Gỡ \"nút thắt\" pháp lý, trái phiếu doanh nghiệp vượt qua khủng hoảng
Cập nhật lúc: 15/02/2023, 18:03
Cập nhật lúc: 15/02/2023, 18:03
Bộ Tài chính đã trình Chính phủ dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định 65/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 153/2020/NĐ-CP quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu ra thị trường quốc tế.
Dự thảo đã đưa ra nhiều thay đổi quan trọng, được kỳ vọng sẽ mở đường tháo gỡ phần nào “nút thắt” trái phiếu khiến các doanh nghiệp bế tắc trong suốt thời gian qua. Để có những góc nhìn đầy đủ, Reatimes đã có cuộc trao đổi với ông Đỗ Bảo Ngọc - Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Chứng khoán Kiến thiết Việt Nam (CSI) về vấn đề này.
Giảm nguy cơ trong ngắn hạn
PV: Theo số liệu mới nhất từ Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA), đến ngày 31/1/2023, chưa có đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp nào trong năm 2023. Điều này đang phản ánh thực tế gì, thưa ông?
Ông Đỗ Bảo Ngọc: Việc không có đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp nào trong tháng 1/2023 đang phản ánh bốn thực tế.
Một là, các điều kiện để phát hành trái phiếu doanh nghiệp đang được quy định chặt chẽ hơn sau khi Nghị định 65 được ban hành hồi tháng 9/2022. Ví dụ như điều kiện về nhà đầu tư chuyên nghiệp, điều kiện phải có xếp hạng tín nhiệm đối với những đợt phát hành có giá trị lớn.
Hai là, yếu tố niềm tin của nhà đầu tư đang ở mức thấp.
Ba là, tháng một là tháng diễn ra Tết Nguyên đán nên việc hoạt động kinh doanh trước và sau Tết vẫn chưa trở lại bình thường. Hầu hết mọi thứ đang diễn ra chậm lại.
Cuối cùng, thời gian vừa qua Ủy Ban chứng khoán Nhà nước chưa có Chủ tịch mới nên cơ bản chưa có bộ máy hoàn thiện để giải quyết các vấn đề của doanh nghiệp. Tuy nhiên, mới đây vấn đề này đã được xử lý nên sẽ không còn ảnh hưởng đến thị trường trái phiếu trong thời gian tới.
PV: Không chỉ khó khăn trong phát hành, doanh nghiệp còn đang phải chịu áp lực rất lớn với khối lượng trái phiếu đáo hạn khoảng 300 nghìn tỷ đồng trong năm 2023. Theo ông, ở bối cảnh hiện tại, các doanh nghiệp này có khả năng thanh toán trái phiếu đến hạn?
Ông Đỗ Bảo Ngọc: Tôi cho rằng, vẫn có những doanh nghiệp đủ năng lực để thanh toán các trái phiếu đến hạn. Tuy nhiên, trong điều kiện khó khăn hiện nay, cũng sẽ không ít doanh nghiệp không có đủ năng lực để thanh toán do gặp khó trong vấn đề thanh khoản.
Thực tế, trên thị trường cũng đã xuất hiện rất nhiều trường hợp này và đa số các doanh nghiệp phải bày tỏ mong muốn giãn thời gian trả nợ, tăng lãi suất các khoản nợ quá hạn hay hoán đổi tài sản với các nhà đầu tư. Đây là những phương án mà doanh nghiệp đang cố gắng thương lượng nhằm tìm kiếm sự thông cảm từ các nhà đầu tư và có thời gian nhiều hơn để lo thanh toán các khoản nợ đến hạn.
Trong trường hợp, những thương lượng này không thực hiện được và Nhà nước cũng không có những động thái hỗ trợ kịp thời, khả năng cao rất nhiều doanh nghiệp vỡ nợ. Và khi các doanh nghiệp vỡ nợ sẽ kéo thị trường trái phiếu và các thị trường liên đới rơi vào trạng thái bất ổn, thậm chí là khủng hoảng.
PV: Trước thực tế các doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn trong việc trả nợ trái phiếu như ông chia sẻ, những nội dung tại Dự thảo Nghị định 65 sửa đổi mà Bộ Tài chính lấy ý kiến và trình Chính Phủ có được xem là tín hiệu tích cực?
Ông Đỗ Bảo Ngọc: Nội dung sửa đổi chính trong Dự thảo Nghị định 65 mới nhất là cho phép doanh nghiệp được thay đổi kỳ hạn, hoán đổi trái phiếu đã phát hành theo quy định của pháp luật về phát hành trái phiếu tối đa không quá 2 năm so với kỳ hạn tại phương án phát hành trái phiếu đã công bố cho nhà đầu tư.
Ngoài ra, dự thảo còn đề xuất phương án lùi thời gian thực hiện quy định về xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp lại 1 năm, chuyển từ ngày 1/1/2023 sang ngày 1/1/2024; cho phép lùi thời gian thực hiện quy định về yêu cầu bắt buộc xếp hạng tín nhiệm trong vòng 1 năm, bắt đầu từ ngày 1/1/2024 thay vì từ 1/1/2023.
Như vậy, tinh thần của Dự thảo Nghị định 65 sửa đổi là tạo ra cơ chế cho các bên thoả thuận với nhau, tạo thêm thời gian để các doanh nghiệp phát hành “dễ thở”. Điều này rất quan trọng trong bối cảnh hiện tại, góp tháo gỡ một phần bế tắc đang tồn tại hiện nay.
Như tôi đã chia sẻ, nếu trái chủ ép các bên phát hành trái phiếu phải thanh khoản trong khi bên phát hành không có khả năng thanh khoản thì rất dễ dẫn đến tình trạng vỡ nợ, rồi đi đến kiện cáo. Khi đó những kịch bản xấu hơn nữa cũng có thể xảy ra và đây là điều mà các bên đều không mong muốn. Vì vậy, nếu Dự thảo Nghị định 65 sửa đổi thông qua sẽ hạn chế được câu chuyện vỡ nợ trong ngắn hạn.
Ngoài ra, khi mọi quy định không quá chặt, sẽ có nhiều doanh nghiệp làm thật ăn thật - tức là những doanh nghiệp có dự án tốt, pháp lý sạch dễ dàng phát hành trái phiếu để huy động vốn cho dự án. Điều này cũng góp phần hỗ trợ thị trường bất động sản.
Thoát hiểm trước mắt nhưng khó khăn vẫn rất lớn cả trung và dài hạn
PV: Nếu “nút thắt” trái phiếu dần được tháo gỡ, ông dự báo ra sao về phản ứng của thị trường chứng khoán?
Ông Đỗ Bảo Ngọc: Dự thảo sửa đổi Nghị định 65 được thông qua cũng sẽ có những tác động tích cực đến thị trường chứng khoán ở bối cảnh hiện tại, cụ thể, giá cổ phiếu có thể hồi phục. Bởi vì trong thời gian vừa qua, rất nhiều cổ phiếu giảm giá cũng vì mất thanh khoản trái phiếu, những trái phiếu sắp đến hạn không thanh khoản được và bản chất thị trường hiện tại cũng đang bi quan vì câu chuyện trái phiếu.
Vì vậy, khi nội dung tích cực của dự thảo được thông qua sẽ giúp thị trường chứng khoán phản ứng tốt hơn trong ngắn hạn. Còn bản chất về dài hạn, câu chuyện thanh khoản trái phiếu, khúc mắc về pháp lý, nguồn vốn của thị trường bất động sản mới là gốc rễ nên phải tháo gỡ từ những vấn đề này mới giúp thị trường phát triển được trung và dài hạn.
PV: Theo ông, nhóm cổ phiếu nào có thể được hưởng lợi sau thông tin này?
Ông Đỗ Bảo Ngọc: Trong ngắn hạn sẽ có ba nhóm cổ phiếu có thể hưởng lợi bao gồm: Ngân hàng, công ty chứng khoán và công ty bất động sản, bởi đây là những nhóm chịu tác động tiêu cực từ những thông tin của thị trường trái phiếu trong thời gian vừa qua. Vì vậy, khi thị trường trái phiếu tốt hơn, giá cổ phiếu những nhóm này sẽ hồi phục phần nào.
"Dự thảo sửa đổi Nghị định 65 chỉ mới giải quyết khó khăn trong ngắn hạn chứ không có khả năng giải quyết khó khăn trong trung và dài hạn. Chính xác hơn là đang đẩy những khó khăn trước mắt về tương lai".
Ông Đỗ Bảo Ngọc - Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Chứng khoán Kiến thiết Việt Nam (CSI)
PV: Như ông chia sẻ, tuy Dự thảo sửa đổi Nghị định 65 có nhiều điểm tích cực, song nó chỉ xử lý được các khó khăn trong ngắn hạn còn về trung và dài hạn thì không. Vậy theo ông, giải pháp nào để đưa thị trường trái phiếu phát triển ổn định về lâu về dài?
Ông Đỗ Bảo Ngọc: Đúng vậy, Dự thảo sửa đổi Nghị định 65 chỉ mới giải quyết khó khăn trong ngắn hạn chứ không có khả năng giải quyết khó khăn trong trung và dài hạn. Chính xác hơn là đang đẩy những khó khăn trước mắt về tương lai, do đó vẫn cần những giải pháp đồng bộ hơn.
Tôi cho rằng, để đưa thị trường hồi phục ổn định và phát triển bền vững thì cần giải quyết được vấn đề thanh khoản của doanh nghiệp bất động sản, phần lớn trái phiếu sắp đáo hạn đến từ nhóm này. Mà để giải quyết vấn đề thanh khoản doanh nghiệp bất động sản thì cần sự hỗ trợ của cơ quan quản lý trong việc vay vốn tín dụng và hoàn thiện pháp lý.
Hiện nay, cộng đồng doanh nghiệp bất động sản khó khăn chủ yếu xuất phát từ hai nguyên nhân: Thiếu dòng tiền và pháp lý chồng chéo. Vì vậy mà rất nhiều dự án mãi không được chấp thuận chủ trương đầu tư hay đang triển khai thì phải tạm dừng do thiếu vốn.
Trong bối cảnh này, không còn cách nào khác là phải tháo gỡ hai vướng mắc về vốn và pháp lý mới giải quyết được câu chuyện thanh khoản thị trường, đưa thị trường trở lại trạng thái cân bằng.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
Nguồn: https://reatimes.vn/trai-phieu-doanh-nghiep-vuot-qua-khung-hoang-20201224000017615.html
23:30, 05/02/2023
17:15, 16/12/2022
09:27, 25/11/2022