19/01/2025 | 14:20 GMT+7, Hà Nội

Hà Nội: Ứng xử sao với những điểm “có mại dâm”?

Cập nhật lúc: 29/11/2018, 11:00

Năm địa điểm có biểu hiện hoạt động mại dâm và 10 điểm nghi ngờ vừa được Chi cục trưởng Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội Hà Nội Phùng Quang Thức công bố gây xôn xao dư luận. Theo một số cơ quan chức năng quản lý địa bàn, phương thức hoạt động của các đối tượng bán dâm hết sức tinh vi, khó xử lý.

  Công viên Hòa Bình, một trong 5 địa điểm có biểu hiện mại dâm ở Hà Nội. Ảnh: Mộc Trà

Công viên Hòa Bình, một trong 5 địa điểm có biểu hiện mại dâm ở Hà Nội. Ảnh: Mộc Trà

Gái mại dâm “quá đát” mới đứng đường

Ngày 27/11, Chi cục trưởng Phùng Quang Thức công bố tại cuộc họp giao ban báo chí Thành ủy Hà Nội rằng địa phương này có 5 điểm công cộng có biểu hiện mại dâm gồm: Đường Hồng Hà, Phạm Ngũ Lão, Dốc Bác Cổ (Hoàn Kiếm); phố Yesin - Vườn hoa Paster, Nguyễn Huy Tự, Trần Khánh Dư (Hai Bà Trưng); đường Giải Phóng, bến xe Giáp Bát (Hoàng Mai); công viên Hòa Bình (Bắc Từ Liêm) và đường Liễu Giai (Ba Đình). Đối tượng nghi có hoạt động mại dâm tại các địa bàn này thường đứng chờ khách đến hỏi hoặc chạy xe máy bắt khách. Cơ quan quản lý cũng nêu 10 điểm nghi ngờ có hoạt động mại dâm trong cơ sở kinh doanh dịch vụ gồm: đường Tam Trinh (quận Hoàng Mai); ngã ba Ba La gần Cao đẳng Thương mại (quận Hà Đông); khu vực chùa Tổng - La Dương (phường Dương Nội, quận Hà Đông); đường 70 Tân Triều - đường Kim Giang (Thanh Trì); ngã ba Ngọc Hồi (xã Liên Ninh, Thanh Trì)...

Thực tế cho thấy, trong số những điểm có biểu hiện và nghi ngờ hoạt động mại dâm, một số điểm đã từng gây nhức nhối cho xã hội và các cơ quan chức năng cũng “đau đầu” trong công tác quản lý cũng như xử lý. Điển hình là hàng năm, cơ quan chức năng vẫn thường xuyên triệt phá, bắt giữ những đối tượng môi giới mại dâm, trực tiếp bán dâm hoặc xử lý các cơ sở mang tính kích dục. Ngày 18/11, trao đổi với PV Báo Gia đình & Xã hội, lãnh đạo Công an phường Chương Dương (quận Hoàn Kiếm) quản lý địa bàn Dốc Bác Cổ cho biết: “Trên địa bàn có 17 khách sạn, nhà nghỉ; 2 cơ sở Karaoke và 2 cơ sở tẩm quất, massage. Từ đầu năm 2018 đến nay, lực lượng Công an phường thường xuyên triệt phá, cắm chốt, truy quét các đối tượng có biểu hiện đứng đường mời chào khách mua dâm”.

Tuy nhiên, vị lãnh đạo này cũng cho rằng: “Các đối tượng nghi ngờ bán dâm chủ yếu đứng chờ đón khách ngoài đường, sau đó khách đưa đến những nơi khác để vui vẻ. Chính vì vậy khi kiểm tra những đối tượng này họ rất tinh vi, đã chuẩn bị đầy đủ tất cả các loại giấy tờ. Sau đó, chúng tôi đưa về phường giữ lại từ đêm hôm trước đến chiều hôm sau để xác minh. Giải pháp hiện nay cũng rất khó có tính răn đe bởi gái mại dâm không được đưa về trung tâm bảo trợ xã hội nên họ không sợ”. Phía Phường Chương Dương cũng đã tiếp nhận nhiệm vụ từ TP Hà Nội và quận Hoàn Kiếm từ nay đến Tết Nguyên đán 2019 phải triệt phá tụ điểm nhạy cảm trên địa bàn phường bằng các biện pháp mạnh. Hiện nay, các đối tượng hoạt động mại dâm hết sức tinh vi và thông qua nhiều kênh khác nhau như qua web chào mời, qua các ứng dụng mạng xã hội… riêng những đối tượng đứng đường thường là “quá đát”.

Phần mềm quản lý gái mại dâm thua “quét Zalo”?

 Ông Phùng Quang Thức (Chi cục trưởng Phòng chống tệ nạn xã hội Hà Nội) thông tin tại buổi họp giao ban báo chí Thành ủy Hà Nội ngày 27/11.

Ông Phùng Quang Thức (Chi cục trưởng Phòng chống tệ nạn xã hội Hà Nội) thông tin tại buổi họp giao ban báo chí Thành ủy Hà Nội ngày 27/11.

Cũng theo Chi cục trưởng Chi cục phòng chống tệ nạn xã hội, trên địa bàn TP Hà Nội thống kê được khoảng 2.000 gái bán dâm, hiện phần mềm quản lý gái mại dâm mới chỉ cập nhật được 472 người. Đây là những người vi phạm hành chính bị lực lượng chức năng xử lý. Nếu trước đây, việc đưa các đối tượng bán dâm vào cơ sở giáo dục bắt buộc thì việc xác định, thống kê số liệu rất chính xác. Tuy nhiên, khi thực hiện xử lý hành chính mà không đưa người bán dâm vào cơ sở giáo dục, cơ quan chức năng rất khó để thống kê đầy đủ số liệu liên quan đến người bán dâm.

“Hiện nay, để thống kê được người bán dâm, chúng ta chỉ căn cứ vào hành vi mại dâm thông qua các vụ án”, ông Thức nói và cho biết, đơn vị vẫn thường xuyên phối hợp với các cơ quan công an để cập nhật, tuy nhiên, hiện chưa quy tập được vào một đầu mối, vẫn phải trải qua nhiều cấp (xã, huyện/quận, thành phố) nên việc phối hợp giữa cơ quan thường trực và cơ quan xử lý gặp nhiều khó khăn. Do đó, từ năm 2015 đến nay chỉ cập nhật được 500-600 người trên tổng số hơn 2.000 người. "Thời gian tới, Sở này sẽ đề nghị các cơ quan chức năng gửi thông tin cụ thể việc xử lý hành chính người bán dâm để cập nhật vào phần mềm cho đầy đủ", ông Thức nói.

Các thông tin được cung cấp nêu trên cho thấy, cơ quan quản lý nhà nước tại Hà Nội chỉ cập nhật danh sách gái mại dâm vào phần mềm từ dữ liệu của các vụ án. Như vậy, không khó để lý giải tại sao phần mềm không cập nhập được phần đa “gái gọi” hoạt động trên địa bàn. “Rõ ràng phần mềm chuyên dụng này thua một số tính năng của mạng xã hội. Theo đó, khi sử dụng mạng xã hội thì bất kỳ người dùng nào cũng có thể phát hiện ra “hàng” ở quanh mình vì phần lớn “gái gọi” đều sử dụng cách tiếp thị qua phương tiện này, “quét zalo” là cụm từ được không ít nam dân chơi biết đến. Chỉ cần sử dụng tính năng này thì có thể điểm tên hàng chục “gái gọi” quanh mình ở một số khu vực trên địa bàn TP Hà Nội”, anh Chu Phúc Quang (ở Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết.

Tại một số khu vực ở Hà Nội, hầu hết các đối tượng hoạt động mại dâm nơi này đều chào mời khách thông qua các ứng dụng mạng xã hội, phần mềm... Mỗi gái gái làng chơi tại đây đều có mã số, tên “nghệ danh” và công khai số điện thoại để khách hàng có nhu cầu liên hệ trực tiếp.

Lý giải về việc phố Trần Duy Hưng không nằm trong “danh sách đen”, ông Phùng Quang Thức cho rằng: “Phố đó toàn là nhà nghỉ, không nhìn thấy nhân viên, không thấy tiếp viên. Bảo là điểm mại dâm thì chính quyền địa phương không nhận, họ nói phải bắt được". Ông Thức cho biết thêm, tuy rằng biết trong các nhà nghỉ ở phố Trần Duy Hưng có thể có hoạt động mại dâm “nhưng rõ ràng để nêu ra nó thành một cái điểm thì rất khó khăn trong công tác quản lý nhà nước”.

Mộc Trà