19/01/2025 | 23:57 GMT+7, Hà Nội

Hà Nội: Thêm một ca dương tính với SARS-CoV-2 cách ly ngay sau khi nhập cảnh

Cập nhật lúc: 01/09/2020, 15:22

Ngày 31/8/2020, ghi nhận 1 bệnh nhân nữ, 29 tuổi dương tính với virus SARS-CoV-2 (chưa được Bộ Y tế công bố) cách ly ngay sau khi nhập cảnh.

Chiều 31/8, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 của TP Hà Nội giao ban với các quận, huyện, thị xã theo hình thức trực tuyến. Dự và chỉ đạo cuộc họp có Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Đào Đức Toàn; Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý, Trưởng ban Chỉ đạo công tác phòng, chống dịch Covid-19 TP.
 Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 của TP Hà Nội giao ban với các quận, huyện, thị xã theo hình thức trực tuyến. 

Báo cáo tại phiên họp, Phó Giám đốc Sở Y tế Hoàng Đức Hạnh cho biết, từ ngày 28-31/8/2020 Việt Nam ghi nhận thêm 4 ca mắc mới và 2 ca tử vong (thời kỳ cao điểm trung bình 30 ca mắc mới/ngày). Từ ngày 29/8 không ghi nhận ca mắc mới ngoài cộng đồng. Lũy tích đợt 3 (từ ngày 25/7 đến nay), có 624 ca mắc và 32 ca tử vong. Trong đó 550 ca ngoài cộng đồng và 74 ca nhập cảnh được cách ly tập trung.

Tại Hà Nội, từ ngày 19/8 đến nay (12 ngày), Hà Nội không ghi nhận thêm ca mắc mới ngoài cộng đồng.

Ngày 31/8/2020, ghi nhận 1 bệnh nhân dương tính với virus SARS-CoV-2 (chưa được Bộ Y tế công bố) cách ly ngay sau khi nhập cảnh. Cụ thể, trường hợp này là nữ, 29 tuổi. Quê quán tỉnh Vĩnh Phúc, nhập cảnh từ Dehli Ấn Độ về Việt Nam ngày 28/8 trên chuyến bay 6E8697, được cách ly tập trung tại Trung tâm Đào tạo nghề Thành An ngay sau khi nhập cảnh. Ngày 30/8 Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội xét nghiệm RT-PCR, kết quả dương tính.

Lũy tích đợt 3 (từ ngày 25/7 đến nay), Hà Nội có 37 ca mắc, chưa có tử vong. Trong đó 11 ca ngoài cộng đồng và 26 ca từ được cách ly ngay khi nhập cảnh.

Sở Y tế dự báo, tình hình dịch bệnh trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp với số ca mắc và tử vong hàng ngày còn ở mức cao.

Tại Hà Nội, từ ngày 19/8 đến nay (12 ngày) không ghi nhận ca mắc mới ngoài cộng đồng, tuy nhiên nguy cơ dịch bệnh vẫn thường trực vì mầm bệnh đang tồn tại trong cộng đồng (1 số trường hợp phát hiện khi nhập cảnh vào các nước nhưng chưa xác định được nguồn lây - F0 tại Việt Nam), bên cạnh đó có trường hợp hết cách ly ở các tỉnh nhưng chưa có kết quả xét nghiệm lần 2 đã được cho về Hà Nội và sau đó có kết quả xét nghiệm dương tính. Vì vậy, các ngành, các cấp phải tiếp tục đề cao cảnh giác, không chủ quan, xác định chống dịch là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục và lâu dài để hình thành nếp sống, ứng xử phù hợp trong điều kiện có dịch bệnh.

Thời gian tới, các đơn vị của Thành phố Hà Nội tiếp tục hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, Bộ Y tế, Thành ủy và các văn bản chỉ đạo của UBND Thành phố, trong đó lưu ý một số nội dung sau:

Tiếp tục tuyên truyền cho người dân, đặc biệt nhấn mạnh mặc dù dịch bệnh đã được kiểm soát, nhưng nguy cơ xuất hiện ca mới rất cao, dịch có thể bùng phát trở lại, người dân không nên chủ quan lơ là, chủ động các biện pháp phòng chống dịch.

Cần thực hiện các biện pháp cơ bản phòng chống dịch trong trạng thái “bình thường mới” như: đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà, tại các nơi công cọng và trên các phương tiện giao thông công cộng; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn; hạn chế tụ tập đông người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện; giữ khoảng cách an toàn khi tiếp xúc.

Chủ động giám sát phát hiện sớm ca bệnh, trường hợp xuất hiện ca mắc thì các quy trình phòng chống dịch phải được kích hoạt ngay lập tức để triển khai kịp thời việc khoanh vùng, dập dịch, không để lây lan rộng ra cộng đồng.

Sở Y tế tiếp tục tăng cường kiểm tra, rà soát công tác phòng chống dịch tại các bệnh viện; Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thực hiện nghiêm việc phòng, chống dịch trong các cơ sở y tế; tổ chức phân luồng, phân tuyến điều trị hợp lý ngay từ khâu tiếp đón bệnh nhân, phòng ngừa lây nhiễm, tăng cường kiểm soát nhiễm khuẩn trong bệnh viện; xét nghiệm phát hiện sớm các trường hợp nghi nhiễm trong số các bệnh nhân, người nhà bệnh nhân, các trường hợp có biểu hiện ho, sốt trong cộng đồng. Chuẩn bị các kịch bản, phương án ứng phó với các tình huống dịch bệnh xảy ra tại cơ sở khám, chữa bệnh.

Sở Giáo dục và Đào tạo cùng các quận, huyện, thị xã kiểm tra công tác phòng chống dịch của các cơ sở giáo dục, chuẩn bị các điều kiện đảm bảo tốt nhất công tác phòng chống dịch trong ngày khai giảng và khi học sinh bước vào năm học mới.

Các địa phương cần tăng cường kiểm tra đảm bảo an toàn phòng, chống dịch của các cơ quan, đơn vị, nhà máy, xí nghiệp, trường học và các cơ sở kinh doanh dịch vụ, cửa hàng ăn uống. Xử phạt các trường hợp vi phạm trong công tác phòng, chống dịch.