19/01/2025 | 10:18 GMT+7, Hà Nội

Bức tranh trái phiếu doanh nghiệp 2023: Trong nguy có cơ

Cập nhật lúc: 05/02/2023, 23:30

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp sắp tới sẽ bước vào chu kỳ mới với nhiều thay đổi cốt lõi hướng tới sự phát triển bền vững hơn.

Tại báo cáo Nhìn lại 2022 và Triển vọng thị trường vốn 2023 phát hành mới đây, FiinRatings kỳ vọng các chính sách mới và môi trường lãi suất hạ nhiệt sẽ khơi thông thị trường trái phiếu doanh nghiệp và bất động sản.

Theo đó, thị trường trái phiếu doanh nghiệp sắp tới sẽ bước vào chu kỳ mới với nhiều thay đổi cốt lõi nhằm giúp kênh vốn này phát triển bền vững hơn. Các chính sách mới sẽ là tín hiệu tích cực để thị trường bất động sản có cơ hội hồi phục.

Khó khăn thanh khoản vẫn tiếp diễn

Theo FiinRatings, năm 2022, hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp chỉ bằng 36,29% tổng giá trị năm 2021. Ước tính đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ sẽ có điểm rơi vào năm 2023 và 2024, tương đương 157,97 nghìn tỷ đồng và 341,27 nghìn tỷ đồng. Thị trường có thể chứng kiến thêm nhà phát hành mất khả năng thanh toán, đặc biệt là doanh nghiệp liên tục tăng cường đòn bẩy trong ít nhất 3 năm và có dòng tiền yếu.

Trong đó, doanh nghiệp bất động sản đang đối mặt với rủi ro thanh khoản và rủi ro tái cấp vốn cao hơn. Gánh nặng đáo hạn của ngành bất động sản 2 năm tới sẽ lên tới 230,86 nghìn tỷ đồng, chiếm 35,2% tổng giá trị đáo hạn toàn thị trường. Trong khi đó, phần lớn các trái phiếu trên được phát hành với thời gian đáo hạn từ 3,5 năm trở xuống, cho thấy nhu cầu vay vốn để tái cấp vốn của ngành là rất lớn. Các doanh nghiệp sẽ buộc phải dựa vào dòng tiền hiện có hoặc tiếp cận các nguồn vay bên ngoài rủi ro hơn.

Tăng ròng TPDN năm 2022 sụt giảm 1/4. (Nguồn: FiinRatings)
Tăng ròng TPDN năm 2022 sụt giảm 1/4. (Nguồn: FiinRatings)

Do thiếu vốn triển khai dự án trong khi doanh số sụt giảm, nhiều doanh nghiệp đã tính đến các phương án tái cơ cấu nợ như: Gia hạn nợ, chuyển đổi gói vay với lãi suất mới; mua lại trái phiếu; trả nợ trái phiếu bằng bất động sản. Đồng thời, các doanh nghiệp cũng tái cơ cấu lại hoạt động kinh doanh tập trung vào sản phẩm chủ lực; thu gọn bộ máy, cắt giảm nhân sự; tăng chiết khấu để kích cầu.

FiinRatings kỳ vọng áp lực đáo hạn sẽ được giải tỏa nếu dự thảo sửa đổi Nghị định 65 cho phép gia hạn nợ được thông qua. Song, đơn vị này cũng nhận định, nếu các doanh nghiệp đạt được thỏa thuận với các trái chủ về việc giãn nợ hoặc hoán đổi các sản phẩm bất động sản cho các khoản gốc và lãi vay trái phiếu thì vẫn chỉ có thể hỗ trợ duy trì thanh khoản trong ngắn hạn, do những doanh nghiệp này vẫn phải thực hiện các cam kết khác như các khoản nợ vay ngân hàng, các khoản phải trả liên quan đến hoạt động kinh doanh.

Về lãi suất toàn cầu năm 2023, Fed vừa nâng lãi suất thêm 0,25 điểm phần trăm vào kỳ họp tháng 2, tương đương với việc đưa lãi suất tham chiếu lên mức 4,5 - 4,75%. Dữ liệu kinh tế tháng 12/2022 của Mỹ cho thấy tăng trưởng tiền lương và lao động đã chậm lại và chỉ số giá PCE lõi giảm còn 4,4%, song vẫn cao hơn nhiều so với mục tiêu 2%.

Đây là cơ sở để Fed tiếp tục thực hiện chính sách thắt chặt trong ít nhất quý I/2023 và duy trì ở mức này đến hết năm. Chúng tôi kỳ vọng mặt bằng lãi suất Việt Nam sẽ neo cao trong ít nhất quý I trước khi hạ nhiệt.

Tuy nhiên, thu hút FDI đăng ký mới và xuất khẩu đuối dần ở quý IV/2022 khi các thị trường lớn giảm tốc cũng khiến triển vọng lãi suất 2023 khó khăn hơn.

Dự báo sẽ không còn đợt tăng lãi suất điều hành nào trong 2023 nhưng lãi suất huy động duy trì cao do chênh lệch huy động vốn - tín dụng nới rộng và độ trễ chính sách.

Báo cáo của đơn vị này cũng lưu ý một vài biến số trong năm 2023, bao gồm áp lực lạm phát quay lại khi kinh tế Trung Quốc phục hồi; xung đột địa chính trị chưa có dấu hiệu kết thúc; hành động xử lý trần nợ công của Mỹ. Nhưng tin vui là lãi suất giai đoạn cuối năm sẽ được hỗ trợ bởi đầu tư công, trong đó FiinRatings kỳ vọng tốc độ giải ngân sẽ nhanh hơn so với năm 2022 (chỉ đạt 67,27% kế hoạch).

"Năm 2023, lĩnh vực đầu tư công sẽ tiếp nhận các dự án trọng điểm gồm sân bay Long Thành, cao tốc Bắc Nam giai đoạn 2, đường Vành đai 3, đường Vành đai 4. Ngoài ra, việc thiếu hụt nguồn cung đá xây dựng cũng được giải tỏa khi Luật Dầu khí sửa đổi đã được thông qua tạo điều kiện cho việc khai thác các mỏ đá hết hạn", báo cáo FiinRatings chỉ ra.

Thị trường tiếp tục thanh lọc

FiinRatings nhận định, tuy còn nhiều khó khăn nhưng thời gian tới là cơ hội để sàng lọc sức khỏe tài chính của các chủ thể tham gia. Việc kênh vốn này bị kiểm soát chặt hơn đã hỗ trợ cơ quan quản lý nhận diện các doanh nghiệp yếu kém để có các biện pháp khu trú riêng.

Các đơn vị phát hành với năng lực tài chính mạnh và mô hình kinh doanh tốt có thể tận dụng thời cơ để mở rộng thị phần kinh doanh của mình trong kỳ kinh doanh sắp tới. Loạt vi phạm vừa qua đã gây tâm lý xáo trộn không đáng có, song cũng giúp thành phần tham gia hiểu rõ hơn về các vấn đề của thị trường.

Nhà đầu tư cũng được hỗ trợ bởi các quy định mới, trong đó yêu cầu đơn vị phát hành, định chế trung gian công bố thông tin về tình hình tài chính và hồ sơ chào bán trái phiếu doanh nghiệp.

Tình hình minh bạch thông tin sẽ được cải thiện dần với sự phát triển của hệ thống giao dịch thứ cấp tập trung vào năm sau, và cơ sở nhà đầu tư sẽ chuyển dịch sang các định chế tài chính.
Trong bối cảnh thanh khoản mắc kẹt, doanh nghiệp có chất lượng tín dụng kém có thể chứng kiến dòng tiền sụt giảm và khó khăn khi tiếp cận vốn đảo nợ. Tuy nhiên, theo FiinRatings, đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp chủ động tiếp cận các kênh vốn mới.

Các đơn vị có dòng tiền mạnh và huy động được vốn quốc tế vẫn sẽ vượt qua được giai đoạn khó khăn. Năm 2022 ghi nhận nhiều doanh nghiệp tiếp cận vốn quốc tế. Ngoài ra, Việt Nam sẽ sớm ban hành Quy định tiêu chí môi trường và xác nhận đối với dự án được cấp tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh. Điều này sẽ tạo cú hích cho nhiều ngành như năng lượng, xây dựng, bất động sản xanh… tăng trưởng. Chúng tôi kỳ vọng năm 2023 sẽ có thêm nhiều doanh nghiệp đáp ứng tiêu chí và huy động thành công tín dụng/trái phiếu xanh.

Đối với nhà đầu tư, FiinRatings lưu ý, doanh nghiệp quy mô lớn không đồng nghĩa với năng lực trả nợ tốt. Thực tế, kết quả kinh doanh năm 2022 đã cho thấy Top 20 nhà phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ có tỷ lệ bình quân Nợ vay/EBITDA (lợi nhuận trước lãi vay, thuế và khấu hao) là 6,99 lần trong khi hệ số chi trả lãi vay chỉ đạt 3,74 lần. Kết hợp với tình hình thắt chặt tín dụng, nhiều doanh nghiệp khó tránh khỏi suy giảm chất lượng tín dụng.

“Một số doanh nghiệp sử dụng đòn bẩy trái phiếu doanh nghiệp cao nhưng sức khỏe tài chính yếu kém đã gây tác động xấu đến khả năng thanh toán các khoản nợ. Nhà đầu tư trái phiếu doanh nghiệp cần tự đánh giá chất lượng sản phẩm, hoặc sức khỏe tài chính của doanh nghiệp phát hành khi đầu tư vào các sản phẩm tài chính rủi ro cao”, FiinRatings khuyến nghị.

Về triển vọng thị trường năm 2023, các chính sách mới là tín hiệu tích cực để thị trường bất động sản có cơ hội hồi phục. Tuy nhiên, chính sách mới sẽ có độ trễ nhất định và cần thời gian để phát huy hiệu quả, giúp vực dậy niềm tin của nhà đầu tư và hồi phục thị trường. Các chính sách cần giải quyết hiệu quả những vấn đề thị trường đang gặp phải, cộng với môi trường lãi suất hạ nhiệt sẽ giúp thị trường trái phiếu và ngành bất động sản được khơi thông./.

Nguồn: https://reatimes.vn/buc-tranh-trai-phieu-doanh-nghiep-2023-trong-nguy-co-co-20201224000017396.html