22/11/2024 | 19:30 GMT+7, Hà Nội

Giải bài toán nhà ở cho công nhân

Cập nhật lúc: 06/03/2019, 09:00

Theo tính toán, dự kiến đến năm 2020 sẽ có khoảng 3 triệu công nhân cần nhà ở. Đây thực sự là một con số đáng chú ý, nếu không có sự vào cuộc kịp thời ngay từ bây giờ thì việc đáp ứng được phần lớn nhu cầu trên có lẽ là điều rất khó khăn…

Theo Bộ Xây dựng thì Chương trình phát triển nhà ở xã hội dành cho công nhân khu công nghiệp (KCN) đã hoàn thành 100 dự án, quy mô khoảng 41.000 căn hộ với tổng diện tích sàn xây dựng khoảng 2,050 triệu m2.

Trên toàn quốc có 328 KCN được thành lập; trong đó, 223 KCN đã đi vào hoạt động và 105 KCN đang trong giai đoạn đền bù, giải phóng mặt bằng. Tỷ lệ lấp đầy các KCN đạt 51%, riêng các KCN đi vào hoạt động, tỷ lệ lấp đầy đạt gần 73%.

Cả nước hiện có trên 2,7 triệu công nhân lao động trực tiếp đang làm việc tại các KCN và hàng triệu công nhân lao động tại nhiều xí nghiệp, cơ sở sản xuất thuộc các cụm công nghiệp vừa và nhỏ. Thực tế ghi nhận cho thấy, hiện công nhân KCN đang sinh sống tại các khu nhà ở do hộ gia đình, cá nhân đầu tư hoặc tại các dự án; trong đó, số lượng sinh sống tại các khu nhà ở của hộ gia đình, cá nhân là chủ yếu.

Đối với nhà ở được phát triển theo dự án thì trên địa bàn cả nước có 172 dự án, với số lượng căn hộ khoảng 129.000 căn hộ; trong đó đã hoàn thành 100 dự án với quy mô xây dựng khoảng 41.000 căn hộ, đáp ứng chỗ ở cho khoảng 330.000 người. Việc phát triển nhà ở theo dự án mới đáp ứng chỗ ở cho khoảng 28% số công nhân hiện nay.

giai bai toan nha o cho cong nhan
Đầu tư dự án xây nhà ở cho công nhân tại KCN được ưu đãi sẽ góp phần giúp những công nhân có thể yên tâm lao động và cống hiến lâu dài cho DN.

Chị Quỳnh Chi, công nhân của một KCN tại Hà Nội cho biết, hiện đối với công nhân ngoại tỉnh đang làm việc tại các KCN, khu chế xuất có những điều cần quan tâm chính là nhà ở và trường học cho con. Cũng theo chị Chi, nhu cầu này rất cao nhưng tỷ lệ đáp ứng lại thấp, hầu hết công nhân lao động đều phải thuê nhà ở trong dân và gửi con tại các nhóm trẻ tư thục nên chi phí sinh hoạt khá cao. Mong muốn của chị Phương cũng giống nguyện vọng chung của nhiều công nhân các KCN, khu chế xuất khác trên toàn quốc là được thuê nhà ở có sự hỗ trợ của Nhà nước; có nhiều trường công lập gần các KCN để cho công nhân lao động ngoại tỉnh yên tâm ổn định cuộc sống và làm việc.

Để đẩy mạnh phát triển nhà ở cho công nhân KCN, Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 03/CT-TTg về đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội và Quyết định số 655/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Đầu tư xây dựng các thiết chế của công đoàn tại các KCN, khu chế xuất trong đó có nội dung phát triển nhà ở.
Mục tiêu đặt ra là đến năm 2030 phấn đấu tất cả KCN, khu chế xuất đều có thiết chế của công đoàn bao gồm cả nhà ở; trong đó từ năm 2018 – 2020 hoàn thành và đưa vào sử dụng 40 thiết chế công đoàn; đến năm 2030 phấn đấu tất cả các KCN, khu chế xuất trên cả nước đều có thiết chế của công đoàn.

Theo các chuyên gia thì để đạt được những mục tiêu trên cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến phát triển nhà ở xã hội cho công nhân, người lao động tại KCN, đặc biệt là kế hoạch trung hạn về nguồn vốn từ ngân sách để cấp bù lãi suất cho Ngân hàng Chính sách xã hội và các tổ chức tín dụng triển khai cho vay hỗ trợ nhà ở theo quy định của Luật Nhà ở và Nghị định số 100/2015/NĐ-CP của Chính phủ. Cho phép bổ sung lĩnh vực phát triển nhà ở xã hội là lĩnh vực ưu tiên được sử dụng nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi khác bảo đảm phù hợp với quy định của Luật Nhà ở.

TS Phạm Đình Tuyển (trường ĐH Xây Dựng) cho biết, quy hoạch phát triển KCN phải bao gồm quy hoạch trong và ngoài KCN, phải gắn kết KCN với khu đô thị có đầy đủ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và nhà ở cho công nhân lao động. Đặc biệt, những KCN mới được hình thành nhất thiết phải có quỹ đất để xây dựng nhà ở cho công nhân. Đối với các KCN đã hình thành mà chưa có quỹ đất để phát triển nhà ở cho công nhân cần điều chỉnh, bổ sung quỹ đất này.

Bên cạnh đó, TS Vũ Minh Tiến, Viện trưởng Viện Công nhân và công đoàn thì cho rằng, cần tiếp tục thực hiện cải cách chế độ tiền lương, bảo đảm có tiền nhà ở trong cơ cấu tiền lương với tỷ lệ hợp lý để công nhân có khả năng tạo lập nhà ở; có cơ chế để nâng cao trách nhiệm của người sử dụng lao động cùng chăm lo nhà ở với người lao động, nhất là DN sử dụng nhiều lao động.

Cùng với đó, các địa phương cần đưa chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ của địa phương; tạo điều kiện rút ngắn thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt dự án phát triển nhà ở xã hội, kể cả các dự án nhà ở thương mại chuyển đổi sang nhà ở xã hội và dự án điều chỉnh cơ cấu căn hộ thương mại để đáp ứng nguồn cung về nhà ở xã hội và nhà ở thương mại có quy mô nhỏ; triển khai các biện pháp khuyến khích các thành phần kinh tế trên phạm vi địa bàn tham gia phát triển nhà ở xã hội…