22/11/2024 | 01:47 GMT+7, Hà Nội

Hà Nội bảo đảm kiểm soát hiệu quả, không để dịch lây lan rộng

Cập nhật lúc: 13/08/2020, 14:38

Chiều 12/8, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP Hà Nội giao ban dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo.

Khoảng 50% các trường hợp mắc Covid-19 không có triệu chứng lâm sàng

Báo cáo tại cuộc họp, Phó Giám đốc Sở Y tế Hoàng Đức Hạnh cho biết, tích lũy đến ngày 12/8 (giai đoạn 3), Việt Nam đã có 406 ca mắc ngoài cộng đồng, 17 người tử vong, từ ổ dịch Đà Nẵng đã lan ra 14 tỉnh/thành phố khác. Mặc dù số ca mắc tại tâm dịch Đà Nẵng có xu hướng giảm trong 3 ngày trở lại đây, song, diễn biến dịch vẫn rất phức tạp với những ca nhiễm mới là đối tượng F1.

Tại Hà Nội, trong số 7 ca mắc ngoài cộng đồng có 1 số trường hợp có lịch trình di chuyển phức tạp, tiếp xúc với nhiều người như BN 447, 724, 751 và đã có 1 trường hợp F1 trở thành F0 (BN 812 là F1 của BN 447). Đặc biệt ngày 11/8, phát hiện 1 ca mắc mới là người tỉnh Hải Dương (BN 867) đến khám tại bệnh viện Thanh Nhành chưa xác định được yếu tố dịch tễ và nguồn lây (F0).

 Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP Hà Nội giao ban dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo.

Mặt khác, theo thống kê có khoảng 50% các trường hợp mắc không có triệu chứng lâm sàng, những yếu tố trên làm tăng nguy cơ dịch lây lan trong cộng đồng có thể xuất hiện những ca mắc mới trong những ngày tới. CDC Hà Nội thông tin thêm lịch trình đi lại, khám chữa bệnh của bệnh nhân rất phức tạp, khó xác định thời điểm lây nhiễm.

Liên quan đến vấn đề này, TS Trần Đắc Phu, chuyên gia của BCĐ phòng chống dịch bệnh Covid-19 quốc gia đánh giá cao cách làm hiệu quả của Hà Nội trong công tác phòng chống dịch thời gian qua. Về trường hợp BN867, ông Phu nhận định cần làm rõ xem bệnh nhân này bị lây nhiễm ở Hải Dương hay Hà Nội vì trường hợp BN này rất đáng lo ngại và cũng đề nghị Hà Nội cần tập trung phòng chống dịch trong các cơ sở y tế. “Hà Nội cũng cần chú ý phòng dịch ở các trung tâm dưỡng lão” - ông Phu cảnh báo.

Phó Giám đốc Sở Y tế cũng cho biết, đến 15 giờ ngày 12/8, đã lấy được 16.242 mẫu xét nghiệm PCR cho những người từ Đà Nẵng về từ 15-29/7, đã có kết quả 11.039 mẫu âm tính. Ông Hạnh nhấn mạnh, việc xét nghiệm PCR vẫn còn gặp nhiều khó khăn, nhất là về mặt vật tư (que lấy mẫu và ống môi trường). Hiện, Viện vệ sinh dịch tễ T.Ư chỉ cung cấp cho Hà Nội khoảng 10.000 ống/ngày, do đó, công tác xét nghiệm phải làm theo thứ tự ưu tiên. Mặc dù Hà Nội được Bộ Y tế giao cho 4 bệnh viện hỗ trợ xét nghiệm, nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu về tiến độ.

Lãnh đạo huyện Thanh Trì thông tin về trường hợp bệnh nhân quê Hải Dương, huyện Thanh Trì cho biết với F1 có 14 trường hợp, tất cả các trường hợp này huyện đã ra quyết định và đưa đi cách ly, bên cạnh đó đưa đi cách ly 1 trường hợp nghi ngờ; đến nay đã có kết quả 14/15 trường hợp âm tính. Huyện cũng tiếp tục điều tra 8 trường hợp F2 và các trường hợp tiếp xúc gần...

Về xét nghiệm PCR những người đi Đà Nẵng về, Phó Giám đốc phụ trách CDC Hà Nội Trương Quang Việt cho rằng TP đang gặp khó khăn trong số lượng vật tư y tế để làm xét nghiệm. Song ông Việt cho biết TP sẽ cố gắng hoàn thành việc xét nghiệm trong nửa đầu tuần sau.

Hiện nay có hơn 60.000 người chưa được xét nghiệm, trong đó có những người đã quá 14 ngày kể từ thời gian từ Đà Nẵng về. Trước tình hình đó, CDC Hà Nội đề xuất Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư về việc ưu tiên sản xuất vật tư để Hà Nội kịp thời gian chống dịch. “Việc này buộc phải làm nhanh và xong trong đầu tuần sau” – ông Việt nói. CDC Hà Nội cùng các cán bộ y tế cơ sở sẽ đảm bảo được việc lấy mẫu xét nghiệm PCR.

Nỗ lực kiểm soát hiệu quả, không để dịch bệnh lây lan

Kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý điểm lại tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh trên thế giới, Việt Nam và Hà Nội. Trong 2 ngày qua, TP và các quận huyện thị xã đã tích cực triển khai các biện pháp phòng chống dịch; tổ chức an toàn kỳ thi THPT quốc gia.

Phó Chủ tịch UBND TP nêu rõ vẫn còn 1 số hạn chế, khó khăn là người dân vẫn có người dân chưa đeo khẩu trang trên đường. Mới xét nghiệm được 1/7 số người về từ Đà Nẵng; có những ca bệnh không xác định được nguồn lây nhiễm. Hà Nội có thể sẽ còn ca mắc mới trong cộng đồng. Chiều hướng dịch bệnh sẽ tăng lên nếu không có biện pháp mạnh mẽ.

 Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý phát biểu tại cuộc họp

Phó Chủ tịch UBND TP yêu cầu các đơn vị tiếp tục quyết liệt thực hiện các biện pháp phòng chống dịch của T.Ư và TP, không lơ là, chủ quan, đảm bảo kiểm soát có hiệu quả không để dịch bệnh lây lan song hành với thực hiện mục tiêu kép, vừa phòng chống dịch, vừa phát triển sản xuất.

Các đơn vị cũng cần tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp: tuyên truyền, vận động người dân không ra khỏi nhà khi không cần thiết và thực hiện các biện pháp phòng chống dịch: thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn; đeo khẩu trang khi ra ngoài, không tập trung đông người (không quá 30 người) tại nơi công cộng, ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện, giữ khoảng cách tối thiểu 1m khi tiếp xúc; triển khai khai báo y tế theo quy định; tiếp tục dừng tổ chức lễ hội; dừng hoạt động karaoke, quán bar, vũ trường; đảm bảo phòng dịch ở các cơ sở y tế.

Công an TP Hà Nội chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan liên quan tăng cường kiểm tra, phát hiện người nhập cảnh trái phép, các hợp thông tin không đúng sự thật, không khai báo y tế, khai báo không trung thực; vi phạm các biện pháp phòng chống dịch theo quy định...

“Các quận huyện cùng sở Y tế tổ chức duy trì hoạt động Tổ giám sát cộng đồng làm sao hoạt động hiệu quả. Đây là vấn đề rất quan trọng” – Phó Chủ tịch UBND TP nói. Đề nghị Sở Y tế hướng dẫn cụ thể để các quận, huyện, thị xã thực hiện nội dung này, cụ thể tổ này cần đặt ở đâu, về cơ cấu, thành phần, nhiệm vụ, công tác giám sát, vận động.