18/01/2025 | 12:19 GMT+7, Hà Nội

Đừng "thổi phồng" chất lượng sản phẩm của những chiếc khẩu trang

Cập nhật lúc: 28/04/2020, 07:20

Trục lợi từ dịch Covid-19, "tâng bốc" những chức năng, công dụng của sản phẩm quá lên so với thực tế sẽ ảnh hưởng gián tiếp đến quá trình phòng, chống dịch và ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người tiêu dùng.

Lời tòa soạn:

Thời gian gần đây, trước tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nhu cầu sử dụng khẩu trang phòng dịch tăng cao, dẫn đến tình trạng nhiều cá nhân, doanh nghiệp trục lợi, đặt lợi ích kinh tế lên trên những quyền lợi chính đáng của khách hàng.

Trên tinh thần thượng tôn người tiêu dùng, chúng tôi khởi đăng tuyến bài về những vấn đề xung quanh câu chuyện “chiếc khẩu trang” thời Covid-19. Thông qua đó, mỗi người tiêu dùng sẽ nhận thức thông thái hơn, tránh mua phải các sản phẩm hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng trên thị trường và cùng chung tay đẩy lùi dịch bệnh Covid-19.

Trân trọng giới thiệu với độc giả!

Dịch Covid-19 ảnh hưởng đến toàn cầu, trong đó có hàng triệu người dân Việt Nam. Những chiếc khẩu trang trước đây chẳng mấy người quan tâm bất chợt trở thành món hàng “xa xỉ” khó mua hơn bao giờ hết. Nắm bắt được đây là một mặt hàng có tính thời vụ, vừa đáp ứng được nhu cầu khẩu trang của người dân, vừa có lợi về mặt kinh tế, hàng loạt cá nhân, doanh nghiệp "đua nhau" chuyển hướng, sản xuất khẩu trang, khiến thị trường này biến động mạnh với những thông tin "nhiễu loạn", ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng.

Khẩu trang - "xa xỉ phẩm" trong mùa dịch Covid-19 (Nguồn: Internet)

Khi chất lượng sản phẩm bị "thần thánh hóa"

Khẩu trang diệt khuẩn, khẩu trang nano bạc, khẩu trang than hoạt tính, khẩu trang "phủ muối", khẩu trang chống Covid-19,... chỉ cần gõ tìm kiếm những thông tin liên quan, trung bình chỉ trong 0,35s cho ra 15.200.000 kết quả. Những con số này cho thấy sự "quan tâm đặc biệt" của người tiêu dùng đối với sản phẩm trong mùa dịch.

Người tiêu dùng có xu hướng tìm kiếm các thông tin về khẩu trang kháng khuẩn trong thời điểm này

Để đẩy mạnh doanh số bán hàng, nhiều doanh nghiệp đơn vị "tâng bốc" các công dụng của sản phẩm, "đánh" vào tâm lý lo lắng của người dân, "tung tin" về những phương thức kết hợp cùng khẩu trang sẽ diệt được cả... Covid-19 khiến người tiêu dùng "lạc" trong ma trận.

Thời gian gần đây, công nghệ nano bạc được "thần thánh hóa", gắn với chiếc khẩu trang tạo thành “bộ đôi hoàn hảo” giữa tâm dịch Covid-19. Nano bạc có diệt được Covid-19 hay không thì hiện tại chưa có bất cứ nghiên cứu khoa học nào nói về điều này. Thế nhưng những chiếc khẩu trang nano bạc vẫn đang được bán “đắt như tôm tươi”. 

Theo ghi nhận của PV, đa phần các sản phẩm này được giới thiệu sản xuất bằng công nghệ nano bạc phát huy tác dụng như một màng lọc an toàn, có khả năng tiêu diệt đến hơn 650 loại vi khuẩn, nấm, 93% vi trùng và các chủng virus khác nhau.

Công nghệ nano bạc có đang bị "lạm dụng"? (Nguồn: Internet)

Trong 1 bài viết của TS.DS Phạm Đức Hùng (từng thực tập ở Đại học Harvard, Mỹ; tốt nghiệp tiến sĩ tại Đại học Leuven, Vương quốc Bỉ; hiện làm việc tại Bệnh viện Nhi Cincinnati, Mỹ), về tác dụng thực sự của nano bạc trong việc tiêu diệt virus, đặc biệt là virus corona, ông cho biết: “Cũng có một số nghiên cứu ủng hộ cho tác dụng của các loại nano bạc trên diệt khuẩn và virus nhưng chưa có nghiên cứu cho thấy nano bạc nào diệt được virus Corona. Bên cạnh đó, tất cả nghiên cứu trên đều đa phần thực hiện trên mô hình tế bào, chưa có nhiều nghiên cứu trên động vật, đặc biệt là lâm sàng trên người. Về độc tính của tiểu phân nano bạc, một số nghiên cứu còn chỉ ra các loại nano bạc có gây độc tế bào và mô hình động vật”. 

Vậy với những lời quảng cáo như trên, liệu rằng những chiếc khẩu trang này có thật sự được sử dụng công nghệ tiên tiến để lưu giữ lớp màng nano bạc và kháng khuẩn lâu đến vậy? 

Về thông tin nhiều người truyền tai nhau các phương pháp đốt bồ kết ở nhà, bôi dầu tràm vào khẩu trang, ngâm muối vào khẩu trang để có thể diệt virus Corona, GS. Lê Ngọc Thành, Giám đốc Bệnh viện E khẳng định, đến nay chưa có bất kỳ nghiên cứu và kết luận chính thức nào về việc phòng chống virus Corona theo các phương pháp này.  

PGS.TS Nguyễn Hữu Đức – (Đại học Y Dược TP HCM) cũng chia sẻ, khẩu trang muối có diệt được Covid-19 (nCoV) hay không hiện chưa có chứng cứ khoa học. Việc tự pha chế nồng độ muối làm khẩu trang muối có thể ảnh hưởng đến sức khỏe vì không biết được lượng muối ra sao, môi trường lại không được vệ sinh sẽ nguy hại. Tâm lý chủ quan vào khả năng diệt virus khi đeo khẩu trang muối mà lơ là các biện pháp khác càng nguy hại hơn. Trong tình hình dịch bệnh hiện nay, các thông tin liên quan đến Covid-19, mọi người phải căn cứ từ thông tin của Bộ Y tế.

Đeo khẩu trang đúng cách sẽ giúp hạn chế nhất định những nguy cơ lây nhiễm. (Nguồn: Internet)

Môi trường ở khẩu trang chứa nhiều vi khuẩn, bụi tạo điều kiện mạnh cho vi khuẩn phát triển. Bởi vậy, ngay cả việc dùng khẩu trang cũng đã được khuyến cáo phải dùng đúng cách. Với khẩu trang dùng một lần khi dùng xong cần phải bỏ không dùng lại. Còn với khẩu trang dùng nhiều lần phải giặt, phơi khô, hấp hoặc tiệt trùng nếu có điều kiện. Người tiêu dùng đừng nên áp dụng những biện pháp phòng bệnh chưa được cơ quan chức năng, cơ quan y tế khuyến cáo để tránh gây hại sức khỏe.

Người tiêu dùng nên cẩn trọng

Trên thực tế, mặc dù Bộ Y tế cũng như các cơ quan chức năng đã nhiều lần cảnh báo về tình trạng “thổi phồng” tác dụng của các sản phẩm phòng chống Covid-19, thế nhưng vẫn có rất nhiều người đặt niềm tin tuyệt đối vào quảng cáo của các sản phẩm, thiết bị y tế bảo hộ này. Tùy vào mức độ vi phạm, các doanh nghiệp thực hiện hành vi quảng cáo sai sự thật sẽ bị xử phạt hành chính hoặc có thể bị xử lý hình sự theo quy định của pháp luật.

Quảng cáo là gì?

Quảng cáo là việc sử dụng các phương tiện nhằm giới thiệu đến công chúng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ có mục đích sinh lợi; sản phẩm, dịch vụ không có mục đích sinh lợi; tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ được giới thiệu, trừ tin thời sự; chính sách xã hội; thông tin cá nhân.

Quảng cáo thương mại là gì?

Quảng cáo thương mại được quy định tại Điều 102 Luật thương mại 2005 như sau: "Quảng cáo thương mại là hoạt động xúc tiến thương mại của thương nhân để giới thiệu với khách hàng về hoạt động kinh doanh hàng hoá, dịch vụ của mình".

Cá nhân, tổ chức có hoạt động quảng cáo giới thiệu hàng hóa, sản phẩm, dịch vụ phải tuân thủ các nguyên tắc quảng cáo quy định tại Luật quảng cáo 2012. Hành vi quảng cáo sai sự thật về thông tin sản phẩm thì bị xử phạt. 

Theo Luật sư  Nguyễn Sỹ Việt - Công ty Luật TNHH Everest, thương nhân Việt Nam, chi nhánh của thương nhân Việt Nam, chi nhánh của thương nhân nước ngoài được phép hoạt động thương mại tại Việt Nam có quyền quảng cáo hoặc thuê thương nhân kinh doanh dịch vụ quảng cáo thực hiện việc quảng cáo thương mại của mình. Tuy nhiên, nếu quảng cáo sai sự thật sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

"Hành vi quảng cáo sai sự thật là một trong những hành vi quảng cáo thương mại bị cấm theo quy định tại Điều 109 Bộ Luật thương mại 2005: "Các quảng cáo thương mại bị cấm: Quảng cáo sai sự thật về một trong các nội dung số lượng, chất lượng, giá, công dụng, kiểu dáng, xuất xứ hàng hóa, chủng loại, bao bì, phương thức phục vụ, thời hạn bảo hành của hàng hoá, dịch vụ". (khoản 7).

Xử phạt hành chính đối với hành vi quảng cáo sai sự thật:

Xử phạt vi phạm hành chính là chế tài được áp dụng phổ biến nhất dành cho các hành vi quảng cáo vi phạm pháp luật.Việc quảng cáo sai sự thật sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại Điều 51 Nghị định số 158/2013/NĐ-CPquy định xử phạt vi phạm hành chính văn hóa thể dục thể thao du lịch quảng cáo như sau:

"5. Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Quảng cáo sai sự thật, không đúng quy cách, chất lượng, công dụng, nhãn hiệu, kiểu dáng, chủng loại, bao bì, xuất xứ, chỉ dẫn địa lý, phương thức phục vụ, thời hạn sử dụng, thời hạn bảo quản, bảo hành của hàng hóa, dịch vụ, trừ trường hợp quy định tại Điểm d Khoản 3 Điều 68, Điểm c Khoản 3 Điều 69, Điểm a Khoản 2 Điều 72, Điểm b Khoản 1 Điều 75 và Khoản 1 Điều 78 Nghị định này;

b) Quảng cáo lừa dối, gây nhầm lẫn cho công chúng, người tiêu dùng, khách hàng về tổ chức, cá nhân, sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ được quảng cáo với tổ chức, cá nhân, sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ khác hoặc lừa dối, gây nhầm lẫn về tính năng, tác dụng của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ được quảng cáo, trừ trường hợp quy định tại Khoản 4 Điều 68, Điểm a Khoản 3 Điều 69 và Khoản 4 Điều 70 Nghị định này";

Ngoài hình thức phạt tiền, doanh nghiệp có quảng cáo vi phạm còn phải áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả như cải chính thông tin, tháo gỡ, tháo dỡ hoặc xóa quảng cáo.

Hành vi quảng cáo sai sự thật sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định của pháp luật.

Xử lý hình sự đối với hành vi quảng cáo gian dối

Trong trường hợp quảng cáo sai sự thật có đầy đủ dấu hiệu cấu thành tội “quảng cáo gian dối”, bên quảng cáo sai sự thật sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của Điều 197 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 như sau: "Tội quảng cáo gian dối -1. Người nào quảng cáo gian dối về hàng hóa, dịch vụ, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm. -2. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm".

Như vậy, người phạm tội quảng cáo gian dối có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cải tạo không giam giữ đến 03 năm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền đến 50.000.000 đồng, bị cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Sản phẩm của quảng cáo thương mại gồm những thông tin bằng hình ảnh, hành động, âm thanh, tiếng nói, chữ viết, biểu tượng, màu sắc, ánh sáng chứa đựng nội dung quảng cáo thương mại. Các sản phẩm quảng cáo thương mại có thể được giới thiệu trên các phương tiện bao gồm: (i) Phương tiện thông tin đại chúng; (ii) Phương tiện truyền tin; (iii) Các loại xuất bản phẩm; (iv)Các loại bảng, biển, băng, pa-nô, áp-phích, vật thể cố định, các phương tiện giao thông hoặc các vật thể di động khác; (v)Các phương tiện quảng cáo thương mại khác.

Những hành vi bị cấm trong hoạt động quảng cáo:

[...]– Quảng cáo không đúng hoặc gây nhầm lẫn về khả năng kinh doanh; khả năng cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; về số lượng, chất lượng; giá, công dụng; kiểu dáng, bao bì, nhãn hiệu; xuất xứ, chủng loại, phương thức phục vụ; thời hạn bảo hành của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đã đăng ký hoặc đã được công bố.

– Quảng cáo bằng việc sử dụng phương pháp so sánh trực tiếp về giá cả, chất lượng, hiệu quả sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của mình với giá cả, chất lượng, hiệu quả sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cùng loại của tổ chức, cá nhân khác. [...]

Trước thực trạng này, Thứ trưởng Bộ Công Thương - Đặng Hoàng An cũng cho biết, nếu phát hiện doanh nghiệp cung ứng ra thị trường sản phẩm không bảo đảm các tiêu chuẩn đề ra, sẽ xử lý nghiêm, tránh trường hợp đăng ký một đằng, sản xuất một nẻo. Bên cạnh đó, trong nhiều trường hợp, người tiêu dùng chưa tìm hiểu rõ nguồn gốc một sản phẩm đã vội vàng tin dùng thei những lời quảng cáo mà bỏ qua các khuyến cáo. 

Vì vậy, người tiêu dùng nên tìm hiểu về thành phần nguyên liệu trong từng sản phẩm, nguồn gốc xuất xứ các mặt hàng được phép lưu hành của Nhà nước, Bộ Y Tế cho phép để tránh những rủi ro không đáng có.