19/01/2025 | 13:36 GMT+7, Hà Nội

Hà Nội: Vì sao chưa xử lý dứt điểm vụ “mất nhà khi về quê ăn Tết”?

Cập nhật lúc: 19/05/2021, 10:24

Suốt một thời gian dài, vụ việc “mất nhà khi về quê ăn Tết” xảy ra tại phường Ngọc Thụy (Long Biên, Hà Nội) chưa được giải quyết dứt điểm. Điều này khiến người dân bất an vì có thể sự việc tiếp tục xảy ra lần nữa.

Về quê ăn Tết, tài sản “không cánh mà bay”

Theo phản ánh của ông Phạm Công Thành (hộ khẩu thường trú tại quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), trong dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, ông và gia đình về quê ăn Tết. Đến ngày 9/2/2019 (mùng 5 Tết), khi trở lại Hà Nội thì ông phát hiện toàn bộ căn nhà cấp 4 của gia đình ở phố Bắc Cầu (tổ 36, phường Ngọc Thụy, Long Biên) bị tháo dỡ hết, tường rào bị phá sập, cây cối bị chặt,…

Ông Thành cho biết, toàn bộ nhà, tường rào bao quanh trên diện tích 150m2 được ông quản lý và sử dụng từ tháng 11/2015 sau khi nhận chuyển nhượng từ ông Dũng. Trước đó, ông Dũng đã mua nhà và đất này của 2 chủ khai hoang từ năm 1990, không có tranh chấp, khiếu kiện với ai.

Sau khi xác minh thông tin từ một số hàng xóm xung quanh, ông Thành xác định bà Đào Thị Dung (62 tuổi, trú tại tổ 36, phường Ngọc Thụy, quận Long Biên), là Tổ trưởng tổ dân phố 36, đã chỉ đạo mọi người tự ý phá nhà của mình để mở đường ra sông, nghi phục vụ lợi ích cá nhân của một nhóm người.

“Ngay sau khi xảy ra sự việc, tôi làm rất nhiều đơn thư gửi đến Công an phường Ngọc Thụy, UBND phường Ngọc Thụy, Công an quận Long Biên, UBND quận Long Biên. Sau đó, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội có văn bản chỉ đạo cơ quan chức năng của quận Long Biên, phường Ngọc Thụy khẩn trương làm rõ vụ việc. Tuy nhiên đến nay, hành vi vi phạm của nhóm người hủy hoại tài sản vẫn chưa được cơ quan chức năng kết luận rõ ràng....”, ông Thành kể lại.

Theo tìm hiểu được biết, trong quá trình giải quyết vụ việc, cơ quan Công an quận Long Biên đã ban hành các văn bản thông báo, quyết định về việc không khởi tố vụ án hình sự và cho rằng đơn khiếu nại của ông Thành không có căn cứ. Tuy nhiên, đến nay ông Thành vẫn chưa đồng tình với những kết luận trên.

Hủy hoại tài sản ông Phạm Công Thành tổ 36 Ngọc Thụy
Ông Thành cho rằng, ngôi nhà của mình bị hủy hoại một cách vô cớ để mở đường vào khu nhà phía sau (tôn màu xanh) của một số hộ dân.

Ông Thành cũng cho biết, gần đây nhất ngày 22/4 - 27/4/2021, tại khu vực số 295 phố Bắc Cầu có một nhóm người lạ mặt tìm đến không rõ mục đích, khiến ông và nhiều người dân cảm thấy bất an. “Sau lần đầu tiên bị phá hoại tài sản, tôi và người thân hết sức hoang mang. Nếu nhóm người lạ mặt kia có ý định phá hoại tài sản nhà tôi lần 2, sẽ ảnh hưởng đến trật tự khu phố và gia đình tôi”, ông Thành kể trong sự lo lắng.

Trước đó, liên quan đến vụ việc này, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội từng ban hành văn bản yêu cầu quận Long Biên khẩn trương vào cuộc làm rõ thông tin việc người dân bị phá dỡ nhà tạm sau khi về quê ăn Tết Nguyên đán.

Trong công văn, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội yêu cầu Chủ tịch UBND quận Long Biên kiểm tra, làm rõ thông tin phản ảnh của ông Phạm Công Thành, sống tại căn nhà tạm số 295 phố Bắc Cầu, tổ 36 phường Ngọc Thụy (quận Long Biên, Hà Nội). Chủ tịch Hà Nôi yêu cầu quận Long Biên kiểm tra, làm rõ thông tin, nếu có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự, chuyển cơ quan công an điều tra, làm rõ. 

Trong một diễn biến khác, trao đổi với báo chí, bà Đào Thị Dung (Tổ trưởng tổ dân phố số 36, phường Ngọc Thụy) từng phát biểu, mảnh đất có diện tích 150m2 mà ông Thành nhận là của mình là đất công, trên đó chỉ là một túp lều tạm bợ lợp mái tôn, không thuộc quyền sở hữu của ai. Vì xây dựng trái phép nên cơ quan chức năng đã từng cưỡng chế. Tuy nhiên, việc bà Dung tự ý tháo dỡ lại không có lý do chính đáng là do ai chỉ đạo và tại sao? 

Trả lời PV, đại diện UBND phường Ngọc Thụy xác nhận, trước đó đơn vị này có tiếp nhận đơn kêu cứu của ông Phạm Công Thành và có báo cáo UBND TP. Hà Nội, UBND quận Long Biên về vụ việc này. Cơ quan công an cũng vào cuộc điều tra, xác minh theo đơn tố cáo của ông Thành về việc bị hủy hoại tài sản.

Được biết, sau đó, UBND phường Ngọc Thụy đã thiết lập hồ sơ xử lý vi phạm trong sử dụng đất đối với ông Thành và ban hành quyết định cưỡng chế. Tuy nhiên sau đó, ông Phạm Công Thành có đơn khiếu nại quyết định cưỡng chế trên và UBND phường buộc phải tạm dừng. Ngày 27/4/2021, UBND quận Long Biên tổ chức cuộc họp và giao cho Phòng Tư pháp quận chủ trì phối hợp với các phòng ban để kiểm tra, xử lý. 

Ai “bảo kê” cho loạt công trình xây dựng trái phép?

Cũng theo phản ánh của người dân, thời gian từ năm 2019 (thời điểm ông Nguyễn Quốc Văn giữ chức Chủ  tịch UBND phường Ngọc Thụy), tại khu vực tổ 35, 36 phố Bắc Cầu xảy ra tình trạng hàng loạt công trình nhà ở, nhà tạm ngang nhiên xây dựng trái phép. Thậm chí, có nhiều công trình được xây dựng hoành tráng, giống như “biệt phủ”, nhưng không được chính quyền phường Ngọc Thụy và quận Long Biên xử lý.

Cụ thể, nhiều công trình trái phép được xây dựng nằm sát hành lang đê sông Hồng. Một số người dân trên địa bàn cho biết, khu vực phố Bắc Cầu phần lớn là đất bãi bồi nên không có sổ đỏ, mua bán thường chỉ là giấy viết tay, hàng loạt công trình trên đều có dấu hiệu xây dựng trái phép. Thế nhưng, không hiểu sao trong suốt một thời gian dài việc xây dựng không hề có sự can thiệp từ cơ quan chính quyền địa phương.

Nhiều công trình trái phép được xây dựng nằm sát hành lang đê sông Hồng

“Vài năm trở lại đây, chúng tôi thấy tình trạng vi phạm xây dựng ở phố Bắc Cầu xảy ra liên tiếp. Tại sao các công trình xây trái phép, xâm chiếm hành lang đê sông Hồng lại vẫn ngang nhiên tồn tại mà không bị cơ quan chức năng xử lý hay cưỡng chế? Liệu có ai “bảo kê” hay tiếp tay cho những công trình xây dựng trái phép như vậy?”, một người dân phường Ngọc Thụy bày tỏ quan điểm.

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với UBND TP. Hà Nội và các cơ quan liên quan xử lý tình trạng chiếm đất ven sông Hồng, không chỉ đe dọa lợi ích phát triển kinh tế - xã hội, chỉnh trang đô thị mà còn tiềm ẩn nguy cơ rủi ro trong công tác phòng, chống lũ lụt… UBND TP. Hà Nội cũng đã ban hành Chỉ thị số 07/CT-UBND nhằm phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý vi phạm pháp luật về đê điều, thủy lợi trên địa bàn gây bức xúc cho dư luận.

Trước thực trạng trên, đề nghị UBND TP. Hà Nội, UBND quận Long Biên nhanh chóng vào cuộc kiểm tra, xác minh làm rõ nếu có sai phạm thì phải xử lý nghiêm. Đồng thời, giải quyết dứt điểm những kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của ông Phạm Công Thành và người dân địa phương.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin.

Nguồn: https://dothi.reatimes.vn/toancanh/ha-noi-vi-sao-chua-xu-ly-dut-diem-vu-mat-nha-khi-ve-que-an-tet-20201231000002211.html