19/01/2025 | 11:51 GMT+7, Hà Nội

Giáo dục Việt Nam: Xây đắp niềm tin từ những điều tử tế!

Cập nhật lúc: 06/02/2019, 10:00

Bồi đắp sự tử tế trong mỗi con người chính là cái neo vững vàng nhất để giữ con thuyền giáo dục không trôi dạt, là ánh sáng rõ ràng nhất để những thông điệp tốt đẹp được rọi soi trong cuộc sống. Và có lẽ đó chính là “nhiệm vụ” cấp bách của ngành giáo dục Việt Nam trong năm 2019 này.

Khi niềm tin đổ vỡ…

Chưa năm nào, ngành giáo dục lại có nhiều sự kiện gây choáng váng đời sống xã hội như năm 2018 vừa qua. Đầu tiên là “Cơn địa chấn” mang tên gian lận điểm thi trong kỳ thi THPT quốc gia 2018. Hàng trăm bài thi bị phát hiện can thiệp, gian lận nâng điểm ở Hà Giang như “khối ung nhọt” đầu tiên được phanh phui. Một kỳ thi quan trọng, một bước ngoặt lớn trong cuộc đời của những đứa trẻ sau 12 năm đèn sách bị “đổi trắng thay đen” một cách trắng trợn. Gian dối tại kỳ thi THPT Quốc gia làm tổn thương nghiêm trọng đến bao ước mơ, hoài bão của hàng triệu em học sinh, khiến toàn bộ việc thi cử trong thực tế trở thành “bi hài”, mất hết ý nghĩa tốt đẹp vốn có, biến mọi cố gắng cải cách thời gian thành vô nghĩa. Hơn thế nữa, sự biến này như những cơn sóng dữ “đục khoét lòng tin” của xã hội về cái tâm của nghề giáo, gieo rắc mối nghi ngờ về đạo đức nhà giáo xuống cấp và góp phần làm cho hình ảnh người thầy mờ nhạt, xấu xí đi ít nhiều.

Một buổi học thể dục của học trò vùng cao.
Một buổi học thể dục của học trò vùng cao.

Trong năm qua, tình trạng bạo lực học đường cũng là vấn nạn nhức nhối khi gia tăng đến mức chóng mặt. Trường học, nơi vốn được coi là “thành trì” an toàn của trẻ, thì thời gian gần đây lại trở thành nơi đáng sợ, “bất an” đối với các em học sinh. Còn gì chua xót hơn khi cô giáo bắt trẻ uống nước giẻ lau bảng ở Hải Phòng, cô giáo ở Sài Gòn bắt học sinh tự tát vào mặt 32 cái, cô giáo Quảng Bình phạt học sinh tát bạn 231 cái… Đã có rất nhiều ý kiến xót xa mà rằng 231 cái tát kia không chỉ là tát em học sinh lớp 6 trường Duy Ninh mà tát thẳng vào mặt những đồng nghiệp đang ngày đêm cống hiến hết mình cho sự nghiệp giáo dục, tát vào mớ triết lý giáo dục “lỗi thời” xa rời thực tiễn, tát vào tự do và phẩm giá của học sinh. Một khi căn bệnh thành tích vẫn còn “ngự trị” trong ngành giáo dục vẫn còn thì sẽ không thể tạo ra những sản phẩm tinh túy, không thể tạo ra những thế hệ trí tuệ, bản lĩnh và đạo đức. Giáo dục chỉ đang tạo ra một thế hệ “gà công nghiệp”, thế hệ giả dối ăn theo căn bệnh thành tích, thi đua... mà quên đi cái gốc, cái giá trị cốt lõi của mình là để rèn người sống sao cho tử tế.

Cũng trong năm 2018 vừa qua, chưa bao giờ câu chuyện về đạo đức nhà giáo lại “nóng bỏng” như vậy khi sự giả dối, xấu xa được che đậy bởi cái danh của “người thầy”. Một ông Hiệu trưởng chuyên đi rao giảng đạo đức, phòng chống xâm hại tình dục lại có hành vi xâm hại nhiều em học sinh trong thời gian dài, nhưng không ai biết. Để đến khi các em phải sợ hãi, đòi bố mẹ chuyển trường, nghỉ học, báo chí vào cuộc thì mọi chuyện mới được đưa ra ánh sáng. Sự xuống cấp nghiêm trọng của đạo đức trong môi trường giáo dục thực sự là hồi chuông cảnh báo nghiêm khắc với ngành giáo dục nói chung cũng như với riêng Bộ Giáo dục và Đào tạo trong hoạt động quản lý nhà nước về giáo dục của mình.

Gây dựng niềm tin từ những điều tử tế

Có người từng nói rằng, sự tử tế phải được vun đắp từ mỗi con người, bắt đầu từ những hành động nhỏ nhất. Để thắp lên niềm tin, phải dựng xây thật nhiều câu chuyện đẹp gieo vào lòng người; cần mẫn, nỗ lực từng ngày nhằm lan tỏa những giá trị nhân văn. Mỗi thầy cô giáo chính là những người ươm mầm, chăm bẵm, xới vun bằng tình yêu, bằng tri thức sẽ tạo ra những tâm hồn cao thượng, những quả ngọt, trái ngon. Bồi đắp sự tử tế trong mỗi con người chính là cái neo vững vàng nhất để giữ con thuyền giáo dục không trôi dạt, là ánh sáng rõ ràng nhất để những thông điệp tốt đẹp được rọi soi trong cuộc sống.

anh tết 1

Thiết nghĩ, nếu muốn cho cả xã hội đồng thuận, điều cần lúc này là phải “hành động thực sự”, mạnh dạn cắt bỏ những ung nhọt, trị thương để giáo dục được hồi sinh trở lại. Đây là vấn đề lớn mà xã hội đang đặt ra cho cá nhân Bộ trưởng nói riêng, lãnh đạo các cấp ngành giáo dục nói chung trong năm mới 2019.

Nỗ lực thay đổi phải bắt đầu từ những điều nhỏ bé nhất. Đó là cái cúi đầu chào cảm ơn người tài xế đã dừng xe nhường đường cho mình đi qua của các em học sinh của trường THPT Đinh Thiện Lý, là cái cúi đầu chào bác bảo vệ của học sinh trường THPT Lê Hồng Phong, là chị bán vé số gửi trao chiếc phong bì đựng 30 nghìn đồng góp cho những bệnh nhân nghèo một đĩa cơm dù có thể chị cũng chẳng giàu hơn họ, là nắm tay dắt một cụ già qua đường… Hãy đừng vội bàn tới những điều quá lớn lao của nền giáo dục khi ở đâu đó miền biên ải xa xôi, đám trẻ chỉ mong ngóng một cây cầu tử tế để có thể ngày ngày đi học mà không ướt sách vở, quần áo. Hằng ngày, hơn 50 em nhỏ ở bản Huổi Hạ, xã Na Sang, huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên, vẫn phải đối mặt hiểm nguy khi phải chui túi nylon để vượt suối mùa lũ trên con đường tới trường. Nơi đó, các em học sinh còn học trong những phòng bằng gỗ lợp lá cọ đang xuống cấp, ẩm ướt, dột nát, thiếu sân chơi, bàn ghế cũ kỹ…

Tạm gác sang một bên câu chuyện đổi mới ngành giáo dục đã được bàn bạc cả chục năm trời nhưng vẫn không trở thành hiện thực, chỉ xin làm một cách so sánh thiển cận nhất: Nếu những số tiền hàng nghìn tỷ lãng phí qua những bộ sách giáo khoa “dùng một lần ấy” được tiết kiệm sẽ có hàng trăm cây cầu, hàng nghìn ngôi trường kiên cố và chắc chắn sẽ có thêm hàng chục ngàn em học sinh được đến trường, được ở, được học trong những điều kiện tốt hơn. Những người thầy, người cô cắm bản cũng vơi được phần nào nhọc nhằn vất vả trên hành trình đến trường gieo từng con chữ…

Nếu trẻ em còn bị đem ra thí điểm hằng năm, giáo dục còn nằm dưới những “cơ chế chuyên quyền” và độc quyền gây lãng phí rất lớn, thì câu chuyện hàng trăm em học sinh “đánh đu sinh mệnh” giữa dòng nước lũ đến trường sẽ còn tiếp diễn trong năm mới.

anh tét 2

Vun đắp niềm tin từ những điều tử tế! Chúng ta không thể quên hình ảnh những người thầy, người cô vượt đèo, lội suối để đến trường dạy học mỗi ngày. Càng không thể nào quên hình ảnh các thầy, cô giáo đã tình nguyện hy sinh cả tuổi thanh xuân của mình để đem con chữ đến những bản làng xa xôi, “thâm sơn cùng cốc”. Chúng ta không thể phủ nhận những đóng góp của các em học sinh thuộc 7 đội tuyển dự Olympic khu vực và quốc tế đã đem về cho đất nước 13 huy chương vàng, 14 huy chương bạc, 11 huy chương đồng. Năm 2018 cũng là năm đầu tiên 2 cơ sở đào tạo đại học lọt vào top 1.000 trường của thế giới. Năm 2018, Việt Nam cũng xuất sắc giành chức vô địch cuộc thi Sáng tạo robot quy mô quốc tế…

Phải quyết tâm tạm biệt con đường gập ghềnh của giáo dục trong năm 2018, để nhìn về phía trước, để thấy lấp lánh những điều đẹp đẽ, để ngành giáo dục tìm lại những thành công, những kỳ tích đã có. Chúng ta chào đón năm 2019 với hy vọng, ước vọng lớn nhất vẫn là xây dựng được một môi trường học đường thân thiện, an toàn để người thầy mỗi ngày đến lớp có thể nở nụ cười tươi, học sinh đến trường trong niềm vui phấn khởi và mỗi gia đình có thể hoàn toàn yên tâm đặt niềm tin giáo dục con trẻ vào nhà trường.

Muốn thay đổi nền giáo dục hiện nay thì nòng cốt hạt nhân vẫn là con người, trong đó có lực lượng trực tiếp là đội ngũ giáo viên và các nhà quản lý giáo dục. Điều quan trọng nhất là lực lượng này phải có đủ phẩm chất đạo đức và năng lực, kiên quyết loại bỏ ra khỏi đội ngũ nhà giáo, những hiệu trưởng lạm thu, cán bộ lạm quyền, giáo viên không có tâm huyết với nghề; Thổi bùng niềm hứng khởi vào hàng triệu giáo viên, thắp lên bầu nhiệt huyết cống hiến còn tiềm ẩn trong hàng triệu thầy cô giáo. Trả lại sự cao quý cho nghề giáo, chính là trao cho đất nước một nền giáo dục phát triển bền vững.

Năm 2019, một số chính sách và chương trình giáo dục sẽ chính thức có hiệu lực, hứa hẹn sẽ tạo thêm “làn gió mới” cho giáo dục nước nhà. Khát vọng về một nền giáo dục Việt Nam phát triển toàn diện cũng chính là khát vọng về một nước Việt Nam thịnh vượng hùng cường trong tương lai…

Ngọc Thành