29/03/2024 | 07:52 GMT+7, Hà Nội

Hà Nội: Khi người đi bộ thờ ơ với cầu vượt bộ hành

Cập nhật lúc: 27/11/2019, 10:32

Rất nhiều cây cầu đi bộ được xây dựng nhằm phục vụ mục đích sang đường của người dân, thế nhưng, tình trạng người đi bộ băng qua đường, giữa dòng xe cộ đông đúc một cách thản nhiên vẫn diễn ra thường xuyên.

Vô tư cắt ngang dòng xe cộ bất chấp nguy hiểm

Nhiều cầu vượt bộ hành được đầu tư xây dựng hàng chục tỷ đồng nhưng hiệu quả sử dụng rất thấp. Cầu vượt bộ hành tại đường Nguyễn Trãi - Thanh Xuân, vị trí có hai trường Đại học KHXH&NV và trường Đại học Khoa học Tự Nhiên. Chỉ trong vòng 30 phút, hàng trăm lượt người vô tư đi lại dưới lòng đường, cắt ngang dòng xe đông đúc tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông, cầu vượt chỉ cách họ có đúng 100m, nhưng cả sinh viên lẫn người dân, nhiều người không sử dụng chúng.

Cầu vượt tại số 131 Nguyễn Trãi, trường THPT Nguyễn Du là nơi tập kết rác thải sinh hoạt hằng ngày, bốc mùi xú uế là một phần khiến người đi bộ "ngại" sử dụng cầu.

Bà Nguyễn Lan, chủ quán bún cá sống gần cầu cho biết: “Họ muốn sang đường nhanh chóng thôi, cầu vượt thì xa quá, sao không dựng cầu gần bến xe buýt hơn để người dân sử dụng chúng tức thời mà phải đi bộ cả quãng đường xa như thế, tôi cũng thấy chả có ai nhắc nhở hay xử phạt những người sang đường cả."

Đó là ý kiến của bà Lan, nhưng theo quan sát của Phóng viên thì cầu vượt bộ hành trên đường Nguyễn Trãi - Thanh Xuân, tại điểm Trường Đại học KHXH&NV chỉ cách điểm dừng đỗ xe buýt 100m, vậy mà người dân vẫn vô tư cắt ngang dòng xe cộ một cách thản nhiên, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn cho chính bản thân mình.

Phụ huynh thản nhiên dẫn con băng qua đường, trong khi cầu vượt đi bộ chỉ cách họ có vài chục mét.

Một ví dụ điển hình về sự thờ ơ với cầu đi bộ nữa là tại nhà chờ xe buýt BRT Khuất Duy Tiến - Tố Hữu. Cầu vượt tại các nhà chờ Xe buýt BRT là một trong những cây cầu được đầu tư lớn và có công năng sử dụng thiết thực nhất khi có mái che và nền được lót thêm cao su, phục vụ hành khách đi xe buýt và cả những người cần sang đường. Thế nhưng một bộ phận lớn hành khách không sử dụng chúng, mà bất chấp nguy hiểm cắt ngang dòng xe cộ để băng qua đường.

Nhiều hành khách vừa xuống xe buýt đã lựa chọn phương án vượt rào để qua đường bất chấp nguy hiểm.

Khi được hỏi tại sao người hành khách lại bất chấp nguy hiểm băng qua đường như vậy, nhân viên nhà chờ Khuất Duy Tiến trả lời rằng họ đã nhiều lần nhắc nhở và hướng dẫn hành khách, nhưng chỉ được một số ít hành khách sử dụng cầu vượt bộ hành.

Khi phóng viên gọi điện tới số điện thoại đường dây nóng tiếp nhận phản ánh về dịch vụ BRT để hỏi tại sao tại nhà chờ không có biển báo chỉ dẫn, hướng dẫn một cách rõ ràng để hành khách sử dụng cầu vượt bộ hành thì không nhận được trả lời, mặc dù điện thoại đổ chuông trong giờ hành chính nhưng không có ai nhấc máy.

Qua đó có thể thấy rằng, người dân cần tự ý thức được việc cắt ngang dòng xe cộ như vậy là một hành vi vi phạm pháp luật, sự thờ ơ với cầu vượt bộ hành chẳng khác nào thờ ơ với tính mạng của chính bản thân mình.

Phát huy tối đa công năng của cầu bộ hành

Thành phố Hà Nội đã có chủ trương và thực tế là đã xây dựng được nhiều cầu vượt đi bộ và hầm dành riêng cho người đi bộ, thế nhưng, hiệu quả của chúng vẫn chưa được khai thác triệt để. Vậy nguyên nhân là do đâu?

Ý thức của người dân là một phần, công tác quản lý, điều hành của cơ quan có thẩm quyền cũng là một dấu hỏi lớn, khi mà các chế tài xử phạt cũng còn chưa răn đe. Cách đây vài năm, dư luận rộ lên về việc người đi bộ đi sai luật cũng có thể bị xử phạt từ 60.000 - 80.000 đồng. Nhưng đến nay mọi việc lại “đâu vào đấy”, không ai xử phạt, còn người đi bộ tiếp tục cắt đứt dòng xe cộ để qua đường.

Người đi bộ vẫn còn dửng dưng, còn nhà đầu tư thì tiếp tục cho những cây cầu mới mọc lên theo cách cảm tính.

Câu hỏi được đặt ra ở đây là, ai sẽ là người nhắc nhở và xử phạt hành vi vi phạm luật giao thông đường bộ của người đi bộ nếu không phải là cảnh sát giao thông?!

Phần nữa là vì việc tổ chức hành lang ưu tiên cho người đi bộ còn chưa được hành động một cách quyết liệt, vẫn còn đâu đó việc lấn chiếm vỉa hè để gián tiếp và trực tiếp đẩy người đi bộ phải đi bộ xuống lòng đường, gây mất mỹ quan đô thị và đảm bảo an toàn giao thông đường bộ. Điều này tạo thành một thói quen xấu đối với người dân khi họ cứ mãi phải đi xuống lòng đường cùng bao phương tiện cơ giới khác.

Cần ưu tiên dựng cầu vượt tại những điểm nóng

Ví dụ về việc thiếu cầu vượt đi bộ là tại Khu văn hóa Nghệ thuật trên đường Hồ Tùng Mậu. Cầu đi bộ tại ngã tư Mai Dịch - Hồ Tùng Mậu thì cách cổng trường Đại học Thương Mại tới cả nửa cây số, nhu cầu sang đường tại điểm trường Đại học Thương Mại và Khu văn hóa nghệ thuật là rất lớn nhưng lại vắng bóng hầm và cầu vượt cho người đi bộ.

Tại cổng trường Thương Mại thì không có lấy một cây cầu vượt hay hầm dành cho người đi bộ nào.

Các nhà đầu tư cần phải có quy hoạch chi tiết hơn để xây dựng các cây cầu vượt tại các điểm tập trung nhiều trường học, đông học sinh, sinh viên, các trung tâm thương mại... bên cạnh đó cần có biển báo và vạch chỉ đường hướng dẫn người dân sử dụng cầu, thêm nữa là cần có các chế tài và lực lượng chức năng xử phạt nếu người đi bộ đi sai luật.

Những cây cầu bộ hành được xây dựng nên với “sứ mệnh” giúp giải tỏa giao thông trong thành phố. Nhưng có lẽ những cây cầu này chưa thể làm tròn trọng trách được khi mà người đi bộ vẫn còn dửng dưng đối với chúng.