23/01/2025 | 00:04 GMT+7, Hà Nội

Hà Nội đẩy mạnh phát triển hạ tầng, biệt thư ven đô lại “nóng“?

Cập nhật lúc: 02/06/2022, 09:06

Biệt thự ven đô TP. Hà Nội đang tăng giá mạnh trong 2022 khi thông tin về quy hoạch, hạ tầng được công bố. Đặc biệt là các dự án nằm gần các công trình có tiện ích lớn trị giá hàng tỷ đô sắp được đưa vào vận hành.

Sóng đầu tư “đổ mạnh” vào hạ tầng

Với mục tiêu tiếp tục nâng cao vị thế của Hà Nội trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, xây dựng Thủ đô có tổng thể không gian phát triển năng động, hòa nhập, khai thác giá trị tiềm năng của vùng địa lý cảnh quan tự nhiên, đạt hiệu quả trong sử dụng đất đai, TP. Hà Nội đã và đang chú trọng công tác điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung xây dựng Thủ đô.

Theo đó, UBND TP. Hà Nội tập trung định hướng quy hoạch xây dựng thành phố phía Bắc sông Hồng gồm các huyện Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn. Trong đó, khu phía dưới là trung tâm tài chính, phía trên là khu công nghiệp, quanh sân bay Nội Bài là dịch vụ logistic. Thành phố thứ hai là Xuân Mai và Hoà Lạc sẽ thông nhau với lõi là công nghệ cao, giáo dục và đào tạo.

Để phát triển các “thành phố trong thành phố” và triển khai xây dựng 5 đô thị vệ tinh theo quy hoạch trước đó (Sóc Sơn, Sơn Tây, Hòa Lạc, Xuân Mai, Phú Xuyên), Sở GTVT Hà Nội nhấn mạnh sự cần thiết trong việc phát triển mạng lưới hạ tầng giao thông khung kết nối các thành phố, đô thị vệ tinh với đô thị trung tâm thông qua các tuyến đường hướng tâm, đường vành đai và các cầu vượt sông.

Cụ thể, quy hoạch đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Hà Nội sẽ tiếp tục xây dựng 10 cầu vượt sông Hồng gồm: Hồng Hà, Mễ Sở (Vành đai 4), Thăng Long mới (Vành đai 3), Tứ Liên, Vĩnh Tuy (giai đoạn 2), Thượng Cát, Ngọc Hồi (vành đai 3,5), cầu/hầm Trần Hưng Đạo, cầu Phú Xuyên, Vân Phúc (đường trục Bắc - Nam nối với tỉnh Vĩnh Phúc).

Với đường sắt đô thị, thành phố sẽ hoàn thành việc đưa vào khai thác sử dụng tuyến đường sắt đô thị thí điểm số 3, đoạn Nhổn - Ga Hà Nội vào cuối năm 2022; khởi công dự án tuyến đường sắt đô thị số 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo; trình Quốc hội chấp thuận chủ trương đầu tư dự án tuyến đường sắt đô thị số 3, đoạn Ga Hà Nội - Hoàng Mai; tuyến số 5, đoạn Văn Cao - Hòa Lạc (do thành phố đầu tư).

Ngoài ra, Hà Nội đang đề xuất quy hoạch xây dựng sân bay thứ hai ở phía Nam thông sang Hà Nam để tận dụng phát triển lợi thế hiện nay của các huyện Phú Xuyên, Thường Tín thành trung tâm trung chuyển, logistics và dịch vụ...

Việc tập trung phát triển hạ tầng giao thông, rút ngắn khoảng cách giữa trung tâm Thủ đô và các khu vực lân cận đang là tín hiệu tích cực giúp cho thị trường bất động sản vùng ven phát triển sôi động, đặc biệt là sau thời gian dài trầm lắng do dịch Covid-19. Nhiều phân khúc vùng ven đang dần nhận được sự quan tâm, thị trường bắt đầu thiết lập mặt bằng giá mới và nổi bật là phân khúc biệt thự. 

Nhiều dự án hạ tầng trọng điểm được đầu tư phát triển được coi là cơ hội cho thị trường bất động sản Hà Nội
Nhiều dự án hạ tầng trọng điểm được đầu tư phát triển được coi là cơ hội cho thị trường bất động sản Hà Nội

Biệt thự ven đô lại được săn đón? 

Ngay trong các tháng đầu năm 2022, nhu cầu tìm kiếm về phân khúc biệt thự đã bật tăng mạnh trở lại, điều này cho thấy dòng tiền sau khi “đè nén” quá lâu do ảnh hưởng dịch bệnh vẫn sẽ tiếp tục đổ mạnh vào thị trường bất động sản, nhất là những sản phẩm có tiềm năng tăng giá cao.

Theo tìm hiểu của PV, tại các kênh mua bán bất động sản, nhu cầu tìm kiếm loại hình biệt thự ven đô Hà Nội vẫn luôn nằm trong top tìm kiếm nhiều nhất. Đặc biệt là những vùng có các điều kiện thuận lợi để phát triển, hạ tầng được đầu tư đồng bộ như các huyện Hoài Đức, Đông Anh, Gia Lâm…

Với vị trí nằm kề quận Cầu Giấy và Nam Từ Liêm, Hoài Đức có lợi thế trở thành khu vực trung chuyển giao thông huyết mạch, thuận lợi cho hoạt động vận chuyển, giao thương, tạo thành một trục di chuyển vào nội đô cực kỳ dễ dàng, thuận tiện.

Bên cạnh đó, với thông tin sắp lên quận và đường vành đai 3.5 sắp hoàn thành trong thời gian tới, Hoài Đức đang trở thành tâm điểm thu hút nhà đầu tư nội đô Hà Nội ở phân khúc biệt thự. Đáng chú ý, các dự án tại đây hầu hết đã và đang đi vào hoạt động nên thanh khoản khá cao, mức giá vì vậy cũng tăng theo mỗi đợt mở bán. 

Cụ thể, hơn 1 năm trước, giá một dự án biệt thự ở Hoài Đức được chào bán khoảng 70 - 80 triệu đồng/m2 thì đến thời điểm hiện tại, giá chào bán đã tăng lên 115 - 130 triệu đồng/m2. Thậm chí, những biệt thự ven hồ, cao cấp, giá tăng mạnh lên 150 triệu đồng/m2.

Đơn cử như căn biệt thự 200m2 tại dự án Hinode Royal Park (Xã Di Trạch, Hoài Đức) được rao bán với giá 30,5 tỷ đồng tương đương 152,5 triệu đồng/m2. Trong khi đó, đầu năm 2021, cùng sản phẩm này nhưng giá bán ở mức thấp hơn nhiều, chỉ khoảng 100 - 120 triệu đồng/m2. 

Ở các khu vực tương tự như Đông Anh, Gia Lâm, Long Biên... nhu cầu tìm kiếm biệt thự tăng cao cũng khiến thị trường thiết lập một mặt bằng giá bán mới. Cách đây 3 năm, một số chủ đầu tư đưa sản phẩm shophouse, biệt thự với mức giá khoảng dưới 10 tỷ đồng khiến cả thị trường phải thốt lên “giá quá cao”, thì hiện nay giá của chúng đã tăng gấp 2 đến 3 lần, muốn mua cũng khó.

Hiện nay, hạ tầng giao thông được đẩy mạnh kéo theo sự quan tâm đổ dồn về phân khúc biệt thự ven đô đang tạo điều kiện đẩy giá bán của loại hình này lên cao, từ đó không có sự chênh lệch về giá với các căn biệt thự nội đô, thậm chí là ngang bằng. 

Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam nhìn nhận, việc xây dựng mới, mở rộng hạ tầng giao thông chắc chắn sẽ đem lại giá trị lớn cho bất động sản vùng lân cận, đặc biệt là phân khúc đất nền và biệt thự. Tuy nhiên, việc đầu tư vào những phân khúc này chỉ phù hợp với người có năng lực tài chính thực sự, có nguồn tiền nhàn rỗi vì vốn bỏ ra lớn trong khi các dự án hạ tầng giao thông sẽ thực hiện trong thời gian dài. 

Cũng theo ông Đính, dịch bệnh đã thúc đẩy người dân hình thành tâm lý cần một nơi để trở về, nhất là khi họ cảm thấy ngột ngạt trong nội đô nên nhu cầu mua bất động sản ven đô tăng trưởng nhanh chóng. Tuy nhiên, các nhà đầu tư nên cẩn trọng với thông tin quy hoạch đang được lan truyền trên thị trường bởi nhiều thông tin còn thiếu tính xác thực. 

“Cần khảo sát kỹ địa bàn, nắm rõ quy hoạch, lựa chọn vị trí đất có khả năng thanh khoản cao bởi bài học về đầu tư đất tại hai bên đường Đại lộ Thăng Long vẫn còn nguyên giá trị. Do hai bên đường được rào lại, không cho các phương tiện đỗ để bảo đảm an toàn giao thông nên bất động sản khu vực này giảm sâu so với thời điểm trước khi xây dựng tuyến đường. Vì vậy, để không bị chôn vốn, thậm chí là thua lỗ, nhà đầu tư phải thật tỉnh táo", ông Đính đưa ra lời khuyên./.

Nguồn: https://reatimes.vn/biet-thu-ven-do-nong-len-nho-dong-tien-do-manh-vao-ha-tang-20201224000012103.html