19/01/2025 | 09:36 GMT+7, Hà Nội

Giảm chi, nuôi dưỡng nguồn thu: Việc cấp bách!

Cập nhật lúc: 15/04/2020, 14:49

Trong bối cảnh dự báo thu ngân sách nhà nước (NSNN) có thể giảm lớn nhưng vẫn phải đảm bảo chi đầu tư phát triển, tăng chi an sinh xã hội và phòng chống dịch bệnh, nhiều giải pháp tiết kiệm chi tiêu và nuôi dưỡng...

Trong bối cảnh dự báo thu ngân sách nhà nước (NSNN) có thể giảm lớn nhưng vẫn phải đảm bảo chi đầu tư phát triển, tăng chi an sinh xã hội và phòng chống dịch bệnh, nhiều giải pháp tiết kiệm chi tiêu và nuôi dưỡng nguồn thu đang được rốt ráo thực hiện.

Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, các điểm nộp hồ sơ quyết toán trực tiếp vắng vẻ. Ảnh: Nha Trang

Rà soát cắt giảm chi tiêu ngân sách

Theo tính toán của Bộ Tài chính, với phương án tích cực nhất là dịch kết thúc trong quý II/2020, thu NSNN năm 2020 giảm đến 150.000 tỷ đồng. Trong đó, thu ngân sách T.Ư năm 2020 giảm khoảng 100.000 - 110.000 tỷ đồng, ngân sách địa phương giảm 40.000 tỷ đồng. Do đó, để đảm bảo cơ cấu thu chi ngân sách, Bộ Tài chính kiến nghị cần phải tiết giảm các khoản chi không cần thiết. Theo đó, các bộ, ngành, địa phương cần phải rà soát, cắt giảm ít nhất 30% kinh phí hội nghị, công tác phí trong nước và 50% công tác phí nước ngoài. Nếu làm theo phương án này, Bộ Tài chính ước tính riêng các cơ quan T.Ư tiết kiệm được khoảng 700 tỷ đồng.

Thời gian tới, cả hệ thống chính trị phải tiếp tục tinh gọn bộ máy, đẩy mạnh đổi mới giao quyền tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp công lập theo tinh thần các nghị quyết của T.Ư. Như vậy, mới giảm mạnh chi tiêu thường xuyên, từ đó có nguồn để tăng chi cho đầu tư phát triển và các mục tiêu ưu tiên khác.

Ủy viên Thường trực, Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Trần Quang Chiểu

Kết quả thống kê cho thấy, thực hiện chủ trương tiết kiệm chi, riêng năm 2019 cả nước đã cắt giảm khoảng 10.000 tỷ đồng dự toán chi thường xuyên so với dự toán năm 2018 do thực hiện tinh giản biên chế, sắp xếp tinh gọn bộ máy và đẩy mạnh tự chủ đối với các đơn vị sự nghiệp công, theo các Nghị quyết số 18-NQ/TW và Nghị quyết số 19-NQ/TW của T.Ư. Trong 5 năm qua, NSNN giảm chi khoảng 27.000 – 28.000 tỷ đồng.

Không phải đến lúc này việc giảm chi tiêu mới được đặt ra. Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhận thấy, về cơ bản, những tồn tại trong chi thường xuyên vẫn chưa được khắc phục triệt để. Đơn cử tại một số địa phương, tỷ trọng chi thường xuyên có xu hướng giảm chậm. Vẫn còn nhiều địa phương chưa cân đối được NS, nhất là nơi có số thu NSNN khó khăn, nguồn thu thấp thì chi thường xuyên vẫn còn cao, nguồn lực dành cho chi đầu tư phát triển rất hạn chế. Cũng theo ông Hải, vẫn có tình trạng mua sắm, sử dụng tài sản công chưa đúng quy định của pháp luật; nhiều lễ hội, hội nghị, kỷ niệm ngày thành lập, tái thành lập, các lễ khởi công, khánh thành có tính chất hình thức, gây lãng phí ngân sách, chưa thực sự tiết kiệm. Thực tế trên cho thấy, NSNN vẫn có thể tiết kiệm hơn nữa trong chi tiêu thường xuyên.

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, cơ cấu lại NSNN là một chủ trương hoàn toàn đúng, cần thiết và cấp bách. Theo ông Long, không chỉ cắt giảm kinh phí hội nghị, công tác phí trong nước mà cần tiếp tục đẩy mạnh thực chất hơn nữa nhiệm vụ sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế. Qua quá trình kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước phát hiện tại một số địa phương cấp thừa kinh phí tiền lương, các khoản trích theo lương đã cơ cấu trong giá dịch vụ khám chữa bệnh theo quy định. Do đó, chi NSNN cần chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả, tránh dàn trải, lãng phí đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát và thực hiện công khai, minh bạch việc sử dụng NSNN.

Chủ động nuôi dưỡng nguồn thu

Dù đã nêu cao tinh thần tiết kiệm nhưng Bộ Tài chính cũng lưu ý với mức độ ảnh hưởng của dịch Covid-19 đến sản xuất kinh doanh như nêu trên, khả năng bội chi NSNN sẽ tăng thêm khoảng 1,5 - 1,6% GDP (tức là ở mức 5 - 5,1% GDP).

Thực tế, để đối phó với ảnh hưởng của dịch Covid-19, thời gian qua Bộ Tài chính đã bố trí 16.200 tỷ đồng phòng, chống dịch. Cụ thể, ngân sách đã dành khoảng 9.500 tỷ đồng để mua sắm trang thiết bị vật tư y tế phòng chống dịch Covid-19; 6.700 tỷ đồng tiền chế độ ưu tiên phụ cấp cho các lực lượng tham gia phòng, chống dịch; chi tiền ăn cho người bị cách ly, chi khám chữa bệnh nền trong thời gian cách ly. Ngoài khoản tiền 16.200 tỷ đồng đã chi trên, Bộ Tài chính bố trí khoảng 36.000 tỷ đồng từ NSNN để thực hiện nghị quyết của Chính phủ hỗ trợ trực tiếp bằng tiền cho 6 nhóm đối tượng bị giảm sâu thu nhập, mất, thiếu việc làm, gặp khó khăn, không đảm bảo mức sống tối thiểu, chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19…

Bộ cũng kiến nghị, các địa phương, bên cạnh việc sử dụng dự phòng, dự trữ tài chính của ngân sách địa phương, phải chủ động sử dụng từ nguồn tăng thu ngân sách địa phương và kinh phí cải cách tiền lương còn dư để xử lý. Đối với những địa phương khó khăn, ngân sách T.Ư sẽ hỗ trợ theo các mức 30%, 50% và 70% kinh phí thực phát sinh ở địa phương.

Theo các chuyên gia, để giải quyết nhu cầu chi cho phương án cấp bách và an sinh xã hội, bên cạnh việc tiết kiệm triệt để chi các khoản không cần thiết thì cần tính đến các giải pháp tìm nguồn thu phù hợp, như: Thu phí đậu đỗ xe ô tô, rà soát thu bán hàng trực tuyến, thu phạt vi phạm trật tự, an toàn giao thông; vi phạm hành chính… Tập trung công tác quản lý thuế, thanh tra, kiểm tra thuế nâng cao hơn nữa việc chấp hành kỷ cương, kỷ luật về tài chính – ngân sách. Các cơ quan thuế địa phương chủ động đề ra các giải pháp phù hợp với từng lĩnh vực, địa bàn.

Và một giải pháp hết sức quan trọng là đẩy mạnh cải cách hành chính, các chính sách tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ DN, người nộp thuế trước tác động của dịch bệnh phải được triển khai nhanh chóng, để DN vượt qua khó khăn, tồn tại được. Qua đó thúc đẩy, hỗ trợ sản xuất kinh doanh, nuôi dưỡng nguồn thu.