rộng trong thời gian gần đây nhắm đáp ứng nhu cầu du lịch lớn của Hải Phòng. Sân bay này hiện đang phục vụ các chuyến bay trực tiếp chủ yếu đến các thị trường trọng điểm như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và Thái Lan.

Ở miền trung, tỉnh Khánh Hoà đang có kế hoạch xây dựng nhà ga bổ sung vào năm 2018 tại sân bay quốc tế Cam Ranh (Nha Trang), sử dụng riêng cho các chuyến bay quốc tế. Nhà ga hiện tại sẽ dành phục vụ cho các chuyến bay nội địa.

Ở khu vực phía nam, sân bay quốc tế Long Thành sẽ được xây dựng tại phía nam tỉnh Đồng Nai để chia sẻ áp lực với sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất. Kế hoạch xây dựng dự kiến sẽ bắt đầu vào năm 2019, với sức chứa dự kiến đạt 100 triệu lượt hành khách/năm, sân bay mới sẽ không chỉ hỗ trợ cho các chuyến đi đến TP.HCMmà còn thúc đẩy nhu cầu du lịch tại miền Nam Việt Nam bao gồm các địa điểm như Hồ Tràm và Phan Thết - Mũi Né...