19/01/2025 | 02:25 GMT+7, Hà Nội

Phường Hoàng Liệt: Dự án bãi đỗ xe hiện đại thành ki ốt, hàng quán tạm bợ

Cập nhật lúc: 28/07/2020, 10:33

Ki-ốt, hàng quán mọc trên đất nông nghiệp và đất dự án, quy hoạch vỉa hè và cây xanh tại khu biệt thự bị phá vỡ, thực trạng này đang hiển hiện tại phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai (Hà Nội).

Lời dẫn: Nhiều năm qua, những sai phạm liên quan đến đất đai và trật tự xây dựng đã trở thành vấn đề nhức nhối tại Hà Nội. Trước tình trạng này, mới đây chính quyền thành phố đã có những động thái mạnh mẽ, yêu cầu các cơ quan, đơn vị thực hiện quyết liệt, có hiệu quả các giải pháp, biện pháp xử lý, khắc phục các vi phạm đất đai.

Với mong muốn đồng hành cùng chính quyền Thủ đô trong công cuộc chống sai phạm liên quan đến đất đai và trật tự xây dựng, chúng tôi sẽ phản ánh đến độc giả những thông tin trung thực, chính xác nhất về công tác xử lý, khắc phục các vi phạm trên tại địa bàn Hà Nội. Tin rằng, với những hành động quyết liệt từ bộ máy chính quyền thành phố, các sai phạm này sẽ được xử lý triệt để trong thời gian tới.

Trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong việc cấp phép, quản lý và kiểm tra, giám sát đối với các bãi đỗ xe được quy định chi tiết tại Điều 56 Thông tư 63/2014/TT-BGTVT, Quy định về tổ chức, quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ. Cụ thể như sau:

1.Yêu cầu đối với bãi đỗ xe

a) Đảm bảo an ninh, trật tự; đáp ứng yêu cầu về phòng, chống cháy, nổ và vệ sinh môi trường;

b) Đường ra, vào bãi đỗ xe phải được bố trí đảm bảo an toàn và không gây ùn tắc giao thông.

2. Nội dung kinh doanh tại bãi đỗ xe

a) Dịch vụ trông giữ phương tiện.

b) Tổ chức các dịch vụ bảo dưỡng, sửa chữa phương tiện.

c) Kinh doanh các dịch vụ khác theo quy định của pháp luật.

3. Quy định đối với đơn vị quản lý, kinh doanh bãi đỗ xe

a) Đảm bảo an ninh, trật tự, vệ sinh môi trường và phòng, chống cháy, nổ tại bãi đỗ xe.

b) Niêm yết công khai nội quy, giá các dịch vụ tại bãi đỗ xe, tên và số điện thoại cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền để chủ xe phản ánh, khiếu nại khi cần thiết.

c) Bồi thường thiệt hại cho người gửi xe nếu để xảy ra mất mát, hư hỏng phương tiện nhận gửi.

d) Chịu sự kiểm tra, giám sát của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

đ) Kinh doanh các loại dịch vụ quy định tại khoản 2 Điều này.

e) Thu tiền trông giữ phương tiện.

g) Không được để các chủ phương tiện kinh doanh vận tải sử dụng bãi đỗ xe để đón, trả khách.

h) Có quyền từ chối phục vụ đối với chủ phương tiện không chấp hành nội quy bãi đỗ xe.

4. Trách nhiệm, quyền hạn của chủ phương tiện hoặc lái xe tại bãi đỗ xe

a) Chấp hành nội quy và sự hướng dẫn của nhân viên điều hành bãi đỗ xe.

b) Có quyền lựa chọn sử dụng các dịch vụ tại bãi đỗ xe.

c) Có quyền phản ánh, kiến nghị đến các cơ quan có thẩm quyền về các hành vi vi phạm của bãi đỗ xe.

5. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định cụ thể về tổ chức, quản lý, công bố hoạt động của bãi đỗ xe trên địa bàn.

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 3 Nghị định số 39/2007/NĐ-CP về cá nhân hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên không phải đăng ký kinh doanh:

1. Cá nhân hoạt động thương mại là cá nhân tự mình hàng ngày thực hiện một, một số hoặc toàn bộ các hoạt động được pháp luật cho phép về mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ và các hoạt động nhằm mục đích sinh lợi khác nhưng không thuộc đối t­ượng phải đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật về đăng ký kinh doanh và không gọi là “thương nhân” theo quy định của Luật Thương mại. Cụ thể bao gồm những cá nhân thực hiện các hoạt động thương mại sau đây:

a) Buôn bán rong (buôn bán dạo) là các hoạt động mua, bán không có địa điểm cố định (mua rong, bán rong hoặc vừa mua rong vừa bán rong), bao gồm cả việc nhận sách báo, tạp chí, văn hóa phẩm của các thương nhân được phép kinh doanh các sản phẩm này theo quy định của pháp luật để bán rong;

b) Buôn bán vặt là hoạt động mua bán những vật dụng nhỏ lẻ có hoặc không có địa điểm cố định;

c) Bán quà vặt là hoạt động bán quà bánh, đồ ăn, nước uống (hàng nước) có hoặc không có địa điểm cố định;

d) Buôn chuyến là hoạt động mua hàng hóa từ nơi khác về theo từng chuyến để bán cho người mua buôn hoặc người bán lẻ;

đ) Thực hiện các dịch vụ: đánh giày, bán vé số, chữa khóa, sửa chữa xe, trông giữ xe, rửa xe, cắt tóc, vẽ tranh, chụp ảnh và các dịch vụ khác có hoặc không có địa điểm cố định;

e) Các hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên không phải đăng ký kinh doanh khác.

Như vậy, kinh doanh bãi đỗ xe không thuộc trường hợp không phải đăng ký kinh doanh. Do đó, trước khi kinh doanh bãi đỗ xe cá nhân, tổ chức cần có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Cá nhân, tổ chức có nhu cầu kinh doanh bãi đỗ xe cần liên hệ Ủy ban nhân dân cấp tỉnh để biết thêm thông tin và được hướng dẫn cụ thể.

Căn cứ pháp lý về kinh doanh bãi đỗ xe không có giấy phép đăng ký kinh doanh được quy định tại Nghị định 185/2013/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng. Theo đó, tổ chức, cá nhân sẽ bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi hoạt động kinh doanh mà không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh theo quy định.

Bên cạnh đó, Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định mức xử phạt đối với hành vi xây dựng, lập bến xe, bãi đỗ xe, trạm dừng nghỉ, thu phí đường bộ khi chưa được sự đồng ý của cơ quan quản lý nhà nước về giao thông vận tải sẽ bị xử phạt hành chính như sau:

1. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với tổ chức thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Xây dựng hoặc thành lập bến xe, bãi đỗ xe, trạm dừng nghỉ, trạm thu phí đường bộ khi chưa được cơ quan quản lý nhà nước về giao thông vận tải đồng ý theo quy định;

b) Xây dựng bến xe, bãi đỗ xe, trạm dừng nghỉ, trạm thu phí đường bộ không bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật theo quy định.

2. Ngoài việc bị áp dụng hình thức xử phạt, cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả sau đây:

a) Thực hiện hành vi quy định tại điểm a khoản 1 Điều này còn buộc phải tháo dỡ công trình xây dựng trái phép và khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm hành chính gây ra;

b) Thực hiện hành vi quy định tại điểm b khoản 1 Điều này còn buộc phải xây dựng lại bến xe, bãi đỗ xe, trạm dừng nghỉ, trạm thu phí đường bộ theo đúng quy định, bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật.

Tuy nhiên, trên địa bàn quận Hoàng Mai thì tình trạng vi phạm vẫn xảy ra thường xuyên.

Vi phạm nghiêm trọng của các bãi đỗ xe trái phép tại phường Hoàng Liệt

Người dân sinh sống tại địa bàn phường Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai, TP Hà Nội) lâu nay vẫn bức xúc về việc tồn tại nhiều công trình, nhà xưởng, bãi xe trái phép trên địa bàn và mong muốn các cơ quan có thẩm quyền sớm vào cuộc kiểm tra, làm rõ các dấu hiệu vi phạm TTXD để tránh làm phá vỡ quy hoạch và ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi ích của người dân. Tuy nhiên, đã từ lâu mong mỏi này của người dân chưa được đáp ứng.

Những ki-ốt tự phát ảnh hưởng tới mỹ quan đô thị và công tác PCCC

Ngày 26/02/2020, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ cùng lãnh đạo thành phố làm việc với Ủy ban MTTQ thành phố Hà Nội đã có chỉ đạo kiên quyết xử lý và xử lý triệt để các vi phạm về đất đai, xây dựng trái phép, thu hồi các dự án có sử dụng đất nhiều năm không triển khai; có giải pháp bảo vệ môi trường trên địa bàn, giảm thiểu ô nhiễm không khí, ô nhiễm các con sông, nguồn nước, thực hiện phân loại xử lý rác thải, đẩy nhanh tiến độ di dời các cơ sở ô nhiễm môi trường ra khỏi nội thành…

Mặc dù đã có chỉ đạo trên, thế nhưng việc tồn tại các nhà xưởng, bãi xe có diện tích rất rộng lớn, từ hàng trăm đến hàng nghìn mét vuông với hệ thống PCCC sơ sài hoặc không trang bị trên địa bàn phường Hoàng Liệt khiến dư luận địa phương vô cùng lo lắng.

Cụ thể, khu đất nông nghiệp dọc tuyến phố Linh Đường, phường Hoàng Liệt vốn được chuyển đổi mục đích sử dụng làm khu trưng bày sản phẩm, thuộc quyền quản lý của Hợp tác xã dịch vụ Hoàng Liệt, thế nhưng nay bị biến tướng thành nhà hàng, sân bóng, gara ô tô, bãi đỗ xe.

Hay như dự án bãi đỗ xe tại Khu đô thị mới Tây Nam hồ Linh Đàm (phường Hoàng Liệt) do Tập đoàn Vinh Quang làm chủ đầu tư có diện tích hơn 5.600m2. Theo quy hoạch, lô đất trên được dùng làm hệ thống đỗ xe tự động với diện tích 900m2; Nhà điều hành chỗ đỗ xe đa hướng với diện tích 890m2; Gara dịch vụ sửa chữa với diện tích khoảng 900m2; Nhà bảo vệ 16m2; Giao thông cây xanh, đỗ xe ngoài trời 2.818m2. Dự án dự kiến đáp ứng tối đa 460 chỗ đỗ xe.

Nay bãi xe này ngang nhiên mọc lên hàng loạt ki-ốt lớn, nhỏ, được xây dựng kiên cố dùng cho mục đích kinh doanh. Trên một số trang web, mức giá cho thuê ki-ốt Tây nam hồ Linh Đàm diện tích khoảng 25m2 được quảng cáo lên tới 12 triệu đồng/tháng. Nhu cầu chỗ để xe ngày một tăng nhưng dự án bãi xe lại biến tướng, việc này khiến cuộc sống của người dân bị ảnh hưởng nặng nề, mất không gian sinh hoạt và tiềm ẩn nhiều nguy cơ.

Khảo sát của phóng viên, bên trong Khu Vui chơi giải trí Công viên Bắc Linh Đàm đã và đang tồn tại một quán bia lấn chiếm đường ven hồ làm nơi kinh doanh, mở cả ngày lẫn đêm gây mất an ninh trật tự trên địa bàn và mất mỹ quan đô thị, đồng thời khiến người dân bị "chiếm mất" một phần diện tích công cộng đáng lẽ được sử dụng của công viên này.

Người dân cho biết, tại khu đô thị Pháp Vân cũng tồn tại nhiều bãi đỗ xe trái phép, gây nên tình trạng mất an toàn giao thông. Quanh dự án Ký túc xá Pháp Vân - Tứ Hiệp, xuất hiện bãi đỗ xe trái phép của công ty Quân Trung với mỗi lượt gửi xe ô tô trong thời gian 120 phút có giá 30 nghìn đồng/lượt. Nếu gửi theo tháng có giá 1.200.000 - 1.500.000 đồng/chiếc/tháng. Thậm chí tình trạng trên đã diễn ra tại Pháp Vân - Tứ Hiệp trong suốt thời gian dài, gây nhức nhối, bức xúc.

Năm 2018, UBND phường Hoàng Liệt đã vào cuộc, lập biên bản xử phạt, cưỡng chế yêu cầu Công ty Quân Trung tháo dỡ biển bãi xe, chấm dứt việc đưa xe về đỗ ở đây. Tuy nhiên, chỉ một thời gian ngắn sau đó, Công ty Quân Trung lại đưa xe về đây đậu đỗ.

Các bãi xe trái phép tại Hoàng Liệt từng nhiều lần bị xử lý nhưng không thể "dứt điểm"

Năm 2019, UBND TP Hà Nội cũng như Sở GTVT đã có nhiều văn bản chỉ đạo UBND quận Hoàng Mai, UBND phường Hoàng Liệt và các cơ quan chức năng vào cuộc xử lý triệt để, nhưng các bãi trông giữ xe trái phép tại phường Hoàng Liệt vẫn ngang nhiên tồn tại.

Ngày 6/5/2020, cũng lực lượng liên ngành của phường và Đội Thanh tra GTVT quận Hoàng Mai kiểm tra, phát hiện vi phạm vẫn tồn tại. Bãi xe không phép phình to lên nhiều so với thời điểm trước.

Tình trạng bãi xe không phép ở quận Hoàng Mai không phải bây giờ mới có, trước đó, vào ngày 19/2/2020 lực lượng liên ngành bao gồm Công an quận Hoàng Mai, Công an phường Hoàng Liệt, UBND phường Hoàng Liệt và lực lượng Thanh tra giao thông cũng đã tiến hành kiểm tra hoạt động trông giữ phương tiện tại tuyến đường ven Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao quận Hoàng Mai.

Quá trình kiểm tra, lực lượng liên ngành đã phát hiện Công ty CP phát triển hạ tầng cơ sở Hoàng Mai đang hoạt động sai phép khi đơn vị này chỉ được cấp phép tạm thời sử dụng một phần vỉa hè tuyến đường bên cạnh Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao quận Hoàng Mai với chiều dài 200m2 trong thời hạn 3 tháng (từ 20/1/2020 đến 20/4/2020) để trông giữ xe máy nhưng lại sử dụng để trông giữ ô tô.

Với vi phạm này, lực lượng chức năng của quận Hoàng Mai đã lập biên bản vi phạm và xử lý cá nhân đối với ông Nguyễn Thành Luân - một nhân viên trông xe với mức phạt 12.500.000 đồng cho hành vi vi phạm hành chính: Chiếm dụng hè phố từ 20m2 trở lên làm nơi trông xe.

Tiếp tục, ngày 21/7 vừa qua, UBND quận Hoàng Mai đã giao Phòng Quản lý đô thị chủ trì cùng Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị, UBND phường Hoàng Liệt kiểm tra, rà soát những công trình vi phạm trật tự xây dựng để xử lý dứt điểm.

Nhìn lại các sự việc trên có thể thấy dường như những chỉ đạo quyết liệt của UBND TP Hà Nội nhằm chấn chỉnh, tăng cường quản lý, kiểm tra, xử lý vi phạm tại các bãi trông giữ phương tiện trái phép vẫn chưa có tác dụng tại quận Hoàng Mai, khi mà những bãi trông giữ xe không phép vẫn tiếp diễn.

Giải pháp nào để xử lý vấn đề bãi đỗ xe không phép?

Trước tình trạng khan hiếm điểm đỗ xe, nhiều người cho rằng Hà Nội cần tính tới khả năng cấp phép cho các bãi trông giữ xe tạm tại các lô đất dự án chưa triển khai, đất lưu thông; nhiều khu vực vỉa hè lòng đường khá rộng có thể sử dụng một phần cho việc trông giữ phương tiện.

Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Đức Toàn, Phó Trưởng phòng Quản lý kết cấu hạ tầng giao thông - Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho biết, bất cập của vấn đề giao thông tĩnh hiện nay là việc xây dựng các bến xe, bãi đỗ xe theo quy hoạch trên địa bàn vẫn đang trong quá trình triển khai. Các bãi đỗ xe trong các khu đô thị, chung cư, bệnh viện khi xây dựng đưa vào sử dụng không đáp ứng đủ nhu cầu đỗ xe trong khu vực. Mặt khác, tốc độ gia tăng phương tiện cá nhân luôn lớn hơn so với tốc độ phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn thành phố.

Bãi đỗ, nhà xưởng trái phép luôn là những "điểm nóng" chưa được xử lý dứt điểm

Chính vì sự bất cập trên dẫn đến trên địa bàn vẫn còn những “điểm nóng” khan hiếm điểm gửi, đỗ xe, tập trung chủ yếu ở các quận nội thành như: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hoàng Mai,... dẫn đến các vi phạm chủ yếu gồm: tổ chức trông giữ xe khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp phép, đỗ xe trái phép trên vỉa hè, lòng đường,..

Theo ông Nguyễn Đức Toàn, để giải quyết nhu cầu cấp bách về trông giữ xe cho người dân, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã báo cáo, đề xuất UBND Thành phố cho phép tổ chức triển khai trông giữ xe tại các khu đất xen kẹt, đất dự án nhưng chậm triển khai để đáp ứng nhu cầu đỗ xe của người dân và giao cho UBND các quận, huyện quản lý nhưng phải đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy, có quy trình trông giữ, thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước.

Sở Giao thông Vận tải yêu cầu các điểm trông giữ phải đảm bảo các vị trí ra, vào bãi trông giữ xe tiếp giáp với đường, phố phải được gia cố nhằm đảm bảo êm thuận, an toàn giao thông, bố trí nhân viên hướng dẫn phương tiện ra vào.

Ngoài ra, đối với khu vực lòng đường, vỉa hè chiều rộng đảm bảo theo quy định, ngoài các văn bản nêu trên, Sở Giao thông Vận tải đã báo cáo đề xuất UBND thành phố phê duyệt danh mục các tuyến đường, phố đủ điều kiện trông giữ xe để làm căn cứ tổ chức lựa chọn các đơn vị trông giữ có năng lực trông giữ xe trên vỉa hè, dưới lòng đường trên địa bàn thành phố (hiện tại, UBND thành phố đã xin ý kiến của Bộ Giao thông Vận tải trước khi phê duyệt).