19/01/2025 | 01:35 GMT+7, Hà Nội

Chung cư Yên Hòa - Thăng Long bị "sờ gáy" sau hàng loạt sai phạm

Cập nhật lúc: 26/11/2015, 16:57

Một tòa nhà ngay từ ban đầu liên tiếp xảy ra sai phạm, bị đình chỉ, xử phạt rồi lại được cấp phép xây dựng. Mới đây, Thanh tra Bộ Xây dựng đã có quyết định thanh tra tòa nhà “tai tiếng” này.

Theo thông tin từ báoThanh tra, sáng 25/11, Đoàn Thanh tra Bộ Xây dựng đã tổ chức công bố quyết định thanh tra chung cư Yên Hòa - Thăng Long (Cầu Giấy - Hà Nội), do Công ty TNHH Thăng Long làm chủ đầu tư. Đây là công trình có nhiều sai phạm đã được các cơ quan chức năng nhắc nhở song chủ đầu tư không thực hiện.

Trước đó, ngày 23/11, Thanh tra Bộ Xây dựng đã ban hành Quyết định số 331/QĐ-TTr về thanh tra làm rõ nội dung công dân khiếu nại, tố cáo và báo chí phản ánh vi phạm của một số chủ đầu tư dự án bất động sản trên địa bàn TP Hà Nội.

Đoàn Thanh tra gồm 8 thành viên, do bà Nguyễn Thị Hồng Châu, Trưởng phòng Giải quyết khiếu nại, tố cáo làm Trưởng đoàn. Thời gian thực hiện 45 ngày không kể ngày nghỉ, lễ.  

Đoàn Thanh tra Bộ Xây dựng sẽ thanh tra 4 dự án, gồm: Chung cư Yên Hòa - Thăng Long do Công ty TNHH Thăng Long làm chủ đầu tư; Dự án Sky City 88 Láng Hạ do Công ty TNHH HANOTEX làm chủ đầu tư; Trụ sở Công ty Cổ phần Tư vấn và Đầu tư Xây dựng CICC Hà Nội, Công ty Cổ phần Tư vấn và Đầu tư Xây dựng CICC Hà Nội làm chủ đầu tư và tòa nhà LOD số 38 Trần Thái Tông, Công ty Cổ phần Hợp tác Lao động Nước ngoài - LOD, đơn vị nhận chuyển nhượng dự án là Tập đoàn Phúc Lộc làm chủ đầu tư.

Đoàn Thanh tra sẽ thanh tra công tác thực hiện dự án đầu tư xây dựng theo quy định của pháp luật, quy hoạch chi tiết được duyệt, quy hoạch tổng thể mặt bằng và phương án kiến trúc được chấp thuận, giấy phép xây dựng được cấp, việc thực hiện nghĩa vụ đối với Nhà nước của chủ đầu tư dự án.

Sau quá trình thanh tra nếu phát hiện sai phạm sẽ xử lý hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý đối với tổ chức, cá nhân có sai phạm. Đồng thời, kiến nghị việc sửa đổi bổ sung, hoàn chỉnh cơ chế chính sách trong quản lý, phát triển nhà ở để khắc phục những vướng mắc, tồn tại (nếu có).

Cấp phép 17 tầng, xây 27 tầng

Cũng theo báo Pháp luật Việt Nam đưa tin, chung cư Yên Hòa – Thăng Long có địa chỉ ở tổ 50 phường Yên Hòa (quận Cầu Giấy, Hà Nội) do Cty TNHH Thăng Long làm chủ đầu tư. Tính đến nay, chiều cao của công trình này tương đương 30 tầng, trong khi giấy phép xây dựng ban đầu chỉ được 17 tầng, sau đó được điều chỉnh lên 27 tầng.

Sáng 24/11, trao đổi với PV, ông Phạm Văn Lợi, Đội trưởng Đội Thanh tra xây dựng (ĐTTXD) quận Cầu Giấy cho biết, đơn vị này phối hợp với UBND phường Yên Hòa ra quyết định đình chỉ toàn bộ hoạt động xây dựng của tòa nhà Yên Hòa – Thăng Long.

Theo tìm hiểu, Cty TNHH Thăng Long trước đây có đất ở phường Mai Dịch (quận Cầu Giấy). Năm 2006, diện tích đất này được thu hồi để xây dựng trụ sở Bộ Công an. Đổi lại, Cty TNHH Thăng Long được UBND TP Hà Nội và UBND quận Cầu Giấy cấp cho diện tích đất tương đương ở tổ 50 phường Yên Hòa, Cầu Giấy.

Diện tích mới này được Cty TNHH Thăng Long xây dựng làm trụ sở công ty; giấy phép ban đầu được cấp xây cao 17 tầng. Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng từ năm 2011 đến năm 2014, chủ đầu tư liên tục sai phạm. Cụ thể, tòa nhà được xây cao 27 tầng, vượt 10 tầng so với quy định.

Ngoài ra, tòa nhà được cấp phép xây dựng làm văn phòng, nhưng chủ đầu tư tự ý thay đổi thiết kế, xây thành tòa nhà hỗn hợp, căn hộ chung cư.

Trước những sai phạm này, cơ quan chức năng nhiều lần nhắc nhở, lập biên bản đình chỉ, thậm chí yêu cầu cắt điện, cắt nước để công trình không thể tiếp tục thi công. 

Theo như bức ảnh này thì Tòa nhà Thăng Long hiện đã thi công trên sàn tầng 32, trong khi chủ đầu tư khăng khăng là 27 tầng - Ảnh: PetroTimes

Được “nhượng bộ” (?!)

Trước diễn biến phức tạp, Sở Quy hoạch – Kiến trúc Hà Nội đã đồng ý cho phép điều chỉnh quy mô toà nhà từ 17 tầng lên 27 tầng. Theo đó, tháng 3/2015, khi kiểm tra, Sở Quy hoạch – Kiến trúc Hà Nội phát hiện công trình này có sai phạm: Tăng mặt sàn xây dựng thêm khoảng 587m2, tăng 49m2 diện tích tầng kỹ thuật, tăng 8m2 tầng mái.  

Sở Quy hoạch – Kiến trúc Hà Nội “nhượng bộ” khi chấp thuận đề xuất của chủ đầu tư nâng bổ sung diện tích mặt sàn tương ứng với 125 căn hộ; đồng thời điều chỉnh một phần diện tích sàn trụ sở văn phòng làm việc thành nhà ở để “hợp lý” với sai phạm.

Mới đây, toà nhà tiếp tục phát hiện được xây dựng một cách “bành trướng” so với quy hoạch đã được Sở Quy hoạch – Kiến trúc Hà Nội “nhượng bộ”.

Cụ thể, theo Đội trưởng ĐTTXD quận Cầu Giấy, Chung cư Yên Hòa – Thăng Long đã xây dựng tổng cộng 2 tầng hầm, 27 tầng nổi, 1 tầng lửng, 1 tầng kỹ thuật, 1 tầng mái. Chiều cao tương đương của tòa nhà này hiện nay là 30 tầng (vượt 3 tầng so với giấy phép điều chỉnh). 

Theo Đội trưởng ĐTTXD quận Cầu Giấy, tầng trên cùng của tòa nhà là một bể bơi. Nếu nhìn từ phía dưới sẽ không nhận ra bể bơi này. Sau khi phát hiện sai phạm này, Chung cư Yên Hòa – Thăng Long bị cơ quan chức năng phạt 80 triệu và đình chỉ toàn bộ hoạt động xây dựng.

Đến ngày 23/11/2015, Thanh tra Bộ Xây dựng ra Quyết định số 331/QĐ-TTr  thanh tra Chung cư Yên Hòa – Thăng Long.  Đội trưởng ĐTTXD quận Cầu Giấy cũng cho biết, cơ quan này đã cung cấp đầy đủ hồ sơ tư liệu liên quan đến tòa nhà này theo yêu cầu của PA83 Công an TP Hà Nội.

Ngoài làm rõ trách nhiệm của chủ đầu tư, thanh tra xây dựng và chính quyền địa phương, dư luận đang đòi hỏi các cơ quan bảo vệ pháp luật làm rõ Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội dựa vào quy trình, thủ tục nào để có thể cho phép “hợp thức hoá” 10 tầng nhà vi phạm? 

Bán hết nhà vẫn nợ thuế tiền tỷ?

Trước đó báo Kinh doanh và Pháp luật cũng đưa tin, theo danh sách mà Cục Thuế Hà Nội công bố, Công ty TNHH Thăng Long còn nợ gần 20 tỷ đồng tiền thuế sử dụng đất tại 2 dự án: Dự án Tòa nhà hỗn hợp Thăng Long (ở tổ 50 phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội) và Dự án khu nhà ở bán cho cán bộ Cục cảnh sát điều tra Bộ Công an. Trong đó, dự án Tòa nhà hỗn hợp Thăng Long đã được chủ đầu tư bán cho khách hàng (hình thức góp vốn).

Mặc dù còn nợ thuế sử dụng đất nhưng dự án này vẫn quảng cáo rầm rộ, với những thông tin về tiện ích “hào nhoáng” từ chính những sai phạm trên. Như tầng 1 đã được Lotteria mua, tầng 4-25 khu chung cư thiết kế theo tiêu chuẩn Ánh sáng, tầng 26-27 khu chung cư Penhouse-Duplex (thông tầng), tầng 27 Spa & Bể bơi Mini (300m2).

Việc chủ đầu tư bán cho khách hàng khi dự án còn nợ hàng chục tỷ đồng tiền thuế đang khiến cho khách hàng hoang mang. Bởi điều này hoàn toàn trái với quy định của pháp luật. Theo điều 42, Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/05/2014 của Chính phủ, những dự án chung cư chưa nộp tiền sử dụng đất sẽ không được phép bán căn hộ cho khách hàng.

Chính phủ quy định rõ việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất gắn liền với chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ dự án đầu tư xây dựng kinh doanh nhà ở phải bảo đảm các điều kiện, trong đó quan trọng nhất là chủ đầu tư phải hoàn thành nghĩa vụ tài chính liên quan đến đất đai của dự án, gồm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, thuế, phí, lệ phí liên quan đến đất đai (nếu có).

Chung cư Yên Hòa – Thăng Long được xây cao hơn gần gấp đôi so với quy định ban đầu (17 tầng lên 30 tầng.

Chung cư Yên Hòa – Thăng Long được xây cao hơn gần gấp đôi so với quy định ban đầu (17 tầng lên 30 tầng.

Làm ngơ với rủi ro của khách hàng?

Tại cuộc họp giao ban báo chí Thành ủy Hà Nội chiều 14/7, ông Thái Dũng Tiến, Phó Cục trưởng Cục Thuế Hà Nội đưa ra khuyến cáo, khi chủ dự án nợ tiền sử dụng đất chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới người mua nhà, nhất là khi làm thủ tục để cấp giấy chứng nhận QSDĐ, sở hữu nhà ở sẽ gặp phải nhiều khó khăn. Do đó, Phó Cục trưởng Cục Thuế Hà Nội khuyên người dân không nên mua nhà của các DN nợ tiền sử dụng đất.

Nhiều luật sư cũng khẳng định, với những dự án mà chủ đầu tư nợ tiền sử dụng đất, người mua nhà sẽ phải đối mặt với nguy cơ không được cấp sổ đỏ, sổ hồng.

Một dự án với quá nhiều sai phạm từ xây dựng đế việc “chây ỳ” nợ thuế mà vẫn rao bán rầm rộ khiến dư luận không khỏi đặt ra câu hỏi: Công ty TNHH Thăng Long đã quá coi thường pháp luật, coi thường quyền lợi của hàng trăm khách hàng mua nhà tại dự án?

Trong khi hệ thống quản lý, xử lý vi phạm trật tự xây dựng được tổ chức từ cấp sở tới các quận, huyện, phường, xã…thì tại sao vẫn để tồn tại sai phạm như vậy? Trong quá trình chủ đầu tư xây dựng các công trình không phép này thì các cơ quan quản lý đã ở đâu?

Dư luận cũng đặt câu hỏi rằng, nếu như dự án nào cũng được chủ đầu tư “uốn lượn” như dự án này thì bộ mặt đô thị của Thủ đô sẽ ra sao? Phải chăng quy hoạch đang chạy theo nhu cầu của doanh nghiệp?