19/01/2025 | 23:53 GMT+7, Hà Nội

Doanh nghiệp Việt phải xây dựng nhãn hiệu sản phẩm riêng mới đủ sức cạnh tranh toàn cầu

Cập nhật lúc: 15/08/2019, 15:20

Việt Nam không có lợi thế về sản xuất công nghiệp bởi nền công nghiệp còn manh mún, quy mô nhỏ và thiếu nền tảng công nghiệp chế tạo, hỗ trợ.

Vì thế, DN Việt Nam cần tạo ra nhãn hiệu sản phẩm riêng theo hướng thiết kế và tổ chức chuỗi giá trị sản xuất tối ưu trên phạm vi toàn cầu.

lựa chọn tốt nhất của DN Việt Nam là tạo ra nhãn hiệu sản phẩm riêng theo hướng thiết kế và tổ chức chuỗi giá trị sản xuất tối ưu trên phạm vi toàn cầu. (Ảnh minh họa)

Lựa chọn tốt nhất của DN Việt Nam là tạo ra nhãn hiệu sản phẩm riêng theo hướng thiết kế và tổ chức chuỗi giá trị sản xuất tối ưu trên phạm vi toàn cầu. (Ảnh minh họa)

Hiện nay, rất nhiều sản phẩm mang thương hiệu của công ty mẹ, nhưng toàn bộ quá trình nghiên cứu, thiết kế, sản xuất linh kiện, chi tiết, lắp ráp được sản xuất bởi các công ty con, chi nhánh và đối tác ở nhiều nước trên thế giới. Cách tổ chức sản xuất này đã phổ biến từ lâu đối với hầu hết nhiều sản phẩm công nghiệp.

Việc tạo ra và sở hữu một nhãn hiệu thành công là rất khó, nên có những DN chỉ tham gia vài công đoạn trong chuỗi sản xuất với các khâu cụ thể như cung ứng nguyên liệu, phụ liệu, sản xuất linh kiện, chi tiết, vận tải, phân phối….

Ngay như các tập đoàn đa quốc gia, họ cũng tổ chức sản xuất theo xu hướng tối ưu hóa chuỗi giá trị trên phạm vi toàn cầu. Mỗi quốc gia có lợi thế nhất định, nên phù hợp với vài công đoạn sản xuất của một sản phẩm, như chuỗi giá trị của ngành may, các nhãn hiệu thời trang nổi tiếng hàng trăm năm ở Mỹ và châu Âu chủ yếu sản xuất, gia công ở các nước châu Á (trong đó có Việt Nam).

Thời gian qua, Việt Nam tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới với các cam kết về cắt giảm thuế, điều kiện xuất xứ, lao động, môi trường, thể chế… thúc đẩy hàng hóa, lao động, dòng vốn và DN tự do di chuyển vào ra.

Trong khi đó, Việt Nam không có lợi thế về sản xuất công nghiệp bởi nền công nghiệp còn manh mún, quy mô nhỏ và thiếu nền tảng công nghiệp chế tạo, công nghiệp hỗ trợ nên chi phí sản xuất cao và chất lượng còn nhiều hạn chế.

DN Việt Nam chủ yếu sản xuất được các chi tiết, linh kiện với công nghệ đơn giản, chưa sản xuất được các sản phẩm trung gian đòi hỏi công nghệ cao hoặc sản xuất được thì chi phí cao, nên không thể cạnh tranh được với DN sản xuất tại nhiều nước khác trên thế giới.

Vì thế, lựa chọn tốt nhất của DN Việt Nam là tạo ra nhãn hiệu sản phẩm riêng theo hướng thiết kế và tổ chức chuỗi giá trị sản xuất tối ưu trên phạm vi toàn cầu. Theo đó, DN sản xuất đầu cuối đảm nhận công tác nghiên cứu thị trường, định hướng ý tưởng sản phẩm và phương thức phân phối.

Trên cơ sở ý tưởng sản phẩm, DN phân chia thành những công đoạn và đặt hàng cụ thể cho từng công đoạn thiết kế, triển khai sản phẩm, nguồn nguyên liệu, sản xuất sản phẩm trung gian, lắp ráp hoàn chỉnh, phân phối… Việc lựa chọn đối tác đặt hàng, tất nhiên phải theo nguyên tắc chi phí thấp và chất lượng phân bố trên phạm vi toàn cầu.

Việc lựa chọn nơi sản xuất sản phẩm trung gian và rắp ráp không chỉ cân nhắc đến các yếu tố cung ứng và chi phí sản xuất, mà còn phụ thuộc vào các điều kiện về thuế, tiêu chuẩn xuất - nhập khẩu và phân phối hàng hóa.

Theo đó, quốc gia nào có chính sách ưu đãi thuế nhập khẩu sản phẩm đầu cuối, miễn thuế nhập linh kiện thì sẽ thu hút nhiều DN FDI sản xuất sản phẩm trung gian để lắp ráp. Quốc gia nào tham gia ký kết nhiều FTA sẽ thu hút được nhiều DN FDI sản xuất và lắp ráp, vì thuận lợi về dịch chuyển lao động, hưởng các ưu đãi về thuế khi xuất hàng đi nhiều thị trường trên toàn cầu.

DN phải chịu trách nhiệm cuối cùng với khách hàng về sản phẩm mang nhãn hiệu của mình nên cần làm tốt công tác kiểm soát chất lượng. DN cần nắm bắt và áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng, hệ thống quản lý môi trường, trách nhiệm xã hội và các quy chuẩn quốc tế liên quan đến lĩnh vực sản xuất của mình.

Áp dụng các hệ thống này, không chỉ hướng đến chất lượng mà còn là cách phát tín hiệu về chất lượng sản phẩm và trách nhiệm của DN với khách hàng. Đồng thời, cũng là điều kiện cần khi xuất khẩu hàng hóa trên phạm vi toàn cầu theo cam kết của các FTA thế hệ mới.

Nguồn: https://congluan.vn/doanh-nghiep-viet-phai-xay-dung-nhan-hieu-san-pham-rieng-moi-du-suc-canh-tranh-toan-cau-post66510.html