18/01/2025 | 17:58 GMT+7, Hà Nội

Hà Nội sẽ nới lỏng giãn cách xã hội từ ngày mai (23/4)

Cập nhật lúc: 22/04/2020, 18:42

Chiều 22/4, chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng chống dịch COVID-19, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cơ bản đồng ý với các biện pháp nới lỏng thận trọng mà Ban Chỉ đạo Quốc gia đã đề xuất trong cuộc họp.

Theo đó, hiện nay, 63 tỉnh, thành ở Việt Nam được xếp vào 3 nhóm: (1) nguy cơ cao – (2) có nguy cơ và (3) nguy cơ thấp. Hà Nội đang được Ban chỉ đạo đề xuất vào nhóm (1); TP HCM, Bắc Ninh, Hà Giang thuộc nhóm (2); số còn lại là nhóm (3).

Kết luận cuộc họp, Thủ tướng cho biết, chưa áp dụng "nguy cơ cao" với toàn Hà Nội mà chỉ áp dụng với một vài khu vực như huyện Thường Tín, huyện Mê Linh và một số nơi có các ca nhiễm chưa đủ 14 ngày, những nơi này phải áp dụng nghiêm khắc Chỉ thị 16.

Thủ tướng giao Chủ tịch UBND TP Hà Nội có quyết định thực hiện nghiêm Chỉ thị 16 với các địa phương trên. Những nơi còn lại của Hà Nội thuộc nhóm "có nguy cơ" .

Thủ tướng chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ chiều 22/4.

Tương tự, chỉ một khu vực của Hà Giang, Bắc Ninh có bệnh nhân COVID-19 thuộc nhóm nguy cơ cao. Các địa phương khác như TP HCM; các quận, huyện khác của Hà Nội, của Bắc Ninh hay của Hà Giang là "có nguy cơ".

Được biết, hiện nay, Hà Nội còn 17/31 ổ dịch chưa qua 28 ngày. Tới 12/5, nếu không phát sinh thêm ca bệnh mới, 100% ổ dịch của Hà Nội mới qua 28 ngày. Hiện Hà Nội còn 3 bệnh nhân COVID-19 chưa đủ 14 ngày (phải tới 29/4 mới đủ).

Các tỉnh, thành khác cần kiểm soát chặt chẽ, theo dõi nghiêm ngặt nhưng tạo điều kiện cho sản xuất kinh doanh, hoạt động bình thường cho người dân.

Các địa phương khác có nguy cơ trong bối cảnh hiện nay phải đề cao cảnh giác, "không được quá vui mừng", phải đề ra biện pháp cụ thể trong phòng chống COVID-19.

Tiếp tục kiểm soát chặt chẽ, theo dõi nghiêm ngặt nhưng tạo điều kiện cho sản xuất kinh doanh, hoạt động bình thường cho người dân. 

Ngay tại các địa phương, các huyện "có nguy cơ" hay "nguy cơ cao", Chủ tịch UBND tỉnh, thành có trách nhiệm quyết định tạo điều kiện cho lưu thông hàng hoá, sản xuất kinh doanh, dịch vụ nhưng bảo đảm biện pháp phòng chống dịch; Đi sâu, đi sát xác định cấp độ nguy cơ của các huyện, xã, thôn bản trên địa phương mình để có biện pháp áp dụng phù hợp;...

Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố quyết định cụ thể các việc như mở các cửa hàng, cửa hiệu, các dịch vụ, hay cấm các dịch vụ không thiết yếu, không kinh doanh trên đường phố ở các khu vực nguy cơ cao và những biện pháp phòng dịch cần thiết...

Thủ tướng cũng lưu ý với những nơi nguy cơ cao, không được kinh doanh trên đường phố. “Nới lỏng giãn cách xã hội nhưng tối nay không phải là dịp đổ ra đường ăn mừng”, Thủ tướng nói và khuyến cáo nâng cao trách nhiệm người dân trong phòng, chống dịch.

Trước những lo ngại dịp này giới trẻ đổ ra đường sau thời gian giãn cách xã hội, Thủ tướng yêu cầu lực lượng công an và các đơn vị liên quan đảm bảo an ninh trật tự, kiểm soát chặt các hoạt động như đua xe, tập trung nhậu nhẹt đông người…

Thủ tướng yêu cầu ngành giáo dục tổ chức cho học sinh trở lại trường an toàn, chu đáo. “Tuy đi học trở lại nhưng cần phát huy học qua mạng và truyền hình, rất thành công thời gian vừa qua”, Thủ tướng nói và đồng ý với chủ trương học có trọng tâm, trọng điểm, đồng thời đánh giá cao Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chủ động xây dựng phương án tổ chức thi Trung học phổ thông.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm ban hành quy chế và hướng dẫn thi Trung học phổ thông, cũng như xét tuyển đại học, cao đẳng, trong đó có việc ra đề thi trên tinh thần không đánh đố học sinh, đảm bảo trung thực, an toàn, chất lượng trong điều kiện dịch bệnh.

Kỳ thi Trung học phổ thông do Chủ tịch UBND cấp tỉnh thành phố chịu trách nhiệm, đồng thời có sự tham gia giám sát của các cấp, các ngành như Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Công an. Ngoài ra, cần có sự tăng cường sử dụng công nghệ để đảm bảo tính trung thực của kỳ thi.