19/01/2025 | 09:41 GMT+7, Hà Nội

Hà Nội: Nhiều cách sắm Tết an toàn trong mùa dịch bệnh

Cập nhật lúc: 28/01/2022, 09:06

Càng cận Tết Nguyên đán Nhâm Dần, nhu cầu mua sắm và du xuân của người dân Hà Nội càng tăng mạnh. Nhiều người dân để đảm bảo an toàn trong mùa dịch đã chọn cách mua hàng Online.

Phòng dịch an toàn khi mua tại cửa hàng

Để bảo đảm cho nhân dân đón Tết an toàn, vui tươi, các địa phương đã xây dựng phương án, kế hoạch về bảo đảm an toàn dịch bệnh, giao thông tại các điểm chợ Tết. Theo Phó Trưởng phòng Kinh tế quận Hoàn Kiếm Đoàn Quang Cường, UBND quận đã yêu cầu các phường có tổ chức chợ Tết, chợ hoa xuân lên kế hoạch, phương án phòng, chống dịch.

Trong đó, UBND các phường Hàng Mã, Đồng Xuân, Hàng Đào đã công khai tên, số điện thoại của cán bộ phụ trách công tác phòng, chống dịch bệnh tại chợ hoa, chợ Tết để người bán hàng và khách hàng biết, liên hệ khi cần thiết.

Các chợ truyền thống là địa điểm cần phải cảnh giác cao khi mua sắm. (Ảnh minh họa)
Các chợ truyền thống là địa điểm cần phải cảnh giác cao khi mua sắm. (Ảnh minh họa)

UBND quận Hoàn Kiếm cũng có văn bản thỏa thuận với Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội về việc bố trí phân luồng giao thông, cấm đường không cho phương tiện lưu thông trong khu vực tổ chức chợ hoa xuân. Đối với các điểm bán hàng Tết, quận yêu cầu các phường thực hiện nghiêm quy định "5K" của Bộ Y tế, tuân thủ việc quét mã QR. Đồng thời, tổ chức các điểm giao thông tĩnh phục vụ chợ Tết, có phương án, sơ đồ bố trí cụ thể, dự đoán công suất chứa phương tiện để bảo đảm phục vụ tốt nhất nhu cầu của nhân dân đến tham quan, mua sắm.

Còn theo Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Nguyễn Thạc Hùng, nhằm tạo điều kiện trưng bày và bán cây cảnh, hoa, quả và sản phẩm làng nghề truyền thống, từ ngày 17-1, UBND huyện Đan Phượng tổ chức chợ hoa xuân tại thị trấn Phùng trên đoạn đường giao thông từ Vườn hoa 19-5 phố Tây Sơn giáp quốc lộ 32 đến điểm cuối ngã tư Công ty TNHH Xuân Phương và tại 2 bên vỉa hè quốc lộ 32 cũ, đoạn cách Bốt Phùng 20m đến đầu đường N14.

“Huyện Đan Phượng đang tổ chức chợ hoa xuân tại 13 xã để phục vụ nhân dân. UBND huyện đã xây dựng phương án phòng, chống dịch Covid-19, bố trí nhân lực trực chốt tại các lối ra vào, thực hiện nghiêm việc khai báo y tế qua mã QR hằng ngày, nhắc nhở yêu cầu hộ kinh doanh, người dân thực hiện biện pháp bắt buộc đeo khẩu trang, đo thân nhiệt, rửa tay sát khuẩn, giữ khoảng cách an toàn", ông Nguyễn Thạc Hùng cho hay.

Liên quan đến việc này, chiều 22-1, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan đã dẫn đầu đoàn công tác đi kiểm tra việc tổ chức, triển khai một số điểm chợ Tết trên địa bàn Thủ đô. Bà Trần Thị Phương Lan cho biết, những ngày cuối năm có rất nhiều chợ Tết được mở ra để phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân Thủ đô. Tuy nhiên, do dịch bệnh vẫn phức tạp nên Sở Công Thương Hà Nội yêu cầu các đơn vị tổ chức chợ Tết phải xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch và được chính quyền sở tại thông qua mới được tổ chức.

Các ban tổ chức chợ Tết cũng phải tăng cường lực lượng bảo vệ để hướng dẫn người dân thực hiện tốt các biện pháp phòng dịch. Quan điểm là vui sắm Tết nhưng không quên nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh.

Xu hướng mua sắm Online tăng mạnh

Chiều 25/1, đoàn công tác của UBND TP Hà Nội đã kiểm tra việc dự trữ hàng tại một số siêu thị trên địa bàn Thành phố. Tại buổi kiểm tra, ông Nguyễn Mạnh Quyền, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội ghi nhận sự tích cực của các nhà bán lẻ, hệ thống siêu thị trong việc chuẩn bị lượng hàng hóa phong phú đáp ứng tốt nhu cầu mua sắm của bà con cho dịp Tết Nguyên đán 2022.

Nhiều người trẻ sử dụng mua sắm Onine như một cách hữu hiệu để phòng dịch. (Ảnh minh họa)
Nhiều người trẻ sử dụng mua sắm Onine như một cách hữu hiệu để phòng dịch. (Ảnh minh họa)

Thống kê từ các nhà bán lẻ, siêu thị cho thấy, nhu cầu mua sắm của người dân trong tuần áp Tết không tăng mạnh, lượng khách hàng mua sắm trực tiếp không đông, nhưng mua "online" tăng mạnh. Các doanh nghiệp cung cấp hàng hóa cho người dân trong dịp Tết cũng cam kết đảm bảo nguồn hàng phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân và cam kết bình ổn giá bán hàng hóa tiêu dùng thiết yếu, hạn chế hiện tượng tăng giá đột biến tại các chợ truyền thống.

Cũng tại buổi kiểm tra, đánh giá việc hệ thống siêu thị tăng cường dự trữ hàng hóa phục vụ Tết Nhâm Dần, bà Trần Thị Phương Lan, quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội nhận định: Hàng Việt Nam đang chiếm trên 90% cơ cấu hàng hóa, nguồn cung dồi dào, hàng hóa đảm bảo chất lượng, giá cả ổn định. TP Hà Nội đã yêu cầu hệ thống bán lẻ chủ động kết nối với các nhà cung cấp qua đó đảm bảo nguồn hàng phục vụ Tết không tăng giá.

Nguồn: https://kinhtemoitruong.vn/ha-noi-nhieu-cach-sam-tet-an-toan-trong-mua-dich-benh-63745.html