24/01/2025 | 13:04 GMT+7, Hà Nội

Giải mã bệnh ho của bé: Nguyên nhân và cách điều trị

Cập nhật lúc: 20/06/2019, 09:00

Thời tiết thay đổi, trẻ nhỏ rất dễ bị mắc các bệnh lý về đường hô hấp và có các biểu hiện như ho, sổ mũi, sốt…

Thời tiết thay đổi liên tục như hiện nay khiến nhiều trẻ nhỏ có biểu hiện ho làm cha mẹ lo lắng. Tuy nhiên, trong quá trình điều trị bệnh cần thực hiện theo đúng hướng dẫn của bác sĩ để đảm bảo sức khỏe cho trẻ.

Thời tiết thay đổi, trẻ nhỏ rất dễ bị mắc các bệnh lý về đường hô hấp và có các biểu hiện như ho, sổ mũi, sốt… Tình trạng bệnh ho của bé như ho khan từng cơn, ho có đờm, ho kèm sổ mũi và nôn nhiều, ho nhiều ngày không khỏi, ho về đêm, luôn là điều khiến cho các bà mẹ hết sức lo lắng.

Khi trẻ có biểu hiện như vậy, nhiều bậc phụ huynh có thói quen dùng kháng sinh cho trẻ. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe của trẻ. Bởi với trẻ nhỏ, ho có thể là biểu hiện của nhiều bệnh lý khác nhau và không phải lúc nào cũng cần dùng đến kháng sinh. 

luu y dac biet khi xu tri ho o tre
Thời tiết thay đổi khiến nhiều trẻ bị ho - Ảnh minh họa

Nguyên nhân ho của bé

Những cơn ho thường là biểu hiệu của cơ thể trẻ đang phản ứng lại với các yếu tố tác động từ môi trường bên ngoài, hạn chế việc xâm nhập của dị vật hoặc tham gia vào việc tống xuất dịch tiết. Những nguyên nhân thường gặp khiến bé bị ho bao gồm:

Nguyên nhân từ đường hô hấp trên của bé: Những bệnh lý thường gặp như cảm lạnh, viêm mũi, viêm họng, viêm xoang, viêm amidan thường ho khan, hoặc ho có đờm do dịch tiết chảy từ xoang hoặc mũi sau.

Nguyên nhân từ đường hô hấp dưới của bé: Các nguyên nhân có thể gặp như viêm thanh quản với khàn tiếng, ho khan ho vang dội ong ỏng, viêm phế quản, viêm phổi, viêm tiểu phế quản, hen thường ho có đờm. 

Các nguyên nhân khác thường gặp như ho do bệnh trào ngược dạ dày thực quản, ho do dị ứng, ho do tác nhân vật lý, hóa học như hút thuốc lá thụ động...

Có nhất thiết phải dùng kháng sinh ?

Theo PGS.TS. Nguyễn Tiến Dũng - nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai, ho là một triệu chứng chứ không phải bệnh lý, ho thông thường do cảm lạnh, cảm cúm hoặc chúng ta hít phải các khí lạ trong môi trường gây kích thích ho. Còn ho bệnh lý (nặng) thì thường là do các bệnh ở đường hô hấp dưới (như viêm phổi, viêm tiểu phế quản…) có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của bé. Nếu trẻ ho thông thường (có thể có sốt, vẫn chạy nhảy ăn chơi bình thường, không có khó thở nặng) thì không phải là bệnh đường hô hấp dưới.

Thông thường các thuốc ho chế từ các sản phẩm thiên nhiên thì thường không độc, hoặc rất ít độc, thì các phụ huynh có thể mua được. Nhưng còn các loại thuốc ho tây y thì không thể dùng tuỳ tiện. Gần đây một số nước châu Âu quy định dưới 2 tuổi là phải rất cẩn thận với thuốc ho tây y. 

Còn với trẻ dưới 2 tháng tuổi thì Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo là không cho uống thuốc ho. Cần chú ý nếu dùng thuốc thời gian 2-3 ngày mà không đỡ, bệnh nặng lên hoặc các dấu hiệu khác thì cần đến bệnh viện.

Hiện nay, có rất nhiều cách trị ho, thuốc ho bây giờ cũng có rất nhiều, dân gian cũng có nhiều bài thuốc. Tuy nhiên, bác sĩ khuyến cáo, nếu ho không do viêm phổi, viêm tai..., tức là ho không do nhiễm khuẩn  thì không cần dùng kháng sinh, chỉ cần dùng thuốc ho theo hướng dẫn của bác sĩ là được. 

Lưu ý nếu dùng thuốc 2-3 ngày mà không đỡ ho, bệnh nặng lên hoặc các dấu hiệu khác thì cần đi khám ngay. Với các phương pháp chữa ho dân gian như hấp chanh quất đường phèn, rồi chanh đào mật ong cũng rất tốt với trẻ ho thông thường. Tuy nhiên, với sự ô nhiễm môi trường như hiện nay thì cha mẹ cần hết sức lưu ý khi dùng cách chữa ho này.

luu y dac biet khi xu tri ho o tre
Không tự bơm rửa mũi cho trẻ mà không theo hướng dẫn của bác sĩ - Ảnh minh họa

Chăm sóc khi trẻ bị ho

Nên để bé có thời gian nghỉ ngơi nhiều hơn. Tăng cường đề kháng cho bé bằng sữa mẹ hoặc sữa công thức. Bên cạnh đó, cần bổ sung nhiều nước và các chất điện giải.

Tắm hơi có thể giúp làm giảm cơn ho cho bé. Bố mẹ nên ngồi cùng với bé trong phòng tắm, sử dụng hơi nước ấm hoặc nóng. Không khí ấm áp và hơi nóng từ nước sẽ giúp thư giãn đường hô hấp của bé. Cần thận trọng tránh để bé bị bỏng;

Nếu bé hơn 1 tuổi, bạn có thể pha cho bé một ly nước ấm với mật ong và chanh. Lưu ý cách này không nên áp dụng cho trẻ dưới 1 tuổi, vì hệ cơ quan chưa hoàn thiện có thể làm tăng nguy cơ ngộ độc thực phẩm từ mật ong.

luu y dac biet khi xu tri ho o tre
Không nên tự ý dùng thuốc cho trẻ - Ảnh minh họa

Một số lưu ý khác khi điều trị ho cho bé

Kẹo ngậm và một số loại thuốc có thể làm giảm đau họng do ho. Lưu ý không nên tự ý dùng thuốc cho trẻ dưới 4 tuổi. Một vài loại thuốc ho và thuốc cảm lạnh không kê đơn có thể không phù hợp với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ dưới 6 tuổi vì nguy cơ xuất hiện các phản ứng có hại.

Nên sử dụng thuốc ho theo chỉ định của bác sĩ. Chế độ ăn uống của trẻ cần hạn chế các loại thực phẩm sau: chocolate, bạc hà, thức ăn dầu mỡ béo, cay, các chất kích thích và thức uống có ga.

Chia nhỏ bữa ăn và nên cho trẻ ăn ít nhất hai giờ trước khi ngủ. Nếu tình trạng ho của bé tiếp tục không thuyên giảm, bạn cần đưa bé đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán chính xác và điều trị kịp thời.

Bệnh ho của bé là triệu chứng thường gặp ở trẻ em. Tuy nhiên, một khi đã tìm hiểu rõ các nguyên nhân khiến bé bị ho, triệu chứng cụ thể về bệnh ho của bé, quý phụ huynh sẽ dễ dàng hơn trong việc xác định phương hướng, để có thể thăm khám chuyên khoa và điều trị thích hợp nhất cho con em mình.

Nguồn: https://kinhtemoitruong.vn/giai-ma-benh-ho-cua-be-nguyen-nhan-va-cach-dieu-tri-5466.html