22/11/2024 | 05:15 GMT+7, Hà Nội

Gỡ khó trong tiêu thụ lúa gạo tại Đồng bằng Sông Cửu Long

Cập nhật lúc: 22/08/2021, 06:15

Vùng Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) đã vào vụ thu hoạch lúa Hè Thu, do dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nhiều đến việc tiêu thụ...

Giá lúa tăng nhẹ nhưng tiêu thụ còn chậm

Những ngày gần đây, niềm vui với người nông dân dần trở lại khi giá lúa khu vực ĐBSCL đã nhích dần lên sau nhiều ngày liên tục giảm. Theo Tổ công tác 970, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), so với thời điểm cách đây 2 tuần, diện tích lúa Hè Thu đã thu hoạch được 820.000 ha, tăng 200.000 ha; giá lúa cũng đã tăng từ 300 đồng đến 500 đồng/kg; diện tích còn lại khoảng 690.000 ha đang tiếp tục được thu hoạch. Tuy nhiên quá trình thu mua, tiêu thụ vẫn còn khá khó khăn.

Chia sẻ tại cuộc họp trực tuyến giữa Bộ NN&PTNT với Tổ công tác 970 của Bộ NN&PTNT ở phía Nam và lãnh đạo Sở NN&PTNT 13 tỉnh, thành phố ĐBSCL diễn ra ngày 17/8 vừa qua, ông Nguyễn Sĩ Lâm - Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh An Giang cho biết: Tuần qua, giá lúa trên địa bàn tỉnh An Giang đã tăng 200 - 500 đồng/kg tùy loại, thì đầu tuần này đã chững lại, có giống lại giảm 100 - 200 đồng/kg. Mặc dù tỉnh đã gửi nhiều văn bản để đề nghị hỗ trợ thu mua nhưng doanh nghiệp thu mua rất ít, giảm 50% so với năm trước. Hiện nay, địa phương đang lo lắng về tiêu thụ lúa Thu Đông với khoảng 1 triệu tấn.

Nông dân các tỉnh miền Tây thu hoạch lúa Hè Thu
Nông dân các tỉnh miền Tây thu hoạch lúa Hè Thu

Còn theo ông Nguyễn Tấn Nhơn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Cần Thơ, trên địa bàn thành phố có 45 doanh nghiệp đủ điều kiện xuất khẩu gạo trực tiếp. Tuy nhiên, hiện nay, chỉ có 26 doanh nghiệp xuất khẩu đảm bảo đủ điều kiện hoạt động tại chỗ, trong đó, công suất cũng chỉ được khoảng 50% do phải thực hiện giãn cách xã hội… nên các doanh nghiệp gặp khó khăn.

Các địa phương trong vùng đều áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ nên chưa có “luồng xanh” vận chuyển ảnh hưởng không nhỏ đến việc thu mua lúa gạo của thương lái và doanh nghiệp.

Cùng chia sẻ tại cuộc họp trực tuyến giữa Bộ NN&PTNT với Tổ công tác 970 và lãnh đạo Sở NN&PTNT 13 tỉnh, thành phố ĐBSCL, ông Nguyễn Văn Dũng - Giám đốc Sở NN&PTNT Kiên Giang cho biết: Hiện địa phương đã thu hoạch được sản lượng lúa với 600.000 tấn, dự kiến đến hết 15/9 sẽ thu hoạch hết diện tích lúa Hè Thu còn lại với sản lượng khoảng 800.000 tấn.

Từ khi có chủ trương hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp, hiện giá lúa trên địa bàn đã tăng lên với lúa chất lượng cao từ 5.500 - 5.900 đồng/kg. Hiện nay, Hiệp hội Lương thực Việt Nam đã giới thiệu 9 doanh nghiệp xuống Kiên Giang để tiến hành thu mua, trong đó có 1 doanh nghiệp đã cam kết thu mua với diện tích 1.000 ha.

Theo đánh giá chung của các địa phương, tình hình tiêu thụ lúa đã có nhiều cải thiện trong 2 tuần gần đây, tuy nhiên giá lúa chưa được như kỳ vọng, trong khâu tiêu thụ còn gặp một số khó khăn.

Linh hoạt trong cách làm

Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 thì việc phòng, chống dịch là nhiệm vụ hàng đầu, cùng với đó, nhiều địa phương đã dần thiết lập được "vùng xanh". Trên cơ sở phân tích những vướng mắc, khó khăn, các địa phương đề xuất, tăng cường kết nối liên vùng trong tiêu thụ sản lượng lúa gạo đang bị tồn đọng tại các địa phương.

Hiện Đồng Tháp, Cần Thơ, Kiên Giang, An Giang thành lập đường dây nóng chung giữa các tỉnh để tháo gỡ khó khăn cho khâu thu hoạch, vận chuyển, lưu thông. Bởi thực tế, trong việc lưu thông, mỗi chốt của mỗi tỉnh có những quy định riêng.

Lúa gạo là nông sản chủ lực của nhiều tỉnh vùng Đồng bằng Sông Cửu Long
Lúa gạo là nông sản chủ lực của nhiều tỉnh vùng Đồng bằng Sông Cửu Long

Tỉnh Kiên Giang cũng đã ban hành văn bản tạo điều kiện cho lưu thông hàng hóa. Theo đó, các phương tiện đường bộ, đường thủy vận chuyển hàng hóa, thiết bị, công cụ thu hoạch… được lưu thông từ 18 giờ hôm trước đến 5 giờ sáng hôm sau; các doanh nghiệp, công ty, hợp tác xã, thương lái... ngoài tỉnh đuợc đến Kiên Giang thu hoạch, thu mua sản phẩm… Linh hoạt, nhưng tất cả phải tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.

Trên thực tế, con đường lưu thông nông sản nói chung và lúa gạo nói riêng của khu vực ĐBSCL có sự kết nối chặt chẽ, không tách rời. Trước những đề xuất của các địa phương, để tháo gỡ những khó khăn hiện nay, ông Lê Minh Hoan - Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cho rằng: Cần có tư duy liên kết vùng, tiểu vùng với nhau, tỉnh này liên kết với tỉnh kia và nhìn phạm vi trên toàn vùng. Về vấn đề "luồng xanh" đường thủy, Sở NN&PTNT các tỉnh có thể phối hợp với các cơ quan chức năng bố trí thực hiện, trên cơ sở như đã triển khai "luồng xanh" đường bộ, để hỗ trợ cho việc đi lại thu mua nông sản.

Ðối với Tổ công tác 970, sớm hình thành cổng thông tin về kết nối cung - cầu nông sản để tiếp tục thực hiện việc kết nối mà không cần đến trực tiếp vùng sản xuất. Ở đó không chỉ có thông tin hàng hóa, người mua, người bán mà về lâu dài sẽ cập nhật cả thông tin thị trường, mã số vùng trồng… Riêng đối với mặt hàng lúa gạo, cần đẩy mạnh hơn nữa việc tiêu thụ lúa Hè Thu.

Theo đó, các sở NN&PTNT nên đề xuất lãnh đạo tỉnh có cuộc trao đổi giữa các doanh nghiệp và ngân hàng thương mại về vấn đề cho vay vốn để tạo điều kiện cho doanh nghiệp thu mua lúa.

Mặt khác, Tổ công tác 970 lên kế hoạch làm việc với Tổng công ty Lương thực miền Nam để trao đổi sâu thêm về các vấn đề liên quan đến thu mua lúa gạo cho nông dân. Bộ NN&PTNT cũng có cuộc làm việc, trao đổi với Tổng công ty Lương thực miền Bắc về vấn đề này để thực hiện hiệu quả chủ trương bảo đảm thu nhập cho nông dân trồng lúa.

Nguồn: https://congly.vn/go-kho-trong-tieu-thu-lua-gao-tai-dong-bang-song-cuu-long-193888.html