18/01/2025 | 20:02 GMT+7, Hà Nội

Chất lượng không khí Hà Nội liệu có "đường lùi" khi liên tục bị cảnh báo?

Cập nhật lúc: 28/11/2018, 14:44

Sáng 28/11, chỉ số chất lượng không khí đo được tại khu vực Đại sứ quán Mỹ, Hà Nội là 188 - đây là mức cảnh báo có hại cho sức khỏe, đặc biệt là những người nhạy cảm với ô nhiễm không khí.

Và đáng lưu ý khi chất lượng không khí tại TP.HCM dường như cũng đang chạy theo "cuộc đua ô nhiễm" này, bởi chỉ sau 1 đêm thì chỉ số chất lượng không khí (AQI) tại đây cũng đã nhảy vọt lên mức 152.

Qua bản đồ đo chất lượng không khí các khu vực quanh Thủ đô Hà Nội có thể thấy được đâu là những điểm nóng nhất của ô nhiễm không khí trong ngày hôm nay: Phúc Yên (226), Sơn Tây (224), Hải Dương (204), Hưng Yên (227), Hà Nam (201)...

Trong suốt 1 tuần qua, chỉ số AQI tại khu vực nội đô liên tục ở ngưỡng "báo động đỏ" và dự báo sẽ tiếp tục kém chất lượng trong những ngày tới đây. 

Nhóm nghiên cứu của Trung tâm Phát triển sáng tạo Xanh - Green ID đã phải thốt lên rằng: Tự hỏi chất lượng không khí Hà Nội có "đường lùi" hay không khi bị bao vây bởi các khu vực tím ngắt "cực kì ô nhiễm - cảnh báo nguy hại" như vậy?

Tại hội thảo về “Tăng cường vai trò và kết nối hợp tác cải thiện chất lượng không khí cho thành phố Hà Nội” tổ chức chiều 27/11 vừa qua, Ông Đỗ Minh Khoa - Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường cho hay, theo thống kê năm 2018, dân số Hà Nội đạt khoảng 8 triệu người, với 6 triệu xe gắn máy, 600 nghìn ô tô và sự bùng phát các công trình xây dựng do quá trình đô thị hóa nhanh, cùng với việc tiêu thụ 40 triệu kWh điện và hàng triệu lít xăng dầu mỗi ngày… đã gây ra nguồn phát thải khí nhà kính gây biến đổi khí hậu, làm suy giảm chất lượng không khí. 

Có nhiều nguyên nhẫn dẫn tới tình trạng "báo động đỏ" liên tục của chỉ số AQI trong thời gian qua, lý do chủ quan có, khách quan có, các yếu tố không kiểm soát cũng có. Trước hết, nếu theo dõi thường xuyên sẽ thấy chỉ số này lên cao vào các khung giờ cao điểm, từ khoảng 6h sáng trở đi, khi các hoạt động sinh hoạt diễn ra, các phương tiện giao thông bắt đầu hoạt động. Thêm vào đó, các công trường, khu vực xây dựng cũng là nguồn cơn dẫn đến tình trạng gia tăng khói bụi. 

Ông Trần Đình Sính, Phó Giám đốc Green ID cho hay có nhiều nguyên nhân dẫn tới ô nhiễm không khí, trước hết, đó là các yếu tố nội đô như hoạt động sinh hoạt, phương tiện giao thông, các công trường xây dựng,... Báo cáo nghiên cứu của Green ID còn chỉ ra rằng thường về mùa đông, chất lượng không khí của Hà Nội có dấu hiệu ô nhiễm cao hơn với mức độ dày đặc hơn của các hạt bụi so với các thời điểm khác trong năm.

Nhưng đó chỉ là những yếu tố chung gây ra ô nhiễm không khí ở các khu đô thị, các thành phố lớn, còn về cụ thể, ông Sính cho hay, vẫn chưa lý giải được nguyên nhân vì đâu và tác nhân chính gây ô nhiễm không khí là gì để từ đó tìm ra giải pháp.

Khu vực nội thành Hà Nội bị

Khu vực nội thành Hà Nội bị "bao vây" bởi không khí tím ngắt từ các khu vực lân cận: Phúc Yên (226), Sơn Tây (224), Phủ Lý (201), Hưng Yên (227), Hải Dương (204)

Cả Hà Nội và TP.HCM đều đang có chỉ số chất lượng không khí ở ngưỡng cao.

Cả Hà Nội và TP.HCM đều đang có chỉ số chất lượng không khí ở ngưỡng cao.

Gần đây nhất, vào ngày 26/11, Green ID đã có cảnh báo: Chất lượng không khí Hà Nội xếp thứ 4 trên toàn cầu về mức độ nguy hại. Theo đó, chỉ số đo được ở Đại sứ quán Mỹ và các điểm lân cận Hà Nội ở thời điểm đó cho thấy không khí rất xấu, lượng bụi trong không khí ở mức cao, điều này đã và đang ảnh hưởng tiêu cực đến tất cả mọi người không chỉ nhóm nhạy cảm (người già, trẻ em,...).
So sánh tương quan cho thấy TP.HCM và Đà Nẵng có chỉ số chất lượng không khí tốt hơn. Tuy nhiên, Green ID đã đặt ra câu hỏi: Không biết nguyên nhân do đâu mà những ngày này chất lượng không khí Hà Nội rất tệ. Trong khi các yếu tố khác không đổi (giao thông, xây dựng, các nhà máy công nghiệp...) thì thời tiết đang là yếu tố thay đổi trong những ngày qua.
Một số chuyên gia đã đặt dấu hỏi ở sự xuất hiện của gió mùa Đông Bắc. Sau đợt tràn về của gió mùa vừa rồi, quan sát thấy chất lượng không khí sau đó xuống thấp.
Chưa cần nhìn đến hậu quả về lâu dài, mà ngay trước mắt, theo thông tin từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ước tính trong năm 2016 đã có khoảng 600.000 trẻ em qua đời do nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính dưới gây ra bởi không khí ô nhiễm.
 
Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)

Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)

Báo cáo mới đây của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) mang tên “Ô nhiễm không khí và Sức khỏe trẻ em: Kê đơn không khí sạch” đã đánh giá tác động tiêu cực của cả ô nhiễm không khí ngoài trời và trong nhà đối với sức khỏe của trẻ em, nhất là tại các nước có thu nhập thấp và trung bình.
Báo cáo này đã chỉ ra rằng khi phụ nữ mang thai tiếp xúc với không khí ô nhiễm sẽ có nhiều nguy cơ sinh non, đồng thời trẻ sinh ra nhỏ và nhẹ cân. Bên cạnh đó, không khí ô nhiễm cũng tác động xấu đến sự phát triển trí não, khả năng nhận thức và có thể gây ra nguy cơ bị hen suyễn và ung thư ở trẻ em.
Một điều đáng lo ngại hơn nữa từ kết luận của báo cáo này là trẻ em tiếp xúc với mức độ ô nhiễm không khí cao  có nhiều nguy cơ mắc các bệnh mãn tính như bệnh tim mạch trong những giai đoạn sau của cuộc đời.
Ô nhiễm không khí đang tác động xấu đến trí não của con cái chúng ta, ảnh hưởng đến sức khỏe của chúng theo nhiều cách hơn so với những gì chúng tôi nghi ngờ. Nhưng có rất nhiều cách có thể thực hiện được để giảm phát thải các chất gây ô nhiễm nguy hiểm”, Tiến sĩ Maria Neira, Trưởng bộ phận Y tế công cộng, các yếu tố môi trường và xã hội về sức khỏe tại WHO cho biết.  

Chỉ số chất lượng không khí cập nhật tại thời điểm 8h sáng 28/11 tại khu vực Đại sứ quán Mỹ, Hà Nội.

Chỉ số chất lượng không khí cập nhật tại thời điểm 8h sáng 28/11 tại khu vực Đại sứ quán Mỹ, Hà Nội.

Bảng dự báo tình hình chất lượng không khí với những con số đáng

Dự báo tình hình chất lượng không khí sẽ còn tiếp tục "báo động đỏ" trong những ngày tới đây. 

Theo Green ID, một số giải pháp hiện thời để giảm thiểu những tác động của ô nhiễm tới sức khỏe là:

- Hạn chế ra đường khi không cần thiết.

- Khi ra ngoài, mỗi người cần có biện pháp bảo hộ như đeo kính, đeo khẩu trang. Nếu dùng khẩu trang thì lưu ý chọn loại N95 để đảm bảo tác dụng. Đặc biệt, nên chọn các loại khẩu trang có thể dùng nhiều lần để hạn chế phát thải.

Song song với các hoạt động bảo vệ bản thân khỏi các tác động của ô nhiễm không khí, Green ID khuyến cáo mỗi người dân nên cập nhật các chỉ số chất lượng không khí kịp thời thông qua ứng dụng điện thoại hoặc các website cung cấp những thông số này như Air Visual App hoặc các trang Airnow.

Về lâu dài, nhóm nghiên cứu này khuyến nghị mọi người hạn chế sử dụng các phương tiện ô tô, xe máy khi không cần thiết, đồng thời, khuyến khích trồng thêm cây xanh trong nhà, đặc biệt là những loại cây có tác dụng giúp cải thiện chất lượng không khí. 

Chỉ số chất lượng không khí (AQI) là một chỉ số theo dõi chất lượng không khí hàng ngày được thiết lập bởi Cục Bảo vệ Môi trường Mỹ với 6 cấp độ cơ bản: Tốt, trung bình, không lành mạnh đối với người nhạy cảm, không lành mạnh, rất không lành mạnh và nguy hiểm.

PM (Particulate Matter - vật chất dạng hạt) bao gồm hỗn hợp các hạt vật chất rắn và lỏng trong không khí.

Ô nhiễm dạng hạt bao gồm: PM10: Bụi có thể hít phải với đường kính từ 10 µm (micromet) trở xuống và PM 2.5: Bụi mịn có thể hít phải với đường kính từ 2.5 µm (micromet) trở xuống. Các hạt này có thể do nhiều chất khác nhau tạo nên như cacbon, sulfua, khí nitơ, và các hợp chất kim loại,...

Trong đó, nồng độ bụi PM 2.5 trong không khí được coi là một chỉ số quan trọng bởi các hạt bụi này có kích thước siêu nhỏ và đặc biệt nguy hiểm bởi chúng có khả năng xâm nhập trực tiếp vào túi phổi.Chỉ số chất lượng không khí (AQI) tại Hà Nội và TP.HCM hiện tại được lấy theo nồng độ PM 2.5 tại thời điểm công bố.