20/01/2025 | 04:54 GMT+7, Hà Nội

Doanh nghiệp tìm hướng bứt phá

Cập nhật lúc: 22/05/2020, 16:49

Dịch Covid-19 được kiểm soát, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó của Chính phủ bước đầu phát huy tác dụng. Đây cũng là lúc, nhiều doanh nghiệp tận dụng cơ hội, tập trung đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh...

Dịch Covid-19 được kiểm soát, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó của Chính phủ bước đầu phát huy tác dụng. Đây cũng là lúc, nhiều doanh nghiệp tận dụng cơ hội, tập trung đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh và tìm hướng bứt phá trong giai đoạn tới.

Sản xuất hàng may mặc xuất khẩu tại Tổng công ty May 10. Ảnh: Nhật Nam

Duy trì hoạt động sản xuất...

Với hơn 2.100 lao động, nhờ những quyết sách linh hoạt, Công ty cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông vẫn giữ được đà tăng trưởng gần 10% so với cùng kỳ năm 2019. Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông Nguyễn Đoàn Kết chia sẻ, cùng với các chính sách hỗ trợ tài khóa, tiền tệ của Chính phủ, giải pháp cốt lõi để công ty duy trì sản xuất, kinh doanh là đẩy nhanh chuyển đổi số trong tất cả các khâu, nhằm tận dụng cơ hội, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm.

Tương tự, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Sunhouse Nguyễn Xuân Phú cho biết, đơn vị đã chủ động nguyên, phụ liệu đáp ứng 90% năng lực sản xuất của các dây chuyền sản phẩm gia dụng… “Hiện chúng tôi vẫn tập trung sản xuất chuẩn bị nguồn hàng khi thị trường nhộn nhịp trở lại, cũng như bảo đảm việc làm cho người lao động”, ông Nguyễn Xuân Phú thông tin.

Đại diện Công ty TNHH Sơn Kansai-Alphanam (số 47 Vũ Trọng Phụng, quận Thanh Xuân) cũng cho hay, kinh nghiệm giúp doanh nghiệp đứng vững là sự chủ động về vốn, công nghệ và thiết lập được quan hệ sản xuất - thương mại theo chuỗi giá trị. 80% hàng hóa được tiêu thụ trong nước, trong đó có những đơn hàng của các nhà đầu tư Nhật Bản tại Khu công nghiệp Thăng Long II.

Là một trong những ngành chịu ảnh hưởng lớn bởi dịch Covid-19, đại diện Tổng công ty May 10 - CTCT cũng thông tin, việc khơi thông thị trường trong nước là tín hiệu tích cực. Doanh nghiệp đã chuẩn bị sẵn nguồn hàng may mặc, nhịp độ sản xuất dần tăng trở lại.

... và thêm nhiều kế hoạch mới

Theo khảo sát thực trạng doanh nghiệp do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thực hiện đầu tháng 5 vừa qua, có 55% doanh nghiệp cho biết sẽ tiếp tục duy trì quy mô sản xuất hiện tại trong quý III-2020, khoảng 22% doanh nghiệp có kế hoạch mở rộng sản xuất, kinh doanh.

Đặc biệt, ngay sau hội nghị trực tuyến Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp cùng nỗ lực, vượt thách thức, đón thời cơ, phục hồi nền kinh tế, ngày 9-5 vừa qua, luồng không khí lao động sản xuất mới đã lan tỏa trong cộng đồng doanh nghiệp. Theo Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam Lê Tiến Trường, tập đoàn cùng các đơn vị thành viên đang tập trung đàm phán với các nhà cung cấp như Uniqlo, H&M, Zara, để chuyển nguồn cung nguyên phụ liệu về Việt Nam…; bắt đầu từ các đơn hàng đòi hỏi cao về chất lượng để tận dụng cơ hội từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA).

Còn Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Sunhouse, Nguyễn Xuân Phú chia sẻ: “Trọng tâm của chúng tôi hoàn thiện, phát triển các sản phẩm mới để tăng tỷ lệ nội địa hóa. Các nhà máy cơ khí, linh kiện, sản phẩm nhựa, vi mạch điện tử kết hợp thành chuỗi khép kín, có thể tự sản xuất toàn bộ các sản phẩm”.

Tập trung nghiên cứu sản phẩm đáp ứng thị trường trong nước, đồng thời liên kết với nhau để hình thành các chuỗi sản xuất - cung ứng và sẵn sàng đón cơ hội khi thị trường thế giới mở cửa trở lại là phương án mà nhiều doanh nghiệp lựa chọn. Theo khảo sát của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, khoảng 90% doanh nghiệp được hỏi cho biết sẵn sàng giúp đỡ các doanh nghiệp khác; hơn 50% doanh nghiệp giãn công nợ cho đối tác; gần 50% doanh nghiệp thực hiện giảm giá; gần 40% doanh nghiệp sẵn sàng chia sẻ khách hàng và gần 30% doanh nghiệp chia sẻ thị trường…

Nhấn mạnh về giải pháp khôi phục sản xuất, Tiến sĩ Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương cũng cho rằng, việc tăng cường liên kết giữa các doanh nghiệp trong nước và giữa doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp đầu tư nước ngoài vừa khắc phục sự đứt gãy của thị trường - điểm yếu đã bộc lộ trong giai đoạn dịch bệnh vừa qua, vừa tăng cường sức mạnh ứng phó với rủi ro của cộng đồng doanh nghiệp. Đây cũng là phương thức để doanh nghiệp đón cơ hội, nhanh chóng tham gia vào chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu.

Ở góc độ quản lý trên địa bàn Hà Nội, lãnh đạo thành phố đã trực tiếp gặp gỡ 100 doanh nghiệp đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp Thủ đô để lắng nghe kiến nghị và giải quyết khó khăn. Thành phố Hà Nội cam kết triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội trên tinh thần quyết liệt như phòng, chống dịch bệnh. Trên cơ sở đó, thành phố tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp khởi sự kinh doanh, mặt bằng sản xuất, ứng dụng khoa học công nghệ…

Các bộ, ngành cũng triển khai hàng loạt giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp thực chất và hiệu quả như cam kết đưa ra tại hội nghị trực tuyến Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp. Cùng với nỗ lực tự thân, cộng đồng doanh nghiệp đang chủ động tận dụng cơ hội, đẩy mạnh sản xuất, lấy lại phong độ và sẵn sàng bứt phá trong thời gian tới.