19/01/2025 | 14:26 GMT+7, Hà Nội

Doanh nnghiệp có phương án đầu tư kinh doanh tốt thì sẽ có trái phiếu chất lượng

Cập nhật lúc: 21/05/2024, 10:09

Theo GS.TS. Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội, nhóm trái phiếu doanh nghiệp bất động sản vẫn luôn là một trong những nhóm sẽ có triển vọng phát triển sôi động.

Theo báo cáo của Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam, tính đến cuối tháng 4/2024, tổng giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp đạt 36.088 tỷ đồng, với 6 đợt phát hành ra công chúng và 30 đợt phát hành riêng lẻ. Riêng trong tháng 4/2024, có 12 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Từ đây, các chuyên gia cho rằng, thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang dần phục hồi khi đón nhận nhiều thông tin tích cực.

Tuy nhiên, điểm đáng lưu ý nhất lúc này là áp lực đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp vẫn rất lớn. Cụ thể, khối lượng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn năm 2024 và 2025 lần lượt là 254.900 tỷ đồng và 298.600 tỷ đồng, chủ yếu thuộc về hai nhóm ngành chính là ngân hàng và bất động sản. Tỷ lệ trái phiếu doanh nghiệp khó khăn trả nợ vẫn còn cao, hơn 66% trong số này thuộc về ngành bất động sản.

Xoay quanh câu chuyện về thị trường trái phiếu doanh nghiệp cũng như những áp lực đáo hạn trái phiếu đang "đè nặng" lên vai các doanh nghiệp, nhất là với lĩnh vực bất động sản, Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam (Reatimes) đã có cuộc trao đổi với GS.TS. Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam.

GS.TS. Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam.

PV: Dư nợ trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ vào cuối năm 2023 khoảng 1 triệu tỷ đồng, tương đương 9,9% quy mô GDP nền kinh tế, bằng 7,4% tổng dư nợ tín dụng của nền kinh tế. Ông đánh giá ra sao về con số này?

GS.TS. Hoàng Văn Cường: Tôi cho rằng, quy mô chiếm 9-10% GDP của nền kinh tế là một con số tương đối nhỏ vì hiện nay, các doanh nghiệp của Việt Nam đang rất cần huy động nguồn vốn rất lớn. Hiện nay, phần lớn các doanh nghiệp đang huy động vốn qua hệ thống ngân hàng trong khi vốn tín dụng có tính chất ngắn hạn, không phù hợp với nhu cầu vay vốn trung, dài hạn.

Thực tế, thị trường trái phiếu doanh nghiệp của nước ta đã có giai đoạn đạt đến 15-16% quy mô GDP nền kinh tế. Tuy nhiên, thị trường này đã có một thời gian tăng trưởng nóng, không có sự bền vững nên đã gặp những khủng hoảng và tụt xuống ở mức 10% trong nhiều năm qua. Mục tiêu của Chính phủ đặt ra là đến năm 2025 đạt 20% và năm 2030 đạt 25% song ở thời điểm hiện tại mới chỉ đạt được 10%. Rõ ràng đây là một quy mô nhỏ và chưa thể hiện rõ xu thế của tăng trưởng. Do đó, có thể dự đoán rằng thị trường trái phiếu còn cách rất xa mục tiêu phát triển đề ra đến năm 2030.

PV: Trong báo cáo gửi Ủy ban Kinh tế của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023, Bộ Tài chính cho biết, giai đoạn 2015 - 2023, có 330 doanh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước, với tổng giá trị phát hành 726.335 tỷ đồng, kỳ hạn phát hành bình quân đạt 3,69 năm, lãi suất phát hành bình quân đạt 10,15%/năm. Như vậy, trung bình mỗi năm, các doanh nghiệp bất động sản phát hành gần 100.000 tỷ đồng trái phiếu. Ngoài ra, giai đoạn 2015 - 2023, có 4 doanh nghiệp bất động sản đã phát hành trái phiếu riêng lẻ ra thị trường quốc tế với tổng khối lượng là 2,18 tỷ USD. Cũng theo Bộ Tài chính, dư nợ trái phiếu phát hành riêng lẻ của doanh nghiệp bất động sản tại thời điểm ngày 5/3/2024 là gần 351.000 tỷ đồng.

Vậy ông có đánh giá ra sao về số lượng và chất lượng phát hành trái phiếu của doanh nghiệp bất động sản giai đoạn vừa qua?

GS.TS. Hoàng Văn Cường: Doanh nghiệp bất động sản là một trong hai nhóm chiếm tỷ trọng cao nhất trong dư nợ của trái phiếu doanh nghiệp, cụ thể là bất động sản và ngân hàng. Hiện, nhóm doanh nghiệp bất động sản đang có một lợi thế là khi phát hành trái phiếu thì có bất động sản đi kèm và đây được coi là một dạng tài sản đảm bảo. Tài sản này có thể là một sản phẩm bất động sản hiện có hoặc có thể là bất động sản hình thành trong tương lai. Chính từ lợi thế này nên các doanh nghiệp bất động sản cũng được các nhà đầu tư trên thị trường dành sự tin tưởng lớn. Hơn nữa, bản chất các doanh nghiệp bất động sản luôn cần huy động một lượng vốn rất lớn, thậm chí là trong dài hạn. Do đó, các doanh nghiệp luôn muốn phát hành được nhiều nhất lượng trái phiếu. Khi cả cầu và cung trong lĩnh vực trái phiếu doanh nghiệp bất động sản gặp nhau, trái phiếu ở nhóm này sẽ chiếm tỷ trọng lớn.

Tuy nhiên, chất lượng doanh nghiệp và trái phiếu doanh nghiệp bất động sản luôn là một vấn đề rất lớn cần phải đánh giá kỹ càng. Bởi lẽ, về nguyên tắc, các tài sản đảm bảo là bất động sản phải là những tài sản đủ điều kiện tham gia vào thị trường giao dịch mà trong Luật Kinh doanh bất động sản quy định đã rất rõ. Ví dụ như tài sản bảo đảm là bất động sản hình thành trong tương lai thì những dự án này phải đủ điều kiện được phép giao dịch và khi đó mới được coi là một tài sản đảm bảo đúng pháp luật. Song trên thực tế, hầu hết các tài sản đảm bảo là bất động sản hình thành trong tương lai trên thị trường hiện nay lại chưa đủ điều kiện, và khi xảy ra rủi ro thì tài sản được coi là tài sản đảm bảo đó lại không thể thanh khoản được và không thể bù lại những rủi ro cho nhà đầu tư.

Bên cạnh đó, rất nhiều doanh nghiệp bất động sản khi phát hành trái phiếu lại chưa thể hiện rõ mục đích của việc phát hành trái phiếu và tiền phát hành trái phiếu đó sẽ được sử dụng vào mục đích gì. Nếu như số tiền đó được đưa vào đúng những dự án đầu tư như đã công bố thì rủi ro sẽ thấp hơn. Bởi khi một dự án được đầu tư, tạo ra sản phẩm thì sẽ tạo ra dòng tiền quay trở lại cho các nhà đầu tư. Nhưng có nhiều các doanh nghiệp bất động sản khi phát hành trái phiếu và có dòng tiền nhưng lại không dùng đúng mục đích, thậm chí dùng số tiền đó để đảo nợ, khoanh nợ…

Chính vì vậy, áp lực phải trả nợ khi đến hạn của các doanh nghiệp bất động sản thường là rất lớn.

PV: Điều này có nghĩa là chất lượng phát hành trái phiếu bất động sản chưa thực sự tốt?

GS.TS. Hoàng Văn Cường: Nói chất lượng phát hành của trái phiếu bất động sản trong năm qua chưa tốt nhưng không có nghĩa là tất cả chưa tốt. Bên cạnh những doanh nghiệp phát hành không đảm bảo đúng các điều kiện cam kết, công bố thì cũng vẫn có những doanh nghiệp thực hiện tốt, có các dự án nhiều triển vọng và họ thực sự cần huy động vốn để đầu tư cho các sản phẩm của mình. Với những doanh nghiệp đó thì có tính khả thi rất cao và họ có nguồn để có thể hoàn trả vốn cho các nhà đầu tư. Chính vì vậy, với những doanh nghiệp bất động sản tốt thì nhà đầu tư vẫn sẵn sàng để mua trái phiếu của những doanh nghiệp đó.

Hơn nữa, thị trường bất động sản đang có xu hướng tăng trưởng với những tín hiệu tích cực, như vậy nhà đầu tư vẫn có thể kỳ vọng và đặt niềm tin vào các doanh nghiệp bất động sản làm ăn chân chính. Và với những doanh nghiệp có dự án đầy đủ tính pháp lý thì nhà đầu tư không lo lắng quá lo lắng về những rủi ro trong tương lai.

Nhà đầu tư nếu quan tâm thị trường trái phiếu thì nên tìm hiểu rõ về lịch sử doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp bất động sản. Ảnh minh họa: Reatimes

PV: Điểm đáng lưu ý nhất lúc này là áp lực đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp vẫn rất lớn. Theo FiinRatings, khối lượng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn năm 2024 và 2025 lần lượt là 254.900 tỷ đồng và 298.600 tỷ đồng, chủ yếu ở 2 nhóm ngành chính là ngân hàng và bất động sản. Tỷ lệ trái phiếu doanh nghiệp khó khăn trả nợ vẫn còn cao, hơn 66% trong số này thuộc về ngành bất động sản.

Theo ông, thị trường bất động sản thời gian tới sẽ ra sao và có tác động như thế nào đến thị trường trái phiếu doanh nghiệp?

GS.TS. Hoàng Văn Cường: Thị trường bất động sản có phục hồi tốt và nhanh hay không thì phụ thuộc rất nhiều vào nền kinh tế. Hiện chúng ta đang kỳ vọng vào sự hồi phục của nền kinh tế sau thời gian dài trầm lắng. Tất nhiên, sự phục hồi chưa mạnh nên thị trường bất động sản cũng chưa thể phục hồi nhanh như kỳ vọng. Hơn nữa, thời gian qua giá của bất động sản rất cao nên nhịp phục hồi sẽ bổ sung cho những thiếu hụt của các phân khúc còn đang thiếu.

Đáng chú ý, hiện chúng ta cũng đã có những củng cố về mặt pháp lý khi 3 luật liên quan đến thị trường bất động sản sắp có hiệu lực thi hành sẽ giúp tạo nguồn cung mới và từ đây thị trường bất động sản phục hồi, phát triển nhanh hơn.

Rõ ràng là khi các doanh nghiệp bất động sản có các dự án đầu tư khả thi thì họ sẽ có những định hướng và có cơ sở về tài sản để đảm bảo cho các trái phiếu phát hành ra thị trường. Đương nhiên những trái phiếu đó sẽ được đưa ra thị trường một cách dễ dàng. Do đó, nhóm trái phiếu doanh nghiệp bất động sản vẫn luôn là một trong những nhóm sẽ có triển vọng phát triển sôi động.

PV: Chính phủ đặt mục tiêu nâng quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp đạt 20% GDP vào năm 2025 và 30% GDP vào năm 2030 từ mức 10% GDP như hiện nay. Đâu là giải pháp để đạt được mục tiêu này?

GS.TS. Hoàng Văn Cường: Mục tiêu mà Chính phủ đã đề ra có thể đạt được hay không phụ thuộc rất lớn vào sức khoẻ của các doanh nghiệp phát hành trái phiếu ra thị trường. Doanh nghiệp có sự phục hồi tốt, triển vọng tốt, có phương án đầu tư kinh doanh tốt thì cơ sở để đưa ra thị trường trái phiếu có chất lượng.

Thứ hai, về khung khổ pháp lý, cần phải quy định chặt chẽ hơn về điều kiện để phát hành trái phiếu, đặc biệt là phát hành trái phiếu riêng lẻ. Đồng thời, cần tạo những điều kiện tốt hơn cho doanh nghiệp tăng tỷ lệ phát hành trái phiếu doanh nghiệp ra công chúng. Nếu như có nhiều tỷ lệ phát hành trái phiếu ra công chúng thì mức độ an toàn của trái phiếu sẽ cao hơn.

Ở phía các doanh nghiệp cũng cần tăng mức độ minh bạch về thông tin, từ đó giúp tăng độ tin cậy cho chính trái phiếu của mình.

Thứ ba, cũng cần cùng cố niềm tin cho các nhà đầu tư, giúp họ yên tâm hơn đối với thị trường trái phiếu thông qua hệ thống thông tin đáng tin cậy. Nếu có được hệ thống thông tin rõ ràng minh bạch thì nhà đầu tư sẽ sẵn sàng đầu tư nhiều hơn vào thị trường trái phiếu chứ không chỉ tập trung tại kênh ngân hàng hay các kênh đầu tư khác. Quan trọng hơn là trong thời gian tới cũng cần đẩy mạnh việc xếp hạng tín nhiệm đối với các doanh nghiệp tham gia thị trường trái phiếu.

PV: Những dấu hiệu tích cực đã xuất hiện trên thị trường trái phiếu khi hoạt động phát hành bắt đầu sôi động trở lại. Nhà đầu tư cần lưu ý điều gì trong bối cảnh "vàng thau lẫn lộn", thưa ông?

GS.TS. Hoàng Văn Cường: Ở thời điểm hiện nay, các nhà đầu tư nếu quan tâm thị trường trái phiếu thì nên tìm hiểu rõ về lịch sử doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp bất động sản.

Các nhà đầu tư cần tìm hiểu để biết doanh nghiệp đó có uy tín, có đáng tin cậy và lịch sử đầu tư của họ có đảm bảo tất cả đều đúng thời hạn, đúng cam kết hay không. Đặc biệt cũng cần theo sát tình hình tài chính của các doanh nghiệp để có những bước đi đúng đắn nhất.

- Trân trọng cảm ơn ông!

Nguồn: https://reatimes.vn/doanh-nghiep-co-trien-vong-co-phuong-an-dau-tu-kinh-doanh-tot-thi-se-co-nhung-trai-phieu-chat-luong-202240519223935008.htm