19/01/2025 | 01:21 GMT+7, Hà Nội

Dự án tuyến đường sắt đô thị số 2 Hà Nội “dậm chân tại chỗ”: Kỳ 1: Vì sao ga C9 chưa được phê duyệt quy hoạch tổng mặt bằng?

Cập nhật lúc: 16/01/2019, 06:26

Sau hơn 10 năm, thủ tục đầu tư dự án tuyến đường sắt đô thị số 2 vẫn chưa hoàn tất. Một trong nhiều nguyên nhân chậm tiến độ được cho là do quy hoạch tổng mặt bằng ga C9.

Mô hình 3D ga C9 , tuyến ĐSĐT số 2 của Hà Nội tại Hồ Gươm

Mô hình 3D ga C9 , tuyến Đường sắt đô thị số 2 của Hà Nội tại Hồ Gươm

Duy nhất ga C9 chưa được phê duyệt quy hoạch tổng mặt bằng

Dự ánđường sắt đô thị số 2 là một tuyến quan trọng trong mạng lưới phát triển đường sắt đô thị của TP. Hà Nội, có lộ trình từ Nội Bài – Nam Thăng Long – Thượng Đình.

Giai đoạn 1 của hệ thống đường sắt đô thịsố 2 là dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo. Đây là dự án trọng điểm quốc gia của Hà Nội, sử dụng vốn vay ODA Nhật Bản và được UBND TP. Hà Nội phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi và thiết kế cơ sở năm 2008.

Từ năm 2011, Liên doanh gồm các Công ty tư vấn của Nhật Bản và Việt Nam đã triển khai quy hoạch chi tiết các hạng mục của dự án. Theo đó, dự án có lộ trình điểm đầu tại khu đô thị Nam Thăng Long, theo đường Nguyễn Văn Huyên kéo dài đến Hoàng Quốc Việt – Hoàng Hoa Thám – Thụy Khuê – Phan Đình Phùng – Hàng Giấy- Hàng Đường – Hàng Ngang - Hàng Đào – Đinh Tiên Hoàng – Hàng Bài – điểm cuối trên đường phố Huế, tại ngã tư giao cắt với phố Nguyễn Du.

Dự án có chiều dài toàn tuyến 11,5km, trong đó 8,9km đi ngầm và 2,6km đi cao; gồm 1 khu depot tại Xuân Đỉnh, 3 ga trên cao và 7 ga ngầm.

Cửa số 1 ga ngầm C9 và cụm công trình phụ trợ (tháp thông gió, làm mát, thang máy cho người khuyết tật…) được bố trí trong khuôn viên Tổng công ty Điện lực TP. Hà Nội

Cửa số 1 ga ngầm C9 và cụm công trình phụ trợ (tháp thông gió, làm mát, thang máy cho người khuyết tật…) được bố trí trong khuôn viên Tổng công ty Điện lực TP. Hà Nội

Đến nay, quy hoạch tổng mặt bằng của khu depot Xuân Đỉnh, 3 ga và đoạn tuyến đi trên cao, 6/7 ga ngầm và đoạn tuyến đi ngầm đã được phê duyệt và đang tiến hành công tác GPMB. Duy nhất ga C9 - ga Hồ Hoàn Kiếm chưa được phê duyệt quy hoạch tổng mặt bằng.

Vướng vì đâu?

Nhận thức được tầm quan trọng của vị trí đặt ga đối với không gian, cảnh quan, giá trị lịch sử văn hóa của khu vực Hồ Hoàn Kiếm, UBND TP. Hà Nội đã chỉ đạo các đơn vị liên quan nghiên cứu quy hoạch ga C9 công phu, tỉ mỉ, kỹ lưỡng, hạn chế thấp nhất ảnh hưởng đối với di sản.

Qua quá trình nghiên cứu, hướng tuyến tại khu vực trung tâm TP của dự án được đề xuất là hướng tuyến đi qua khu vực gần trung tâm phố cổ, qua các tuyến phố Hàng Ngang, Hàng Đào, Đinh Tiên Hoàng, Hàng Bài, Phố Huế, Đại Cồ Việt. Hướng tuyến này phù hợp với chiến lược phát triển KT-XH của Thủ đô, phù hợp với quy hoạch vùng, quy hoạch chung, quy hoạch GTVT đã được duyệt.

 Cửa số 2 ga ngầm C9 bố trí trong đất Tổng công ty Điện lực Miền Bắc

Cửa số 2 ga ngầm C9 bố trí trong đất Tổng công ty Điện lực Miền Bắc

Về vị trí ga tại khu vực hồ Hoàn Kiếm, sau khi nghiên cứu, so sánh, đánh giá ưu nhược điểm về kỹ thuật, kinh tế, mức độ ảnh hưởng đối với di tích, khoảng cách giữa các ga C8 – C9 – C10 và ảnh hưởng trong công trình thi công tới các công trình, tòa nhà trong khu vực, cũng như tác động tới môi trường cảnh quan, dự án đề xuất bố trí ga C9 bên dưới đường Đinh Tiên Hoàng và vườn hoa Bờ Hồ, phía trước Tổng công ty Điện lực TP. Hà Nội.

Cụ thể, thân ga chính được bố trí ngầm dưới phố Đinh Tiên Hoàng, phía trước Tổng Công ty Điện lực TP. Hà Nội, cách Tháp Bút khoảng 36m, cách mép hồ khoảng 10m, có phần nằm trong khuôn viên vườn hoa bờ hồ Hoàn Kiếm, thuộc khu vực bảo vệ 2 của di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh hồ Hoàn Kiến, đền Ngọc Sơn.

Ga ngầm C9 sẽ có 4 cửa lên xuống. Cửa số 1 và cụm công trình phụ trợ (tháp thông gió, làm mát, thang máy cho người khuyết tật…) được bố trí trong khuôn viên Tổng công ty Điện lực TP. Hà Nội. Cửa số 2 bố trí trong đất Tổng công ty Điện lực Miền Bắc. Cửa số 3 đặt bên cạnh thân ga, trên vườn hoa bờ hồ Hoàn Kiếm. Cửa số 4 bố trí phía sau tượng đài Cảm tử quân, dưới phố Hàng Dầu.

Cửa số 3 ga ngầm C9 đặt bên cạnh thân ga, trên vườn hoa bờ hồ Hoàn Kiếm.

Cửa số 3 ga ngầm C9 đặt bên cạnh thân ga, trên vườn hoa bờ hồ Hoàn Kiếm.

Lý giải vì sao dự án đề xuất lựa chọn phương án trên, Trưởng ban QLDA Đường sắt đô thị Hà Nội Nguyễn Cao Minh cho biết, so với các phương án khác, phương án này có phần nằm trong khu vực bảo vệ 2 nhưng nằm ngoài và không xâm phạm khu vực bảo vệ 1 của di tích hồ Gươm, Tháp Bút; có đủ không gian bố trí các công trình phụ trợ; không phải GPMB dân cư, không ảnh hưởng tới các công trình lân cận; bảo đảm khoảng cách hợp lý đến các ga kết nối khác…

Tuy nhiên, phương án đề xuất trên cho đến nay vẫn gây nhiều tranh cãi.

Nhiều ý kiến chưa đồng thuận

Nhiều người lo ngại khi triển khai xây dựng lẫn vận hành, ga C9 sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới khu di tích quốc gia đặc biệt, nhất là các công trình Tháp Bút, đền Bà Kiệu, mực nước hồ Gươm…

Một số nhà khoa học thậm chí còn cho rằng hướng tuyến đường sắt đô thị số 2 theo phương án đề xuất là vi phạm Luật Di sản văn hoá, tiềm ẩn nguy cơ gây tác động xấu đối với di tích và không gian văn hoá trung tâm Thủ đô.

Cửa số 3 ga ngầm C9 đặt bên cạnh thân ga, trên vườn hoa bờ hồ Hoàn Kiếm.

Cửa số 4 ga ngầm C9 được bố trí phía sau tượng đài Cảm tử quân, dưới phố Hàng Dầu.

Mặc dù bày tỏ sự ủng hộ chủ trương xây dựng dự án để đáp ứng yêu cầu giao thông đô thị, tuy nhiên Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng cho rằng nhà ga được xây dựng cạnh hồ Hoàn Kiếm là khu vực trọng yếu, gắn với truyền thuyết, lịch sử, văn hiến của TP; là không gian có giá trị thẩm mỹ và cảnh quan nên cần có giải pháp hài hòa giữa bảo tồn và phát triển. Do vậy, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có văn bản gửi UBND TP. Hà Nội, yêu cầu TP chỉ đạo cơ quan tư vấn nghiên cứu thêm các phương án bố trí nhà ga, tịnh tiến thân ga ra ngoài khu vực khoanh vùng bảo vệ 2 (khu vực bao quanh vùng lõi) của di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh quốc gia hồ Hoàn Kiếm và đền Ngọc Sơn.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã yêu cầu TP. Hà Nội báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định vị trí ga ngầm C9 theo quy định về di sản văn hóa.

Tương tự, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cũng đã có văn bản gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Thủ tướng kiến nghị xem xét việc xây dựng đường sắt đô thị số 2 Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo.

Theo Ủy ban, ga ngầm C9 được đặt gần đền Ngọc Sơn, đền Bà Kiệu "không chỉ vi phạm Luật Di sản văn hóa mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ, ảnh hưởng không thể khắc phục đối với di sản, không gian văn hóa của trung tâm Thủ đô".

Những ý kiến khác nhau về vị trí ga C9, về sự tác động của ga đến di tích cũng chính là một trong những nguyên nhân khiến ga ngầm C9 đến nay chưa được phê duyệt quy hoạch tổng mặt bằng.

Mời quý độc giả đón xem Kỳ 2: "Ga ngầm C9 tác động như thế nào đến di tích?" trên Reatimes.vn.