19/01/2025 | 05:58 GMT+7, Hà Nội

Gia vị "giá rẻ" đang hoành hành khiến người tiêu dùng “ngậm chất độc"

Cập nhật lúc: 30/06/2015, 05:59

Để hút khách và có lợi nhuận cao, nhiều chủ cửa hàng chế biến đồ ăn, thức uống bằng hóa chất đang ngấm ngầm đầu độc bao người.

Chỉ cần có một chút kinh nghiệm, người bán hàng ăn, uống đã có thể tạo ra những loại thức uống, những món ăn ngon để lôi cuốn khách hàng từ gia vị giá rẻ được bày bán tràn lan.

Bí quyết còn lại chính là việc dùng nó để đánh lừa cảm giác của người tiêu dùng. Thực tế việc chế biến đồ ăn, thức uống bằng hóa chất đang ngấm ngầm đầu độc bao người. Những quán ăn có sử dụng gia vị, phụ gia trong chế biến thường chỉ để bán cho khách hàng, còn bản thân và gia đình họ cũng chẳng dám ăn...

Gia vị không bao giờ... hết hạn

Dạo qua một vòng tại chợ Kim Biên (quận 5), chợ Bình Tây (quận 6), TP.HCM..., PV ghi nhận rất nhiều loại hương liệu từ hương thịt bò, thịt heo hay gà để chế biến nước lèo, pha chế lẩu và hàng trăm loại hương vị thập cẩm khác như hương chanh, dâu, cam, ca cao, cà phê hay sữa đậu nành các loại.

Trong vai người đi mua gia vị, chúng tôi được giới thiệu hàng loạt gia vị, hương liệu kèm cách thức sử dụng, liều lượng nêm nếm. Khi hỏi người bán về nguồn gốc của những gia vị này thì được biết, những thứ họ bán toàn "hàng ngoại" chứ trong nước hoàn toàn không có.

Tại sạp T.T. (chợ Kim Biên), người bán hàng giới thiệu cho PV một loại bột tạo màu và tạo mùi cho mọi loại nước lẩu. "Muốn màu trắng đục của nước lẩu xương, hay màu vàng cam của nước lẩu Thái đều được. Quan trọng là phải biết cách chế biến và pha chế các gia vị.

Một gói nêm nước lẩu có nguồn gốc từ Thái Lan, phần ngày sản xuất và hạn dùng đã bị cào mờ.

Một gói nêm nước lẩu có nguồn gốc từ Thái Lan, phần ngày sản xuất và hạn dùng đã bị cào mờ.

Pha thứ bột này vào nước rồi đun sôi rồi tùy vào mục đích sử dụng nước lèo mà nêm, nếm. Chỉ cần thêm hương liệu bò, gà, heo tùy loại là đã có một nồi nước lèo ngọt, màu sắc như ý mà không cần phải hầm xương tốn kém như trước đây", chủ hàng cho biết.

Tại sạp kinh doanh này còn nhiều loại bột được giới thiệu là phụ gia, gia vị dùng chế biến thực phẩm của nhiều nước khác nhau. Nhưng khi cầm lên xem chỉ toàn thấy chữ nước ngoài, hoàn toàn không có nhà nhập khẩu, phân phối, chú thích nào của Việt Nam theo quy định, thậm chí không có cả ngày sản xuất và hạn dùng.

Tại chợ bán hóa chất lớn nhất thành phố, mọi loại gia vị đều có, ai muốn dùng nhiều thì lấy gói lớn, còn không thì lấy những gói nhỏ dạng viên, dạng bột được bán bày la liệt.

Theo một người bán hàng, với một nồi nước lẩu dê khoảng 30 lít chỉ cần bỏ khoảng 10 viên hương liệu thịt dê là đủ, chẳng cần phải nấu chín thịt dê mới có lẩu dê vì hương liệu này sẽ biến mọi loại thịt khác thành mùi thịt dê. Ngoài hương lẩu dê, thì gia vị, hương liệu nào cũng có và muốn mua bao nhiêu cũng có.

Giữa “mê hồn trận” các loại gia vị, hương liệu bày bán hiện nay, nhiều người kinh doanh đồ ăn dễ dàng mua và trực tiếp đầu độc người tiêu dùng. Rất nhiều loại thực phẩm mà người dân ăn hàng ngày đang "ngậm" các loại hóa chất, hương liệu ở chợ Kim Biên.

Thời gian gần đây, cơ quan quản lý đã tiến hành kiểm tra và phát hiện hàng loạt vụ vận chuyển các loại chất phụ gia tạo ngọt dùng cho nước phở và nước lẩu.

Thế nhưng, việc buôn bán những gia vị, phụ gia này vẫn công khai diễn ra. Người bán thoải mái chào hàng và không ngần ngại cung cấp cho người mua bất cứ thứ gì được yêu cầu mà họ có.

Để khỏi mất thời gian và tiền bạc mà có một nồi nước lẩu, nước phở ngon ngọt, nhiều cửa hàng ăn đã sử dụng những chai, bịch, lọ phụ gia để chế biến.

Chất lượng các loại gia vị, phụ gia này như thế nào, nguy hại đến sức khỏe ra sao là điều đáng quan tâm, song ít thấy các cơ quan chức năng liên quan kiểm tra, xử phạt thường xuyên để hạn chế tình trạng này.

Chị Đinh Thị Y., người bán hàng ăn ở quận 10 (TP.HCM) cho biết: "So với mua xương thì mua phẩm màu, gia vị, hương liệu về chế biến thức ăn rẻ và tiện hơn nhiều. Có người bỏ lượng lớn phụ gia, hương liệu vào thức ăn nhưng có người chỉ có vào chút ít để có mùi và màu sắc đẹp.

Những gia vị, phụ gia khi mua được người bán nói rằng đó là hàng ngoại, mua từng bao lớn về phân ra bán lẻ nên không có nhãn mác gì cả. Tin lời người bán, lại thấy "chất lượng" nên mua nhiều về dùng dần. Còn việc nó có hạn sử dụng hay không thì không biết, tôi chỉ thấy mua về dùng năm này qua năm khác mà cũng chẳng sao".

Chẳng khác gì chất độc

Thói quen chế biến thức ăn bằng các loại phụ gia không nguồn gốc, khách hàng ăn chỉ thích những món ăn có mùi thơm, ngọt mà không biết rằng trong thành phần thức ăn có gia vị làm từ hóa chất. Những quán ăn không sử dụng phụ gia, gia vị, hương liệu thì thức ăn, đồ uống đúng vị nhưng không thơm nên bị khách hàng "tẩy chay".

Để chạy theo nhu cầu khách hàng và cạnh tranh với những hàng quán khác, nhiều chủ quán chấp nhận cho thêm vào khẩu phần ăn, đồ uống những loại gia vị, hương liệu không nguồn gốc. Cuối cùng khách hàng là những người "lãnh đủ".

Theo thạc sỹ Lê Thị Yến, một chuyên gia về thực phẩm và hoá học tại TP.HCM, những hương liệu, gia vị không nguồn gốc bày bán hiện nay đa phần là chất độc. Các loại bột gia vị, hương liệu được hình thành từ việc trộn nhiều chất lại với nhau, những chất này là những thành phần hóa học.

Mê hồn trận các loại hương liệu, gia vị bày bán trên thị trường.

Mê hồn trận các loại hương liệu, gia vị bày bán trên thị trường.

Khi gặp nhiệt độ cao, nó sẽ gây ra những phản ứng và tạo mùi vị. Một gói hương liệu nhỏ mà có thể làm ngọt nước thay cho gần chục kg xương là điều đáng quan tâm. Giá trị dinh dưỡng của những nồi nước lèo, nước cốt được chế biến từ hương liệu, gia vị trôi nổi là hoàn toàn không có.

Nếu nạp vào cơ thể những "chất độc" này thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe, không phải ảnh hưởng ngay lập tức mà sẽ ảnh hưởng lâu dài.

Các chuyên gia sức khỏe và các ngành chức năng đã khuyến cáo về các loại gia vị, hương liệu có thể gây hại lâu dài cho sức khỏe. Song vì lợi nhuận, vì khách hàng ưa thích nên không ít người kinh doanh vẫn rất chủ quan, thờ ơ và bỏ mặc người tiêu dùng.

Theo Ban quản lý chợ Kim Biên, mỗi năm nơi đây kết hợp với Chi cục Quản lý thị trường và Sở Y tế TP.HCM kiểm tra nhiều lần với hàng trăm mặt hàng nhưng sau kiểm tra đâu rồi lại vào đấy.

Rất khó để có thể kiểm soát được tất cả các loại hương liệu, gia vị đang bày bán hiện nay vì tiểu thương thấy kiểm tra sẽ tẩu tán rất nhanh.

Đa số gia vị thường được sản xuất thủ công, đóng gói nhỏ lẻ và rất ít cơ sở đăng ký công bố chỉ tiêu, chất lượng với cơ quan chức năng. Một số quán ăn sử dụng phẩm màu công nghiệp, gia vị chứa độc chất trong chế biến kinh doanh thức ăn, bất chấp sức khỏe người dân.

Bác sỹ Đào Thị Yến Thủy, Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM cho biết, những loại gia vị, hương liệu tạo mùi được pha chế bằng các hóa chất tạo độ ngọt, dai, giòn... hương liệu và phụ gia tạo màu công nghiệp lẫn tạp chất và kim loại nặng nên khi sử dụng thường xuyên, chúng sẽ tích tụ dần trong cơ thể, là nguyên nhân dẫn đến ung thư. Người tiêu dùng cần tỉnh táo, không nên ham rẻ mà mua những gia vị, hương liệu không nguồn gốc để khỏi ảnh hưởng đến sức khỏe./.

Còn nữa...

Gia vị bẩn được sản xuất ở đâu?

Lợi dụng sự quản lý lỏng lẻo của cơ quan chức năng, nhiều công ty, tiểu thương tìm mọi cách nhập hóa chất công nghiệp, các loại gia vị, hương liệu để được hưởng thuế suất thấp, giá rẻ nhưng khi bán ra lại thu về lợi nhuận rất cao.

Gia vị trôi nổi, không nguồn gốc đang "hoành hành" và đầu độc người tiêu dùng thông qua những bữa ăn hằng ngày. Đường đi và cách thức sản xuất, chế biến của các loại gia vị, phụ gia, hương liệu… như thế nào sẽ được chúng tôi đề cập trong các kỳ tiếp theo của loạt bài này.