19/01/2025 | 10:03 GMT+7, Hà Nội

Duy trì lãi suất ổn định - Thách thức với ngành ngân hàng năm 2023

Cập nhật lúc: 15/01/2023, 18:54

Trong năm 2023, tỷ giá, thanh khoản được dự báo sẽ không quá quan ngại, nhưng lãi suất sẽ là câu chuyện được quan tâm nhất của doanh nghiệp và cơ quan điều hành chính sách tiền tệ.

Duy trì một mặt bằng lãi suất ổn định và hướng dòng vốn vào những lĩnh vực sản xuất kinh doanh đang là một trong những nhiệm vụ trọng tâm và cả thách thức đặt ra cho hệ thống ngân hàng trong năm nay.

Dù mức độ và tác động do Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất sẽ không còn nhanh, mạnh như năm vừa qua, nhưng mức độ tác động đến nền kinh tế dự báo vẫn còn dai dẳng trong năm nay. Do đó đây vẫn sẽ là một áp lực lớn đối với chính sách tiền tệ trong nước.

"Tôi cho rằng chúng ta bình tĩnh, yên tâm hơn vì chúng tôi dự báo sắp tới FED tăng lãi suất nhưng sẽ dịu dần", Tiến sĩ Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, đánh giá.

Dự báo áp lực đối với mặt bằng lãi suất trong nước có thể kéo dài cho đến quý II năm nay. (Ảnh minh họa: Dân trí)
Dự báo áp lực đối với mặt bằng lãi suất trong nước có thể kéo dài cho đến quý II năm nay. (Ảnh minh họa: Dân trí)

Khi hàng loạt quốc gia trên thế giới đồng loạt tăng lãi suất, Việt Nam khó có thể đi ngược lại dòng chảy chung. Thách thức này đã được nhận diện rõ, vấn đề lúc này là đối sách để ứng phó. Chủ động, linh hoạt để thích ứng từng diễn biến thị trường và quyết tâm đặt mục tiêu duy trì một mặt bằng lãi suất ổn định, chấp nhận được là định hướng điều hành của Ngân hàng Nhà nước.

"Tiếp tục thực hiện chính sách lãi suất, tỷ giá linh hoạt để đảm bảo được niềm tin của doanh nghiệp, người dân. Bên cạnh đó tiếp tục cung ứng vốn vào những lĩnh vực ưu tiên, đặc biệt là lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, sản xuất hàng cứu trợ", Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú cho biết.

Ngay trong những ngày đầu của năm nay, ngân hàng Vietcombank đã công bố giảm 0,5% lãi suất cho vay cho tất cả 175.000 khách hàng hiện hữu. Việc giảm lãi suất cho vay này cũng là chỉ dấu cho thấy quyết tâm hãm đà tăng của lãi suất trên thị trường.

Dự báo áp lực đối với mặt bằng lãi suất trong nước có thể kéo dài cho đến quý II năm nay, sau đó có thể giảm đáng kể khi FED giảm tốc độ tăng lãi suất. Đây cũng là điều Ngân hàng Nhà nước có thể xem xét ưu tiên mục tiêu ổn định mặt bằng lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế./.

Nguồn: https://reatimes.vn/duy-tri-lai-suat-on-dinh-thach-thuc-voi-nganh-ngan-hang--20201224000017138.html