17/05/2024 | 18:59 GMT+7, Hà Nội

Formosa xây "Tháp tinh thần" cao 32m không phép: Chuyện vô cùng lạ

Cập nhật lúc: 14/12/2015, 12:24

Công ty Formosa xây dựng Tháp tinh thần Bảo Lũy cao 32m án ngữ cổng chính vào công ty này tại Khu kinh tế Vũng Áng ở Hà Tĩnh. Hành động này đã bị cơ quan chức năng “tuýt còi”, tạm dừng thi công vì chưa xin giấy phép.

Bị "tuýt còi" vì chưa có giấy phép

Theo thông tin từ VnExpress, Sở Xây dựng Hà Tĩnh vừa lập biên bản, yêu cầu Công ty TNHH Hưng Nghiệp gang thép Formosa tạm đình chỉ việc xây dựng tòa "tháp biểu tượng tinh thần" trước cổng chính của công ty này tại phường Kỳ Liên (thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh).

Tòa tháp được thiết kế cao 32 m, 1 tầng, khởi công từ tháng 10 với tổng số vốn khoảng 6 tỷ đồng. Chủ đầu tư là Công ty Formosa, một công ty có trụ sở đóng tại TP HCM là đơn vị thi công. Công trình đang làm phần thô, dự kiến cuối tháng 12 sẽ hoàn thành phần kết cấu.

Một lãnh đạo của Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh Hà Tĩnh cho biết, "tháp biểu tượng tinh thần" của Formosa nhận được sự đồng ý của tỉnh, các chuyên gia mỹ thuật. Việc công ty này bị "tuýt còi" tạm dừng thi công là do chưa xin giấy phép của Sở Xây dựng Hà Tĩnh.

"Formosa muốn quảng bá hình ảnh của mình, muốn tòa tháp là biểu tượng mỗi khi nhắc đến họ. Các sở ban ngành đã có góp ý, lỗi của họ là muốn làm nhanh nên chưa xin giấy phép. Sau khi hoàn thành mọi thủ tục đúng quy trình, đơn vị này sẽ được tiếp tục thi công tòa tháp", vị cán bộ thông tin.

Ông Chu Xuân Phàm, Trưởng đại diện Formosa tại Hà Nội cho hay, tòa tháp là một lô gô thương hiệu của Công ty. "Chúng tôi làm việc tại Hà Tĩnh, nên muốn xây một cái gì đó đặc trưng để mọi người biết tới", ông Phàm nói.

Nói về việc bị sở Xây dựng Hà Tĩnh yêu cầu tạm dừng thi công, vị trưởng đại diện cho hay bản thân Formosa trước xây dựng đã làm việc với chính quyền thị xã Kỳ Anh, Ban quản lý Khu kinh tế Hà Tĩnh, người dân địa phương và đều nhận được sự đồng tình.

Theo ông, Ban quản lý Khu kinh tế là đơn vị có trách nhiệm chính, khi làm việc nếu có phát sinh thì phải hướng dẫn doanh nghiệp.

"Đáng lẽ có sai sót thì các ngành phải báo và hướng dẫn cho công ty, chứ không phải là đình chỉ. Chính quyền yêu cầu bổ sung giấy phép, chúng tôi sẽ tạm dừng thi công và hoàn thành giấy phép để tiếp tục công việc", ông Phàm nói.

Tháp biểu tượng tinh thần bão lũy - Ảnh: Tuổi trẻ

Trách nhiệm thuộc chính quyền

Trao đổi với Đất Việt, ĐBQH (Đại biểu Quốc hội) Bùi Thị An (Hà Nội) cho rằng cần phải xem xét, xử lý nghiêm những sai phạm để doanh nghiệp không tái phạm những lần sau.

“Bất kỳ doanh nghiệp trong nước hay ngoài nước đều phải tôn trọng pháp luật của Việt Nam. Việc Formosa Hà Tĩnh liên tiếp xây dựng trái phép cơ quan quản lý nhà nước cần phải làm rõ nguyên nhân. Vì sao một doanh nghiệp nước ngoài lại thường xuyên vi phạm pháp luật tại nước sở tại. Chúng ta cần chiếu theo luật, xử lý nghiêm để tạo tính răn đe”, ĐB An nêu quan điểm.

Nữ ĐBQH cũng lấy làm ngạc nhiên khi doanh nghiệp này lựa chọn xây dựng tháp trong phạm vi lãnh thổ Việt Nam.

“Tháp không phải là công trình xây dựng bình thường mà nó mang tính tâm linh, phong tục. Việc doanh nghiệp khi chưa được cấp phép mà cố tình xây dựng biểu tượng này trên đất nước sở tại là chuyện vô cùng lạ. Chính quyền địa phương cần làm rõ vì sao lại xảy ra tình trạng như thế”, ĐB An băn khoăn.

Về việc doanh nghiệp xây dựng tháp gần hoàn thiện mới bị phát hiện chưa được cấp phép, ĐB Bùi Thị An cho rằng trách nhiệm ban đầu thuộc về chính quyền địa phương.

“Khi doanh nghiệp nước ngoài làm việc tại Việt Nam đã có sự phân cấp rõ ràng, tức là ở địa phương nào thì địa phương đó phải quản lý. Đất đai, tài sản của nhà nước nên không thể phó mặc để doanh nghiệp muốn làm gì, xây gì cũng được.

Việc thi công tháp kéo dài hơn 2 tháng tại thị xã Kỳ Anh mà không bị phát hiện cần phải xem lại trách nhiệm của chính quyền địa phương. Chức năng giám sát trong trường hợp này đã không được thực hiện tốt gây ra những hậu quả nghiêm trọng”, ĐB An thẳng thắn.

Từ tình hình thực tế, nữ ĐBQH Hà Nội cho rằng cần phải nâng mức xử phạt lên so với hiện nay mới có thể khiến doanh nghiệp chấp hành đầy đủ những quy định của nhà nước .

“Một khi biện pháp xử phạt hành chính không phát huy được hiệu quả thì phải tính đến mức hình sự hóa. Chúng ta phải xử phạt nghiêm khắc, cương quyết thì doanh nghiệp mới không tái diễn những vi phạm tương tự”, ĐB An nhấn mạnh.

Công trình dự kiến cuối tháng 12 hoàn thành phần kết cấu

Nếu cần, Chính phủ phải vào cuộc

Đồng quan điểm với ĐB Bùi Thị An, ĐB Lê Việt Trường, Phó chủ nhiệm UB an ninh và quốc phòng của QH cho rằng Việt Nam luôn khuyến khích và tạo điều khiện cho doanh nghiệp nước ngoài vào đầu tư, kinh doanh nhưng yếu tố quan trọng hàng đầu đó là phải tuân thủ pháp luật.

Lấy ví dụ thực tế từ công trình của Formosa Hà Tĩnh, ĐB Trường phân tích: “Đối với những công trình cao trên 30m như tháp tinh thần Bảo Lũy trên địa bàn thị xã Kỳ Anh, doanh nghiệp này có thể được phép xây dựng.

Tuy nhiên, họ phải chứng minh đủ điều kiện cần thiết để các cơ quan có thẩm quyền xem xét. Ngoài ra cơ quan quân sự tại địa phương cũng cần kiểm tra xem khi xây dựng công trình này có vấn đề gì nguy hại đến an ninh quốc phòng không không”.

Trong trường hợp của Formosa Hà Tĩnh khi chưa được cấp phép mà đã tiến hành xây dựng, ĐB Trường cho rằng chính quyền địa phương đã thể hiện sự thiếu cương quyết, thiếu trách nhiệm.

“Một khi chưa được cấp phép mà doanh nghiệp đã tự tiện xây dựng trái phép các công trình thì chính quyền địa phương cần phải siết chặt lại quản lý. Đối với tháp này cơ quan quản lý nhà nước cần phải đình chỉ và bắt doanh nghiệp tháo dỡ, không có phép thì không được xây dựng.

Chính quyền phải quản lý họ trên cơ sở giấy phép đầu tư, tức là họ xây dựng cái gì, thiết kế như thế nào. Cơ quan quản lý nhà nước phải duyệt chứ không thể để doanh nghiệp muốn xây gì thì xây. Không thể viện lý do đây là công trình của nước ngoài nên khó khăn trong việc kiểm tra, giám sát được. Như vậy là không hiểu luật”, ĐB Trường nêu quan điểm.

Theo phó chủ nhiệm UB an ninh và quốc phòng của QH một khi chính quyền địa phương đã bất lực trong việc giải quyết thì các cơ quan ở Trung ương cần phải quan tâm và có những chỉ đạo kịp thời.

“Chính phủ phải gọi lãnh đạo chính quyền địa phương ra yêu cầu giải thích tại sao để tình trạng đó kéo dài như vậy. Phải xem xét trách nhiệm của những người quản lý trên địa bàn đó. Rõ ràng một khi tỉnh họ bất lực, không thể làm gì được doanh nghiệp thì Chính phủ phải vào cuộc thôi”, ĐB Trường nêu giải pháp./.