21/11/2024 | 22:46 GMT+7, Hà Nội

Hà Nội thu hồi biển quảng cáo ngoài trời: Hàng trăm doanh nghiệp kêu cứu

Cập nhật lúc: 09/10/2018, 15:01

Bỏ ra tiền tỷ, thậm chí hàng chục tỷ đồng để đầu tư, xin cấp phép xây dựng các công trình quảng cáo ngoài trời, nhưng không hiểu lý do vì sao, Hà Nội “bỗng nhiên” đề xuất đòi thu hồi toàn bộ các biển quảng cáo này để tổ chức đấu thầu lại. Việc làm “tréo ngoe” này đang có nguy cơ khiến cho hàng trăm doanh nghiệp rơi vào cảnh khốn đốn, nợ nần chồng chất phải làm đơn kêu cứu đến các ngành chức năng.

Việc Hà Nội thu hồi các biển quảng cáo ngoài trời để tổ chức đấu thầu lại sẽ gây ảnh hưởng lớn đến quyền lợi, lợi ích hợp pháp của hàng trăm doanh nghiệp. (Ảnh: TL)

Theo đơn kêu cứu gửi các cơ quản Đảng, Nhà nước của các hội viên, doanh nghiệp kinh doanh quảng cáo trên địa bàn TP Hà Nội: TP Hà Nội có chủ trương thu hồi toàn bộ 435 công trình quảng cáo ngoài trời đã được cấp phép xây dựng, quảng cáo theo quy hoạch tại Quyết định số 348/QĐ-UBND ngày 13/1/2012 của UBND TP Hà Nội để tổ chức đấu thầu lại theo quy định.

Cụ thể, ngày 24/4/2018, UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định số 1997/QĐ-UBND về việc phê duyệt quy hoạch quảng cáo ngoài trời trên địa bàn TP Hà Nội năm 2020, định hướng đến năm 2050. Ngày 17/8/2018, Sở Văn hoá Thể thao và Du lịch TP Hà Nội (VHTT&DL) đã có cuộc họp với UBND TP Hà Nội cùng các sở, ban, ngành về việc dự thảo kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định số 1997/QĐ-UBND (dự thảo).

Theo đó, Sở VHTT&DL tham mưu cho UBND thành phố đề xuất với chủ trương sẽ thu hồi toàn bộ các biển quảng cáo theo quy hoạch trước đây của thành phố mà cơ quan quản lý Nhà nước đã cấp phép để thực hiện đấu thầu lại.

“Đối với những vị trí quảng cáo được kế thừa, điều chỉnh, bổ sung theo Quyết định 348/QĐ-UBND ngày 13/02/2012 của UBND TP Hà Nội được tiếp tục thực hiện sau 3 tháng, kể từ ngày ban hành kế hoạch này, sau đó sẽ bị thu hồi vị trí để tổ chức đấu thầu theo quy định”, dự thảo này nêu rõ.

Và điều đáng bàn là ngay từ khi tiến hành lập quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch; đồng thời đề xuất thu hồi những vị trí đã đúng quy hoạch mà được Sở VHTT&DL Hà Nội cấp phép trước đây cũng không được bàn bạc công khai, minh bạch trước các tổ chức, cá nhân liên quan theo quy định của Luật Quảng cáo.

Trước thực tế bất cập này, các doanh nghiệp cho rằng, điều này là không phù hợp với Quyết định số 1997/QĐ-UBND, không tuân thủ nguyên tắc ưu tiên kế thừa các vị trí quảng cáo phù hợp với quy hoạch đã có từ trước và được quy định rất rõ tại Luật Quảng cáo năm 2012.

Bởi với hàng trăm biển, bảng quảng cáo của các doanh nghiệp nằm trong diện phải thu hồi để đấu thầu lại theo kế hoạch triển khai nêu trên đều nằm trong quy hoạch trước đây của UBND thành phố, những vị trí quảng cáo này cho đến thời điểm hiện nay đã và đang được các Sở và Sở VHTT&DL Hà Nội cấp phép.

Như vậy, có thể khẳng định đây là tài sản của tập thể, cá nhân kinh doanh, đầu tư hợp tác được pháp luật công nhận trong nhiều năm. Nhưng Sở VHTT&DL lại tham mưu thu hồi toàn bộ tài sản hợp pháp này để đấu thầu lại là phiến diện, thiếu minh bạch, đi ngược lại với chủ trương hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp của Thủ tướng Chính phủ.

Khoản 1, Mục 6 về quy hoạch quảng cáo ngoài trời Luật Quảng cáo số 16/2012/QH13 có quy định: “Ưu tiên thừa kế các vị trí quảng cáo phù hợp với quy hoạch đã có trước; trong trường hợp thực hiện hoặc điều chỉnh quy hoạch gây thiệt hại cho tổ chức, cá nhân thì cơ quan phê duyệt quy hoạch có trách nhiệm tổ chức đền bù theo quy định pháp luật; lấy ý kiến các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động quảng cáo và nhân dân”.

Nghị định số 181/2013/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều về Luật Quảng cáo của Chính phủ cũng quy định: “Lấy ý kiến các tổ chức cá nhân tham gia hoạt động quảng cáo khi xây dựng quy hoạch quảng cáo; công bố quyết định phê duyệt và niêm yết đề án quy hoạch quảng cáo ngoài trời và bản vẽ chi tiết quy hoạch tại trụ sở UBND các cấp và trên các phương tiện thông tin đại chúng của địa phương”.

Nếu chiếu theo các quy định pháp luật nêu trên thì Quyết định số 1997/QĐ-UBND và dự thảo kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định số 1997 là chưa tuân thủ các quy định tại Luật Quảng cáo và Nghị định 181/2013/NĐ-CP.

Như vậy thì không hiểu Sở VHTT&DL Hà Nội căn cứ vào đâu để đưa ra ý kiến đề xuất tham mưu thiếu căn cứ, không có cơ sở pháp luật, gây ảnh hưởng lớn đến quyền lợi, lợi ích kinh tế của hàng trăm doanh nghiệp như đã nói ở trên?

Việc thu hồi các vị trí quảng cáo này liệu có được hiểu là thu hồi đất, công trình xây dựng ở vị trí quảng cáo trong quy hoạch không? Hay đây chỉ là ý đồ của một vài cá nhân nào đó? Thành phố cũng cần làm rõ xem có việc lợi ích nhóm ở đây không?

Và giả sử nếu được theo cách này, thì cũng cần phải giải trình căn cứ pháp lý để cơ quan Nhà nước thực hiện thu hồi đất, công trình xây dựng, chứ không thể để cả khối tài sản của người dân, doanh nghiệp “lặng lẽ” rơi vào tay ai.

Theo tìm hiểu được biết, thực tế, đối với mỗi vị trí quảng cáo, doanh nghiệp quảng cáo đã phải bỏ số vốn đầu tư khá lớn (tiền thuê đất hoặc đã mua đất, xin cấp phép xây dựng và các thủ tục hành chính có liên quan, kinh phí đầu tư xây dựng công trình quảng cáo), tất cả đều được tính toán, dự kiến làm kinh doanh lâu dài.

Việc thành phố thực hiện thu hồi các vị trí quảng cáo mà doanh nghiệp đã bỏ vốn đầu tư sẽ tác động trực tiếp đến quyền lợi của doanh nghiệp nói riêng và tạo tâm lý lo ngại cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư về tính minh bạch, ổn định, nhất quán, dự báo trước được của chính sách và môi trường kinh doanh của TP Hà Nội.

“Chúng tôi luôn đồng tình với chủ trương của thành phố là phải tạo nhiều nguồn thu cho ngân sách thành phố để phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội.

Chúng tôi sẵn sàng đóng góp kinh phí vào ngân sách thành phố bằng nhiều hình thức để thực hiện chủ trương đúng đắn này, nhưng không thể tước đoạt tài sản và quyền lợi hợp pháp của chúng tôi đã tồn tại từ nhiều năm nay để làm lại từ đầu”, nhiều doanh nghiệp bức xúc cho biết.

Việc thu hồi các biển quảng cáo ngoài trời thiếu cơ sở pháp luật này cũng vô hình chung đẩy các doanh nghiệp hoạt động hợp pháp được pháp luật bảo hộ dẫn tới con đường phá sản, kéo theo nhiều hệ lụy: Mất tài sản, hàng nghìn người lao động mất công ăn việc làm, bồi thường các hợp đồng kinh tế với chủ đất và khách hàng… Đây đều là những thiệt hại to lớn, không thể đo đếm được.

Từ thực tế nêu trên, có thể thấy, việc thu hồi các biển quảng cáo ngoài trời để tổ chức đấu thầu lại sẽ gây thiệt hại rất lớn cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực quảng cáo, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hỗ trợ liên quan, doanh nghiệp thực hiện quảng cáo.

Thiết nghĩ, Hà Nội, các ngành chức năng cần có cuộc điều tra làm rõ những động cơ thiếu minh bạch đã và đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi, lợi ích hợp pháp của hàng nghìn doanh nghiệp trên địa bàn Thủ đô; đồng thời đảm bảo theo đúng quy định của Luật Quảng cáo.