18/01/2025 | 19:12 GMT+7, Hà Nội

Hà Nội: Tăng cường kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm tại các làng nghề dịp cuối năm

Cập nhật lúc: 22/12/2018, 01:26

Cuối năm cũng là thời điểm công tác bảo đảm an toàn, vệ sinh thực phẩm phải đối mặt với những thách thức rất lớn khi ở Việt Nam, có tới 90% thực phẩm được chế biến theo phương pháp thủ công, hộ gia đình, cá thể, do đó nhiều cơ sở chế biến thực phẩm không đạt yêu cầu, trở thành mối lo của người tiêu dùng.

Hà Nội tích cực triển khai nhiều hoạt động để tăng cường quản lý, giám sát, an toàn thực phẩm của dịp cuối năm. Ảnh minh họa.
 
Hơn một tháng nữa là Tết Kỷ Hợi. Hiện tại các làng nghề truyền thống sản xuất bánh kẹo, miến, rau, hoa quả, thực phẩm... ở Hà Nội đang nhộn nhịp chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết. Tuy nhiên, càng đến gần Tết, các vụ ngộ độc thực phẩm lại gia tăng. Tình hình vi phạm vệ sinh, an toàn thực phẩm có nhiều diễn biến phức tạp và trở thành mối lo của người tiêu dùng.
 
Để tháo gỡ những lo lắng đó, các làng nghề tại ngoại thành Hà Nội tích cực triển khai nhiều hoạt động để tăng cường quản lý, giám sát, an toàn thực phẩm của dịp cuối năm. Cụ thể, tại huyện Hoài Đức, để chuẩn bị đón Tết Kỷ Hợi, Sở Công Thương đã phối hợp với huyện mở nhiều lớp tập huấn kiến thức về vệ sinh ATTP dưới hình thức lớp tập trung, tập huấn cho các xã đặc thù hoặc mở lớp riêng cho các tiểu thương.
 
Huyện cũng đã thực hiện tốt việc giám sát thường xuyên, định kỳ và tăng cường kiểm tra. Năm 2018, tại tuyến xã đã kiểm tra đối với 1.356 cơ sở, nhắc nhở 358 cơ sở liên quan đến điều kiện ATTP; tuyến huyện kiểm tra 675 cơ sở...
 
 Với làng nghề giò chả, hiện còn 12 hộ làm giò, chả tại thôn Ước Lễ, xã Tân Ước. Theo Đại diện Trung tâm Y tế huyện Thanh Oai, định kỳ, Phòng Kinh tế huyện đều mời các đối tượng sản xuất kinh doanh trong làng nghề tham gia tập huấn. Trung tâm Y tế huyện thường xuyên kiểm tra công tác đảm bảo ATTP, đặc biệt là các đợt cao điểm vào cuối năm.
 
Cùng với các hoạt động tăng cường giám sát, quản lý tại các làng nghề, theo bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP. Hà Nội, để nâng cao hiểu biết cho bà con tại các làng nghề, Sở Công thương cũng đã triển khai đồng bộ các biện pháp quản lý ATTP.
 
Sở cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, lồng ghép ba ngành Công Thương, Y tế và Nông nghiệp; phối hợp với từng quận, huyện để hướng dẫn các hộ hoàn thiện thủ tục, giấy tờ để được cấp các loại giấy về ATTP; hướng dẫn các hộ thực hiện đúng theo quy định và thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện của các hộ đã được cấp giấy chứng nhận.
 
 Không chỉ vào dịp cuối năm, vệ sinh ATTP mới trở thành vấn đề ‘nóng’, những hoạt động tăng cường quản lý, giám sát, ATTP đang và sẽ triển khai tại các làng nghề Hà Nội sẽ góp phần nâng cao nhận thức của doanh nghiệp, hộ sản xuất, kinh doanh thực phẩm; bảo đảm sản xuất, kinh doanh các sản phẩm chất lượng, an toàn, góp phần nâng cao sức khỏe người tiêu dùng. 
Phương Nhi