19/01/2025 | 11:49 GMT+7, Hà Nội

Covid-19 - “chất xúc tác” thúc đẩy thanh toán không tiền mặt

Cập nhật lúc: 31/08/2020, 17:18

Các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) đang tăng nhanh, đặc biệt thời gian trong và sau dịch Covid-19.

Người tiêu dùng thanh toán tại Big C Thăng Long. Ảnh: Thanh Hải

Covid-19 hé lộ các tiềm năng của tài chính số

Cách đây vài năm, chỉ có các trung tâm thương mại, cửa hàng mua sắm lớn trang bị máy POS để “cà” thẻ. Hiện nay, hàng loạt cửa hàng nhỏ cũng trang bị máy này do lượng người sở hữu thẻ tăng lên, thói quen thanh toán không tiền mặt phổ biến hơn. Với các dịch vụ công, gần đây, người dân Hà Nội đã không còn nhìn thấy hình ảnh nhân viên đi thu tiền điện và tiền nước hàng tháng như vẫn thường thấy nhiều năm nay. Thay vào đó, người dân nhận được tin nhắn thông báo về số tiền điện, nước hàng tháng gia đình sử dụng vào số điện thoại di động đã đăng ký trước. Sau đó các hộ gia đình có thể chọn cách thanh toán qua hình thức chuyển khoản ngân hàng, các loại ví điện tử hoặc đến các điểm đại lý thanh toán của ngành điện, nước như các cửa hàng Vinmart+, các cửa hàng FPT shop...

Đặc biệt, khi dịch Covid-19 khởi phát, người tiêu dùng Việt càng nhận ra tác dụng cực hữu ích khi TTKDTM. Thống kê của Shopee, trang thương mại dẫn đầu vể lượt truy cập hiện nay tại Việt Nam cho thấy: Trong giai đoạn hạn chế ra đường do lo ngại dịch bệnh, số người dùng ví điện tử AirPay tăng lên so với thông thường. Đại diện Visa cho biết, tổng giá trị giao dịch của người tiêu dùng Việt Nam bằng thẻ tín dụng, thẻ ghi nợ Visa tăng 39% và tổng số giao dịch tăng 54%. Với dịch vụ GrabMart, trong tháng 8/2020, số lượng giao dịch TTKDTM tăng đến 128% so với tháng trước đó.

Theo NHNN, một tháng có khoảng 15 triệu người sử dụng internet banking và mobile banking. Ước tính, một ngày Việt Nam có khoảng 30 triệu giao dịch TTKDTM. Sự phát triển “thần tốc” của TTKDTM có được là nhờ vào sự đồng bộ các hình thức thanh toán e-banking, thẻ Master/Visa, ví điện tử “ lên ngôi” và trở thành giải pháp tối ưu phục vụ người dân thanh toán từ các dịch vụ thiết thực như: Tiền điện, tiền nước, tiền học phí, viện phí… đến mua sắm, du lịch…

Nỗ lực đẩy mạnh thanh toán điện tử

Theo số liệu của NHNN, TTKDTM của Việt Nam vào giữa năm 2019 mới chiếm khoảng 14% trên tổng phương tiện thanh toán. Trong khi đó, Hàn Quốc là quốc gia đạt TTKDTM cao nhất thế giới, với tỷ lệ chiếm đến 80% tổng giao dịch. Chính phủ đặt ra mục tiêu trong năm 2020, tỷ lệ TTKDTM chiếm hơn 30% trên tổng phương tiện thanh toán. Đến năm 2022 sẽ chiếm tỷ lệ 50% trên tổng phương tiện thanh toán.

Hiện nay để đẩy mạnh Chính phủ điện tử, nhiều dịch vụ công trực tuyến đã được các cơ quan, bộ, ngành và địa phương đưa vào cung cấp. Cuối năm ngoái, Văn phòng Chính phủ đã ra mắt Cổng dịch vụ công quốc gia (dichvucong.gov.vn) trên cơ sở tích hợp các dịch vụ hành chính công của các bộ ngành, tỉnh, thành vào một website.

Cuối tháng 7 vừa qua Bộ TT&TT đã phối hợp với Công ty CP Thanh toán Quốc gia Việt Nam (Napas) ra mắt Cổng hỗ trợ thanh toán quốc gia PayGov (www.pay.gov.vn). Cổng này giúp người dân, DN thanh toán trực tuyến các khoản phí, lệ phí với các dịch vụ công trực tuyến do các bộ, ngành, địa phương cung cấp. Cổng còn cho phép hơn 100 triệu khách hàng sử dụng thẻ nội địa và tài khoản thanh toán của tất cả các ngân hàng Việt Nam có thể thanh toán các dịch vụ công trực tuyến trên phạm vi 63 tỉnh, thành trên toàn quốc.

Napas cũng 3 lần giảm phí dịch vụ như: Miễn phí chuyển tiền thanh toán đối với dịch vụ công và miễn, giảm 72% phí giao dịch chuyển tiền giá trị nhỏ từ 500.000 đồng trở xuống; Giảm 50% phí dịch vụ chuyển tiền liên ngân hàng đối với giao dịch có giá trị từ hơn 500 nghìn đến 2 triệu đồng... Thời gian áp dụng đến hết ngày 31/12/2020.

Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết: Thời gian tới, NHNN tiếp tục xây dựng, bổ sung hành lang pháp lý cho hoạt động thanh toán điện tử, đáp ứng yêu cầu đối với các mô hình kinh doanh và sản phẩm dịch vụ mới trên nền tảng CNTT. Trong đó tập trung vào ngân hàng số, thanh toán số, tiếp tục nghiên cứu, triển khai các mô hình thanh toán tại nông thôn, vùng sâu, vùng xa gắn với triển khai Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia. Đồng thời, thúc đẩy thanh toán điện tử trong khu vực Chính phủ, dịch vụ công.

Từ những nỗ lực của Chính phủ, sự đồng hành của các DN đến sự ủng hộ của người tiêu dùng, có thể coi TTKDTM đang trở thành một xu hướng vượt trội.

Vào năm 2015, cứ 10 giao dịch qua Napas thì có 9 giao dịch là rút tiền mặt. Nhưng đến năm 2019, giao dịch rút tiền mặt giảm chỉ còn 4 giao dịch. Dịch vụ chuyển tiền nhanh liên ngân hàng qua Napas tăng trưởng ấn tượng đạt 260% số lượng giao dịch lũy kế hằng năm. Điều này cho thấy, người dân đã có sự dịch chuyển từ chi tiêu tiền mặt sang TTKDTM.
Tổng Giám đốc Napas Nguyễn Quang Hưng