19/01/2025 | 15:32 GMT+7, Hà Nội

Mô hình chùm đô thị: Giảm áp lực cho nội đô

Cập nhật lúc: 06/02/2022, 06:15

Sự bùng phát của đại dịch Covid-19 đã làm những đô thị lớn, tập trung đông dân cư chịu nhiều áp lực.

Để các đô thị, nhất là đô thị lớn như Hà Nội tăng sức chống chọi với thiên tai, dịch bệnh, hơn lúc nào hết, phát triển đô thị theo mô hình chùm đô thị với các khu đô thị vệ tinh theo như định hướng quy hoạch cần sớm được hiện thực hóa.

Xu hướng tất yếu

Tại đồ án Quy hoạch chung xây dựng chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2011, tư tưởng đầu tiên bao trùm là tạo ra chùm đô thị cho Hà Nội với một đô thị trung tâm và 5 đô thị vệ tinh là Hòa Lạc, Xuân Mai, Phú Xuyên, Sóc Sơn, Sơn Tây. Các đô thị vệ tinh này kết nối với đô thị lõi trung tâm bằng hệ thống giao thông vành đai kết hợp các trục hướng tâm, có mối liên kết với mạng lưới giao thông Vùng Thủ đô và quốc gia.

Về lý thuyết, chính nhờ cấu trúc chùm đô thị sẽ giải quyết được bài toán về phân bố dân cư, giảm áp lực cho nội thành, giải quyết được nhiều vấn đề đô thị bức xúc tại khu vực trung tâm như ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường… Những chức năng đang bị dồn nén quá mức như công nghiệp, dịch vụ, thương mại, giáo dục đào tạo, y tế… được phân bớt hoặc chuyển hẳn vào các đô thị vệ tinh, tạo nên những trung tâm mới sẽ đảm bảo cho đô thị trung tâm được giảm tải căn bản.

Hiện nay, trên thế giới xu hướng cấu trúc đa cực song song hình thành cùng với sự mở rộng của đô thị lớn đã trở thành phổ biến từ các đô thị châu Âu, châu Mỹ đến châu Á… Như tại London, có cực mới London Docklands, tại Paris có LaDefence, NewYorks Word Trade Center của TP NewYork. Các cực trung tâm có khoảng cách đến trung tâm lõi từ 5 - 8km, thời gian đi lại ô tô mất 15 - 20 phút đã tạo nên sức sống mới cho các khu vực ven trung tâm đô thị. TP Stuttgard của Đức có dân số khoảng 628.000 dân, diện tích 207km2 có các đô thị bao quanh như Ludwigsburg, Esslingen, Boblingen… là các cực cách 10 - 20km quanh TP, tổng số dân xung quanh khoảng 2,7 triệu dân.

PGS.TS.KTS Phạm Hùng Cường - trường Đại học Xây dựng Hà Nội cho biết, ở Việt Nam, nhiều đô thị từ loại II trở lên được quy hoạch theo cấu trúc đa cực như TP Hải Phòng với các cực phát triển Đồ Sơn, Bắc Sông Cấm; TP Bắc Ninh quy hoạch có cực phát triển Từ Sơn, Nam Sơn; TP Hạ Long có cực phát triển phía Tây qua sông Cửa Lục (Bãi Cháy, Hùng Thắng, Tuần Châu). Trong 14 đô thị loại I và II vùng đồng bằng Bắc Bộ có tới 12 đô thị (trừ Uông Bí, Bắc Giang) được quy hoạch theo hướng đa cực, đa trung tâm.

Mô hình chùm đô thị: Giảm áp lực cho nội đô
Mô hình chùm đô thị: Giảm áp lực cho nội đô

Chậm tiến độ do nhiều vướng mắc

Đến nay, Hà Nội đã đi được nửa chặng đường của Quy hoạch chung năm 2011, tuy nhiên những nơi cụ thể hóa mô hình chùm đô thị chính là các đô thị vệ tinh thì lại hầu như chưa triển khai thực hiện được. PGS.TS.KTS Phạm Hùng Cường đánh giá, sau 10 năm quy hoạch được phê duyệt, hầu hết đô thị vệ tinh đều có khả năng không hoàn thành được mục tiêu hình thành đến mốc năm 2030 theo quy hoạch. Các nhân tố cơ bản để hình thành đô thị vệ tinh đều chưa hình thành rõ nét.

Cụ thể, đô thị Phú Xuyên còn thiếu tuyến đường kết nối Ngọc Hồi – Phú Xuyên, chưa có quy hoạch phân khu, chưa có hoạt động nào triển khai xây dựng theo quy hoạch đô thị vệ tinh. Đô thị Hòa Lạc còn thiếu tuyến kết nối quan trọng Hồ Tây - Ba Vì, mới đang hình thành khu công nghiệp, trường đại học, chưa thu hút được dân cư Hà Nội. Đô thị Xuân Mai chưa có đường kết nối tốc độ cao, chưa triển khai xây dựng đô thị vệ tinh. Đô thị Sóc Sơn chưa có đường kết nối tốc độ cao. Đô thị Sơn Tây có đường kết nối khá tốt nhưng ở tốc độ không cao do xuyên qua nhiều đô thị nhỏ khác, chưa hút dân từ đô thị lên để giảm tải cho đô thị lõi.

“Với tiến độ này, có thể đến năm 2040, các đô thị vệ tinh mới thực hiện được nhiệm vụ là hút dân nội thành, giảm phát triển ở đô thị lõi Hà Nội” - PGS.TS.KTS Phạm Hùng Cường nhận định.

Hà Nội đang tiến hành rà soát để điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng năm 2011, nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn phát triển. Theo Giám đốc Sở QH – KT Hà Nội Nguyễn Trúc Anh, đây là cơ hội để xem xét những yếu tố đang còn vướng mắc, đẩy nhanh phát triển các đô thị vệ tinh.

Theo định hướng quy hoạch, cấu trúc đô thị của Hà Nội rất rõ ràng nhưng để triển khai trên thực tế lại đang rất vướng. Cụ thể, theo Nghị quyết 1211/2016/UBTVQH13 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định tiêu chuẩn đơn vị hành chính, các đô thị vệ tinh phải có diện tích lớn hơn 150km2. Tuy nhiên, các đô thị vệ tinh của Hà Nội đều có diện tích không đạt, trừ đô thị vệ tinh Hòa Lạc.

Về quản lý hành chính tại các đô thị vệ tinh cũng chưa được cụ thể. Như đô thị Hòa Lạc đang nằm trong ranh giới hành chính của hai huyện Thạch Thất và Quốc Oai, song lại chưa rõ huyện nào sẽ là đơn vị chịu trách nhiệm chính cho việc phát triển đô thị vệ tinh Hòa Lạc. “Trong điều chỉnh quy hoạch lần này sẽ xem xét có những kiến nghị cụ thể về ranh giới phát triển đô thị, ranh giới hành chính để sao cho vấn đề quản lý và thực thi quy hoạch đô thị vệ được thực hiện tốt hơn” – ông Nguyễn Trúc Anh thông tin.

Các chuyên gia về quy hoạch đô thị đều nhấn mạnh, trong thời gian tới, TP Hà Nội cần chú trọng giải pháp để tháo gỡ vướng mắc, tập trung nguồn lực thực hiện các đô thị vệ tinh. Đây là hướng đi căn bản, là nơi có điều kiện phát triển mới theo hướng xanh hơn, bền vững hơn, mang lại nhiều giá trị sống tốt hơn cho con người và tạo cơ hội giãn dân ra khỏi khu vực nội đô.

Nguồn: https://kinhtedothi.vn/mo-hinh-chum-do-thi-giam-ap-luc-cho-noi-do.html