24/04/2024 | 06:35 GMT+7, Hà Nội

Hà Nội quyết định 5 mức chi liên quan đến đời sống dân sinh

Cập nhật lúc: 07/07/2020, 17:17

Tiếp tục kỳ họp thứ mười lăm, HĐND thành phố Hà Nội khóa XV, sáng 7-7, với 90/92 đại biểu có mặt tán thành, HĐND thành phố đã thông qua Nghị quyết quy định về nội dung chi, mức chi thuộc thẩm quyền của HĐND thành phố...

Tiếp tục kỳ họp thứ mười lăm, HĐND thành phố Hà Nội khóa XV, sáng 7-7, với 90/92 đại biểu có mặt tán thành, HĐND thành phố đã thông qua Nghị quyết quy định về nội dung chi, mức chi thuộc thẩm quyền của HĐND thành phố bao gồm 5 mức chi cụ thể.

Quang cảnh phiên họp sáng nay.

Quy định mức chi xây dựng ngân hàng câu trắc nghiệm cho ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Nội

Quy định này áp dụng đối với cán bộ, giáo viên và các cá nhân có liên quan tham gia xây dựng ngân hàng câu trắc nghiệm trên cơ sở việc biên soạn, xây dựng hệ thống ngân hàng câu trắc nghiệm có tính chất phức tạp, các câu hỏi trắc nghiệm khi xây dựng phải bảo đảm cho nhiều mục đích khác nhau. Cụ thể, vừa phục vụ cho việc tự học tập, ôn luyện và tự đánh giá của học sinh ở nhiều cấp độ; vừa phục vụ việc kiểm tra, khảo sát, đánh giá chất lượng học sinh để từ đó giúp giáo viên điều chỉnh nội dung, phương pháp dạy học phù hợp, hiệu quả. Ngoài ra, việc biên soạn, xây dựng hệ thống câu trắc nghiệm phải bảo đảm nguyên tắc, kỹ thuật, đúng trình tự, quy trình theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Với tính chất phức tạp của công việc nêu trên, HĐND thành phố thống nhất mức chi thực hiện xây dựng ngân hàng câu trắc nghiệm cho ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Nội áp dụng bằng mức chi tối đa theo các quy định hiện hành của trung ương và thành phố. Theo đó, năm 2020, dự kiến kinh phí khoảng 4 tỷ đồng, thời gian thực hiện từ ngày 1-8-2020.

Quy định mức chi chế độ hỗ trợ nạn nhân của hoạt động mua bán người

Đối tượng áp dụng là cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân trên địa bàn thành phố Hà Nội sử dụng kinh phí từ ngân sách nhà nước để thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ nạn nhân của hoạt động mua bán người; nạn nhân của hoạt động mua bán người.

Theo đó, chi hỗ trợ người không hưởng lương từ ngân sách nhà nước trực tiếp tham gia quản lý, bảo vệ nạn nhân gồm 200.000 đồng/người/ngày; chi hỗ trợ cho cán bộ được giao nhiệm vụ tư vấn tâm lý cho nạn nhân gồm mức chi thù lao là 10.000 đồng/người được tư vấn/lần tư vấn nhưng không quá 500.000 đồng/cán bộ/tháng.

Mức chi chế độ hỗ trợ trực tiếp cho nạn nhân gồm: Chi hỗ trợ nhu cầu thiết yếu và chi phí đi lại, tiền ăn, hỗ trợ y tế, trợ cấp khó khăn ban đầu. Tổng kinh phí dự kiến khi thực hiện theo mức chi mới khoảng 164 triệu đồng/năm (tăng so với mức chi cũ là 24 triệu đồng/năm), thời gian thực hiện từ ngày 1-8-2020.

Quy định chính sách hỗ trợ sử dụng hình thức hỏa táng

Đối tượng áp dụng là người có hộ khẩu thường trú tại thành phố Hà Nội; đối tượng được nuôi dưỡng tại các trung tâm nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công và cơ sở trợ giúp xã hội công lập của thành phố Hà Nội; đối tượng điều trị tại Bệnh viện 09 (Sở Y tế Hà Nội); người lang thang, vô gia cư chết trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Cụ thể, mức hỗ trợ chi phí hỏa táng, thi hài người lớn 3.000.000 đồng/ca; thi hài trẻ em dưới 6 tuổi là 1.500.000 đồng/ca. Trường hợp UBND thành phố quyết định điều chỉnh đơn giá hỏa táng, mức hỗ trợ chi phí hỏa táng sẽ được thực hiện theo đơn giá điều chỉnh. Mức hỗ trợ chi phí vận chuyển là 1.000.000 đồng/ca.

Ngoài ra, đối với người dân thuộc hộ nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi; các đối tượng người có công đang được nuôi dưỡng thường xuyên tại các trung tâm nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công; các đối tượng xã hội đang được nuôi dưỡng thường xuyên tại các cơ sở trợ giúp xã hội công lập của thành phố Hà Nội, đối tượng điều trị tại Bệnh viện 09 (Sở Y tế Hà Nội); người lang thang vô gia cư chết trên địa bàn thành phố Hà Nội cũng được hỗ trợ.

Cụ thể, hỗ trợ áo quan hỏa táng, túi đồ khâm liệm, bình đựng tro cốt bằng mức hỗ trợ theo mức giá thấp nhất của Ban Phục vụ lễ tang Hà Nội tại thời điểm hỗ trợ.

Hỗ trợ chi phí quản lý lưu giữ bình tro, mức hỗ trợ theo mức giá thấp nhất được UBND thành phố phê duyệt. Trường hợp UBND thành phố quyết định điều chỉnh đơn giá, mức hỗ trợ chi phí sẽ được thực hiện theo đơn giá điều chỉnh.

Tổng kinh phí dự kiến năm 2021 khi thực hiện theo mức hỗ trợ mới khoảng hơn 99 tỷ đồng/năm, thời gian thực hiện từ ngày 1-1-2021.

Quy định về mức chi tiền thưởng các danh hiệu, hình thức khen thưởng

Quy định về mức chi tiền thưởng đối với các danh hiệu, hình thức khen thưởng, giải thưởng của các cuộc thi, hội thi, hội giảng, kỳ thi tay nghề trên địa bàn thành phố và nội dung, mức chi đối với hoạt động của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng, Hội đồng xét tặng các danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng, giải thưởng các cấp.

Đối tượng áp dụng là các sở, ban, ngành, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội và các đoàn thể thành phố; UBND các quận, huyện, thị xã; UBND xã, phường, thị trấn và các tổ chức, cá nhân có liên quan.

Kinh phí dự kiến thực hiện khoảng 5 tỷ đồng/năm, thời gian thực hiện từ ngày 1-8-2020.

Quy định mức chi cho hoạt động khuyến nông

Đối tượng áp dụng là tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động khuyến nông và đối tượng chuyển giao công nghệ trong nông nghiệp theo quy định tại Điều 5 Nghị định số 83/2018/NĐ-CP ngày 24-5-2018 của Chính phủ về khuyến nông; cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động khuyến nông.

Dự kiến kinh phí thực hiện chương trình khuyến nông thành phố Hà Nội giai đoạn 2020-2025 là hơn 873 tỷ đồng (trong đó, ngân sách cấp thành phố là hơn 713 tỷ đồng, ngân sách cấp quận, huyện là hơn 160 tỷ đồng). Thời gian thực hiện từ ngày 1-8-2020.

Với 100% đại biểu có mặt tán thành, HĐND thành phố đã thông qua Nghị quyết ban hành quy định khu vực không được phép chăn nuôi và chính sách hỗ trợ di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Theo đó, khu vực không được phép chăn nuôi gia súc, gia cầm (trừ nuôi động vật làm cảnh, nuôi động vật thí nghiệm mà không gây ô nhiễm môi trường), gồm: Các phường của các quận thuộc thành phố; 4 phường (Sơn Lộc, Quang Trung, Ngô Quyền và Lê Lợi) thuộc thị xã Sơn Tây; các thị trấn của 5 huyện (Đan Phượng, Hoài Đức, Đông Anh, Gia Lâm, Thanh Trì) và các khu chung cư, tập thể cũ, khu đô thị nằm trên địa bàn các huyện, thị xã được các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Chủ cơ sở, người lao động làm việc trực tiếp tại các cơ sở chăn nuôi khi dừng chăn nuôi có nhu cầu đào tạo nghề, chuyển đổi nghề sẽ được hỗ trợ chi phí học nghề, mức tối đa là 3 triệu đồng/người/khóa học; mức hỗ trợ tiền ăn là 30 nghìn đồng/người/ngày thực học; mức hỗ trợ tiền đi lại không quá 200 nghìn đồng/người/khóa học đối với người tham gia học nghề ở xa nơi cư trú từ 15km trở lên.