Đừng tiếp tục bỏ rơi trẻ trong thế giới ảo!
Cập nhật lúc: 07/03/2019, 21:01
Cập nhật lúc: 07/03/2019, 21:01
Tuy nhiên, Momo Challenge - “Thử thách Momo” - thử thách “tự làm hại bản thân” mà cô bé kia bị kích động làm theo không phải là “cảnh báo đỏ” đầu tiên về câu chuyện các bậc phụ huynh lơ là trong việc chăm sóc con cái, “bỏ rơi” trẻ trong thế giới mạng, các cơ quan chức năng bị động, bế tắc trong việc quản lý thế giới “ảo”.
1. Hơn 10 năm trước, cứ độ hè về, các bậc phụ huynh, nhà trường, xã hội đều đứng ngồi không yên, khi hàng vạn, hàng triệu người trẻ bắt đầu… hóa thân thành những hảo hán “hành hiệp giang hồ” trong mùa game online mới. Thống kê của năm 2009, game online đã “chinh phục” trên 2 triệu game thủ (90% ở độ tuổi dưới 35), với ma lực khủng khiếp, khiến rất nhiều HS-SV trượt dài trong thế giới ảo, cày ải triền miên, điên cuồng chém giết… đến độ quên học hành, ngủ nghỉ.
Đặc biệt, không ít những anh hùng “ảo” mang cái khí phách ấy ra ngoài đời thực. Chuyện trốn học, bỏ học, bỏ nhà “định cư” tại tiệm net, đánh nhau… đã thành chuyện thường ngày. Những năm gần đây đã xuất hiện hàng loạt các vụ cướp, bắt cóc, giết người dã man… do các game thủ gây ra. Sự tàn bạo, nhẫn tâm của một số thanh thiếu niên nghiện game đã khiến bao bậc cha mẹ, thầy cô và cả cộng đồng luôn thường trực những ám ảnh hãi sợ…
Khi còn làm Giám đốc Sở TTTT TP.HCM, ông Lê Mạnh Hà đã từng nói, game online bạo lực, dù có mang lại lợi ích triệu USD, tỷ USD, nếu ảnh hưởng tiêu cực tới sự phát triển con người, nhất là người trẻ, thì cũng cần phải dẹp bỏ.
Sau đó, nhiều giải pháp quản lý đã được đưa ra nhưng không thực sự căn cơ, hiệu quả, cho tới khi laptop đủ mạnh mẽ như máy tính để bàn tại tiệm internet; khi điện thoại di động và game mobile phát triển;… thì lượng người chơi game giảm, hậu quả của nó nhạt dần, nhưng luôn tiềm ẩn.
Thử thách Momo được cho là có tác động mạnh tới sự phát triển tâm sinh lý của trẻ nhỏ.
2. Cuối tháng 2/2019, báo chí, mạng xã hội Việt Nam “phát hoảng” trước thông tin một bé gái 5 tuổi tại Anh đã tự cắt hết tóc của mình vì nghe lời “Momo” - nhân vật hoạt hình trên YouTube.
Momo thực chất là một tác phẩm điêu khắc có tên “Chim mẹ” của nghệ sĩ Nhật Bản, từng được trưng bày tại một triển lãm vào năm 2016. Tuy nhiên, hình ảnh kinh dị này đã được kẻ xấu sử dụng cho một thử thách khiến người chơi có thể trầm cảm và nung nấu ý định tự sát. Trong hình dáng Momo, kẻ xấu sẽ liên lạc với người chơi qua Messenger hoặc WhatApps, buộc họ làm theo những hành động có thể gây hại cho bản thân. Thậm chí, Momo còn được ghi nhận xuất hiện “ẩn” trong các video hoạt hình nổi tiếng dành cho trẻ em như Fortnite, Peppa Pig,… Một số phụ huynh còn phát hiện Momo hiển thị trên ứng dụng xem video an toàn cho trẻ em YouTube Kids.
Trên thực tế, sự hoảng loạn Momo gây ra, dựa theo một mô hình khá quen thuộc, rất dễ lan truyền, đó là những thử thách. Nó tương tự nhiều trào lưu trước đó như “Thử thách bao cao su” (Condom Challenge), “Thử thách viên nước giặt” (Tide Pod Challenge),... có thể gây ra thương tích, thậm chí nguy hiểm tới tính mạng người tham gia.
Nổi tiếng và gần đây hơn, thử thách “Cá voi xanh” vốn reo rắc nỗi kinh hoàng cho nhiều gia đình học sinh ở Nga, châu Âu, châu Mỹ… đã bắt người chơi phải thực hiện các nhiệm vụ tra tấn tinh thần như coi phim ma, tỉnh dậy giữa đêm và tiến tới tự sát ở bước cuối cùng. Thậm chí, “Cá voi xanh” còn được ghi nhận xuất hiện ở Tiền Giang vào tháng 5/2018.
Hiện YouTube phủ nhận “Thử thách Momo” đang lan truyền trên nền tảng của họ, và bị coi là sự “chối bỏ trách nhiệm”. Còn các cơ quan quản lý và cộng đồng, ngoài việc ý thức được mối nguy hại, bày tỏ sự sợ hãi và chia sẻ nỗi sợ ấy trên mạng xã hội,... thì vẫn chưa có một giải pháp nào căn cơ, hữu hiệu nào được đưa ra.
3. Khi nỗi sợ Momo bùng phát, Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ TT&TT) đã có văn bản yêu cầu Google có hành động cụ thể với các video hướng dẫn tự sát. Sau đó, đại diện Cục Trẻ em, Bộ LĐ-TB&XH cũng thẳng thắn cho rằng năng lực quản lý, bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng hiện còn rất hạn chế; Hệ thống bảo vệ trẻ em chưa đủ điều kiện ngăn chặn kịp thời các nguy cơ từ môi trường mạng;… Sự bất lực ấy liệu có đồng nghĩa với việc, công tác bảo vệ trẻ em vẫn phụ thuộc vào các gia đình, nhà trường, như game online hơn 10 năm trước!?
Vậy thì, về “Thử thách Momo”, theo các chuyên gia, bản chất thực của nó là một hình thức bắt nạt, đe dọa trên mạng, khiến cho đối tượng còn non nớt về tâm lý như trẻ vị thành niên sẽ dễ bị lo sợ, thậm chí hoảng loạn,... Thống kê gần đây cho thấy trên thế giới cứ 4 trẻ từ 12 đến 17 tuổi thì 1 trẻ là nạn nhân của nạn bạo lực trên internet. Tại Việt Nam, theo nghiên cứu của ĐHQG Hà Nội, cứ 10 học sinh thì có 3 bị bắt nạt trực tuyến.
Theo bà Nguyễn Vân Anh - Giám đốc Trung tâm CSAGA, dù bắt nạt thông qua công nghệ hay trực tiếp ngoài đời thực, hậu quả cũng giống nhau. Trẻ bị bắt nạt qua mạng có thể gặp phải những hậu quả như buộc sử dụng rượu và ma túy, bỏ học, không muốn đến trường,... Và thực tế, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) thời gian qua đã tiếp nhận không ít trẻ mắc rối loạn tâm thần do nghiện game hoặc tiếp xúc quá nhiều với tivi, ipad. Trong đó, nhiều trẻ có hành vi tự hành hạ bản thân như đập đầu vào tường, tự cào cấu, nhổ tóc, thậm chí dùng dao rạch lên cơ thể,…
Về con đường dẫn tới những bi kịch trên, theo PGS.TS Trần Thành Nam - Chuyên gia tâm lý (ĐHQG Hà Nội), những người tham gia vào các trò chơi trên thường không nhận được sự động viên, cô đơn trong cuộc sống. Họ muốn được chia sẻ, muốn được tán thưởng vì những hành động dũng cảm, liều lĩnh gây hại cho bản thân,... Từ đó, trở thành “mồi ngon” cho kẻ ác.
Những phân tích về căn nguyên, hiện tượng và hậu quả nói trên liệu đã đủ để “báo động đỏ” cho các bậc phụ huynh lơ là trong việc chăm sóc con cái, đã “bỏ rơi” trẻ trong thế giới mạng?
Cơ quan quản lý có thể bị động, bế tắc, nhưng các bậc phụ huynh cần phải hành động, như việc tham gia mạng xã hội, xem Youtube... cùng trẻ, cùng chúng trở thành “Công dân số chuẩn” thay vì mặc kệ cho mặt trái của internet hủy hoại cả một thế hệ như game online bạo lực đã từng.
Kiên Giang
16:01, 04/03/2019
13:00, 04/03/2019
20:00, 23/02/2019