25/11/2024 | 06:07 GMT+7, Hà Nội

Hà Nội: Linh hoạt, sáng tạo, vững tin với nhiệm vụ “kép”

Cập nhật lúc: 19/04/2020, 18:09

Những tháng đầu năm 2020, thành phố phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức từ diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, ảnh hưởng nặng nề tới hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống nhân dân.

Những tháng đầu năm 2020, thành phố phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức từ diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, ảnh hưởng nặng nề tới hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống nhân dân. Thấu hiểu điều này, thành phố Hà Nội đã luôn đồng hành cùng người dân, doanh nghiệp với quyết tâm cao nhất thực hiện nhiệm vụ "kép" vừa quyết liệt phòng chống dịch hiệu quả, vừa khôi phục và phát triển kinh tế.

Dồn sức thực hiện nhiệm vụ “kép”

Thực hiện Lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, các Chỉ thị của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Thường trực Ban Bí thư, Chỉ thị số 11, 15 và 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về thích ứng, phòng chống dịch Covid-19, thành phố Hà Nội đã sớm quan tâm xây dựng các giải pháp duy trì sản xuất kinh doanh song song với nhiệm vụ cấp bách là ngăn ngừa, phòng chống dịch.

Thành phố đã vào cuộc với tinh thần quyết liệt “chống dịch như chống giặc”. Những cuộc họp khẩn với các Sở, Ban, ngành, quận, huyện để triển khai hàng loạt biện pháp phòng, chống dịch bệnh đã diễn ra liên tục trong mấy tháng vừa qua. Việc giám sát, điều tra, xác minh, cách ly, cung cấp vật tư y tế… đến từng hộ dân được thành phố triển khai khẩn trương và bài bản.

Trong nhiều cuộc họp, Thành ủy Hà Nội chỉ đạo UBND thành phố dồn sức thực hiện nhiệm vụ "kép” vừa phòng, chống dịch, vừa sản xuất, kinh doanh, khôi phục kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội. Thành phố thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, tạo điều kiện thuận tiện, thông thoáng, nhanh gọn để thu hút tối đa nguồn lực, vốn đầu tư nước ngoài và các doanh nghiệp.

Thành phố đã thực hiện tiết kiệm chi phí chi thường xuyên, cắt giảm những công việc chưa thực sự cần thiết để dành nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch và hỗ trợ an sinh xã hội; kêu gọi các doanh nghiệp Nhà nước thuộc thành phố thực hiện tiết giảm chi tiêu để dành kinh phí cho công tác phòng, chống dịch; rà soát, hỗ trợ những trường hợp lao động khó khăn, mất việc làm, chịu nhiều ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 để đề xuất chính sách hỗ trợ đặc thù...

Lãnh đạo thành phố Hà Nội đối thoại, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

Đặc biệt, tại buổi làm việc của Ban Thường vụ Thành ủy với Đảng bộ Khối doanh nghiệp thành phố về thích ứng trong bối cảnh dịch giã mới đây, lãnh đạo thành phố nhấn mạnh, nhiệm vụ đặt ra cho 109 doanh nghiệp thành viên của Đảng bộ là bảo đảm sản xuất an toàn cho người lao động và tăng cường đổi mới, sáng tạo, cơ cấu lại sản xuất, tìm kiếm sản phẩm mới để duy trì, phát triển.

Từ sự chỉ đạo, quan tâm sát sao của chính quyền Hà Nội, cùng với sự linh hoạt, sáng tạo, Tổng Công ty May 10 đã chuyển đổi sang sản xuất khẩu trang y tế. Theo ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc, sản xuất khẩu trang giúp đơn vị tạo việc làm cho 12.000 công nhân lao động và bù đắp phần thiếu hụt đơn hàng từ các sản phẩm truyền thống.

Vị "thuyền trưởng" của May 10 hồ hởi chia sẻ: "Chúng tôi đã nhìn thấy "ánh sáng" trong khó khăn khi mạnh dạn chuyển sang may khẩu trang, phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Ngày 7/4 vừa qua, chúng tôi đã rất vui và tự hào vì được đồng chí Vương Đình Huệ, Bí thư Thành ủy Hà Nội khen ngợi, biểu dương và đánh giá May 10 là tấm gương vượt khó trong bối cảnh tác động của dịch Covid-19".

Đồng hành, gỡ khó vực dậy nền kinh tế

Dịch Covid-19 vẫn rình rập trong khi cuộc sống không thể dừng lại. Chúng ta phải lựa chọn chấp nhận ngưng trệ kéo dài cho đến khi hết dịch hoặc tìm giải pháp quyết liệt, vừa chống dịch, vừa khôi phục kinh tế.

Tại hội nghị đối thoại với doanh nghiệp vừa được thành phố tổ chức, các doanh nghiệp đã bày tỏ ủng hộ công tác phòng chống dịch Covid-19 của Hà Nội và thẳng thắn chia sẻ những vấn đề khó khăn. Lãnh đạo các doanh nghiệp kỳ vọng với những quyết sách cụ thể của thành phố, doanh nghiệp sẽ tận dụng cơ hội “nắm bắt” để tiếp tục duy trì tăng trưởng.

Chủ tịch Tập đoàn BRG Nguyễn Thị Nga chia sẻ, thành phố nên trích ngân sách để lập quỹ kích cầu du lịch; tổ chức các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch ngay sau khi hết dịch tại những thị trường trọng điểm để thu hút khách.

Trước thông tin về 41ha đất ở Ba Vì có thể đầu tư nông nghiệp ngay, bà Thái Hương, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn TH mong muốn được đầu tư vào dự án này để trồng rau sạch cung cấp cho Hà Nội. Tin tưởng việc quyết tâm thực hiện nhiệm vụ "kép" của Hà Nội, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn TH cũng mong muốn được đóng góp vào chương trình trồng thêm 600.000 cây xanh của thành phố.

Trước những chia sẻ, kiến nghị của các doanh nghiệp, Ủy viên Bộ chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ cũng khẳng định thành phố đã chỉ đạo các cơ quan chức năng triển khai quyết liệt, kịp thời, đúng đối tượng, đảm bảo công khai, minh bạch và tuyệt đối không có tiêu cực trong việc thực thi các cơ chế, chính sách của Chính phủ về giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp.

Người đứng đầu thành phố nêu rõ, Hà Nội cam kết đẩy mạnh các hoạt động sản xuất, kinh doanh, thích ứng với điều kiện giãn cách xã hội. Theo đó, Thành phố sẽ đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, thúc đẩy đầu tư công theo nguyên tắc “góp gió thành bão”, từ các công trình của thôn, tổ dân phố đến các xã, phường, thị trấn và quận, huyện, cũng như các dự án đầu tư tư nhân, các dự án đầu tư theo hình thức hợp tác công - tư.

Hà Nội cũng sẽ phối hợp với các Bộ, ngành để đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh đối với các ngành, lĩnh vực có lợi thế trong bối cảnh dịch bệnh, nhất là công nghệ thông tin, sản xuất vật tư, thiết bị y tế... để vừa tạo cầu, vừa tạo cung cho doanh nghiệp.

Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ giao Ban Cán sự Đảng UBND thành phố thường xuyên tiếp nhận các ý kiến phản ánh của doanh nghiệp; thống nhất việc khởi động lại tổ công tác do Phó Chủ tịch UBND thành phố làm tổ trưởng để xem xét, giải quyết các kiến nghị, khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp.

Thành phố đã giao cho các Sở, ngành phối hợp, hướng dẫn xây dựng tiêu chuẩn, tiêu chí an toàn cho từng loại hình sản xuất kinh doanh, để vừa phòng, chống dịch tốt, vừa đảm bảo an toàn cho cho hoạt động của doanh nghiệp.

Cho biết Hà Nội đặt mục tiêu phấn đấu trong năm nay, tăng trưởng kinh tế gấp 1,3 lần mức tăng trưởng của cả nước, do vậy ngoài sự nỗ lực, cố gắng của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Thủ đô, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ mong muốn cộng đồng doanh nghiệp chung tay với thành phố để thực hiện mục tiêu này.

Sự vào cuộc đồng bộ, có trách nhiệm của chính quyền từ thành phố đến cơ sở cùng với tinh thần nỗ lực, tự chủ vượt khó của các doanh nghiệp, hoạt động sản xuất, kinh doanh của Thủ đô tiếp tục phát triển, kinh tế sẽ được vực dậy mạnh mẽ.

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, thành phố Hà Nội đã xây dựng 3 kịch bản điều hành phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng ứng phó với dịch Covid-19. Trên cơ sở đó,thành phố ban hành và triển khai các giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội.

Cụ thể, thành phố đã bổ sung 1.020 tỷ đồng nguồn vốn ngân sách ủy thác qua chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách nhằm hỗ trợ giải quyết việc làm, phát triển nông nghiệp, xây dựng Nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân. Ngoài ra, UBND thành phố đã xây dựng một số nhóm chính sách hỗ trợ đặc thù trình HĐND thành phố thông qua để thực hiện, như: Hỗ trợ doanh nghiệp chi phí trả kết quả thực hiện thủ tục đăng ký kinh doanh; hỗ trợ 50% tiền thuê nhà trong 3 tháng đối với sinh viên đang thuê nhà tại các khu nhà ở Pháp Vân - Tứ Hiệp, Mỹ Đình II và công nhân thuê nhà tại khu nhà ở xã Kim Chung…

Đặc biệt, thành phố triển khai 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19. Đó là: Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, mở rộng các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 theo hướng hỗ trợ người dân và doanh nghiệp tối đa; Hỗ trợ kinh phí cho doanh nghiệp thành lập mới; Thực hiện chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp (dư nợ cho vay đến nay ước đạt 546 nghìn tỷ đồng); Triển khai các gói hỗ trợ cho vay sản xuất, kinh doanh như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ, giảm phí... đối với khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19...