19/01/2025 | 06:51 GMT+7, Hà Nội

Hà Nội: 6 tổ công tác liên ngành đôn đốc thu ngân sách, giải ngân đầu tư công

Cập nhật lúc: 07/10/2020, 13:30

UBND TP Hà Nội vừa ban hành quyết định thành lập 06 tổ công tác kiểm tra, đôn đốc thu ngân sách; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2020 và năm 2019 kéo dài trên địa bàn Thủ đô.

Theo đó, 06 Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội được giao làm tổ trưởng 6 tổ công tác kiểm tra, đôn đốc thu ngân sách; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công theo quyết định số 4402/QĐ-UBND vừa được UBND TP ban hành. Tổ trưởng từng tổ công tác là các đồng chí Phó Chủ tịch UBND TP được phân công. Tổ phó là lãnh đạo các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính; Cục trưởng Cục thuế Hà Nội. Các thành viên là lãnh đạo các sở, ban, ngành, các đơn vị liên quan; Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã.

Đầu tư công không chỉ góp phần tăng trưởng, phát triển cơ sở hạ tầng của đất nước mà còn giải quyết đời sống, thu nhập cho hàng triệu người (Ảnh minh họa: KT)

Cụ thể, Tổ 1 do Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Nguyễn Văn Sửu làm tổ trưởng, theo dõi các dự án khối nông nghiệp, công thương và các quận, huyện: Tây Hồ, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Hoài Đức, Thanh Trì.

Tổ 2 do Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Quốc Hùng làm tổ trưởng theo dõi các dự án lớn vướng mắc về giải phóng mặt bằng, tái định cư và các quận, huyện: Thanh Xuân, Ba Đình, Phúc Thọ, Thạch Thất, Mê Linh.

Hà Nội thành lập 6 tổ công tác liên ngành do 06 Phó Chủ tịch làm Tổ trưởng (Ảnh: Báo đầu tư)

Tổ 3 do Phó Chủ tịch UBND TP Lê Hồng Sơn làm tổ trưởng, theo dõi các dự án khối nội chính và các quận, huyện: Cầu Giấy, Bắc Từ Liêm, Chương Mỹ, Đan Phượng, Đông Anh.

Tổ 4 do Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Hùng làm tổ trưởng, theo dõi các dự án khối giao thông, đô thị, môi trường và các quận, huyện, thị xã: Nam Từ Liêm, Sơn Tây, Thường Tín, Ba Vì, Sóc Sơn.

Tổ 5 do Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý làm tổ trưởng. Tổ này theo dõi các dự án khối khoa giáo, văn xã và các quận, huyện: Long Biên, Hoàng Mai, Gia Lâm, Quốc Oai, Ứng Hòa.

Tổ 6 do Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Doãn Toản làm tổ trưởng. Đây là tổ công tác kiểm tra, rà soát, đôn đốc thu ngân sách; theo dõi các dự án nguồn vốn ODA và các quận, huyện: Hoàn Kiếm, Hà Đông, Phú Xuyên, Mỹ Đức, Thanh Oai.

Để thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 cũng như giai đoạn 2016 - 2020, đặc biệt là kế hoạch thu ngân sách Nhà nước năm 2020, Bí thư Thành ủy đề nghị, trong những tháng cuối năm 2020, Cục Thuế TP, Sở Kế hoạch và Đầu tư cần hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra, phấn đấu tăng trưởng GRDP của thành phố tăng gấp 1,3 lần tăng trưởng chung của cả nước.

Các tổ công tác có nhiệm vụ kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2020 và năm 2019 kéo dài thuộc ngân sách thành phố (bao gồm cả nguồn vốn ODA) và ngân sách cấp huyện theo địa bàn được phân công. Kiểm tra, rà soát, đôn đốc thu ngân sách kế hoạch năm 2020; khai thác các nguồn thu, tránh thất thu ngân sách nhà nước trên địa bàn TP theo kết luận chỉ đạo của Bí thư Thành ủy.

Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Kho bạc Nhà nước Hà Nội định kỳ 10 ngày/lần tổng hợp, báo cáo UBND TP kết quả giải ngân vốn đầu tư toàn TP; những vướng mắc, khó khăn của các chủ đầu tư trong quá trình thực hiện và đề xuất tham mưu UBND TP hướng xử lý nhằm kịp thời tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư năm 2020 và kế hoạch vốn năm 2019 kéo dài đã được cấp thẩm quyền giao. Tổng hợp, báo cáo danh sách các đơn vị giải ngân chậm, việc chấp hành chế độ báo cáo của các đơn vị tại Hội nghị giao ban định kỳ của Chủ tịch UBND TP với các Sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã.

Tập trung đôn đốc thu ngân sách, giải ngân đầu tư công. (Ảnh: Báo đấu thầu)

Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã chịu trách nhiệm rà soát, đôn đốc các khoản thu ngân sách nhà nước trong phạm vi thẩm quyền quản lý theo nguyên tắc thu đúng, thu đủ theo quy định.

Chủ đầu tư các dự án (gồm cả UBND các quận, huyện, thị xã) tập trung triển khai quyết liệt, đẩy mạnh thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn năm 2020, kế hoạch vốn năm 2019 kéo dài đã được cấp thẩm quyền giao; chủ động và kịp thời đề xuất tháo gỡ khó khăn, vướng mắc (nếu có) trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.

Trước đó, Thành ủy Hà Nội đã có Thông báo số 2842/TB-TU ngày 15/09/2020 về kết luận của đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy tại buổi làm việc với Cục Thuế TP Hà Nội và các đơn vị liên quan về giải pháp bảo đảm thu, chi ngân sách Nhà nước năm 2020.

Kết luận nêu rõ, 8 tháng của năm 2020, tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, tác động lớn đến phát triển kinh tế - xã hội. Trước những khó khăn, thách thức đó, Thường trực Thành ủy đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nhằm thực hiện các giải pháp cân đối thu, chi ngân sách TP; thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống dịch song song với nhiệm vụ phục hồi, duy trì sản xuất, kinh doanh, ổn định an sinh xã hội. Kết quả, tổng thu trên địa bàn các quận, huyện, thị xã là 58.036 tỷ đồng, đạt 56,5% dự toán, bằng 89,8% so với cùng kỳ.

Tốc độ tăng vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước trong bảy tháng đầu năm nay đạt mức cao nhất trong giai đoạn 2016 - 2020. (Ảnh: VGP cung cấp).

TP xác định nhiệm vụ trung tâm và ưu tiên hàng đầu là tập trung phòng, chống và kiểm soát tốt dịch Covid-19. Cùng với việc triển khai một số nhiệm vụ tài chính - ngân sách bảo đảm nguyên tắc: Chi trong khả năng thu, giảm thu thì giảm chi..., cần tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, tập trung tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi tối đa cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy xuất, nhập khẩu.

Bên cạnh đó, cần rà soát các dự án đã được chấp thuận đầu tư tại Hội nghị “Hà Nội 2020 - Hợp tác đầu tư và phát triển”; thực hiện tốt chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, kết nối cung - cầu hàng hóa, kích cầu tiêu dùng nội địa... để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tạo nguồn thu ngân sách Nhà nước.

Bí thư Thành ủy cũng đề nghị các cơ quan chức năng đẩy mạnh các giải pháp chống thất thu ngân sách; chủ động rà soát, xác định các nguồn thu còn tiềm năng, dư địa để kịp thời đề xuất các giải pháp quản lý thu hiệu quả. Từ nay đến cuối năm 2020, cần tiếp tục tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với từng dự án; rà soát và có các phương án điều chỉnh, điều hòa vốn để nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công; thực hiện điều chuyển kế hoạch vốn đầu tư từ những dự án không có khả năng giải ngân sang các dự án cấp bách.