24/11/2024 | 01:14 GMT+7, Hà Nội

Hà Nội chạy thử tàu trên cao: Các hộ dân sống "sát sạt" đường tàu nói gì?

Cập nhật lúc: 21/09/2018, 10:01

Sáng 20/9, người dân Hà Nội đã được chiêm ngưỡng những đoàn tàu thuộc Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông (đường sắt trên cao) chạy thử nghiệm chính thức.

Đúng 6h30, đoàn tàu đầu tiên lăn bánh xuất phát từ ga Yên Nghĩa (quận Hà Đông) trong sự quan tâm của người dân Hà Nội, đặc biệt là những hộ dân sinh sống hai bên đường sắt.

Có tổng cộng 5 đoàn tàu chạy thử nghiệm toàn tuyến với tổng thời gian 25 phút bao gồm đỗ tại 12 ga dọc hành trình dài 13 km. Thời điểm chạy thử vào sáng sớm, nhưng cũng khá nhiều người dân được chứng kiến, thích thú chiêm ngưỡng.

 

Khúc cua của đường sắt trên cao thông từ đường Nguyễn Trãi sang đường Giáp Nhất.

Có mặt tại ngõ số 5 đường Giáp Nhất (quận Thanh Xuân) thông ra đường Nguyễn Trãi, nơi có khoảng 30 hộ sinh sống hai bên đường sắt. Hầu hết các nhà đều cách mặt cầu của đường sắt trên cao khoảng vài mét đổ lại. Đây cũng là đoạn vòng cung có góc cua gấp nhất, nhiều hộ sống gần nhất của tuyến đường sắt này.

Chứng kiến những đoàn tàu đi qua vào sáng nay, ông Lê Minh (82 tuổi) chia sẻ, ông không ngạc nhiên vì nhiều lần chứng kiến tàu đi qua trong thời gian gần đây, trong sáng nay ông đã chứng kiến 4/5 đoàn tàu đi qua. Ông cho biết thêm, dù nhà chỉ cách đường tàu rất gần và phòng ngủ ở tầng 4 nhìn thẳng ra, nhưng không cảm nhận được tiếng ồn, rung như đường sắt “truyền thống”.

 

Nhà ông Lê Minh (82 tuổi) nằm sát sạt đường sắt trên cao.

Ông Minh so sánh: “Tôi già rồi, nhưng mỗi lần tàu đi qua, kể cả vào ban đêm, mà tôi vẫn không cảm nhận được gì, vì khá “êm”. Nếu tàu chạy chậm thì nghe như tiếng xe ô tô thôi, còn nếu chạy nhanh hơn chút thì hơi có tiếng lẹt xẹt của đường sắt, nhưng rất nhỏ.

Trước đây tôi cũng từng ở cạnh đường sắt ở Hà Nam, mỗi lần tàu chạy qua là tỉnh ngủ luôn vì nhà rung, tiếng ồn lớn. Nhưng đường sắt trên cao này, tôi thấy hiện đại và không gây ồn. Tàu chỉ có 4 toa nên chạy qua rất nhanh, vài giây là đi qua”.

 

Nhà các hộ dân trong ngõ đa số chỉ cách đường sắt một vài mét.

Cũng theo hộ dân tại đây, dù ở khúc cua nhưng các hộ đều cảm thấy yên tâm nếu như tàu được vận hành theo quy trình an toàn, giữ tốc độ cho phép.

“Tuyến đường sắt trên cao có hai đường ray riêng biệt, mỗi chiều chạy một bên nên không thể xảy ra va chạm ngược chiều. Mới đầu tôi cũng tò mò xem thử, nhưng bây giờ coi đó là bình thường. Nếu tàu chạy qua tôi vẫn ngủ ngon vì ít tiếng ồn và dần quen với việc này” - Chị Hạnh, hàng xóm với ông Minh cho biết.

 

Nhiều hộ dân mở cửa sổ ra là nhìn thấy tàu chạy qua ngay trước mặt.

Theo ghi nhận của PV, tại các địa điểm cách xa đường sắt trên cao so với ngõ 5 Giáp Nhất, phản ánh của người dân cũng khá tích cực. Đường sắt chia làn riêng biệt, không có đoạn cắt ngang, đường dân sinh nên không có tiếng động của kéo còi, chuông báo sắp có tàu đi qua như đường sắt cổ điển.

“Tôi cũng mong tuyến đường sớm được triển khai chính thức để người dân có thêm phương tiện đi lại, giảm ách tắc giao thông vì quá tải phương tiện. Quá trình tàu vận hành thử tôi cũng đã từng xem và cảm nhận tàu không gây tiếng ồn khi chạy qua” - anh Đức Anh sinh sống tại đường Trần Phú (quận Hà Đông) nhận xét.

 

Trục đường Nguyễn Trãi (Thanh Xuân) - Trần Phú (Hà Đông) đường sắt trên cao cách khá xa nhà dân hai bên.

Ban Quản lý Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông cho biết, các đoàn tàu tuyến Cát Linh - Hà Đông sẽ được chạy thử nghiệm từ 3 - 6 tháng với mục tiêu đưa dự án đủ điều kiện vào vận hành thương mại trước Tết Nguyên đán 2019.

Được biết, dự án có 13 đoàn tàu, mỗi tàu có 4 toa. Toàn bộ 12 nhà ga trên cao và khu Depot dưới mặt đất có đường ray đôi, khổ là 1.435 mm. Điểm xuất phát của dự án bắt đầu từ ga Yên Nghĩa (quận Hà Đông) đến ga Cát Linh (quận Đống Đa). Quãng đường di chuyển của tàu là hơn 13km. Mỗi ga, đoàn tàu sẽ dừng lại 1 phút để đón trả khách. Vận tốc tàu chạy tối đa là 65km/giờ, tốc độ trung bình là 30 - 35km/giờ.