24/11/2024 | 11:03 GMT+7, Hà Nội

Dự kiến xóa nợ gần 28 nghìn tỷ đồng

Cập nhật lúc: 03/03/2019, 12:01

Theo Bộ Tài chính, trên cơ sở các trường hợp dự kiến được xóa nợ theo dự thảo nghị quyết, Bộ này dự kiến xóa nợ 27.753 tỷ đồng trong thời gian tới.

Bộ Tài chính dự kiến xóa nợ 27.753 tỷ đồng (Ảnh minh họa)
Bộ Tài chính dự kiến xóa nợ 27.753 tỷ đồng (Ảnh minh họa)

Thống kê mới đây của Tổng cục Thuế cho biết, tuy đã có nhiều giải pháp cùng sự vào cuộc quyết liệt nhưng tình hình nợ đọng thuế vẫn còn cao. Tổng số tiền thuế nợ tính đến ngày 31/12/2017 là 78.466 tỷ đồng, giảm 2,8% (2.261 tỷ đồng) so với thời điểm ngày 31/12/2016.

Cũng theo Tổng cục Thuế, thực hiện quy định của Luật Quản lý thuế và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế, Bộ Tài chính đã tổ chức bộ phận quản lý nợ thuế và cưỡng chế nợ thuế từ trung ương đến địa phương; triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp quản lý nợ thuế.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế đã đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính thuế, ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý nợ thuế và cưỡng chế nợ thuế. Việc thực hiện này được triển khai từ khâu phân công, phân loại nợ thuế, ban hành thông báo nợ và ban hành quyết định cưỡng chế nợ thuế bằng phương thức điện tử gửi đến người nộp thuế để thu hồi nợ đọng thuế.

Theo đó, số thu hồi nợ đọng tăng dần qua các năm, năm sau luôn cao hơn năm trước, bình quân từ 2011 - 2017 thu đạt 81% số nợ có khả năng thu hồi; tốc độ tăng bình quân 16,3%/năm. Tỷ trọng tổng nợ trên tổng thu nội địa đã giảm mạnh từ 12,2% năm 2014, đến năm 2017 giảm xuống ở mức 7,6% và tính đến cuối năm 2018 giảm xuống chỉ còn 7%,

Tuy nhiên, tình hình nợ đọng thuế vẫn còn cao, tổng số tiền thuế nợ tính đến ngày 31/12/2017 là 78.466 tỷ đồng, giảm 2,8% (2.261 tỷ đồng) so với thời điểm ngày 31/12/2016.

Trên cơ sở các trường hợp dự kiến được xóa nợ theo dự thảo nghị quyết, Bộ Tài chính dự kiến xóa nợ 27.753 tỷ đồng. Theo Bộ Tài chính, việc xóa nợ sẽ làm giảm số nợ đọng thuế, giảm gánh nặng phải quản lý nợ thuế không còn khả năng thu vào ngân sách, giảm chi phí cho Nhà nước.

Cũng theo Bộ Tài chính, việc xóa các khoản nợ không có khả năng thu sẽ giúp cơ quan thuế, hải quan có điều kiện tập trung nguồn lực vào việc quản lý và đôn đốc các khoản nợ có khả năng thu, tăng cường hiệu lực và hiệu quả trong quản lý thuế, chống thất thu, tăng thu cho ngân sách. Đồng thời, làm minh bạch số liệu, dữ liệu tiền nợ thuế và phản ánh đúng bản chất của các khoản nợ thuế để xây dựng dự toán thu, chi ngân sách nhà nước, các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô.