19/01/2025 | 10:37 GMT+7, Hà Nội

Việt Nam chi 5,8% GDP cho giáo dục

Cập nhật lúc: 23/01/2019, 21:30

Hiện nay, Việt Nam chi 5,8% GDP cho giáo dục, nếu tính cả đóng góp của gia đình thì con số này đạt 8% GDP.

Đó là con số ấn tượng được chia sẻ tại Diễn đàn giáo dục thế giới và Triển lãm giáo dục toàn cầu đang diễn ra tại London, Vương quốc Anh với sự tham dự của hơn 1.200 đại biểu đến từ gần 100 quốc gia, vùng lãnh thổ và các tổ chức quốc tế.

Việt Nam không có sự bất bình đẳng về tiếp cận và kết quả giáo dục

Khi nói về giáo dục Việt Nam trong bài phát biểu tại Diễn đàn giáo dục thế giới, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhắc đến bình đẳng, đầu tư vào giáo dục và tính hiệu quả.

Về sự bình đẳng, Bộ trưởng cho biết, Việt Nam đã thực hiện tốt việc mở rộng mạng lưới trường lớp, hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, cấp Tiểu học và THCS. Các địa phương cũng đã có những chính sách ưu tiên, tạo cơ hội tiếp cận giáo dục cho trẻ em dân tộc và có hoàn cảnh đặc biệt. Các thống kê cho thấy giáo dục Việt Nam không có sự bất bình đẳng về giới tính, không có sự bất bình đẳng về tiếp cận và kết quả giáo dục.

Việt Nam chi 5,8% GDP cho giáo dục

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ chia sẻ tại Diễn đàn giáo dục thế giới và Triển lãm giáo dục toàn cầu đang diễn ra tại London, Vương quốc Anh.

Về sự đầu tư của nhà nước, hiện nay Việt Nam chi 5,8% GDP cho giáo dục, nếu tính cả đóng góp của gia đình thì con số này đạt 8% GDP, con số này cho thấy sự quan tâm đến giáo dục trong mỗi gia đình Việt Nam và lý giải cho sự thành công của giáo dục. Trong những năm vừa qua, đầu tư của Việt Nam cho giáo dục ngày càng tăng, duy trì mức chi 20% tổng chi ngân sách.

Về tính hiệu quả, giáo dục Việt Nam thời gian qua đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Theo kết quả PISA năm 2015, Việt Nam xếp thứ 8 về Khoa học, 22 về Toán học và 30 về đọc hiểu. Bên cạnh đó, nếu phân tích về mối liên hệ giữa mức đầu tư cho học sinh ở độ tuổi 6-12 và kết quả học tập qua kì đánh giá PISA thì Việt Nam là một trong những nước được đánh giá có hiệu quả cao trong đầu tư cho giáo dục.
Không chỉ trong giáo dục đại trà, Việt Nam cũng luôn đạt kết quả cao trong giáo dục mũi nhọn. Kết quả các kì thi học sinh giỏi quốc tế về các môn khoa học của Việt Nam luôn nằm trong top 10.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, phải nhìn nhận giáo dục Việt Nam vẫn còn nhiều thách thức cần vượt qua như: Tỉ lệ học sinh bỏ học cuối cấp THCS ở các khu vực khó khăn còn cao; hơn 80% chi cho giáo dục qua ngân sách địa phương, do đó hiệu quả đầu tư phụ thuộc vào sự quan tâm của mỗi địa phương với giáo dục. Thực tế, một số địa phương đầu tư chưa thật sự hiệu quả cho giáo dục; học sinh Việt Nam đạt kết quả cao trong các kì thi nhưng về kĩ năng, về động lực học tập vẫn còn hạn chế.

Nhấn mạnh đến tính thiết thực của giáo dục đối với học sinh, Bộ trưởng cho rằng, để làm cho quá trình học tập của học sinh được thiết thực, liên quan, gắn với thực tiễn, nhà trường là không đủ mà cần sự tham gia của nhà trường - gia đình - xã hội.

“Trẻ học được gì” thay vì “giáo viên dạy gì”

Chia sẻ một ví dụ ở Việt Nam, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhắc tới việc đổi mới đánh giá học sinh tiểu học. Theo Bộ trưởng, chính thực tế phụ huynh kì vọng cao vào con em mình, nhà trường đặt “nặng” kết quả học tập cho học sinh nên đã tạo áp lực, căng thẳng cho trẻ. Việc học chỉ xoay quanh điểm số đã làm học sinh mất đi tính tò mò, ham học hỏi, không dám thử thách, sợ sai, thích trong vòng an toàn.

Việt Nam chi 5,8% GDP cho giáo dục

Toàn cảnh diễn đàn.

Chủ trương đổi mới đánh giá học sinh tiểu học được Bộ GD-ĐT đưa ra từ năm 2014 đã tập trung vào quá trình học tập, thúc đẩy phát triển năng lực của học sinh hơn là chỉ quan tâm đến điểm số. Chủ trương này vì mục tiêu trẻ em phải được hạnh phúc, vui vẻ ở trường học.

Nhìn lại 4 năm triển khai việc đổi mới đánh giá học sinh tiểu học tại Việt Nam, Bộ trưởng khẳng định, phụ huynh đã quan tâm và tham gia nhiều hơn vào quá trình học tập của trẻ nhỏ thay vì chỉ quan tâm đến điểm số. Giáo viên tập trung vào “trẻ học được gì” thay vì “giáo viên dạy gì”. Nhà trường đã quan tâm đến việc trở thành một môi trường thúc đẩy quá trình học tập và nuôi dưỡng tình yêu học tập của trẻ.

Dẫn lại một câu ngạn ngữ của châu Phi, “chúng ta cần một ngôi làng để nuôi dưỡng một đứa trẻ”, người đứng đầu ngành Giáo dục Việt Nam gửi tới Diễn đàn giáo dục thế giới thông điệp: thầy cô, phụ huynh, nhà trường và xã hội cần vì một mục tiêu chung là làm những điều tốt nhất cho những đứa con, những học sinh của mình. Sự phối hợp hiệu quả giữa các bên sẽ mang tới sự thiết thực và hiệu quả cho giáo dục, vì sự phát triển của nền giáo dục mỗi quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Diễn đàn giáo dục thế giới là hoạt đồng thường niên được tổ chức hàng năm suốt 16 năm qua. Năm nay, Diễn đàn được tổ chức tại Vương quốc Anh với sự tham dự của hơn 1.200 đại biểu đến từ gần 100 đoàn các quốc gia, vùng lãnh thổ và các tổ chức quốc tế.

Nội dung chính của diễn đàn nói về các xu hướng phát triển của giáo dục trong tương lai, thảo luận về việc thúc đẩy tính thiết thực, hiệu quả của giáo dục. Các thảo luận của diễn đàn xoay quanh các chủ đề: thúc đẩy sử dụng dữ liệu nhằm cải thiện chất lượng của giáo dục; kết nối sự tham gia của gia đình, nhà trường và xã hội; mở rộng tiếp cận và công bằng trong giáo dục; cộng đồng học tập và học tập suốt đời; đổi mới và sáng tạo trong giáo dục.

Ngoài các chương trình chính thức của Diễn đàn giáo dục thế giới và Triển lãm giáo dục công nghệ toàn cầu, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã có các cuộc hội đàm, tiếp xúc song phương với Bộ trưởng Giáo dục Anh; Bộ trưởng Trẻ em và Gia đình Anh và các Bộ trưởng ASEAN; Bộ trưởng Đại học và nghiên cứu Anh và 12 Bộ trưởng các nước khu vực Đông Á, Trung Đông, Châu Mỹ.