22/11/2024 | 04:29 GMT+7, Hà Nội

Hà Nội: Nỗ lực để người thu nhập thấp có nhà ở xã hội

Cập nhật lúc: 27/05/2023, 13:57

Với sự quyết tâm cao, Hà Nội đang nỗ lực triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp để đạt được các mục tiêu đã đề ra trong việc thực hiện các chương trình, kế hoạch xây dựng nhà ở, phát triển nhà ở xã hội.

Đẩy nhanh tiến độ các dự án
Nhằm đáp ứng nguồn cung nhà ở cho người dân, ngày 3/4/2023, Chính phủ công bố Quyết định số 338/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất một triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030". Đây là cơ hội sẽ giúp cho những người dân, người lao động thu nhập thấp có cơ hội mua nhà.

Tại Hà Nội, để bảo đảm cho người dân ở Thủ đô Hà Nội có chỗ ở, "an cư lạc nghiệp", UBND TP Hà Nội đã ban hành Chương trình phát triển nhà ở TP. Hà Nội giai đoạn 2021 - 2030, Kế hoạch phát triển nhà ở TP Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025, Kế hoạch phát triển nhà ở xã hội TP Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025. Trong đó, định hướng chú trọng phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân các khu công nghiệp…

Cụ thể, Kế hoạch phát triển nhà ở TP Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025 đã được UBND TP. Hà Nội phê duyệt đã xác định mục tiêu đến năm 2025 phát triển mới khoảng 1,2 triệu m2 sàn nhà ở; chuẩn bị đầu tư 1 - 2 khu nhà ở xã hội độc lập (tập trung) và nghiên cứu lập quy hoạch chi tiết 2 - 3 khu.

Trong Kế hoạch phát triển nhà ở TP Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025, TP Hà Nội sẽ dành hơn 220 tỉ đồng để hoàn thiện và điều chỉnh các tòa nhà đang bỏ hoang hơn chục năm tại dự án ký túc xá cho học sinh, sinh viên Pháp Vân - Tứ Hiệp thành nhà ở xã hội.

Khu nhà ở dành cho người thu nhập thấp tại quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội
Khu nhà ở dành cho người thu nhập thấp tại quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội

Trước đó, vào năm 2017, Sở Xây dựng Hà Nội từng đề xuất chuyển đổi nhà A2, A3 từ công trình ký túc xá thành nhà ở xã hội để bán, cho thuê theo hình thức xã hội hóa, nhưng chưa được thực hiện. Đầu năm 2023, TP Hà Nội đã chính thức có quyết định phê duyệt kế hoạch chuyển đổi công năng dự án bằng tiền ngân sách.

Theo đại diện Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng TP Hà Nội, việc chuyển đổi từ ký túc xá sinh viên thành nhà ở xã hội rất thuận lợi. Tuy nhiên, việc chuyển đổi phải trải qua rất nhiều thủ tục, cho nên thời gian dự kiến hoàn thiện chuyển đổi nhà ở sinh viên sang nhà ở xã hội là vào năm 2025.

Tại hội nghị gặp gỡ, đối thoại của Chủ tịch UBND TP Hà Nội với công nhân, lao động Thủ đô năm 2023, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, TP Hà Nội đang đẩy nhanh tiến độ, dự án để trong nhiệm kỳ này khởi công được một số nhà ở xã hội theo kế hoạch, chương trình 1 triệu nhà ở xã hội cho người lao động theo chương trình của Chính phủ đã ban hành.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh khẳng định, TP Hà Nội đang thực hiện rất quyết liệt và sẽ có chính sách riêng để công nhân với mức lương bình quân 7 triệu đồng có thể tiếp cận được nhà ở xã hội. Hiện nay các doanh nghiệp cũng đã sẵn sàng, TP Hà Nội mong muốn cuối năm 2023 và 2024 tập trung khởi công xây dựng một số khu nhà ở xã hội để đáp ứng nhu cầu cho người dân.

Triển khai quyết liệt, đồng bộ
Số liệu từ Sở Xây dựng, hiện Hà Nội có 40 dự án được triển khai, trong đó 18 dự án dự kiến hoàn thành giai đoạn 2021 - 2025 với khoảng 870.000m2 sàn, dự kiến hơn 12.000 căn hộ và 22 dự án dự kiến hoàn thành giai đoạn sau 2025 với khoảng 22.400 căn hộ. Tuy nhiên, từ đầu năm 2021 đến hết tháng 4/2023, Hà Nội chỉ có 4 dự án nhà ở xã hội hoàn thành với khoảng 5.300 căn hộ.

Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, để bổ sung thêm quỹ nhà ở xã hội, phục vụ cho những người dân có thu nhập thấp, TP Hà Nội đang tiếp tục rà soát những quỹ đất, đề xuất phương án xây nhà ở xã hội mới. Đồng thời, rà soát điều chỉnh quy hoạch để bổ sung quỹ đất đồng bộ với các thiết chế công đoàn phục vụ cho nhu cầu nhà ở của người thu nhập thấp, công nhân và người lao động.

Hiện TP Hà Nội cũng đang tính đến việc sẽ xây dựng nhà ở xã hội độc lập dọc Vành đai 4 đang được triển khai để tạo ra một không gian phát triển mới cũng như thuận lợi cho giao thông.

Hà Nội: Nỗ lực để người thu nhập thấp có nhà ở xã hội

Dự án nhà ở xã hội NHS Trung Văn (đường Tố Hữu, phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm) đang đẩy nhanh tiến độ
Dự án nhà ở xã hội NHS Trung Văn (đường Tố Hữu, phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm) đang đẩy nhanh tiến độ

Với sự quyết tâm cao, hiện TP Hà Nội đang nỗ lực triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp để đạt được các mục tiêu đã đề ra trong việc thực hiện các chương trình, kế hoạch xây dựng nhà ở, phát triển nhà ở xã hội để bảo đảm cuộc sống, cải thiện đời sống cho người dân trên địa bàn Thủ đô Hà Nội. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện không thể tránh khỏi những khó khăn, vướng mắc.

Đối với khó khăn, vướng mắc về việc sử dụng nguồn tiền thu được từ tiền đóng tiền sử dụng đất thay thế cho 20% quỹ đất trong các dự án nhà ở thương mại để phát triển nhà ở xã hội kiến nghị các Bộ, ngành Trung ương sớm ban hành hướng dẫn việc quản lý, sử dụng khoản tiền sử dụng đất phải nộp đối với quỹ đất 20% tại dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị theo quy định.

Đối với khó khăn, vướng mắc về quy hoạch, TP Hà Nội kiến nghị Bộ Xây dựng báo cáo Chính phủ ủy quyền cho Hà Nội chủ động thực hiện bố trí thay thế quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội cho các dự án này tại các khu nhà ở xã hội độc lập (tập trung) trên địa bàn thành phố; Đồng thời, giao quyền cho thành phố điều chỉnh quy hoạch các khu công nghiệp, khu chế xuất để bổ sung quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội cho thuê (nhà lưu trú, tạm trú theo quy định của Nghị định số 35/2022/NĐ-CP ngày 28/5/2022 của Chính phủ về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế).

Về khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ, Luật Nhà ở 2014 và Nghị định 49/2021/NĐ-CP quy định chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội được UBND cấp tỉnh hỗ trợ toàn bộ hoặc một phần kinh phí đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật trong phạm vi dự án. Tuy nhiên, luật, nghị định chưa quy định cụ thể danh mục hạng mục, công trình hạ tầng kỹ thuật trong dự án đầu tư xây dựng khu nhà ở xã hội được ngân sách nhà nước hỗ trợ, làm cơ sở để cơ quan nhà nước đầu tư hoặc hỗ trợ đầu tư phát triển nhà ở xã hội.

Từ thực tế trên, TP Hà Nội đề xuất Bộ Xây dựng báo cáo Chính phủ ủy quyền cho TP Hà Nội chủ động bố trí thay thế quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội cho các dự án này tại các khu nhà ở xã hội độc lập (tập trung) trên địa bàn; Giao quyền cho thành phố điều chỉnh quy hoạch các khu công nghiệp, khu chế xuất để bổ sung quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội cho thuê…

Nguồn: https://tuoitrethudo.com.vn/ha-noi-no-luc-de-nguoi-thu-nhap-thap-co-nha-o-xa-hoi-225163.html