19/01/2025 | 01:30 GMT+7, Hà Nội

Hà Nội: Dịch tả lợn Châu Phi đã tiếp tục bùng phát và lan rộng

Cập nhật lúc: 13/05/2019, 15:20

Nhìn chung, công tác phòng, chống dịch bệnh đã được các cấp, ngành và chính quyền các địa phương tập trung chỉ đạo, tổ chức triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống.

Thông tin mới nhất từ UBDN thành phố Hà Nội cho biết, dịch tả lợn Châu Phi đã tiếp tục bùng phát và lan rộng tại địa bàn  Hà Nội. Theo đó, số địa phương có lợn mắc bệnh dịch tả lợn Châu Phi ngày một tăng và buộc phải tiêu hủy nhiều như Sóc Sơn, Quốc Oai, Đông Anh, Phú Xuyên ... Công tác tiêu hủy lợn mắc bệnh. Ảnh: dantri

Công tác tiêu hủy lợn mắc bệnh. Ảnh: dantri

Theo báo cáo mới đây nhất của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cho biết, tính đến nay, bệnh dịch tả lợn châu Phi xảy ra trên địa bàn thành phố tại 6.103 hộ chăn nuôi (chiếm 7,57 % tổng số hộ, cơ sở chăn nuôi) ở 1.012 thôn, tổ dân phố của 318 xã, phường, thị trấn thuộc 24 quận, huyện (Long Biên, Đông Anh, Hoàng Mai, Gia Lâm, Sóc Sơn, Quốc Oai, Thường Tín, Phú Xuyên, Thanh Trì, Chương Mỹ, Thạch Thất, Hoài Đức, Phúc Thọ, Đan Phượng, Hà Đông, Ứng Hòa, Mê Linh, Bắc Từ Liêm, Ba Vì, Tây Hồ, Thanh Oai, Mỹ Đức, Sơn Tây, Nam Từ Liêm). Theo đó, tổng số lợn mắc bệnh và bị tiêu hủy 95.910 con lợn (chiếm 5,12% tổng đàn).

Trong đó, điển hình nhiều địa phương có số lợn phải tiêu hủy lớn như: Sóc Sơn 28.988 con, Quốc Oai 9.409 con, Đông Anh 8.473 con, Phú Xuyên 6.966 con

Đứng trước tình hình đó, Ban chỉ đạo phòng chống dịch tả lợn Châu Phi của Hà Nội đã tiến hành triển khai các đợt khử trùng tiêu độc đại trà, thành phố và chính quyền địa phương đã cấp bổ sung 84.929 lít hóa chất và 2.219.289kg vôi bột để phòng, chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi.

Nhìn chung, công tác phòng, chống dịch bệnh đã được các cấp, ngành và chính quyền các địa phương tập trung chỉ đạo, tổ chức triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống. Các ổ dịch được giám sát, phát hiện kịp thời, khoanh vùng và xử lý dứt điểm; số lợn mắc tại hộ có dịch được tiêu hủy kịp thời, đúng quy định và áp dụng đồng bộ, nghiêm túc các giải pháp phòng, chống dịch.

Đối với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục phối hợp với các cơ quan truyền thông của Trung ương, thành phố thông tin thường xuyên, kịp thời chủ trương, chính sách của nhà nước, diễn biến dịch bệnh, các biện pháp phòng, chống dịch bệnh...

Sở đề nghị đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người tiêu dùng không quay lưng với thịt lợn, thúc đẩy tiêu dùng thịt lợn khỏe mạnh của nhân dân trên địa bàn thành phố. Cho phép giết mổ lợn từ những đàn lợn có kết quả xét nghiệm âm tính với bệnh dịch tả lợn Châu Phi trong vùng có dịch, thịt và sản phẩm từ lợn chỉ được phép tiêu thụ trong vùng dịch bệnh theo cấp địa phương.