19/01/2025 | 02:45 GMT+7, Hà Nội

Hà Nội triển khai nhiều giải pháp giảm thiểu ùn tắc giao thông

Cập nhật lúc: 14/12/2019, 11:00

Sau 3 năm thực hiện Nghị quyết 06/2015 của HĐND TP Hà Nội về Chương trình mục tiêu nhằm giảm thiểu ùn tắc và đảm bảo ATGT trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2016-2020, với nhiều giải pháp...

Sau 3 năm thực hiện Nghị quyết 06/2015 của HĐND TP Hà Nội về Chương trình mục tiêu nhằm giảm thiểu ùn tắc và đảm bảo ATGT trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2016-2020, với nhiều giải pháp, Hà Nội đã xử lý được 55 điểm ùn tắc - chỉ tiêu đặt ra là giảm tối thiếu 40 điểm.

Theo báo cáo của UBND TP gửi tới kỳ họp thứ 11, HĐND TP Hà Nội khóa 15 về việc thực hiện Nghị quyết 06, tình hình TNGT trên địa bàn có trọng tâm, trọng điểm, có phân công, phân nhiệm rõ ràng tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị chủ động triển khai thực hiện đảm bảo tính linh hoạt, sáng tạo.

TP đã ưu tiên bố trí các nguồn lực (vốn, cơ chế chính sách...) để thực hiện chương trình một cách thuận lợi và có hiệu quả. Sau hơn 3 năm triển khai thực hiện, kết quả đạt được được nhân dân đồng tình ủng hộ và đánh giá cao như nhiều nút, tuyến đường trước đây từng là điểm nóng về tình trạng ùn tắc giao thông (UTGT) đã cơ bản giải quyết được tình trạng UTGT như nút cầu vượt nút giao Cổ Linh; cầu vượt Ô Đông Mác – Nguyễn Khoái; cầu vượt nút giao An Dương...

Các dự án chuyển tiếp giai đoạn 2012-2015 đến nay cơ bản hoàn thành, góp phần tích cực trong việc giảm thiểu UTGT trên địa bàn TP; các dự án mới trong giai đoạn 2016-2020 hiện triển khai chậm, chưa đáp ứng được nhiệm vụ đặt ra.

Việc phân luồng, xử lý vi phạm ATGT là một biện pháp giảm thiểu UTGT hiệu quả. Ảnh: V.H

Hàng năm đều giảm cả 3 chỉ tiêu về số vụ, số người chết, số người bị thương so với các năm trước. So sánh thời điểm 10 tháng đầu năm 2019 với thời điểm năm 2015, TNGT giảm 637 vụ, giảm 189 người chết, giảm 743 người bị thương. Bình quân mỗi năm, giảm 127 vụ (7,49%), giảm 38 người chết (6,31%), giảm 149 người bị thương (10,41%). Việc giảm tai nạn giao thông hàng năm đạt so với chỉ tiêu đặt ra là giảm 5%-10% hàng năm trên cả 3 tiêu chí nhưng vẫn ở mức thấp.

Từ năm 2016 đến nay đã xử lý được 55 điểm UTGT là đạt so với yêu cầu chỉ tiêu (đến cuối năm 2020 giảm tối thiểu 40 điểm UTGT). Tuy nhiên do lưu lượng giao thông tăng nhanh lại phát sinh nhiều điểm ùn tắc mới cần tiếp tục xử lý để đảm bảo đạt được mục tiêu giảm thiểu tình trạng UTGT trên địa bàn TP.

Để thực hiện có hiệu quả Nghị quyết này, UBND TP đã triển khai nhiều giải pháp như ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong tổ chức, quản lý, điều hành giao thông vận tải (triển khai phần mềm Govone trong quản lý kết cấu hạ tầng giao thông; triển khai thí điểm hệ thống thẻ vé điện tử trên tuyến buýt BRT; đang tiếp tục triển khai xây dựng hệ thống bản đồ kỹ thuật số hiển thị tình trạng giao thông theo thời gian thực; đang triển khai xây dựng tiêu chí lắp đặt camera trên địa bàn TP để triển khai lắp đặt đồng bộ…).

Nghiên cứu, rà soát các tuyến đường, các nút giao thông có tình trạng UTGT hoặc có nguy cơ xảy ra ùn tắc cũng như mất an toàn giao thông để phân loại và có giải pháp cải tạo, sửa chữa hoặc lắp đặt đèn tín hiệu giao thông độc lập: Trong 3,5 năm đã sửa chữa 36 tuyến đường, lắp đặt 112 nút đèn tín hiệu giao thông…

Cùng đó, đã tiến hành cải tạo, sửa chữa mặt đường, vỉa hè tại 17 vị trí nút giao, tuyến đường; 5 vị trí giao cắt với đường sắt; cải tạo chỉnh trang 6 tuyến đường để nâng cao năng lực thông hành, giảm UTGT theo đúng nội dung Chương trình.

Ngoài ra, UBND TP đã ban hành danh mục và thực hiện việc giải tỏa, thu hồi giấy phép trông giữ phương tiện trên 231 tuyến phố không bố trí các điểm trông giữ xe đạp, xe máy, ô tô trên địa bàn. Công tác tuần tra kiểm soát để hướng dẫn, phân luồng, giải tỏa chống lấn chiếm tại các nút thường xảy ra UTGT, các công trình trọng điểm đang thi công trên địa bàn TP được thực hiện thường xuyên, liên tục góp phần đảm bảo trật tự ATGT, giảm thiểu UTGT.

Đặc biệt, TP đã triển khai các dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông có vai trò giảm UTGT với 10 dự án, trong đó đã hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng 7 công trình; đã hoàn thành nhiều dự án giao thông có ý nghĩa quan trọng phục vụ đối ngoại kết nối giao thông với các tỉnh lân cận, hoàn thiện mạng lưới hạ tầng giao thông khung của khu vực đô thị trung tâm, giải quyết bức xúc dân sinh, giảm UTGT.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, UBND TP Hà Nội cũng chỉ ra một số hạn chế, tồn tại như: Nhiều dự án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông còn chậm triển khai và chưa hoàn thành đúng tiến độ ảnh hưởng đến mục tiêu chung giảm thiếu UTGT trên địa bàn Thủ đô; công tác giải tỏa hành lang an toàn giao thông, lấn chiếm vỉa hè, lòng đường; công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm về trật tự ATGT còn chưa thường xuyên, quyết liệt; lực lượng kiểm tra xử lý vi phạm còn mỏng, thẩm quyền xử lý của các lực lượng còn bất cập, mức xử lý vi phạm đối với một số hành vi vi phạm còn thấp, chưa đủ tính răn đe.

Năm 2020 TP sẽ tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, các công trình trọng điểm, các tuyến đường sắt đô thị; tập trung cho công tác tổ chức giao thông khoa học, hợp lý; ứng dụng công nghệ trong công tác quản lý, giám sát, điều hành giao thông; tiếp tục đầu tư, mở rộng mạng lưới vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt, tăng cường công tác quản lý Nhà nước về vận tải.