19/01/2025 | 23:55 GMT+7, Hà Nội

Doanh nghiệp phải vào cuộc trong chống gian lận xuất xứ hàng hóa

Cập nhật lúc: 24/08/2019, 21:20

Vấn đề ngăn chặn gian lận xuất xứ đang trở thành vấn đề cấp thiết, đòi hỏi sự vào cuộc của cả các cơ quan chức năng và doanh nghiệp.

Trong bối cảnh bảo hộ tiếp tục có xu hướng gia tăng tại nhiều nước trên thế giới đặc biệt là cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung diễn biến phức tạp, vấn đề ngăn chặn gian lận xuất xứ đang trở thành vấn đề cấp thiết, đòi hỏi sự vào cuộc của cả các cơ quan chức năng và doanh nghiệp.
Tăng cường biện pháp kiểm tra xuất xứ đối với hoạt động sản xuất kinh doanh gỗ dán của các doanh nghiệp. (Ảnh minh họa)
Tăng cường biện pháp kiểm tra xuất xứ đối với hoạt động sản xuất kinh doanh gỗ dán của các doanh nghiệp. (Ảnh minh họa)

Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), để ngăn chặn các hành vi gian lận thương mại về xuất xứ, lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, Cục Xuất nhập khẩu đã làm việc, trao đổi và đề nghị các Hiệp hội ngành hàng, các doanh nghiệp tăng cường phối hợp, triển khai một số công tác.   

Cụ thể, theo dõi sát thị trường để có thể kịp thời, chủ động có phương án phối hợp ứng phó kịp thời, giảm thiểu tối đa những nguy cơ, tác động tiêu cực đối với các ngành hàng trong bối cảnh nêu trên.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khuyến cáo để các doanh nghiệp: Cần tỉnh táo, thận trọng trong hợp tác làm ăn, đón nhận những dòng đầu tư từ nước ngoài, hướng tới làm ăn bài bản, chân chính, tránh cách làm ăn chụp giật, chạy theo những lợi ích trước mắt, tiếp tay cho các hành vi lợi dụng, núp bóng, gian lận thương mại, gây ảnh hưởng đến uy tín, thậm chí thiệt hại đến các ngành sản xuất trong nước. Nghiên cứu kỹ và thực hiện đúng các quy định về xuất xứ hàng hóa; chú trọng đào tạo cán bộ nghiệp vụ chuyên phụ trách hoạt động về giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) để các cán bộ trong doanh nghiệp mình biết cách kê khai và biết được thủ tục xin cấp C/O.

Đồng thời, đầu tư kinh phí thích đáng cho việc nghiên cứu cơ cấu mặt hàng xuất khẩu, nghiên cứu các yêu cầu và tiêu chuẩn xuất xứ của từng khu vực thị trường cụ thể, nắm bắt rõ các thông tin về các mặt hàng và các thị trường được hưởng thuế ưu đãi.

Thúc đẩy mở rộng mối quan hệ kinh doanh, thương mại với các đối tác thuộc các nước cho hưởng ưu đãi cho phép sử dụng tiêu chuẩn xuất xứ nước bảo trợ hoặc với các nước được hưởng ưu đãi khác trong cùng khối kinh tế ASEAN để tăng hàm lượng nội địa khu vực được các nước cho hưởng ưu đãi áp dụng theo tiêu chuẩn xuất xứ cộng gộp.

Trong quá trình triển khai thực hiện, khi phát hiện ra các vấn đề đáng lưu ý, đề nghị các Sở Công Thương địa phương, Hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp khẩn trương, chủ động trao đổi với Cục Xuất nhập khẩu để cùng thống nhất phương án xử lý, tránh gây tác động bất lợi đến ngành hàng.

Theo ông Lê Triệu Dũng - Cục trưởng Cục phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương), mặc dù các đơn vị chức năng đã nỗ lực trong hoạt động cảnh báo hành vi lẩn tránh, siết chặt quản lý, giám sát và thẩm tra, song nguy cơ lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ có xu hướng gia tăng. Trong khi đó, việc thẩm tra, xác minh hành vi gian lận lại rất phức tạp, chỉ riêng việc kiểm tra hồ sơ cấp C/O nếu không đi thẩm tra chi phí chi tiết thì rất khó phát hiện các hành vi vi phạm.

Chính vì vậy, trong bối cảnh bảo hộ tiếp tục có xu hướng gia tăng tại nhiều nước trên thế giới đặc biệt là cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung diễn biến phức tạp, vấn đề ngăn chặn gian lận xuất xứ đang trở thành vấn đề cấp thiết, đòi hỏi sự vào cuộc của cả các cơ quan chức năng và doanh nghiệp.

Nguồn: https://congluan.vn/doanh-nghiep-phai-vao-cuoc-trong-chong-gian-lan-xuat-xu-hang-hoa-post66944.html