22/11/2024 | 20:06 GMT+7, Hà Nội

Hà Nội: Giải pháp nào khi các CĐT không mấy mặn mà với đấu thầu trông giữ xe?

Cập nhật lúc: 17/09/2020, 13:30

Nhiều chuyên gia cho rằng, đấu thầu các điểm trông giữ xe có thể giải quyết tình trạng các bãi xe trái phép chiếm dụng lòng đường, vỉa hè. Thế nhưng, cơ chế và chính sách hiện nay có đủ thúc đẩy các CĐT vào cuộc?

Lời tòa soạn: Tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường tại Thủ đô Hà Nội đã xảy ra và lặp đi lặp lại trong suốt một thời gian dài. Dù thành phố đã đưa ra nhiều biện pháp xử lý nhưng ý thức của một số bộ phận người dân còn mang tính chống đối đã khiến hiệu quả của “cuộc chiến giành lại vỉa hè” chỉ mang tính thời điểm.

Vỉa hè bị chiếm dụng vì mục đích tư lợi - nếu còn tồn tại sẽ dần trở thành “điểm đen”, gây nguy cơ về mất an toàn giao thông và là một trong những tác nhân gây ô nhiễm môi trường. Đã có nhiều vụ tai nạn giao thông (TNGT) thương tâm xảy ra do người dân phải đi bộ dưới lòng đường vì vỉa hè bị lấn chiếm nhưng không bị xử lý “đến nơi, đến chốn”.

Chính vì thế, chúng tôi khởi đăng tuyến bài về những vấn đề bất cập còn tồn đọng liên quan đến việc lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để thông qua đó chung tay cùng các cấp chính quyền Thủ đô trong việc tuyên truyền, xử lý triệt để các sai phạm; lập lại trật tự công cộng, trật tự đô thị cho từng địa bàn dân cư.

Dẹp điểm trông giữ xe trái phép, mở đường cho đấu thầu minh bạch

Tại Hà Nội, tình trạng tràn lan những điểm trông giữ xe trái phép, lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, bất chấp các quy định của pháp luật để thu lời bất chính đã tồn tại nhiều năm qua. Theo thống kê của Ban Chỉ đạo đấu tranh trấn áp các loại tội phạm và trật tự đô thị (Ban Chỉ đạo 197) TP Hà Nội, có đến gần 500 điểm trông giữ xe không phép trên địa bàn thành phố.

Cơ quan chức năng trên địa bàn đang tiến hành, kiểm tra, xử lý các điểm trông giữ xe trái phép. Đồng thời sẽ đề xuất phương án xem xét để giải quyết dứt điểm vấn đề vi phạm, sai phạm…” là câu trả lời, hứa hẹn “chung chung” của nhiều UBND phường, quận, trên địa bàn Hà Nội. Cuối cùng, các điểm trông giữ xe trái phép vẫn tồn tại công khai hoạt động ngay trước mắt các lực lượng chức năng sở tại.

PGS.TS. Từ Sỹ Sùa (nguyên Trưởng Bộ môn Vận tải đường bộ và thành phố, Trường Đại học GTVT Hà Nội) cho rằng, thực trạng cấp phép cho các công ty, đơn vị trông giữ xe dưới lòng đường tại Hà Nội hiện rất lộn xộn. Dù nhiều tuyến phố có mặt cắt ngang khá chật hẹp, lưu lượng giao thông cao, nhưng vẫn bố trí bãi đỗ xe dưới lòng đường. Thực tế này khiến người dân và dư luận nghi ngại về tình trạng thiếu minh bạch trong việc cấp phép cho các đơn vị trông giữ xe trên địa bàn thành phố.

Điểm trông giữ xe Công ty Hà Nội Bốn Mùa tận dụng luôn phần lòng đường sát dải phân cách làm nơi trông thêm các phương tiện ô tô.

Theo PGS.TS Từ Sỹ Sùa, sử dụng lòng đường làm điểm trông giữ xe cần phải rõ ràng, minh bạch, không thể hôm trước không có, hôm sau lại có doanh nghiệp kẻ vẽ lòng đường để thu tiền gửi xe. Bởi vậy, việc bố trí các điểm đỗ xe bất hợp lý, gây ảnh hưởng đến giao thông động cần phải rà soát lại và thu hồi giấy phép.

Dẫn chứng về điều này, PGS.TS Từ Sỹ Sùa cho rằng, với khu vực quận Hoàn Kiếm, mật độ phương tiện giao thông cao, trong khi nhiều tuyến đường có mặt cắt nhỏ, thì việc cấp phép không thể thực hiện giống như địa bàn các quận mới như Hoàng Mai, Long Biên… Do vậy, tùy theo mức độ dự án để có quyết định đấu thầu hay không.

PGS. TS từ Sỹ Sùa cho biết: "Tùy theo quy mô, tính chất của dự án để có ứng xử thích hợp. Phải có quy hoạch, có thiết kế và phải có một bộ phận để xét duyệt dự án đó, nếu dự án đơn giản thì có thể làm ngay để làm. Còn những dự án phức tạp thì phải có quy trình để đấu thầu".

Một ví dụ thực tiễn và điển hình ngay tại quận Hoàn Kiếm là bãi trông giữ xe trái phép của Công ty TNHH Hà Nội Bốn Mùa. Điểm trông giữ xe của công ty này nằm ngay trên dải phân cách làn đường tuyến phố Đinh Tiên Hoàng. Tại điểm trông giữ xe tận dụng luôn phần lòng đường sát dải phân cách làm nơi trông thêm các phương tiện ô tô. Mức phí gửi xe tại đây bị "hét" 10.000đ/2 giờ, nếu quá thời gian sẽ thu thêm phí.

Qua tìm hiểu thông tin từ người dân khu vực này được biết, điểm trông giữ xe của Công ty TNHH Hà Nội Bốn Mùa đã tồn tại từ lâu, việc thu phí trông giữ xe “đồng giá” 10.000 đồng cả ngày và đêm. Người dân cũng cho biết, nếu gửi xe ngày cuối tuần, ngày lễ giá gửi tại đây sẽ được thu phí từ 15.000 đồng đến 20.000 đồng/xe máy.

Hệ luỵ từ điểm trông giữ xe của Công ty Hà Nội Bốn Mùa đã đẩy người tham gia giao thông xuống lòng đường bất chấp nguy hiểm; khiến tình hình giao thông trở nên lộn xộn; cảnh quan không gian đô thị nhếc nhác.

Thạc sĩ Phạm Hoài Hoài Chung, Giám đốc trung tâm giao thông đô thị, Viện Chiến lược phát triển GTVT cũng cho rằng, việc đấu thầu sẽ hướng đến mục tiêu minh bạch trong quản lý, thu phí trông giữ phương tiện. Theo ông Chung, hiện nay thành phố đã có đơn giá khoán khai thác theo từng khu vực, có mức giá kinh doanh dịch vụ trông giữ xe trên địa bàn Thành phố. Trên cơ sở này, việc đấu thầu có thể thực hiện được trên cơ sở kiểm tra giám sát của các cơ quan chức năng để tránh tình trạng người gửi xe bị “chặt chém”.

Cũng theo ông Chung, đấu thầu diện tích bãi đỗ xe là hình thức cạnh tranh, khắc phục được chuyện “đi đêm” theo hình thức khoán doanh thu, tránh việc thỏa thuận ngầm để có mức khoán thấp hơn so với giá trị thực của diện tích bãi đỗ xe đó. Hình thức đấu thầu cũng sẽ được công khai để người gửi xe không bị thua thiệt.

Không nhiều đơn vị “mặn mà” với đấu thầu trông, giữ xe

Lâu nay, việc kinh doanh điểm trông giữ xe trên địa bàn Hà Nội vẫn được dư luận cho rằng dễ “hốt bạc” và là một “mỏ vàng” mà doanh nghiệp nào cũng muốn “đào”. Chỉ cần xin được giấy phép trông giữ xe, kẻ vạch sơn, căng dây là có thể thu lời. Theo một số chuyên gia, việc thay đổi mô hình khoán quản trong hoạt động trông giữ xe bằng hình thức đấu thầu, cần xây dựng mô hình mới, hiện đại, minh bạch trong quản lý là hợp lý và cấp bách.

Được biết, tính đến quý 1/2019, CSGT Hà Nội đang quản lý 6.649.596 phương tiện. Trong đó có 739.731 ôtô, 5.761.436 xe máy và xe máy điện là 148.429 chiếc, do đó nếu thực hiện công tác quản lý tốt, ngân sách nhà nước có thể thu về từ trông giữ xe là rất lớn, đồng thời người dân cũng không lâm vào cảnh bị “chặt chém”, đảm bảo được quy hoạch của thành phố và mỹ quan đô thị.

Điểm trông giữ xe của Công ty TNHH MTV Hữu Đức Trí tại phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai "bỏ qua" biển cấm của UBND quận?

Để làm được điều này, quan trọng nhất là phải công khai, minh bạch, giá gửi xe phải được công bố công khai để người dân nắm được và chọn lựa. Đặc biệt, do đây là tài nguyên công nên phải quản lý được thuế và doanh nghiệp nộp thuế bao nhiêu cũng cần phải được công khai để chống thất thu cho ngân sách cũng như tạo sự đồng thuận của người dân.

Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, để quản lý, thu được thuế đầy đủ từ các điểm trông giữ xe thì yêu cầu đầu tiên là phải kiểm soát chặt việc nhân viên xuất vé, đây sẽ như hóa đơn để tính thuế. Bản thân cơ quan chức năng sẽ không đủ sức để kiểm soát được từng vé doanh nghiệp xuất cho khách gửi xe. “Đấu thầu diện tích bãi đỗ xe là hình thức cạnh tranh, khắc phục được chuyện “đi đêm” theo hình thức khoán doanh thu, họ có thể thỏa thuận ngầm với nhau để có mức khoán thấp hơn so với giá trị thực của diện tích bãi đỗ xe đó. Hình thức đấu thầu sẽ rất công khai minh bạch, người gửi xe không bị thua thiệt.”

Thực tế hiện nay, việc đấu thầu các điểm trông, giữ xe tại Hà Nội đang phổ biến hơn. Thế nhưng, khi đặt lên bàn cân giá trị kinh tế, việc đầu tư một điểm trông giữ xe bất hợp pháp mang lại nhiều lợi ích hơn kinh tế hơn so với kinh doanh đúng pháp luật. Đây cũng là nguyên nhân khiến các nhà đầu tư (NĐT) không mấy mặn mà với việc tham gia đấu thầu.

Lấy ví dụ như tại Trường Cao đẳng trang thiết bị Y tế (Đống Đa, Hà Nội) cuối năm 2019 đã tổ chức mời thầu gói thầu Khai thác dịch vụ Trông giữ xe sinh viên - Trường CĐ KTTTB Y tế với mức giá khởi điểm 25 triệu đồng/năm (cho 10 tháng, không tính 2 tháng nghỉ hè và Tết Nguyên Đán) đồng thời đơn vị trúng thầu phải tuân thủ đầy đủ các quy định khác về PCCC, giờ giấc sinh hoạt của sinh viên, biểu giá trông giữ xe theo quy định của TP Hà Nội, thời hạn hợp đồng là 1 năm (có thể ký tiếp vào đầu năm tiếp theo).

Có thể thấy, để có được bãi trông giữ xe theo đúng quy định, doanh nghiệp phải đáp ứng đầy đủ các yêu cầu mà nhà thầu đưa ra. Trong khi đó, các điểm trông giữ xe trái phép lại không phải tuân thủ những quy định trên, không phải bỏ ra chi phí để đấu thầu, không phải nghiêm túc chấp hành quy tắc PCCC, cũng không phải chịu thuế theo luật định, không bị gò bó về thời gian vận hành, thậm chí có thể thay đổi giá trông giữ xe theo ý muốn. 

Cần thay đổi cơ chế, chính sách hỗ trợ NĐT

Để đối phó với vấn đề các điểm trông giữ xe trái phép và tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường gây mất an toàn giao thông, mất an ninh trật tự, nhiều giải pháp tình thế đã được đưa ra, như: đỗ xe dưới lòng đường từ dọc sang chéo; đỗ ô-tô theo ngày chẵn, ngày lẻ; đỗ xe một bên đường..., nhưng không hiệu quả. Thế nhưng, ở những khu đô thị mới phát triển, quỹ đất dành cho hạ tầng giao thông (HTGT) tĩnh cũng rất hạn chế.

Để đáp ứng nhu cầu của người dân, TS Lê Đỗ Mười - chuyên gia giao thông đô thị cho rằng, Hà Nội cần minh bạch những gì còn “mập mờ” hiện nay trong quản lý bãi đỗ xe. Muốn làm được việc này, thành phố phải tổng rà soát chi tiết tới từng con đường, tuyến phố, khu đô thị… để tìm kiếm quỹ đất còn có thể dành cho HTGT tĩnh. Riêng các bãi đỗ xe trái phép cần xem xét, nếu bãi nào có thể tiếp tục tận dụng thì cấp phép để quản lý. Còn những bãi không bảo đảm được an toàn, cần có hành lang pháp lý để xử lý giải tỏa triệt để, tránh tái phạm.

Bãi đỗ xe thông minh trên đường Nguyễn Công Hoan (Ba Đình, Hà Nội).

Trong bối cảnh ngân sách hạn hẹp, phát triển HTGT tĩnh bắt buộc phải trông đợi vào việc xã hội hóa, kêu gọi đầu tư. Tuy nhiên, với những chính sách như hiện nay, nhiều chuyên gia nhận định khó có NĐT nào đủ tiềm lực, tâm huyết dành vốn cho các dự án (DA) xây điểm đỗ xe ngầm, cao tầng…

Ông Nguyễn Tiến Thỏa, Tổng Thư ký Hội Thẩm định giá Việt Nam cho rằng, dù TP Hà Nội đã đưa ra một số chính sách cụ thể nhằm thu hút nguồn lực xã hội vào xây dựng bãi đỗ xe, dù phí trông giữ xe đã được chuyển thành giá, nhưng quan trọng nhất là mức giá trông giữ phương tiện vẫn đang bị khống chế theo Quyết định số 44/2017 của UBND thành phố Hà Nội. Đây là trở ngại đáng kể trong việc giúp NĐT thu hồi vốn. Thực tế, nếu tính về lượng, giá bao giờ cũng lớn hơn phí, bởi vì nó đủ chi phí bù đắp và có lợi nhuận hợp lý. Còn phí chỉ bù đắp một phần cơ bản về chi phí và còn mang tính phục vụ. Cho nên nếu là NĐT thì sẽ không mặn mà với lĩnh vực này.

Không chỉ riêng vấn đề giá trông giữ phương tiện, theo TS Mười, cơ chế chính sách phát triển bãi đỗ xe cần thay đổi lại. Ngoài cơ chế về giá, phí và một số chính sách đỗ xe trong nội đô, thành phố cần đề ra cơ chế ưu đãi vốn vay, miễn giảm thuế, ưu đãi thuê đất, giao đất, hỗ trợ giải phóng mặt bằng… để tạo được sức hút với các NĐT.

Riêng chủ trương xây dựng bãi đỗ xe ngầm, TS Mười cho rằng, trong tầm nhìn 10 năm tới, Hà Nội cần cân nhắc việc có cần thiết hay không? Thật ra hiện nay, không chỉ riêng Hà Nội mà các đô thị khác của cả nước cũng đều chưa có quy hoạch không gian ngầm nên để có thể làm được DA bãi đỗ xe sẽ gặp rất nhiều vướng mắc. Mặt khác, với công nghệ và chi phí đắt đỏ, chỉ những đô thị cực kỳ hiện đại ở các nước phát triển mới có thể làm được bãi đỗ xe ngầm, còn lại vẫn phải tận dụng lòng đường, vỉa hè và các quỹ đất dư thừa.

Phương pháp trông giữ xe truyền thống vẫn nổi trội

Bên cạnh việc áp dụng phương thức trông giữ xe truyền thống (người điều khiển phương tiện giao thông đến địa điểm có sẵn, đỗ xe và trả phí) thì từ năm 2017, UBND Thành phố Hà Nội đã bắt đầu thí điểm mô hình trông giữ xe thông minh iParking tại hai tuyến phố Lý Thường Kiệt và Trần Hưng Đạo (quận Hoàn Kiếm). Trong đó, Công ty CP Đầu tư CIS cung cấp toàn bộ phần mềm giải pháp công nghệ và Công ty TNHH MTV Khai thác điểm đỗ xe Hà Nội vận hành. Tháng 7/2018, UBND TP Hà Nội cho phép nhân rộng tại nhiều tuyến phố trên địa bàn các quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Thanh Xuân, Cầu Giấy, Nam Từ Liêm, Tây Hồ.  

Theo đó, iParking là ứng dụng tìm kiếm và thanh toán giá dịch vụ trông giữ xe tự động qua điện thoại di động. Mục tiêu hướng đến của dự án này là nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với hoạt động trông, giữ xe ô tô tại các điểm đỗ xe; từng bước hiện đại hóa cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng dịch vụ tại các điểm đỗ xe, từng bước công khai, minh bạch các vị trí dừng đỗ, mức thu phí và giá dịch vụ trông giữ phương tiện. Đồng thời mang đến sự văn minh cho thành phố và cho cộng đồng, giảm thiểu các tình trạng ách tắc giao thông trên đường phố.

Thế nhưng, sau hơn 2 năm triển khai, thì từ ngày 1/9/2020, Thành phố Hà Nội đã tạm dừng thí điểm chức năng thanh toán (bao gồm cả thu phí sử dụng lòng đường) của ứng dụng iParking đối với các đơn vị đang thí điểm ứng dụng iParking trong hoạt động trông giữ xe tạm thời dưới lòng đường trên địa bàn thành phố. Từ ngày 8/9, trên nhiều tuyến phố, các biển, bảng, hệ thống cột nhận diện, thanh toán theo công nghệ iParking đã bị gỡ bỏ, thay vào đó là các cột biển báo điểm trông xe thu tiền mặt truyền thống.

Chấm dứt dự án iParking, các địa điểm trông giữ xe thông minh nay dần bị loại bỏ

Lý giải việc dừng vô thời hạn dự án iParking, Sở GTVT Hà Nội cho biết theo báo cáo của các đơn vị chức năng, hình thức này vẫn còn một số tồn tại, hạn chế.

Trong đó, hệ thống vẫn chưa hoàn thiện theo chỉ đạo của UBND thành phố; gặp vướng mắc liên quan đến cơ chế tài chính; hệ thống chưa thực hiện trích nộp phí trực tiếp về tài khoản Kho bạc Nhà nước; các đơn vị trông giữ xe theo ứng dụng vẫn chưa trang bị thiết bị để kiểm soát, theo dõi, kiểm tra phương tiện người gửi… còn chậm thanh toán tiền hợp đồng vào hệ thống.

Mặt khác, hệ thống iParking chỉ là đơn vị giúp ghi nhận, tạm giữ và thống kê doanh thu, Công ty cổ phần CIS buộc phải được sự đồng ý của các đơn vị trông giữ phương tiện thông qua việc ký - đóng dấu xác nhận tại biên bản đối soát, xác nhận số liệu. Do vậy, Công ty cổ phần CIS không thể trích chuyển phí sử dụng tạm thời lòng đường đúng thời hạn về ngân sách của đơn vị cấp phép, dẫn tới chậm nộp phí.

Một số đơn vị không bảo đảm đủ tiền trong tài khoản thanh toán hộ dẫn tới trường hợp bị lỗi thanh toán do thẻ hết tiền. Nhiều trường hợp trật tự viên cố tình không nhập hoặc nhập không đủ số phương tiện đang đỗ, gửi trong điểm đỗ lên hệ thống iParking. Do đó, số liệu doanh thu ghi nhận qua hệ thống chưa phản ánh đúng thực trạng tại điểm đỗ.

Ngoài ra, có tình trạng trật tự viên nhập trên hệ thống iParking 100% phương tiện ký hợp đồng gửi tháng đang đỗ, gửi trong điểm đỗ xe. Tuy nhiên, qua kiểm tra thực tế, các phương tiện này không đỗ trong điểm đỗ, gây ảnh hưởng đến hiệu quả của chức năng tìm kiếm vị trí đỗ xe trên hệ thống iParking và ảnh hưởng trực tiếp đến báo cáo doanh thu của các điểm đỗ.

Cần thêm những đột phá

Thiếu điểm đỗ xe không chỉ riêng Hà Nội mà là câu chuyện chung của tất cả các đô thị hiện đại trên thế giới. Để tối ưu hóa khả năng tận dụng diện tích đỗ xe, TS Phạm Hoài Chung, cho biết: Các đô thị hiện đại trên thế giới đều phải đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, phát triển giao thông thông minh. Theo đó, hành lang đỗ xe được bố trí tự động, người dân sử dụng thẻ smart card để thanh toán và phí đỗ xe dùng cho việc tái đầu tư phát triển HTGT đô thị.

Như tại Tokyo (Nhật Bản), thành phố có mật độ giao thông rất lớn, các tuyến phố mặt cắt ngang nhỏ hơn 6,5 m có lưu lượng giao thông thấp sẽ được sử dụng làm điểm đỗ xe. Ngoài ra, thông tin về mạng lưới bãi đỗ xe tại Tokyo cũng được cập nhật, quản lý qua phần mềm, giúp người dân dễ dàng tra cứu, tìm kiếm chỗ đỗ xe tối ưu cho mình. Hà Nội cũng nên có các chính sách uyển chuyển, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư công nghệ vào quản lý, khai thác điểm đỗ xe. Ở khu vực trung tâm, thành phố nên cho phép đấu thầu khai thác để thu hút được các doanh nghiệp có năng lực triển khai thực hiện”, TS Phạm Hoài Chung phân tích.

Tokyo với mật độ giao thông cao từ lâu đã phải tối ưu các điểm trông, giữ xe ô tô - Việt Nam có thể học tập được gì từ mô hình này?

Tại Việt Nam, thời điểm hiện tại phương thức trông giữ xe thông minh như iParking đã được thử nghiệm nhưng thất bại, phần nào cho thấy phương pháp trông giữ xe truyền thống vẫn đang được người dân ưa chuộng hơn. Thế nhưng, với cơ sở hạ tầng hiện nay, việc đảm bảo đủ chỗ trông giữ xe hợp pháp cho người dân là cực kỳ khó, đặc biệt là khi số lượng phương tiện giao thông luôn tăng tiến theo từng năm. Việc tìm ra một giải pháp thay thế cho phương thức trông giữ xe truyền thống, bao gồm các điểm trông giữ xe được cấp phép, bến bãi và điểm đỗ xe công cộng (HTGT tĩnh) đã ngày một gấp rút hơn.

Giải pháp chung và cụ thể cho từng khu vực đô thị là cần tổ chức triển khai quy hoạch hệ thống HTGT tĩnh đã được phê duyệt cho từng quận để xác định quỹ đất, quy mô. Sắp xếp hợp lý các điểm trông đỗ xe hiện tại trong nội thành Hà Nội cũng như có chính sách phát triển phương tiện vận tải đô thị, kiểm soát cơ cấu phương tiện, bao gồm cả tăng trưởng và thành phần phương tiện. Tăng cường đầu tư trang, thiết bị hiện đại cho bãi, bến xe ổn định. Thống nhất khai thác quản lý bãi, bến đỗ, điểm đỗ xa trên địa bàn thành phố.

Bàn luận về giải pháp bền vững đáp ứng nhu cầu đỗ xe trong đô thị, KTS Trần Huy Ánh - Hội KTS Hà Nội cho rằng: "Nhu cầu đỗ xe cá nhân trong đô thị thì cá nhân phải có trách nhiệm chi trả đúng giá trị. Thay vì lo toan đáp ứng phúc lợi đỗ xe thì hãy coi đây là ngành kinh tế dịch vụ tiềm năng. Các thành phố trên thế giới đều coi bãi đỗ xe là bất động sản dịch vụ. Cần sử dụng công cụ tài chính để điều tiết cung cầu thay vì chỉ hoàn toàn trông đợi những công cụ hành chính. Các cơ quan quản trị công cũng cần tăng cường quản lý tài sản công bao gồm đất công, công trình hạ tầng công cộng, nguồn lực thuế phí một cách minh bạch hiệu quả và hỗ trợ xã hội phát triển ngành kinh tế dịch vụ đỗ xe ngày một phát triển."

Để có thể tối ưu hóa hệ thống HTGT tĩnh, việc kêu gọi đấu thầu và ưu đãi cho các nhà đầu tư là cần thiết. Một mặt, cơ quan nhà nước không phải "đau đầu" vì thực trạng các bãi trông giữ xe trái phép mọc lên tràn lan, mặt khác các doanh nghiệp tham gia có thể mạnh dạn đầu tư vào cơ sở hạ tầng để thu về số vốn đã bỏ ra, đồng thời đáp ứng nhu cầu trông giữ xe của người dân.