19/01/2025 | 12:18 GMT+7, Hà Nội

Giá thực phẩm tươi sống “gồng mình” tăng giá sau Tết Dương lịch

Cập nhật lúc: 03/01/2019, 23:32

GiadinhNet - Do ảnh hưởng của đợt không khí lạnh kéo dài nên giá một số loại rau xanh, thực phẩm tươi sống tăng từ 20 - 40%, so với thời điểm trước Tết Dương lịch 2019, khiến nhiều bà nội chợ “dè dặt” khi chọn mua.

 

 Do ảnh hưởng của giá cả, lượng tiêu thụ hàng của tiểu thương cũng chậm hơn. Ảnh: Bảo Loan

Do ảnh hưởng của giá cả, lượng tiêu thụ hàng của tiểu thương cũng chậm hơn

Rau muống tăng giá gấp đôi…

Khảo sát của PV Báo Gia đình & Xã hội ngày 2/1/2019 tại thị trường cho thấy, giá của nhiều loại rau, củ, quả đều có chiều hướng tăng mạnh. Thậm chí, một số loại rau “đội” giá gấp đôi so với trước thời điểm trước Tết Dương lịch.

Cụ thể, tại một số chợ đầu mối trên địa bàn TP Hà Nội như: Chợ Phùng Khoang, chợ Ngã Tư Sở, chợ Xanh (Linh Đàm)… giá của các loại rau xanh tăng khoảng 20 - 40%. Ví dụ như rau mồng tơi từ 5.000 đồng/bó tăng lên 7.000 đồng/bó; rau ngót từ 5.000 đồng/bó tăng lên 6.000 đồng/bó; súp - lơ xanh từ 8.000 đồng/cây tăng lên 12.000 đồng/cây. Có mức tăng giá cao nhất là rau muống từ 6.000 đồng/bó lên 12.000 đồng/bó; tiếp đến là rau súp lơ từ 8.000- 10.000 đồng/cây sau thời điểm nghỉ Tết Dương lịch, giá loại rau này là 14.000 đồng/cây.

Bên cạnh đó, giá các loại hải sản tươi sống cũng tăng đột biến: Giá tôm sú tăng từ 280.000 đồng lên 350.000 đồng/kg loại 30 con/kg. Giá của các mặt hàng mực, cua, ghẹ cũng tăng thêm từ 30.000 - 50.000 đồng/kg. Đơn cử như ghẹ xanh, tăng từ 350.000- 380.000 đồng/kg lên 400.000- 420.000 đồng/kg (tùy loại). Cua gạch tăng từ 450.000 đồng/kg lên 500.000 đồng/kg…

Do ảnh hưởng của giá cả, nên không ít hoạt động giao thương của tiểu thương trầm hơn so với trước đó. Chia sẻ về mức giá với PV, bà Hường, một tiểu thương tại đầu chợ cóc Quan Nhân cho biết: “Vì rau lên giá nên có những ngày, tôi ngồi bán đến 9h sáng mà số lượng hàng bán ra không đáng kể. Có thể vì giá tăng nên các bà nội trợ vừa thể dục buổi sáng, vừa chạy ra chợ đầu mối Ngã Tư Sở mua cho rẻ”.

Ông Quân (62 tuổi), nông dân trồng rau đi bán rau tại chợ Quan Nhân lý giải: “Do ảnh hưởng của thời tiết lạnh nên khoảng 2 ngày trở lại đây, giá rau xanh đồng loạt tăng. Vì thời tiết quá hà khắc nên ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng của cây. Chúng tôi gieo rau cải đến 4 ngày mà vẫn chưa nhú được mầm. Trong khi đó, vào thời điểm thời tiết ấm thì gieo hạt nào, một ngày sau hạt đã nảy mầm. Cây phát triển cũng nhanh hơn và chăm sóc cũng dễ dàng hơn”.

Người nội trợ dè dặt

Do giá thực phẩm tăng đột biến so với thời điểm trước dịp Tết Dương lịch 2019, các bà nội trợ cũng “dè dặt” khi quyết định lựa chọn mua thực phẩm cho gia đình.

Chị Nguyễn Thị An (32 tuổi, ở Nhân Chính, Thanh Xuân) chia sẻ: “Giá tăng vù vù, tết nhất đến nơi có nhiều khoản cần cho nên khi giá tăng cao chi tiêu phải cân nhắc. Nếu trước kia, tôi đi chợ đầu mối mua một bó rau mồng tơi chỉ 4.000 - 5.000 đồng/bó, thậm chí có những ngày cuối chợ chỉ còn 3.000 đồng/bó, thì bây giờ, tôi phải mua tới 6.000 - 7.000 đồng/bó. Không chỉ mình rau này mà các loại rau xanh ăn lá khác đều tăng cao. Bởi đây là loại thực phẩm không thể thiếu cho gia đình nên chúng tôi chấp nhận mua nhưng không “mạnh tay” như trước nữa”.

Bà Lại Thu Lương (33 tuổi, ở Đại Nam, Hoàng Mai) cho rằng: “Do thời tiết, lại thêm vào thời điểm Tết, các tiểu thương cho rằng vận chuyển khó khăn nên giá rau xanh cùng nhau tăng giá cũng là điều dễ hiểu. Vì đây là mặt hàng sử dụng trong ngày, không thể tích trữ như gạo, muối nên người mua phải chấp nhận mức giá do các tiểu thương đưa ra”.

Trao đổi với PV, chuyên gia thương mại Vũ Vinh Phú nhận định: “Những mặt hàng thiết yếu như gạo, dầu ăn, thịt, cá, rau quả các loại, một số đồ uống… có những biến động giá trong dịp Tết là do mất cân đối về cung cầu hoặc bị thiên tai, dịch bệnh đột xuất. Kinh nghiệm những cái Tết trước đây cho thấy, các thành phố lớn đã chi hàng nghìn tỷ đồng để bình ổn giá với lãi suất bằng 0 trong một số thời gian, để các doanh nghiệp bán lẻ dự trữ hàng phục vụ Tết. Song ý định tốt đẹp đó lại không có hiệu quả cao. Vì vậy, phải để quyền tự do định giá cho các doanh nghiệp theo cung cầu, trừ những mặt hàng do nhà nước định giá, trong dịp Tết. Mặt khác, cần lưu ý doanh số của các siêu thị mới chiếm 25% thị phần, còn lại 75% là ở các kênh thương mại truyền thống như: Chợ, cửa hàng lẻ, hàng rong… như vậy, bình ổn giá là bình ổn cho người giàu, còn người nghèo phải đi ra chợ mua hàng lại không được hưởng lợi vì bình ổn”.

Theo chuyên gia thương mại Vũ Vinh Phú, muốn tổ chức bình ổn giá trong dịp Tết, phải làm một số vấn đề sau: Tổ chức hệ thống phân phối rộng khắp, tạo điều kiện cho cung, cầu gặp nhau, hàng hóa được giao lưu, liên kết giữa các địa phương trong cả nước để hỗ trợ hàng hóa, phục vụ nhân dân trong dịp tết; Thúc đẩy sản xuất phát triển, ngăn ngừa dịch bệnh, tổ chức chuỗi sản xuất phân phối chặt chẽ, vừa đảm bảo giảm chi phí lưu thông, vừa quản lý chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm cho nhân dân; Ngăn chặn việc ép giá, ép cấp của các đơn vị trung gian, bán lẻ để đẩy giá hàng hóa lên cao. Tăng cường kiểm tra giá cả thị trường trong dịp Tết. Ngoài ra, các cơ quan quản lý nhà nước về thị trường cần tăng cường kiểm tra chống thất thu ngân sách, cạnh tranh lành mạnh, đảm bảo thị trường phát triển lành mạnh trong dịp Tết.